Tu bổ các di tích gốc.


Khu di tích Nguyễn Du và họ Nguyễn Tiên Điền, một số di tích trong khu vực đã có sẽ được trùng tu hoặc mở rộng, một số thôn xóm còn giữ được kiến trúc cổ trong khu vực sẽ được chỉnh trang để kết hợp với các công trình xây dựng mới thành một quàn thể kiến trúc văn hóa - du lịch hoàn chỉnh.

Các ý tưởng chính về tổ chức không gian.

* Mở rộng khu di tích Nguyễn Du hiện tại để tạo một không gian lớn gồm: Quảng trường, bảo tàng, tượng Nguyễn Du, Vườn Thúy…tương thích lớn với tài năng của Đại thi hào. Quảng trường là nơi thực hiện các hoạt động lễ hội, tưởng niệm và cũng là không gian mở, rộng thoáng trước tượng đài Nguyễn Du nhìn về Hồng Lĩnh.

 

Tổng quan Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du


Toàn bộ Khu di tích cũ được chỉnh trang, mở rộng. Các công trình kiến trúc như nhà trưng bày hiện tại, nhà tiếp đón khách tham quan trở thành Bảo tàng Nguyễn Du và Thư viện, đền thờ Nguyễn Du và đàn tế, nhà Tư Văn cần được trùng tu và chỉnh trang. Toàn cảnh không gian phía Tây khu di tích hiện tại kết hợp với quảng trường thành một không gian thống nhất về nội dung và hình thức. Dòng nước giữa quảng trường và Khu di tích tạo thêm cảnh quan đa dạng và phong phú về hình thái và cảnh sắc. Phục dựng Chùa Trường Ninh tại địa điểm cũ.


Dòng nước nhỏ, tái hiện “tiểu khê” khi xưa nối đền thờ cụ Nguyễn Nghiễm với đền thờ Nguyễn Trọng, được mở rộng thành hồ Thúy, hồ chính của không gian Vườn Thúy. Vườn Thúy là không gian tái hiện một số loài cây đã xuất hiện trong truyện Kiều. Đã có 18,8% lần xuất hiện cây Liễu, 11,6% cây Mai, 11,6% cây Đào, 10,1% cây trúc… trong tác phẩm truyện Kiều. Đây cũng là không gian chuyển tiếp giữa không gian trang trọng của quảng trường với khu bảo tồn và phát huy giá trị truyện Kiều sẽ được xây dựng trong nay mai.. Ở đây có cây hoa, đài quán, đường dạo và nhóm tượng Thúy Kiều – Kim Trọng tương ngộ. Cảnh quan vườn là yếu tố chính của không gian này.

* Không gian Nguyễn Du: Xây dựng một chuỗi liên tưởng, để qua đó khách tham quan có thể hiểu và cảm được cốt cách của thi sĩ, tâm sự lúc hàn vi và nỗi niềm trong cuộc đời quan lộ, thái độ đối với nhân tình thế thái. Không gian tái hiện và hình tượng hóa các giai đoạn chính tròn cuộc đời Ông. Các nội dung và hình ảnh đặc tả gợi cảm trong di sản thơ chữ Hán được hình tượng hóa, đặc biệt tâm trạng buồn bi, bất đắc ý của cuộc đời được dàn dựng sao cho lột tả được hết nỗi niềm éo le của thi sĩ họ Nguyễn. Các thời điểm chính: Sống ở Thăng Long (1765 - 1786), mười năm gió bụi sống nhờ quê vợ (1786 - 1796), về quê dưới chân núi Hồng (1796 - 1802), thời kỳ làm quan (1802 - 1820). Cảnh trí và kiến trúc đều được dụng theo ngôn ngữ tượng trưng.

* Không gian văn hóa Tiên Điền, gồm: Văn chỉ Tiên Điền và Đình Tiên, Vườn Văn - Vườn Tượng danh nhân Tiên Điền và Nghi Xuân và Trung tâm bảo tồn phát triển văn hóa Tiên Điền. Vườn Văn - Vườn Tượng được tạo cảnh với các trích thơ khắc trên đá, tượng và nhóm tượng danh nhân Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; có trụ biểu tượng biểu tượng trưng cho văn khí Tiên Điền - Nghi Xuân, có hồ văn, văn quán. Qua các câu thơ được chắt lọc và khắc trên đá, qua các tượng danh nhân được tạc dựng trong vườn cảnh, du khách có thể tiếp cận sâu sắc hơn từ Nguyễn Công Trứ đến Nguyễn Khản, từ Nguyễn Mai đến thầy địa lý Tả Ao…

* Khu mộ Nguyễn Du: Nơi yên nghỉ hiện tại chưa xứng tầm vóc của Đại thi hào, cần tạo ra một nơi chốn có nhiều hình ảnh tượng trưng và ý nghĩa, với các hình tượng kiến trúc và nghi thức khong gian truyến thống, phù hợp với khu mộ của một Đại thi hào và hòa nhập vào Khu Văn hóa Tiên Điền - Nguyễn Du.

* Vườn cây - đất dự trữ khu bảo tồn và phát triển giá trị Truyện Kiều: trong quy hoạch, một khu đất rộng khoảng 6ha đã được dành lại để thực hiện dự án quan trọng này trong tương lai. Trước mắt, nó như là khu nối tiếp của vườn Thúy và làm xanh không gian văn hóa - du lịch, sẽ được trồng một số loại cây trong tổng số 55 loài cây được nêu trong truyện Kiều., theo tiêu chí: Tiêu biểu trong tác phẩm; phù hợp với thổ nhưỡng Nghi Xuân.

Vườn cây không chỉ tạo điều kiện để dự án bảo tồn và phát huy giá trị truyện Kiều được thực hiện, nó còn tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên cho toàn bộ khu vực quy hoạch và hơn thế nữa nó là một phần của truyện Kiều, một phần của “con người” trong tác phẩm “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ…”.

* Các không gian tín ngưỡng và một số địa điểm văn hóa:

- Khu di tích Nguyễn Công Trứ; đền thờ, mộ Nguyễn Nghiễm; đền thờ Nguyễn Trọng và một số di sản văn hóa khác như nhà thờ họ Nguyễn, họ Trần, họ Đặng, họ Lê, họ Hà, họ Võ, họ Nguyễn Hà, các đình, chùa…cần được mở rộng và tôn tạo để vừa là nơi thờ phụng tổ tiên vừa là địa chỉ văn hóa, du lịch.
- Các không gian tâm linh ở Tiên Điền: Xây dựng lại chùa Trường Ninh tại địa điểm cũ của chùa; các phế tích như: Đình làng Tiền, đình Tiên… cần được đánh dấu địa điểm và đặt biển ghi nhớ…

* Các tiện nghi du lịch: Trung tâm điều hành và dịch vụ du lịch; một số khách sạn.

* Không gian cộng đồng làng Tiên Điền. Dự án xây dựng Khu Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du ngoài mục đích tồn lưu và phát triển văn hóa, còn hướng đến một đối tượng chính là người dân Tiên Điền. Để nâng cao đời sống, tạo thêm việc làm và xây dựng một cộng đồng văn hóa hiện đại và có bản sắc, Tiên Điền có các không gian và công trình kiến trúc như: Không gian cộng đồng (Khu Trung tâm: UBND xã, Công an,Bưu điện, trạm y tế, chợ Tiên; Khu trường học: các trường mẫu giáo, trường phổ thong; Khu thể thao: sân bóng đá, nhà tập); Khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp (Các nghề truyền thống sẵn có ở địa phương; sản phẩm phục vụ khu văn hóa - du lịch và cụm du lịch núi Hồng - sông Lam). Do vậy các sản phẩm dự kiến của các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong quy hoạch là nón lá, các khu lưu niệm về truyện Kiều, chế biến nông, lâm, hải sản…

* Các khu tái định cư, làng chỉnh trang gồm các khu tái định cư và phát triển mới và các làng chỉnh trang.

* Các loại công trình và đất khác gồm các ruộng lúa cần được bảo tồn và các loại đất khác dùng để làm bãi đỗ xe, ngân hàng, bệnh viện, bảo vệ đê, nghĩa trang…

Trên cơ sở ý kiến thỏa thuận và góp ý của các Bộ (Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng…), ngày 22/8/2012 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2450 QĐ-UBND “Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu văn hóa du lịch Nguyễn Du, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (tỷ lệ 1/2000)”. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu lưu niệm Nguyễn Du; theo đó và để hướng đến kỷ niệm 250 năm sinh của Đại thi hào vào năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho nâng cấp quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt để có nguồn đầu tư tương xứng tên tuổi, sự nghiệp và cống hiến của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.