Bên cạnh giọng thơ trữ tình là chính, Truyện Kiều còn có giọng thơ châm biếm, mỉa mai. Cách nói mỉa, châm biếm của Nguyễn Du hết sức linh hoạt, tùy theo từng đối tượng, tùy theo từng sự việc cụ thể mà tác giả lựa chọn các hình thức thích hợp: Khi thì dùng cách nói trực tiếp; khi thì dùng cách nói vòng vo; khi thì bốp chát theo kiểu Tú Xương, khi thì bóng bẩy nhẹ nhàng theo lối Nguyễn Khuyến; cũng có đôi khi đáo để chẳng thua gì Hồ Xuân Hương… Tìm hiểu cách nói mỉa mai, châm biếm của Nguyễn Du chúng ta càng hiểu hơn tài năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả Truyện Kiều.       

 

Trong Truyện Kiều, đối với những kẻ chuyên buôn thịt, bán người như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… thì người đọc nhận ra ngay thái độ châm biếm, mỉa mai của tác giả. Nhà thơ thường thể hiện trực tiếp thái độ của mình qua một số từ ngữ mang tính biếm hoạ. Với Mã Giám Sinh là những từ: “tót” (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), “cò kè” (Cò kè bớt một thêm hai); với Tú Bà là những từ “nhờn nhợt” (Thoặt trông nhờn nhợt màu da), “vắt nóc” (Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay). Với Sở Khanh là những từ “lẻn” (Tường đông đã thấy Sở Khanh lẻn vào), “mặt mo” (Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào)…  Đối với những nhân vật Nguyễn Du yêu mến như Kim Trọng, Thuý Kiều… đôi khi nhà thơ cũng sử dụng cách nói trực diện nhưng mát mẻ, nhẹ nhàng, phải thật tinh ý mới nhận ra được. Chẳng hạn Nguyễn Du chế giễu chàng Kim trong câu: Rắp mong treo ấn từ quan. “Rắp mong” có nghĩa là mới trong ý nghĩ thôi. Đó là cái việc như ta biết Kim Trọng không bao giờ làm. Hay câu: Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa. “Tiện đường” nghĩa là nhân thể trên đường đến nơi nhậm chức thì rủ Vương Quan cùng đi tìm dấu vết của nàng Kiều. Với Thuý Kiều một đôi lần nhà thơ cũng dùng cách châm biếm mát mẻ nhẹ nhàng như vậy. Chẳng hạn ở câu Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu. Nguyễn Du cố ý đưa “lễ nhiều” lên trước để nói rằng nàng Kiều cũng rất dễ bị vật chất cám dỗ. Cách nói trực diện này có phần khác với cách nói mỉa. Nói mỉa là nói ngược với điều muốn nói.

 

Trong Vi hành, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôi không được rõ ý đồ của nhà “vi hành” của chúng ta ra sao. Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alếchxăng đệ nhất, có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam dưới quyền ngự trị của ngài hay không?”. Từ “sung sướng” là cách nói ngược trực tiếp. Bác còn sử dụng cách nói ngược theo kiểu quy nạp rất thâm thuý trong bài thơ Lai TânBan trưởng nhà lao chuyên đánh bạc/ Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh/ Chong đèn, huyện trưởng làm công việc/ Trời đất Lai Tân vẫn thái bình! Tất cả những sự việc dẫn ra trong ba câu trên cho ta biết cái “thái bình” ở Lai Tân! Nguyễn Du thì khác, ngay khi nhà thơ dùng kiểu nói trực tiếp nhưng người đọc phải tinh ý lắm mới biết. Chẳng hạn như khi giao cho Kiều toàn quyền xử án, Từ Hải nói với Kiều: Từ rằng ân oán hai bên/ Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh. Đọc lướt qua sẽ không nhận ra cách nói mỉa của Nguyễn Du đối với Từ Hải. Phải đến khi Kiều báo oán xong ta mới giật mình. Té ra Kiều đã xử theo lòng thù hận của mình là chính chứ không hoàn toàn xử theo pháp luật. Bởi vậy, những tên tay sai đi bắt Kiều về cho mẹ con Hoạn Thư như Ưng, Khuyển đều bị giết. Kiều là bên nguyên xử bên bị thì làm sao xử “cho minh” được? Điều đó chứng tỏ Từ Hải rất ngây thơ về lĩnh vực này. Đây chính là cách chế giễu nhẹ nhàng của Nguyễn Du với người anh hùng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Đối với những nhân vật có vai vế trong triều đình như Hồ Tôn Hiến nhà thơ thường sử dụng cách nói mỉa kết hợp với nghệ thuật “phục bút” để bất ngờ hạ bệ bọn chúng. Đọc những dòng giới thiệu về Hồ Tôn Hiến: Có quan tổng đốc trọng thầnLà Hồ Tôn Hiến kim luân gồm tài… ta tưởng như nhà thơ rất khâm phục viên “tổng đốc trọng thần” này. Mãi đến khi  Hồ Tôn Hiến cho quân bao vây đánh úp Từ Hải, bắt Kiều đánh đàn trong bữa tiệc mừng công rồi gán Kiều cho một viên thổ quan, ta mới hiểu hết cái “tài” lật lộng, “tài” “ăn ốc đổ vỏ” của y. Bấy giờ ta mới biết rõ cái thực chất “kinh luân gồm tài” của viên “tổng đốc trọng thần” Hồ Tôn Hiến là gì. Rõ ràng “kinh luân gồm tài” là cách nói mỉa, nói ngược của Nguyễn Du.

 

Tương tự như vậy, mới đọc qua mấy câu giới thiệu khái quát: Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh/ Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng… ta cứ tưởng cái thời ấy “phẳng lặng”, “vững vàng” thật. Nhưng càng đọc ta mới hiểu cái thời ấy chẳng hề “phẳng lặng”, “vững vàng” một chút nào. Đúng như nhà giáo Hoàng Hiếu Nghĩa băn khoăn: Phẳng lặng sao lắm kinh hoàng/ Sóng xô Phúc Kiến, lửa tràn Chiết Giang… Vững vàng sao lắm tai ương/ Sai nha hoạnh hoẹ, dân thường khổ thay! Đó cũng là cách nói mỉa kết hợp với nghệ thuật “phục bút” của cụ Nguyễn Du. Thì ra nhà thơ dùng những từ như “phẳng lặng”, “vững vàng” là với ý châm biếm, mỉa mai. Đó là cách nói ngược rất thâm thuý.               

 

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Du mượn “năm Gia Tĩnh, triều Minh” trong tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân làm cái bình phong che chắn, để có thể nói một cách gián tiếp xã hội phong kiến đương thời. Những sự việc ngang trái xảy ra hàng ngày đã khiến nhà thơ “đau đớn lòng” nhưng không thể nói thẳng, nói thật được. Mỉa mai, châm biếm cái  xã hội “năm Gia Tĩnh,  triều Minh” thực chất là nhà thơ  chấm biếm, mỉa mai khá kín đáo đối với xã hội phong kiến nước ta lúc bấy giờ.