Nằm trước nhà Tư Văn trong khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du có một tấm bia đá cổ, niên hiệu Hoằng Định (1601-1609). Người dân thường gọi là bia giải hạn hay bia Trường Ninh.

 

Bia đá Trường Ninh


Sách “Nghi Xuân địa chí” của Đông hồ Lê Văn Diễn, do Võ Hồng Huy và Trần Sỹ Tịnh dich từ văn bản chữ Hán, in năm 2001 viết : Nơi đây xưa vốn là một vùng đất hoang, mỗi một lần trẻ em chăn trâu trong vùng vui đùa đắp lên đó một mô đất làm nơi thờ cúng, trời đang nắng to, nổi gió lớn rồi đổ mưa. Từ đó vào những vụ gieo hạt, cấy cày, hạn hán kéo dài không đủ nước cho mùa màng, nhân dân trong vùng theo lễ lại ra mô đất đó thắp hương cầu xin, trời lại đổ mưa tưới mát cho ruộng đồng cây cối. Thấy được việc, nhân dân lập miếu “Phong Vũ” gọi đó là vùng đất thiêng.


Tương truyền trước thế kỷ thứ XVI cả làng Tiên Điền xưa, đàn ông bước sang tuổi 53 ai cũng gặp điều không lành, cái tuổi định mênh “49 chưa qua, 53 đã tới” trở thành nổi ám ảnh nghiệt ngã, khiến mọi người dân trong vùng lo sợ. Nhưng đến thời Lê Kinh Tông, niên hiệu Hoàng Định (1601 -1609) trong làng có 5 người đàn ông bước sang tuổi đó, sức khoẻ đang tràn trề, làm ăn phát đạt, gia đình vợ con hạnh phúc. Nuối tiếc cuộc đời, 5 người tìm mọi cách thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã ấy, bàn nhau bán hết trâu bò, ruộng vườn, ra miếu Phong Vũ đặt lễ tế thần. Vào năm đó 5 người đều thoát khỏi hạn, sống lâu dài sum vầy với cháu con. Từ đó về sau dân làng cứ theo lễ, hễ ai đến tuổi hạn, bỏ tiền cúng tế đều an bình, sống lâu dài, tai qua nạn khỏi. Những người vượt qua hạn định mệnh, đều phải làm lễ tạ linh đình, mời cả làng đến dự. Miếu nổi tiếng thiêng, hàng năm tiền nong cúng tế nhiều, dân làng bàn nhau sử dụng số tiền đó mở rộng miếu thành chùa và đặt bia đá nói rõ việc xây chùa và ghi lời tế xin vượt gềnh, vượt hạn, khoẻ mạnh, sống trường thọ sum vầy cùng con cháu. Do vậy sau này chùa và bia đá được gọi là Trường Ninh (Trường thọ).


Nguyên xưa, ngôi chùa có 3 gian bằng gỗ, lợp tranh, cả vùng đất cạnh chùa được trồng cây xanh phủ kín. Vào dịp lễ tết người vào kẻ ra tấp nập, do vậy dân làng đặt ra lệ: từ tháng 12 năm trước, đến rằm tháng giêng năm sau, mỗi thôn được chia lượt một ngày lễ chùa. Hàng năm, theo sổ đinh của làng, đàn ông ai đến tuổi 53 dẫu đi làm ăn ở đâu xa, đều về làm lễ tại chùa.


Năm 1791 Nguyễn Quýnh (anh trai Nguyễn Du) chống lại nghĩa quân Tây Sơn, nhiều di tích ở làng Tiên Điền bị triệt hạ, chùa cũng bị bị đốt cháy. Sau này, Nguyễn Nể (anh trai Nguyễn Du) cùng với lý trưởng Lê Thai và nhân dân làng Tiên Điền phục dựng lại.


Trong thời kỳ những năm 50, do nhiều yếu tố ngôi chùa bị phá hủy, một số tượng pháp được hợp tự tại một số chùa trên địa bàn Nghi Xuân. Chùa Trường Ninh chỉ còn lại tấm bia đá và ngày nay sự hiện hữu của nó luôn khơi dậy trong tiềm thức của người dân về phong tục tín ngưỡng, về nét đẹp văn hóa của cộng đồng làng xã trước đây đã được Nguyễn Hành (cháu của Đại thi hào Nguyễn Du) ca ngợi như sau:


Tục lệ tương truyền tự cổ nhiên
Trường Ninh biệt điểm nhất hồ thiên.
Nghĩa là:   Chùa thiêng, tục lệ lâu đời
Nét riêng riêng một bầu trời Trường Ninh.