Nguyễn Du
Loading...
Dạy Truyện Kiều trong trường phổ thông như thế nào?
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã hai lần nhận được sự tôn vinh Danh nhân văn hóa của Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1965 và UNESCO năm 2015, nhân Lễ kỷ niệm 200 năm (1765-1965) và 250 năm (1765-2015) ngày sinh của ông. Việc giảng dạy một tác gia kinh điển như Nguyễn Du và một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều trong nhà trường phổ thông hiện nay đòi hỏi một cách tiếp cận sâu sắc hơn đối với tác giả - tác phẩm, khi ngành giáo dục đang đứng trước sự biên soạn chương trình - sách giáo khoa mới cho nửa đầu thế kỷ 21 với bao nhiêu thử thách. Mà văn học, với một tác phẩm kinh điển như Truyện Kiều sẽ là một trong số đó.
Có thể kể những công trình nghiên cứu nổi bật về Truyện Kiều từ những năm 40 - 70 của thế kỷ 20, trong đó có: Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Hoài Thanh (1949), Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều của Đặng Thai Mai (1955), Chân dung Nguyễn Du (1960) tập hợp của nhiều tác giả, một số công trình của Phạm Thế Ngũ, Đặng Tiến, Nguyễn Đăng Thục...
Tiếp cận Truyện Kiều từ trực cảm và từ bình diện các giá trị, các tác giả Hoài Thanh và Đặng Thai Mai coi tinh thần nhân đạo và tính hiện thực của Truyện Kiều là hai giá trị cơ bản của tác phẩm.
Từ năm 1980 đến nay, Truyện Kiều cũng như các tác phẩm của Nguyễn Du được tiếp cận bởi thi pháp học và nhiều phương pháp như phong cách học, ký hiệu học... Đã xuất hiện một số công trình đáng chú ý của Phan Ngọc, Đỗ Đức Hiểu...
Nhận định của Phong Lê, Phó chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, trong Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều công bố vào tháng 7-2015 nhìn chung đáp ứng được tinh thần classici mà Truyện Kiều đạt tới:
“Nói Nguyễn Du, ở thời điểm hôm nay - kỷ niệm 250 năm sinh (1765-2015) là nói đến những kỷ lục mà trước ông và sau ông chưa ai sánh được. Một khối lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách, hàng chục vạn trang, không lúc nào ngưng nghỉ, trong ngót hai trăm năm, và càng về sau càng dầy, càng nặng. Một số lượng người đọc không thể nào tính hết, vì đó là sự cuốn hút khắp mọi tầng lớp cư dân, bất kể địa vị xã hội, bất kể mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận là hay chữ đến mọi tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm những người có thể thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều, hoặc có thể đọc được rất nhiều đoạn…
…Cho đến nay, trong hơn một thế kỷ qua, trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới vẫn còn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm”(1).
Còn những người nước ngoài? Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) viết:
“Trong mắt những người nước ngoài, họ coi ông (tức Nguyễn Du) là một vị thánh của nền thơ ca Việt Nam. Họ quý trọng ông vì ông đã góp công vào nền thơ ca thế giới. Ông là một nhân vật kiệt xuất của thơ ca Việt Nam”.
Đó là chưa kể nhiều hoạt động văn hóa cán đích kỷ lục trong ngày Lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du tháng 11, 12-2015. Riêng trong ngày 5-12-2015 tại thành phố Hà Tĩnh, chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo và Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thực hiện, thì đã có sự tham gia của gần 650 nghệ sĩ!
***
Vậy mà khi nhìn vào thực tại giáo dục phổ thông, dường như những vinh quang đó, những địa chấn văn hóa đó không tác động.
2015, 2016, và tới nay - tháng 10-2017 tịnh không nghe báo, đài đưa tin trường phổ thông nào kỷ niệm Nguyễn Du nhân sự kiện UNESCO tôn vinh ông là Danh nhân văn hóa? Hoặc giả có mà thông tin bỏ lỡ?
Sách giáo khoa Ngữ văn tái bản năm 2016 của NXB Giáo dục và các sách vệ tinh không hề ghi Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa được Việt Nam đề cử và được Hội đồng Hòa bình thế giới hay UNESCO tôn vinh! (Có lẽ cũng như thế đối với Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh? Trong khi đối với các tác giả đương đại, hầu như khen thưởng nào về họ sách cũng chẳng bỏ qua).
Như vậy việc giảng dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều tất yếu cứ diễn ra như chương trình - sách giáo khoa hiện hành thì các thế hệ học sinh đương thời không tránh khỏi thua thiệt trước một thế giới đang rộng mở, khi nước Việt Nam nhỏ bé vừa như bừng tỉnh, với một nền nghệ thuật truyền thống như Ca trù, Ví dặm, Đờn ca tài tử… vừa giành được chút vinh quang của UNESCO, còn với một tác phẩm văn học rực rỡ như Truyện Kiều, thì lại không biết!
Chưa kể các quan niệm Tài mệnh tương đố, Nhân định thắng thiên, Thiên-Địa-Nhân, Nhân quả báo ứng... phong phú trong các triết lý Nho giáo, Phật giáo vẫn tồn tại trong hệ thống triết học - mỹ học phong kiến, triết học - mỹ học dân gian cũng không hề được giới thiệu hoặc được dùng để khảo sát, phân tích, giảng giải ý nghĩa tác phẩm hay trong các trích đoạn Truyện Kiều.
Cho dù tôn trọng nguồn của tác phẩm, việc đặt Truyện Kiều bên Kim Vân Kiều truyện chỉ là cùng in mấy trích đoạn tương đương, trong khi chỉ cần tập trung vào một giá trị: “Tại sao Truyện Kiều - tức Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du lại trở thành một kiệt tác?”.
Cũng như các thiên tài văn học của nhiều thời đại, Nguyễn Du, cũng như Shakespeare đã mượn cốt truyện từ chính các tác phẩm cùng thời hoặc trước đó. Nhưng với Romeo và Juliet, Shakespeare đã sáng tạo nên vở bi kịch tình yêu hay nhất mọi thời đại, đến nỗi làm lu mờ tất cả các trước tác các của tác giả kia; và công chúng nước Anh suốt từ thế kỷ 16 cho tới nhân loại ngày nay chỉ tôn sùng Romeo và Juliet của Shakespeare mà thôi! Còn với Truyện Kiều: từ mối tình của một tướng cướp và một kỹ nữ trong Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Du đã biến đổi hoàn toàn thành mối tình của Anh hùng và Mỹ nhân, khiến Truyện Kiều trở thành một thiên tiểu thuyết bằng thơ của các đôi tài tử giai nhân, và cuốn hút người đọc bao thế hệ bởi những mối tình cao thượng, đắm say nhưng bi lụy của họ. Về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu của tác phẩm, Truyện Kiều hơn hẳn các truyện hoa tình khuyết danh đương thời, đồng thời cũng sầu muộn, bi thiết và hay hơn Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas.
Sách giáo khoa cũng không giới thiệu chân dung những người đàn ông - những ân nhân thật sự đã cứu Kiều.
Đó là Kim Trọng mà sự xuất hiện của chàng làm tươi mát cả bức tranh xuân trong ngày hội Đạp thanh:
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Chính tình yêu của Kim Trọng đã khởi đầu cho mối tình đầu chung thủy và đã chiêu tuyết cho Kiều.
Đó còn là Thúc Sinh, một nhà buôn phóng khoáng: “Nghìn vàng đổ một trận cười như không”, đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy Kiều làm vợ. Đó là Từ Hải, người anh hùng “đội trời đạp đất” đã giúp Kiều báo ân báo oán và đem lại tự do công lý cho nàng. Những nhân vật đó, cùng với Kiều và những nhân vật khác, như Mã Kiều, vãi Giác Duyên… trong chừng mực nhất định, là sự đối trọng với cái ác, giúp Kiều né tránh hoặc đấu tranh chống cái ác, mặc dù cuối cùng đều thất bại. Nhưng đó cũng là ánh sáng của tình yêu thương và của những khát vọng cao thượng hiển hiện như ánh chớp trong đêm trường phong kiến và làm con người hy vọng.
Sách giáo khoa hiện hành, không rõ vì lý do nào đấy, còn cắt bỏ những triết luận rất hay trong Truyện Kiều.
Như khi Kiều tuyên ngôn trước một tòa án công lý:
Nàng rằng: Lồng lộng trời cao
Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!
Như khi Từ Hải được miêu tả với phong thái của một đấng nam nhi anh hùng trong lý tưởng và trong cách sống:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì!
Nhà phê bình Hoài Thanh bình luận: “Và một khi lưỡi gươm công lý của Từ Hải vung lên, đầu lũ súc sinh liền rơi xuống”.
Tất nhiên đấy cũng là tưởng tượng, nhưng vẫn có thể xảy ra trong thực tại xã hội bấy giờ, khi chúng ta lùi thời gian về trước hai thế kỷ.
Nhưng điều đó nói lên cái gì? Chẳng phải đã nói lên công lý và phẩm giá con người ngày xưa được Nguyễn Du quan niệm rất cao sao?
Bình luận về tài sắc chị em Thúy Kiều, tất cả các sách chính thống và các sách vệ tinh đều nhất trí Nguyễn Du dùng phương pháp ước lệ, lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả và ca ngợi chị em Thúy Kiều. Nhưng cơ sở của chuẩn mực đó là gì?
Có lẽ phải tìm đến một nền tảng quan niệm khác, sâu xa hơn, đó là triết lý Thiên-Địa-Nhân.
Trong Thiên-Địa-Nhân con người có nguồn gốc từ trời, con người có thiên tính, sánh ngang với trời và đất: “Trời đất với ta cùng sinh/ Vạn vật với ta cùng tồn tại”(2). Mà nàng Kiều lại là một trang tuyệt sắc: Cốt cách cao quý như mai, tinh thần trong trắng như tuyết, tóc nàng, môi nàng, nét mi thanh và đặc biệt, cặp mắt trong suốt như nước mùa thu với ánh nhìn xuyên thấu:
Làn thu thủy, nét xuân sơn...
Đặt nàng Kiều ở vị trí rất cao như thế, và sau miêu tả nàng bị chà đạp tận cùng đến thế, mới biết chủ nghĩa nhân văn của Nguyễn Du sâu sắc biết chừng nào, sức tố cáo của Nguyễn Du mãnh liệt biết chừng nào!
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
(Quay nhìn lần thứ nhất thì thành nghiêng/ Quay nhìn lần thứ hai thì nước đổ).
Khỏi nói cái nhan sắc chết người, cái nhan sắc gây đố kỵ và bão tố, tuy là cái nhan sắc tạo hóa ban cho nhưng lại tựu trung rực rỡ và vượt lên mọi sáng tạo của tạo hóa, vốn vô tội và bất khuất: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng…”(3). Sự thách đố đã sẵn trong mầm tự nhiên rồi. Tài năng và vận mệnh cũng vậy:
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Mà Kiều thì:
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Mười sáu tuổi, nàng đã sáng tác “một thiên Bạc mệnh”, dự cảm thê lương cho cuộc đời trầm luân đầy đau khổ!
Sáng tác Truyện Kiều theo quan niệm tài mệnh, đặt toàn bộ vận mệnh Kiều trong triết thuyết thiên mệnh đương thời, Nguyễn Du đã mở đầu thiên tiểu thuyết của mình bằng những kinh nghiệm triết lý chua chát:
Trăm năm trăm cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
và bằng cả những trực cảm mà ông quan sát được trong thời đại nửa sau thế kỷ 18 đầy bão táp:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Là một nhà nhân đạo lớn lao, Nguyễn Du đã hướng những thể nghiệm triết học qua cuộc đời Kiều, một người con gái đức hạnh tài sắc vẹn toàn, và đã xót thương nhân vật của mình biết bao. Mở rộng qua Độc Tiểu Thanh ký, Văn chiêu hồn, Văn tế thập loại chúng sinh, ta thấy tình thương mênh mông của ông chẳng những dành cho mối đồng cảm liên tài mà còn bao chứa cả các cõi chúng sinh. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lúc quên mình là người kể chuyện, ông trực tiếp tỏ thái độ và xen vào bình luận. Tự sự, trữ tình và lối miêu tả hiện thực của ông (sách giáo khoa có đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều(4)), luôn có sự đan cài, xung đột và giao thoa giữa bút pháp lãng mạn cổ điển và bút pháp hiện thực sinh động, khiến Truyện Kiều vừa có giá trị nhân đạo cao cả, vừa có giá trị hiện thực vô giá. Những giá trị đó rất cần và vẫn còn thức tỉnh trái tim của hàng triệu người trên thế giới.
Cần phải hướng học sinh đến với Nguyễn Du nhiều hơn. Cần một đường biên rộng hơn cho những giới hạn hiện hành về thời lượng và những sáng tác của Nguyễn Du về cả Truyện Kiều và ngoài Truyện Kiều.
Chú thích
(1) vanhaiphong.com
(2) “Trời Đất cùng ta đồng sinh/ Vạn vật cùng ta đồng nhất” (Trang Tử - Nam Hoa kinh, Nguyễn Duy Cần, tr.52, NXB Hà Nội, 1992).
(3) “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Tùy viên thi thoại - Viên Mai).
(4) Chính những trích đoạn và sự khôi phục những trích đoạn sẽ là một trong những căn cứ, những điểm tựa để Hội đồng Biên soạn sách giáo khoa mới tiếp cận nghiên cứu và giới thiệu cho xứng đáng với tầm vóc của Nguyễn Du và Truyện Kiều, khi chương trình - sách giáo khoa đang còn trong Dự thảo.
30-9-2017
Theo Hoàng Kim Bảo/honvietquochoc.com.vn
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.