Nguyễn Trọng tự Thúc Hữu, hiệu Nhã Thiên, con trai thứ 3 của Lĩnh nam công Nguyễn Quỳnh là cháu đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Ông có hai người anh: Nguyễn Huệ đậu tiến sỹ năm 1733 và Nguyễn Nghiễm đậu tiến sỹ năm 1731, làm đến chức Tể tướng dưới triều đình nhà Lê. Ông còn là chú ruột của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du .

 

Đền thờ Nguyễn Trọng


Nguyễn Trọng sinh năm 1710, là một trong ba người con được người cha Nguyễn Quỳnh đặt nhiều niềm tin và hoài bão. Năm 17 tuổi ông đậu tam trường. Năm 23 tuổi niên đậu cử nhân. Con đường văn chương khoa bảng đang thăng hoa rộng mở thì vào giai đoạn đó xã hội đầy biến động, triều đình rối ren, nhiều cuộc khởi nghĩa bạo loạn nổ ra khắp nơi, ông đành phải gác bút nghiên rời văn chương theo đường võ nghiệp.


Năm 1740, ông theo anh Nguyễn Nghiễm mộ lính kéo ra bảo vệ kinh thành Thăng Long. Sau đó cùng với Tôn quận công Trương Hồi dẹp giặc ở đạo Kinh Bắc lập công lớn được phong vượt cấp và bổ làm Tri phủ Trường Khánh. Sau lại được cử làm Hiến phó Thái Nguyên. Năm 1749 được thăng chức Thiệm sự. Năm 1751 ông hộ giá Chúa Trịnh dẹp yên các cuộc bạo loạn ở miền Tây. Vì có nhiều công lớn ông được thăng chức Thừa chánh sứ Lạng Sơn, sau lại giữ chức Tả dụ đức trị tự sự điện Quang Hiển . Năm 1771 ông được đặc ân bổ nhiệm chức Tham đốc võ huấn tướng quân thần - Võ tứ vệ tước Lam Khê hầu. Là người tận tâm phụng sự triều đình quốc gia, được nhà vua và triều đình nhiều lần ban thưởng.


Cùng năm đó (1771) vì tuổi cao, ông cáo quan xin về nghỉ tại quê nhà Tiên Điền, Nghi Xuân. Lần này gác cung kiếm ,rời triều đình, về với dân làng, ông chọn và bắt tay vào làm thầy hai việc: Việc thứ nhất là thầy dạy học cho con em trong làng. Chỉ trong một thời gian ngắn Nguyễn Trọng mở trường , đào tạo dạy dỗ được nhiều con em học hành đậu đạt cao, mở mang dân trí trong vùng. Việc thứ hai là làm thầy thuốc. Với nghề thuốc, ông đã lặn lội tìm kiếm nhiều bài thuốc trong dân gian, đi khắp núi Hồng để tìm những cây thuốc và vị thuốc quý. Với những kinh nghiệm và tấm lòng đức y, ông đã cứu chữa cho nhiều dân lành. Theo dân làng hiện nay truyền lại, Ông là thầy thuốc cùng thời với nhà y học nổi tiếng Lê Hữu Trác, vì vậy hai người đã có nhiều lần qua lại trao đổi những kinh nghiêm về phương pháp chữa trị bằng cây thuốc nam, đưa vào thể nghiệm trên lâm sàng những loài thuốc mới. Về sau ông giành nhiều thời gian tập hợp biên khảo nhiều bài thuốc thành những bộ sách thuốc quý truyền lại cho đời sau, nhưng rất tiếc đến nay số sách thuốc đó bị thất lạc không còn bao nhiêu.


Vườn nhà của gia thất Nguyễn Trọng trước ở thôn Tiên Quang, thời kỳ đầu đã có một hai lần dịch chuyển, nhưng cũng không nằm ngoài khu vực hiện nay. Khi còn sống ông đã đặt ruộng tế và lập nhà thờ cho chính mình. Tuy vậy đến nay vẫn chưa xác định rõ đền thờ Nguyễn Trọng được xây dựng từ năm nào ? Trong cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Tiên Điền chỉ ghi: “Đền thờ Nguyễn Trọng được đặt trên một khu đất cao ở giữa cánh đồng Thánh thuộc thôn Minh Quang làng Tiên Điền nay là thôn Thuận Mỹ ”*. Khu đền thờ trước đây được xây dựng theo kiểu chữ nhị (=) gồm nhà thượng điện và hạ điện. Đền thờ ngoảnh về hướng nam ,mỗi nhà 3 gian xây từơng, lợp ngói mũi hài .Trước mặt nhà thờ cách một khoảng sân rộng có xây nhà Các, thay cho tắc môn. Kiến trúc nhà Các hình chữ nhật, hai tầng, tám mái cong. (Nhà Các phỏng theo Khuê văn Các ở quốc Tử giám Thăng Long, nhưng thu nhỏ ). Bên trong nhà Các có tấm bia “Thích thiện gia” .Nghĩa là “Nhà giữ điều thiện”.


Nội thất của nhà thờ treo ở gian giữa thượng điện có bức đại tự khắc 4 chữ “Hồng Sơn linh khí” tức (Khí thiêng Núi Hồng). Ơ gian ngoài hạ điện có bức đại tự đề 4 chữ “Vạn đại chiêm ngưỡng” tức (Muôn đời chiêm ngưỡng). Hai cột giữa nhà có treo câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng: Lịch phong bao tự chương công tái /Liên vinh trâm bằng cái đức hinh - Nghĩa là: Công của Người được nhiều lần vua phong tặng/ Đức độ của Người tiếng thơm vang nhiều đời.


Năm Quang Trung thứ 2, ông mở tiệc mừng thọ 80 tuổi và cũng sau dịp ấy, ngày mồng 3 tháng 6 năm 1789 Nguyễn Trọng mất. Là người tài năng, đức độ, được nhiều người ngưỡng mộ, mến phục, nên lễ nghi an táng của ông được dân làng cử hành rất trang nghiêm, trọng thể. Mộ được táng ở lăng Đùng Đùng. Nhà thờ được ông xây cất trước nên vẫn giữ nguyên, con cháu chỉ đặt thêm bài vị và một tấm biển lớn dùng để ghi chép các bài văn thơ của những người có danh tiếng lúc đương thời đề vịnh tặng ông. Năm 1791 khi Nguyễn Quýnh (gọi Nguyễn Trọng bằng chú), chống lại phong trào Tây Sơn. Quan hiệp trấn Nguyễn Quang Dụ cho quân lính về đốt phá dinh thự, đình miếu, chặt hạ những cây cổ thụ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền trên đất Nghi Xuân, đền thờ Nguyễn Trọng cũng bị phá huỷ. Sau khi vua Gia long lên ngôi con cháu của dòng họ Nguyễn Tiên Điền làm trong triêù đình Huế đã góp sức khôi phục lai đền thờ mới trên nền đất cũ. Khoảng vào năm 1953, nhà thờ Nguyễn Trọng bị bom Pháp đánh sập, đồ thờ tự bị hư hỏng, một số khác bị thất lạc.


Đến năm 1960 do khó khăn về kinh phí, hơn nữa cũng cần thu nhỏ để tiện gìn giữ bảo vệ, con cháu đã phục nguyên trên nền cũ. Trong lần tu bổ này, khu mộ của ông bà Nguyễn Trọng cũng được con cháu di dời từ lăng Đùng Đùng về đặt phía Tây Bắc trong khuôn viên. Hiện nay đền thờ vẫn còn giữ lại được bức bài vị ghi niên hiệu của ông và các hiện vật quý bằng đá quý.


Từ năm 1960 lại nay đền thờ Nguyện Trọng đã được nhiều lần con cháu tự nguyện đóng góp công sức chăm sóc .Đặc biệt năm 2002 đền thờ được Bộ Văn hoá thông tin trùng tu lại các hạng mục như: Lát lại sân nền mặt trước ,lợp lại mái ngói của nhà thờ ,trung tu phục hồi lại toàn bộ đền Các, xây bao hàng rào và cổng ,trồng thêm cây xanh .Phía trong nhà thờ các đồ thờ tự như long ngai, bát bảo ,án thư và bức đại tự được phục chế, bổ sung .Hiện nay khu đền thờ Nguyễn Trong không còn được uy nghi ,lỗng lẫy như xưa nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm của chốn thờ tự đối với một người đã gắn bó cuộc đời sự nghiệp của mình để phụng sự vua tôi ,một thầy giáo mẫu mực trong làng nho học, một thầy thuốc đức độ với dân và một người cha người ông đáng kính trong gia đình. Khi đương thời đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cũng đã tiếp thu được tư tưởng lớn đó ở người chú ruôt của mình. Với những đóng góp lớn lao, năm Thành Thái thứ 6 (1894); năm Duy Tân thứ 3 (1909); năm Khải Định thứ 9 (1924) ,triều vua Nguyễn đều có sắc phong cho đền thờ Nguyễn Trọng là (Thượng đẳng tôn thần).


Bên cạnh nhân vật vật lịch sử được người đời thờ phụng, tại nhà thờ Nguyễn Trọng hiện nay còn lưu lại nhiều sắc phong, nhiều biển hiệu và câu đối có giá trị. Đặc biệt là “Tấm bia gia huấn” được khắc trên đá. Nội dung tấm bia ghi lời dạy của Nguyễn Trọng đối với con cháu trong gia đình về việc giữ gìn đạo lý tổ tiên ông cha, khuyên nhủ con cháu phải sống có đạo đức, rèn chí rèn tài, tránh những thói hư tật xấu. Theo “Nghi Xuân địa chí” của tác giả Đông hồ Lê văn Diễn: Để có tấm bia đó Nguyễn Trọng đã mua đá từ bên Tàu, tự tay viết và thuê người Tàu khắc chữ. Tấm bia đã được học giả Le-Breton người Pháp đánh giá “Đây là một tấm bia gia phong rất quý hiếm, hiện mới tìm thấy 2 cái trên đất Việt Nam”. Nằm trong khuôn viên bên ngoài nhà thờ còn ngựa đá,voi đá, quản tượng, nghê đá, sấu đá, được các nghệ nhân đương thời khắc đẽo bằng chất liệu đá sa cát rất sống động, tinh tế.Theo các nhà nghiên cứu, chất liệu đá này chỉ có ở vùng đông bắc Trung Quốc hay miền tây Ân Độ mới có. Đôi tương pháp đặt trước nhà thờ được tạc bằng gỗ tròn liền khối, cả nước hiện nay cũng còn lại rất ít. Tất cả những di vật trên là cơ sở khoa học để chúng ta ngày nay đánh giá tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc và quá trình thiên di, giao thoa giưã các vùng văn hoá cùng kỳ.


Nguyễn Trọng luôn  đươc quần chúng nhân dân quý trọng, lúc trai trẻ ông đã đem nghĩa khí để thể hiện tấm lòng trung hiếu vua tôi, khi tuổi cao đem học vấn để khai trí cho con em trong vùng, lấy đức y chữa bệnh cứu độ dân lành, lấy mẫu mực kính trọng để dạy dỗ con cái, giữ gìn nét gia phong làm rạng danh dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến nay vào những ngày huý nhật của ông nhân dân cả vùng vẫn kéo về tế lễ, xem như một thành hoàng của làng và gọi nơi thờ ông với cái tên kính trọng : “Đền thờ Đại Vương Ba”. Riêng đối với Đại thi hào Nguyễn Du, trong nhiều bài thơ chữ hán Nguyễn Du cũng đã gửi gắm niềm tự hào về dòng họ trâm anh của mình, trong đó luôn nhắc đến người chú ruột là Lam khê hầu Nguyễn Trọng. Tương lai không xa dự án tôn tạo khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ được thực thi và khu du lịch sinh thái làng Tiên Điền được hình thành, nhà thờ Nguyễn Trọng sẽ có một vị thế về cảnh quan, ý nghĩa về lịch sử, cùng với giá trị các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hiện có, sẽ làm hấp dẫn các du khách về tham quan nghiên cứu, học tập.


------------


*Gia phả Nguyễn Tiên Điền ,Gs .Lê Thước dịch lưu tại cục BTBT