Họ Nguyễn - Tiên Điền là một trong những dòng họ “trâm anh thế phiệt”, với những nhà chính trị, quân sự mẫn cán như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều...những nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Du, Nguyễn Hành...của nước ta ở thế kỷ 18. Do chính biến của lịch sử “Danh gia vọng tộc” Nguyễn - Tiên Điền có sự lưu tán. Quá trình khảo cứu dòng họ Nguyễn gốc Tiên Điền cho thấy: hiện nay chi phái Nguyễn Khản đang sinh sống và làm việc trên đất tổ (Phú Thọ).

 


Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền (do cụ Lê Thước dịch) chép: Nguyễn Khản huý là Khản, tự Hy Trực. Ông sinh vào giờ Tỵ ngày 13 tháng 3 năm Giáp Dần (1734), là con trưởng của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm với bà chính thất Đặng Thị Dương. Nguyễn Khản là anh trai cùng cha khác mẹ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Năm Đinh Sửu (1757), Nguyễn Khản thi Hội trúng Tam trường. Năm Canh Thìn (1760), ông thi Hội đỗ Tiến sĩ. Kể từ đó con đường công danh của ông ngày một thăng tiến. Năm 1767, khi Trịnh Sâm lên ngôi, vì là người có công dạy chúa khi còn là thế tử nên ông được thăng Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1768, ông làm Tri Bộ Phiên ở phủ Chúa Trịnh kiêm quân Nghiêm Hữu đội (quan võ). Năm 1778, được gia thăng Tả thị lang bộ Hình và làm Hiệp trấn xứ Sơn Tây sau đổi sang võ chức Tả hiệu điểm (chính nhị phẩm) đổi tước là Hồng Lĩnh hầu làm trấn thủ Sơn Tây - Hưng Hóa kiêm chức Thống lĩnh các đạo quân dẹp loạn vùng biên ải. Năm 1783, được thăng nhập thị Tham tụng (Tể tướng).


Năm 1784, kiêu binh nổi loạn. Sự kiện này, sách Việt sử tân biên ghi: nạn kiêu binh là một trong những nguyên nhân khiến cơ nghiệp Lê - Trịnh ở Việt Nam mau đổ nát. Nạn kiêu binh hay loạn kiêu binh là tên dùng để chỉ sự việc loạn lạc thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, do những quân lính gốc ở Thanh - Nghệ, cậy mình có công, đã sinh thói kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra và làm trong và ngoài triều chính thời đó hết sức điêu đứng, khổ sở. Việt sử tân biên (quyển 3), giải thích: Buổi ấy, nhà Lê dấy lên từ Thanh Hóa, trong lúc này nhà Mạc hãy còn làm chủ miền Bắc, kể từ trấn Sơn Nam trở ra. Nhà Lê muốn khôi phục, tất nhiên phải tuyển lính ở ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Sau này, nhà Lê đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì quân ở ba phủ trên (tục gọi là lính tam phủ) được coi là thân binh hay ưu binh, nhất binh và được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh. Tuy nhiên kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, kể từ tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), tức lúc lính tam phủ tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa và kết thúc vào khoảng tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) lúc Nguyễn Huệ dẫn quân ra bình Bắc Hà. Sau sự kiện này, Nguyễn Khản cùng em là Nguyễn Điều xin trở về quê nhà (Nguyễn Khản an nghỉ tại Tiên Điền - Nghi Xuân; Nguyễn Điều lánh lên vùng Sơn An, Hương Sơn và định cư lập nên chi phái tại đó).


Tháng 5 năm 1785, quân Tây Sơn nổi dậy, Nguyễn Khản nghe biến dặn em là Nguyễn Điều xếp đặt mọi việc rồi tự mình đem người nhà đi mành vượt biển ra Bắc để bàn chuyện chống lại Tây Sơn. Khi đến cửa biển Thần Phù (Ninh Bình) biết tin giặc đã đến sông Vị Hoàng ông liền lên bộ đi ra Kinh đô. Ông đưa kiến nghị, kế sách đánh chặn quân Tây Sơn được Trịnh Vương và triều đình tán thành. Khi quân kiêu binh nổi lên, ông lên Sơn Tây, Hưng Hóa chiêu mộ nghĩa sĩ. Sau đó, Chúa triệu ông về Kinh, sai tri phủ Nguyễn Trừ đem lính đón ông. Về đến kinh, bị cảm bệnh, ông tạ thế vào ngày 7 tháng 11 năm Bính Ngọ (17/9/1786).


Vợ chính thất là Đặng Thị Vệ (1736 - ? ) sinh hai con gái: Thị Bành và Thị Thai; vợ á thất là Đặng Thị Thủy (em ruột bà chính thất) sinh một trai là Nguyễn Chung; các vợ thiếp của Nguyễn Khản sinh được 5 người con trai: Tiệp, Bằng (mất sớm), Đường, Thảng và Kệ (mất sớm). Ba con gái do vợ thiếp sinh là Thị Thoan, Thị Nga và Thị Hương.


Trong qúa trình tìm hiểu, nghiên cứu về dòng họ Nguyễn liên quan đến họ Nguyễn -Tiên Điền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, được sự tận tình giúp đỡ của ông Nguyễn Đắc Lộc (quyền Trưởng họ), vợ chồng anh Thịnh chị Hợp, đặc biệt là những thông tin do cụ Nguyễn Duy Tưởng (78 tuổi) người am hiểu về lịch sử, dòng họ cho biết: Những năm tháng chính biến, Đại thi hào Nguyễn Du đã dẫn hai người con của Nguyễn Khản là Nguyễn Đăng Cử và Nguyễn Đăng Nhân lên vùng Hưng Hóa - Văn Lang (Sơn Tây) giao cho anh là Nguyễn Điều chăm sóc. Sau khi đến Văn Lang, người em là Nguyễn Đăng Nhân tới vùng Vĩnh Chân - Hạ Hòa lập nghiệp, người anh là Nguyễn Đăng Cử ở lại. Do những điều kiện hoàn cảnh cụ thể, dù ở gần nhau nhưng hai anh em không gặp được nhau và mãi gần 30 năm sau mới tìm gặp lại.


Qua điều tra được biết, nhà thờ họ Nguyễn (thờ Tham tụng Nguyễn Khản) trước đây được làm bằng gỗ với kiến trúc 3 gian, nội thất bài trí thờ tự theo phong cách truyền thống. Do nhiều yếu tố (chiến tranh, thiên tai...) nên nhà thờ gốc và các đồ thờ tự không còn. Mãi đến năm 2010, con cháu trong dòng tộc mới phục dựng lại nhà thờ.


Hiện nay, họ Nguyễn trên đất Tổ có khoảng 300 hộ với 2000 đinh, con cháu vẫn tiếp nối truyền thống của dòng họ (có 27 người làm nghề y dược, 10 người là sĩ quan quân đội, có 5 người từng giữ chức Chủ tịch huyện và 2 Bí thư huyện, hiện nay anh Nguyễn Xuân Thịnh giữ chức Bí thư huyện Tân Sơn). Khi nói về gốc của dòng họ mình, cụ Tưởng cho biết: Ông cha từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn truyền ngôn lại cho con cháu “Nếu sau này tìm nhau thì hỏi bố là Nguyễn Khản, ông là Nguyễn Nghiễm và trên đường đi về quê có bến Giang Đình”. Đối chiếu bản gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền do cụ Lê Thước dịch với gia phả họ Nguyễn trên đất tổ Phú Thọ cùng những thông tin do cụ Nguyễn Duy Tưởng cung cấp thì có rất nhiều điểm tương đồng, trùng khớp. Tuy nhiên, tên hai người con trai của cụ Nguyễn Khản được ghi trong gia phả họ Nguyễn ở Phú Thọ chưa đồng nhất với gia phả họ Nguyễn -Tiên Điền.


Như vậy, nguồn tư liệu được chép trong gia phả họ Nguyễn ở Phú Thọ (photo bản dịch) có những vấn đề chưa được lý giải (khó lý giải) mà theo cách ghi chép, lưu giữ những thông tin không được chép vào phả hệ của các bậc tiền nhân trước đây... Theo suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, có thể do Nguyễn Khản tiên liệu, lo lắng bảo toàn đến sinh mệnh cho các con nên ông đã sắp xếp mọi việc - kể cả việc dấu tên, thay tên, mai danh ẩn tích? Hiện nay, con cháu họ Nguyễn - Tiên Điền sinh sống, công tác trên khắp mọi miền của tổ quốc luôn hướng tìm về nhau. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên các tư liệu (phả hệ, bằng sắc, các bút tích...) bị thất lạc, sự chắp nối phả hệ giữa gốc của dòng tộc với các nhánh, chi phái không phải là điều dễ... Mặc dầu vậy, họ Nguyễn trên đất Tổ Phú Thọ vẫn đậm truyền ngôn từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Nếu sau này tìm nhau thì hỏi bố là Nguyễn Khản, ông là Nguyễn Nghiễm và trên đường đi về quê có bến Giang Đình”.


Nguồn tư liệu thu thập được trong quá trình điền dã chưa phải là nhiều, tuy nhiên đây là cơ sở bước đầu trong việc khảo cứu về phả hệ họ Nguyễn trên đất tổ Phú Thọ. Để tiếp tục làm rõ vấn đề này thời gian tới cần có sự đối chiếu, nghiên cứu một cách khoa học, sự liên kết giữa các chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền để thêm dữ liệu và dần tới một ngày không xa con cháu họ Nguyễn trên đất Tổ sẽ về với Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh, vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, nơi có hai tiếng QUÊ HƯƠNG luôn khơi dậy trong ý thức của các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn trên đất tổ Phú Thọ hướng tìm về.