Tôi có may mắn được dự Hội nghị Pa-ri về Việt Nam từ ngày đầu cho đến ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết (1969-1973). Sau đó lại tiếp tục dự Hội nghị hai bên Miền Nam Việt Nam (MNVN) để bàn về công việc nội bộ của MNVN. Rồi đến Đại thắng mùa Xuân 1975.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định hòa bình Pa-ri 27-1-1973. Ảnh: TL

 

Suốt thời gian gần sáu năm rưỡi ấy, ở Pa-ri, biết bao sự kiện chính trị lớn, nhỏ đã diễn ra. Biết bao cuộc tiếp xúc của chúng tôi với bà con Việt kiều, với bạn bè Pháp và quốc tế. Có những câu chuyện hoàn toàn “chính sự” nhưng lại dính đến tình huống thơ trong Truyện Kiều. Có ba lần tôi còn nhớ mãi.

 

Lần thứ nhất: “Tình trong như đã”

 

Đó là vào tháng 10-1972. Tôi và một đồng chí khác được cử sang Anh đến dự một cuộc mít-tinh lớn ủng hộ Việt Nam tổ chức tại thành phố Birmingham.

 

Tối 8-10, chúng tôi đáp xuống sân bay Luân Đôn hơi muộn. Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Sao, đại diện Báo Cứu Quốc tại Luân Đôn, đã ra tận sân bay đón và đưa chúng tôi về nghỉ tại trụ sở của mình. Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa thăm thành phố, quảng trường Trafalgar và vài địa danh khác, nhìn được cả khách sạn Carlton, nơi xưa kia, có lần Bác Hồ đã từng là người phục vụ. Sau đó chúng tôi đáp tàu lửa đi Birmingham, khoảng hơn 12 giờ trưa đến nơi. Ngay tại sân ga, có báo chí và truyền hình địa phương chụp ảnh, phỏng vấn, đưa tin. Tối hôm đó, dự mít-tinh. Phong trào ủng hộ Việt Nam ở Anh không mạnh như ở Pháp hay Italia, song cố gắng của bạn là rất lớn. Bạn mời không chỉ đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời mà còn mời cả “lực lượng thứ ba”. Lực lượng thứ ba được hiểu là lực lượng đứng giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời (CPCMLT) và chính quyền Sài Gòn. Trong đó có một bộ phận không tán thành chính quyền Sài Gòn, nhưng còn e ngại “Việt Cộng” là cộng sản. Một bộ phận khác, tích cực hơn, tham gia các hoạt động chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhưng vì nhiều lý do còn giữ khoảng cách nhất định đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời. Người đại diện cho “lực lượng thứ ba” được mời đến dự cuộc mít-tinh ở Birmingham là tiến sĩ thần học Mạn Đà La, thuộc nhóm Phật giáo ở Pa-ri. Là khách chính của cuộc mít-tinh, chúng tôi phát biểu ý kiến và trả lời các câu hỏi của người dự liên quan đến cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và tình hình Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Ở đó, dưới góc nhìn của mình, đoàn ni sư Mạn Đà La cũng bày tỏ sự thân tình và kính trọng đối với đoàn chúng tôi, đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Gần như đó là hai bè của một bản hợp tấu mà giọng chính vẫn là của CPCMLT. Tuy còn giữ một khoảng cách nhất định trước công chúng nhưng sau đó, gặp riêng chúng tôi, bà nói: Giữa chúng tôi (Phật giáo) và các anh (CPCMLT) thì “tình trong như đã” (Câu Kiều: “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e).

 

Bà nói thật lòng. Thái độ của “lực lượng thứ ba” đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng và CPCMLT luôn chuyển động theo chiều tiến lên, tùy thuộc rất nhiều vào thắng lợi của ta trên chiến trường và tại bàn đàm phán.

 

Lần thứ hai: “Dằn lòng chờ đợi ít lâu”

 

Đó là vào cuối tháng 12-1972. Đây là thời đoạn Mỹ lật lọng, đòi thay đổi hầu hết những điều cơ bản trong “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” mà hai bên VNDCCH và Hoa Kỳ đã thỏa thuận từ ngày 20-10-1972.

 

Hồi đó, một đợt đàm phán mật giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thủy với Kít-xinh-giơ, kéo dài suốt một tuần hết sức căng thẳng mà không đi đến ngã ngũ. Nhân ngày nghỉ, ngày 27-11- 1972, các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy cùng sang thăm Đoàn CPCMLT tại trụ sở của Đoàn ở Ve-ri-e Lơ Buýt-xông. Báo chí Pa-ri, những kẻ giỏi săn lùng tin tức, vội đưa tin rằng đó là “cuộc hội kiến” giữa hai đoàn Việt Nam nhằm thống nhất kế hoạch đấu tranh cho một Hiệp định cuối cùng. Thật ra, trong cuộc gặp mặt đó, hai nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đã thông báo về diễn biến của cuộc đàm phán mật và cùng Đoàn miền nam bàn về chiến thuật đấu tranh trên diễn đàn công khai. Anh Sáu Lê Đức Thọ đã kết thúc buổi gặp mặt bằng một câu Kiều hàm ý nhắc nhủ:

 

Dằn lòng chờ đợi ít lâu

Chầy ra thì cũng năm sau vội gì!

 

Hai tháng sau, tháng 1-1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký kết chính thức. Một chị trong đoàn miền nam nhắc lại câu đó và bảo rằng anh Sáu tài thật, biết là mình dù có phải đánh đến “trầy da, tróc vẩy” thì vẫn cứ thắng và thắng lợi đã đến gần. Do sự hiểu lầm về cách phát âm, chữ “chầy ra” thành chữ “trầy da”. Mọi người cười vui. Tôi liền dẫn thêm một câu Kiều nữa:

 

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia

Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai 

(chữ “ra” thành chữ “da”)

 

Và bình rằng, chính Kiều đã bật đèn xanh cho Kim Trọng làm đủ mọi thứ, miễn là chỉ ngoài da!

 

Lần thứ ba: “Đến bây giờ mới thấy đây”

 

Đó là ngày 30-4-1975, ngày cả dân tộc ta đã làm nên một Đại thắng Mùa Xuân lịch sử.

 

Mấy ngày trước đó, trên truyền hình Pa-ri, hình ảnh về các cuộc tiến công của ta thường xuyên được đưa lên. Đêm 29-4, chúng tôi nhìn thấy cả một số cánh quân của ta tiến về Sài Gòn. Cũng đêm đó, khoảng ba giờ sáng, giờ Pa-ri, tức chín giờ Hà Nội ngày 30-4, một cú điện thoại từ một hãng thông tấn gọi đến hỏi: “Có phải các ông đã giải phóng Sài Gòn rồi không?”. Chữ đã buộc chúng tôi phải cân nhắc: Xác nhận hay không xác nhận? Nói đã có nghĩa là việc giải phóng đã xong rồi. Mà chúng tôi nào có trực tiếp nhận được tin từ chiến trường. Nói đã mà chưa xong thì bất ổn. Nói chưa càng bất ổn hơn. Và chúng tôi đã trả lời: “Việc giải phóng Sài Gòn đang diễn ra và đại quân chúng tôi đang tiến lên giải phóng toàn bộ miền nam”. Hơn hai giờ sau, khoảng năm giờ sáng, giờ Pa-ri, lúc đó trời còn tối, lại một câu hỏi khác được chuyển đến: “Chính phủ Dương Văn Minh đã đầu hàng. Vậy chủ trương của CPCMLT đối với miền nam Việt Nam là gì?”.

 

Trời ! Trong chúng tôi, tất cả anh chị em trong đoàn có mặt lúc ấy, đã bùng lên một cảm xúc vô cùng khó tả. Cái ngày cả dân tộc ta chờ đợi suốt 20 năm qua đã đến rồi!

 

Suốt ngày 30-4 và mấy ngày sau đó, một không khí hội bao trùm tại ba cơ quan của Việt Nam ở Pa-ri: Đoàn đàm phán chúng tôi, đại sứ quán VNDCCH và Phòng Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Chúng tôi liên tục nhận được những lời chúc mừng qua điện thoại từ trong Pa-ri, trong nước Pháp và cả từ nhiều thành phố khác, nước khác. Chúng tôi không dứt đón tiếp rất nhiều đoàn người, cá nhân và tập thể mang hoa đến chúc tụng tại chỗ. Ai cũng muốn chia sẻ niềm vui với chúng ta về ngày chiến thắng vĩ đại. Đặc biệt cảm động là bà con Việt kiều, đã từng gắn bó với hai Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Pa-ri và trong suốt chiều dài cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc. Có những người ôm hôn chúng tôi mà nước mắt cứ chảy tràn:

 

Đến bây giờ mới thấy đây

Mà lòng đã chắc những ngày một hai!