“Cổ vật là linh khí nên chúng ta phải học cách ứng xử với cổ vật. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, người chơi đồ cổ phải là người sống có văn hóa, tự nguyện bằng tâm, bằng tình của mình để gìn giữ giá trị văn hóa vật thể của dân tộc. Sự hoàn mỹ của cổ vật không đại diện cho bất kỳ điều gì. Nhưng dù cổ vật có vết rạn nứt, sứt mẻ mà độc bản, độc đáo, mỹ thuật cao… thì nó vẫn có giá trị cao”, ông Đào Phan Long chia sẻ với phóng viên.

 

Ông Đào Phan Long

 

Phóng viên (PV): Xin ông giới thiệu đôi nét về Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội với độc giả?

Ông Đào Phan Long: Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội được thành lập năm 1999. Lúc đó, Luật Di sản chưa được ban hành, chỉ có Nghị quyết của Trung ương chỉ đạo động viên xã hội hóa việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã xin phép lãnh đạo thành phố Hà Nội cho phép thành lập Hội chơi đồ cổ công khai, vì trước đó, chơi cổ vật là “chơi chui”! Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội là hội cổ vật ra đời đầu tiên trên cả nước. Sau 10 năm, lần lượt các hội cổ vật địa phương khác ra đời. Đó là Hội cổ vật Thiên Trường (Nam Định), Hội cổ vật Thanh Hoa (Thanh Hóa), Hội cổ vật Kinh Bắc (Bắc Ninh), Hội cổ vật Hải Phòng và Hội cổ vật Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội đã tập hợp những người ham thích chơi cổ vật, sưu tầm cổ vật, kinh doanh cổ vật, nghiên cứu cổ vật… ở Thủ đô tự nguyện  tham gia. Sự ra đời của hội được nhiều cơ quan Trung ương, Hội Khoa học lịch sử, các bảo tàng Trung ương và địa phương hết sức ủng hộ. Cuối năm 2010 vừa qua, hội tiến hành đại hội lần thứ 4 và hiện tại có hơn 50 hội viên chính thức. Hội tổ chức hội thảo, gặp gỡ giao lưu những người chơi cổ vật, tổ chức các cuộc triển lãm cổ vật. Với tư cách hội viên, tôi còn tự tìm kinh phí để xuất bản Tạp chí Cổ vật tinh hoa từ năm 2003, nhằm giới thiệu cổ vật Việt Nam với cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế. Đầu năm nay, tôi còn xây dựng và vận hành trang web: mangcovat.com.vn để tạo nơi trao đổi thông tin và giao lưu giữa cộng đồng người chơi cổ vật trong nước và quốc tế. Hơn 10 năm hoạt động, có thể nhận thấy, Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội đã góp phần hạn chế được việc bán cổ vật quý ngầm ra nước ngoài.

Trong hơn 10 năm qua, Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số địa điểm ở thủ đô Hà Nội. Năm ngoái, nhân kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hội đã tham gia cùng Bảo tàng Hà Nội tổ chức triển lãm cổ vật nhân dịp khánh thành bảo tàng đầu tiên của thành phố tại Mỹ Đình. Cũng trong dịp Đại lễ 1000 Thăng Long-Hà Nội, hội đã được thành phố Hà Nội hoan nghênh khi công đức một lư hương bằng đồng nặng hơn 2 tấn được đặt trang trọng trước Tượng đài đức vua Lý Thái Tổ. Lư hương bằng đồng đúc liền khối, đài hương được lấy ý tưởng từ lư hương sành gốm Thổ Hà thời Lê. Nhưng các cánh sen, hoa văn mờ trên cánh sen, hoa văn hoa thị trên miệng được lấy từ đài thờ gốm hoa nâu, gốm trắng và trống đồng thời Lý. Thân lư hương được lấy từ thân đài sen thờ, chất liệu gốm đời Lý, vốn là hình con tiện hoặc đốt trúc, nhưng ở đây được cách điệu thành hình trụ, trên đó có 4 cặp rồng chầu, biểu tượng cho 8 đời vua nhà Lý. Lá đề và rồng chầu là nguyên mẫu bằng đá thời Lý, khai quật được ở chùa Phật Tích-Bắc Ninh.

PV: Từ hoạt động của hội cũng như việc trao đổi, buôn bán cổ vật trên thị trường, ông nhận thấy có điều gì đáng chú ý trong thời gian qua?

Ông Đào Phan Long: Những người am hiểu cổ vật Việt Nam rất buồn khi hiện nay, có rất nhiều đồ sứ Trung Hoa thật giả lẫn lộn ùn ùn vào để phục vụ các “đại gia” mới nổi. Rất nhiều USD đã “chảy” ra nước ngoài, để rước về những đồ sứ Trung Hoa mà người thạo nghề đồ cổ gọi là “đồ chung chiêng” (thật giả lẫn lộn), mà chỉ người có nghề mới biết là đồ giả cổ vì công nghệ làm đồ giả cổ của Trung Quốc xưa nay rất cao.

Một vài cá nhân trong giới buôn đồ cổ do mục tiêu lợi nhuận, đã tung tin đồn rằng: Chơi đồ cổ Việt Nam là những đồ được tìm thấy dưới lòng đất, từ những con tàu đắm dưới biển sẽ bị xui xẻo. Hay như chơi trống đồng Đông Sơn dễ bị vạ lây. Rồi chơi những đồ thạp đồng Đông Sơn, thạp gốm hoa nâu là đồ tùy táng (nhưng không phải là đồ tùy táng) để trong nhà thì nguy hiểm, vận khí không tốt… Do đó, nhiều người có tiền đã không dám mua đồ Việt Nam để giữ gìn giá trị văn hóa Việt, mà lại bỏ ra nhiều tiền để mua “đồ chung chiêng” của nước ngoài. Đã có những bộ đồ sứ Tam đa mới của Trung Quốc, được các “đại gia” bỏ ra hơn 200 nghìn USD để mua, hoặc những bộ chum vại sứ non tuổi (đầu thế kỷ 20) đã được bán tới vài chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD…

PV: Đã bao giờ Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội ra nước ngoài tìm mua bảo vật về cho Nhà nước, thành phố, tỉnh, thành hoặc một bảo tàng?

Ông Đào Phan Long: Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội trong nhiều năm qua đã có một vài hội viên nhượng lại cổ vật Việt cho các bảo tàng trong nước. Tuy nhiên, do cơ chế thanh toán, họp liên miên để thông qua các hội đồng… dẫn đến việc mua bán cổ vật cho các bảo tàng rất khó khăn. Bên cạnh đó, các bảo tàng không có điều kiện nhờ chúng tôi đặt mua các cổ vật quý của Việt Nam ở nước ngoài mang về. Ở đây có thể do kinh phí còn hạn hẹp. Vài năm gần đây, theo quy luật cung-cầu, đã có vài hội viên ra nước ngoài mua một số cổ vật là gốm Việt cổ (thế kỷ 13-15). Đây là điều rất mừng, tiếc rằng các bảo tàng ở ta chưa làm được.

PV: Đôi khi người dân có món đồ cổ trong tay, nhưng lại không biết tìm đến đâu để nhờ giám định, thành ra có món đồ quý lại “bỏ xó”, thưa ông…

Ông Đào Phan Long: Nhiều người chơi cổ vật ở ta vẫn còn chưa biết, hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Hội đồng Giám định cổ vật. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hội đồng này chỉ có thời gian để xem và giám định những cổ vật của Nhà nước cần thiết giám định hoặc những cổ vật thuộc loại “Bảo vật quốc gia”. Còn để giám định cho dân thì hội đồng chưa chắc đã có thời gian để thực hiện. Hiện Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội đã chủ động phối hợp với các chuyên gia về cổ vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, để thành lập Hội đồng Tư vấn và Giám định cổ vật cho những người có nhu cầu. Đây là hoạt động giám định tự nguyện và hội đồng không lấy hoạt động này để làm kinh tế. Qua giám định, cả người chơi và người bán đều cảm thấy an tâm khi món cổ vật giá trị có giấy xác nhận thực trạng, niên đại của hội đồng. Đây là điều cần thiết, nhằm tránh sự “bơm vá” không đúng đối với những món đồ cổ đắt tiền, làm hại cho cả người bán lẫn người mua.

PV: Theo xu thế hội nhập quốc tế thì sự ra đời một công ty đấu giá cổ vật là điều cần thiết. Nhưng để thành lập thì cũng nhiều khó khăn và liệu có đủ chuyên gia để đánh giá thẩm định giá trị cổ vật?

Ông Đào Phan Long: Nhiều nhà quản lý lĩnh vực này còn e ngại khi ai sẽ đứng ra giám định, tổ chức giám định như thế nào để đánh giá được đúng giá trị của cổ vật? Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội suy nghĩ xuất phát từ thực tiễn sau hơn 10 năm hoạt động cho thấy, không ai hiểu giá trị cổ vật Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Cụ thể hơn, đó chính là những hội viên có kiến thức, kinh nghiệm, va chạm với nhiều cổ vật Việt Nam vì hội có cả các giám đốc, chuyên viên của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và các nhà sưu tập lâu năm, các nhà buôn… Chính họ sẽ là những thành viên giám định, phối hợp cùng các phương tiện giám định cổ vật phổ biến trên thế giới, sẽ đủ điều kiện để giám định các cổ vật Việt với các chất liệu khác nhau.

Để sân chơi cổ vật công khai minh bạch, hội đã thử nghiệm nhiều cuộc đấu giá cổ vật nội bộ và mong muốn trong tương lai gần, sẽ xây dựng được một địa điểm để giám định và tổ chức đấu giá các cổ vật cho mọi người tham dự công khai như các nước khác đã thực hiện trong nhiều năm qua. Qua những cuộc đấu giá này, các bảo tàng trong nước sẽ có điều kiện mua được nhiều cổ vật quý hiếm lưu giữ lại cho đất nước. Còn trước mắt, Hội cổ vật Thăng Long-Hà Nội mong muốn được cấp quyền sử dụng vài trăm mét vuông đất tại một địa điểm, để thuê Nhà nước và cùng nhau góp vốn xây địa điểm thường xuyên trưng bày các cổ vật Việt Nam, nhằm giới thiệu với cộng đồng và bạn bè quốc tế đến thăm Thủ đô.

PV: Ông từng nói chỉ nên mua về những cổ vật quý hiếm, vậy cổ vật quý hiếm được hiểu theo góc độ nào?

Ông Đào Phan Long: Theo tiêu chí của những người chơi cổ vật và chuyên gia bảo tàng, thì bảo vật quốc gia và cổ vật quý hiếm có những tiêu chí sau: Liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử của đất nước, phải đẹp, lạ, kỹ thuật, mỹ thuật và độc bản… Do thông thạo về chuyên môn cho nên những người sưu tập cổ vật nước ngoài đã đến nước ta nhiều năm trước đây, lựa chọn những cổ vật quý hiếm mang dấu ấn văn hóa Việt như trống đồng Đông Sơn, gốm Việt cổ từ thế kỷ 11 đến 15, mua về để bán cho bảo tàng nước họ hoặc những nhà sưu tập đồ cổ.

Tạp chí Cổ vật tinh hoa, các phương tiện truyền thông khác đã nói nhiều về cổ vật, nhưng có lẽ khi viết về cổ vật, về giá trị của nó, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tránh viết để quảng bá một cách không đúng những hiện vật đã từng đăng trên một số báo. Cổ vật là linh khí nên chúng ta cũng phải học cách ứng xử với cổ vật. Ngoài giá trị lợi nhuận, thì người chơi đồ cổ phải là người sống có văn hóa, tự nguyện bằng tâm, bằng tình của mình để gìn giữ giá trị văn hóa vật thể của dân tộc. Sự hoàn mỹ của cổ vật không đại diện cho bất kỳ điều gì. Nhưng dù cổ vật có vết rạn nứt, sứt mẻ mà độc bản, độc đáo, mỹ thuật cao… thì nó vẫn có giá trị cao.

PV: Xin cảm ơn ông!