Bia Tích thiện gia tại đền thờ Nguyễn Trọng


Đền thờ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng (Chú Đại thi hào Nguyễn Du) được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII, là di tích quan trọng trong quần thể khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị trong đó có bia Tích thiện gia - đó là những lời gia huấn được khắc ghi trên những “trang sách đá” của tổ tiên truyền lại cho hậu thế.

 

Bia Tích thiện gia


Bia Tích thiện gia có kích thước 1,71m x 0,75m x 0,13m, khắc chữ hai mặt, được làm từ đá Lục Vân thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khi Nguyễn Trọng được cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tham đốc. Mặt trước và sau trán bia khắc nổi chủ đề Lưỡng long chầu nhật, hoa văn dây leo. Nội dung văn bia do Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du) soạn năm 1765 khi ông đang giữ chức Binh bộ thị lang, đó là những lời gia huấn của tổ tiên để lại đối với con cháu trong gia tộc về đạo lý làm người, giữ gìn gia phong, tu dưỡng đạo đức, dốc sức làm việc thiện, làm gương cho hậu thế.


Nội dung văn bia Tích thiện gia


Đức là điều đáng quý trong đời, quyển sách là ruộng tốt.

Từ xưa, tổ tiên ta đã để lại cho con cháu một gia sản tinh thần mà chúng ta cần bảo vệ.

Các vị Hoàng đế đã ban cho ta nhiều ân điển.

Hãy bắt chước các đấng tiên liệt trong họ là người đã tôn phù quân vương với những lời khuyên can sáng suốt.

Hãy giữ gìn đừng mắc vào thói xấu.

Những bề tôi giỏi dều được người đời ngợi khen.

Muốn được như những người ấy các con hãy ra sức học tập.

Từ nghìn xưa phú quý không thể trường tồn ở trên đời.

Chỉ công đức mới lưu truyền trong sử sách.

Đừng để cho mình phải hổ thẹn với bóng mình trong chăn (đừng để cho sự hối hận phá rối giấc ngủ)

Hãy giữ cho tấm lòng luôn trong sạch để được tiếng như các bậc thánh hiền thuở xưa.

Hãy tưởng nhớ đến các bậc ấy trong giấc ngủ.

Nếu các con không thể học hết sách thánh hiền thì ít nhất cũng hiểu sâu được tinh hoa của Tứ thư và Ngũ kinh (hay Tứ truyện).

Nếu các con không biết sống như lời dạy trong các sách đó thì có đọc vạn quyển cũng vô ích.

Các con hãy nhớ rằng thời giờ trôi rất nhanh và kẻ nào bỏ phí thời giờ sẽ phải đau khổ.

Hãy nhớ rằng những người lúc trẻ bo bo theo lối cổ hũ rồi sẽ trở thành những đứa vô lại: nếu các con biết dùng: “ba khoảng thời gian còn lại” cho sự học, các con sẽ hiểu thấu tất cả những sách “Bốn loại của Quốc gia thư khố”.

Các con sẽ hơn người trong các Hội tao đàn cũng như các cuộc thi tài.

Hãy làm cho hòn ngọc tài đức của mình trở thành chói lọi và vô giá, đừng có giấu ở trong gương kính mà phải để cho tất cả mọi người đều được hưởng ánh sáng của nó.

Gặp cơ hội chăng? Thì cứ việc mạnh dạn quất ngựa đi giữ nước phò vua, lúc đấy các con sẽ như rồng uốn mình băng qua trời xanh.
Và các con sẽ nhớ danh thơm bay khắp khiến cho đời kính mộ và được soi sáng bởi ánh hào quang của Cửu trùng.

Các con phải chịu khó nhọc để tìm hiểu vạn vật trong trời đất và nhận lấy trách nhiệm bảo tồn những thuần phong mỹ tục đáng tôn kính.

Hãy thanh liêm như nước mùa thu có thể nhìn thấu tận đáy.

Hãy công bằng như như vầng nguyệt soi sáng tất cả không tư vị một ai.

Họ ta xưa nay vẫn nổi tiếng vì thịnh đức và đã có nhiều ân huệ với dân.

Công trạng của họ ta bao la không kể xiết. Đến lượt mình các con hãy làm việc nghĩa và như thế ở bất kỳ chỗ nào được gọi ra là phò dân cứu nước, các con sẽ làm cho đời thái bình.

Luôn giữ trong mình điều nhân nghĩa.

Chú ý tránh ức hiếp những kẻ thuộc lại của mình, đừng làm phiền bề trên không phải lúc.

Hãy lo lắng đếm ngày không làm được điều hay như ý muốn.

Vì hạnh phúc của mình, hãy giữ cho lương tâm luôn trong sạch.

Như thế, các con sẽ truyền lại cho đời sau hạnh phúc không chút vẩn đục.

Và các con sẽ là những người kế tiếp xứng đáng của tổ tiên.

Nếu mình rất quý trọng người nào, là mình phải gắng sức noi theo người ấy.

Phép xử thế là chú ý đến lời nói việc làm như thể mình đang đi trên miệng hố.

Sau khi đọc xong bài văn bia này và hiểu thấu ý tứ của người viết, hãy kiên quyết thực hiện những lời dạy và đừng để cho nó trôi theo tháng ngày một cách vô ích.

Tháng mười năm thứ hai mươi sáu niên hiệu Cảnh hưng (1765)

Nguyễn Trọng

Nghi Lĩnh hầu.

Những lời gia huấn của tổ tiên trên những “trang sách đá” là hành trang để con cháu họ Nguyễn rèn đức luyện tài, dùi mài kinh sử tiếp bước vào đời, đem những tài năng của mình cống hiến cho quê hương, đất nước. Theo thời gian, các thế hệ con cháu họ Nguyễn - Tiên Điền đã không ngừng gìn giữ, phát huy và hình thành nên bản sắc riêng, khẳng định một thế đứng vững chắc của gia tộc họ Nguyễn - Tiên Điền với các tộc họ ở nước ta.