Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng
 
Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”.  Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.
 
Những cổ vật bằng gỗ sơn thếp đang lưu giữ, bảo quản trong các bảo tàng cũng bắt đầu phân hủy, mục nát. BTLSQG đang lưu giữ sưu tập cổ vật bằng gỗ và gỗ sơn thếp khá phong phú về loại hình và số lượng.
 
Tượng thờ các loại, hoành phi câu đối, long đình, ngai thờ, đài thờ, khám thờ, tủ thờ, cửa võng, hương án, lư hương, với nhiều đồ án trang trí cầu kỳ, đẹp mắt. Đặc biệt, có những bức đại tự có kích thước lớn (1,2 x 1,8m), bốn xung quanh trang trí hoa văn, vẽ mặt rồng, dơi, chạm lộng kết hợp phù điêu và được tỉa tót công phu, uyển chuyển. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật này, hoặc bị nứt, sứt, hoặc bị bong tróc sơn thếp. Thậm chí có cổ vật bị mối, mục, mủn và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tại Bảo tàng Hà Tây (cũ), cũng có sưu tập cổ vật gỗ sơn thếp khá phong phú và có giá trị văn hóa cao. Nhưng sưu tập tượng bị hư hỏng nhiều, các cánh cửa sơn thếp cũng bị mục mọt.v.v… Các bảo tàng Nam Định, Thái Bình, Hà Nam…cũng có hoàn cảnh tương tự.
 
Năm 2005, BTLSVN (nay là BTLSQG) sưu tầm sưu tập đồ gỗ sơn thếp thời Nguyễn hơn 100 cổ vật, với nhiều loại hình, nhưng nhiều cổ vật cũng bị hư hỏng nặng. Nhiều cổ vật nhìn bề mặt, còn khá nguyên lành. Nhưng thực chất bên trong đã bị mục ruỗng, cốt gỗ không còn. Nhìn chung, cổ vật bằng gỗ sơn thếp đều trong tình trạng báo động cao, đòi hỏi ngành văn hóa nói chung và các bảo tàng cần quan tâm, đầu tư thích đáng để bảo tồn, gìn giữ chúng.
 
Ứng dụng quy trình sơn mài cổ truyền vào bảo quản cổ vật sơn thếp
 
Xung quanh cổ vật bằng gỗ sơn thếp còn nhiều câu chuyện để nói. Trước thực trạng nhiều cổ vật gỗ sơn thếp đẹp, quý hiếm bị mục rỗng hết cốt gỗ ở bên trong, có nguy cơ bị hủy hoại do quá lâu năm, lại không được bảo quản tốt. Có cổ vật bị gãy, nhiều chi tiết bị mất. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật bảo quản Việt Nam chưa có người làm công việc này, nhất là các bảo tàng địa phương đang rất lúng túng. Họ không có những người chăm sóc chúng hàng ngày và kinh phí để bảo quản rất hạn hẹp. Bao nhiêu khó khăn, nan giải đang ở phía trước. Quy trình tu sửa, bảo quản, phục dựng không có. Tại các lớp tập huấn về bảo quản cổ vật của châu Âu, ngay trong dự án của BTLSVN (trước đây) được tổ chức APEFE (Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp) ở Việt Nam tài trợ, các chuyên gia cũng không đề cập đến bảo quản đồ gỗ nói chung. Vì họ không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Lần đầu tiên, BTLSVN bảo quản một số đồ gỗ sơn thếp, gặp không ít trở ngại, bởi có nhiều ý kiến không tán thành việc bồi đắp lại những vị trí cốt gỗ bị mục, mủn hoặc không phục dựng lại chi tiết bị mất. Bởi làm như vậy, sẽ mất yếu tố nguyên gốc, vốn có của nó. Đây là ý kiến rất chính đáng, đúng nguyên tắc bảo quản, tu sửa cổ vật bảo tàng. Nhưng thực tế không làm như vậy thì cổ vật không thể tồn tại được. Như vậy, một bên đảm bảo nguyên tắc, một bên giữ được cổ vật. Trong buổi trao đổi, mạn đàm giữa Hội đồng Khoa học (HĐKH) của Bảo tàng và các nhà bảo quản khá sôi nổi, thẳng thắn. Cuối cùng đều nhất trí giữ cổ vật là quan trọng, vì đó là mục tiêu chính của bảo quản. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, đó là dùng loại vật tư nào để trám vá, tu bổ, phục hồi. Nếu dùng keo silicon bơm vào hay dùng các loại polyme khác để tu bổ, công việc sẽ nhẹ nhàng, đơn giản, nhưng chất lượng không đảm bảo. Bởi vật liệu không đồng chất, không có liên kết tốt và sau một thời gian sẽ tách rời ra. Bằng kinh nghiệm bảo quản tu sửa trên các chất liệu khác và kinh nghiệm bảo quản tu bổ các pho tượng táng ở chùa Đậu, chùa Tiêu, các họa sỹ sơn mài cùng các cán bộ bảo quản Bảo tàng đề nghị HĐKH cho áp dụng quy trình sơn mài truyền thống để tu sửa, bảo quản những cổ vật này. Thuyền thờ ở chùa Keo (Thái Bình), một loại hình cổ vật độc đáo, quý hiếm. Có lẽ Thái Bình là vùng quê gắn liền với sông biển, nên tại chùa Keo có vật thờ bằng chiếc thuyền có mái che được làm bằng gỗ sơn thếp rất kỳ công. Thuyền có nhiều khoang, mỗi khoang có hai mái chèo bằng gỗ sơn ở hai bên. Trong thuyền có một trống gỗ nhỏ và một chiêng đồng nhỏ. Ở đầu, đuôi và hai bên mạn thuyền có hoa văn trang trí đẹp được thếp vàng. Nhưng phần cốt gỗ nhiều vị trí bị mục, mủn hết, có nguy cơ bị vụn nát. Thuyền được tu sửa, phục hồi theo quy trình sơn mài. Khi dùng quy trình sơn mài truyền thống, nhưng phải linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng. Bảo quản thuyền thờ ở chùa Keo Thái Bình, ở các vị trí cốt gỗ bị mục, độ liên kết yếu, dùng sơn sống giọt 2 bơm vào để gia cố, nhằm tăng cường độ cứng vững. Tiếp theo lót, thí và sơn son. Ở các vị trí cốt gỗ mủn, rụng rời như cám thì phải loại bỏ và thay vào đó là mùn cưa, sơn sống giọt 3, vải màn sợi bông cùng với cật tre sóc để bó, hom. Trong trường hợp này, công việc bó vô cùng quan trọng. Bó làm nhiều lớp. Lớp đầu tiên dán một lượt cật tre sóc đã xử lý chống mối mọt, tạo khung vững chắc. Sau đó, dùng mùn cưa mịn, sơn giọt 3, có thêm tỷ lệ đất phù sa bó một lớp mỏng, chờ khô rồi lại bó tiếp đến khi bề mặt ngang bằng xung quanh mới làm nhẵn bề mặt. Công đoạn hom được tiến hành ba nước sơn và mài nhẵn, nhất là điểm tiếp nối giữa mới và cũ. Sau đó mới tiến hành những công đoạn tiếp như lót, thí và sơn son.
Thuyền thờ, gỗ sơn son thếp vàng, thời Lê Trung Hưng, thế kỉ 17, chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
 
Năm 2006, được sự tài trợ của quỹ bảo tồn di sản Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, BTLSVN tu sửa, bảo quản hơn 100 cổ vật bằng gỗ sơn thếp thời Lê-Nguyễn. Trong số đó, có nhiều cổ vật hư hỏng nặng như hương án, khám thờ, kỷ thờ, cửa võng, sập chữ Thọ. Nhiều vị trí cũng bị mối mục, mủn, nhiều chi tiết rời khỏi hiện vật gốc. Lần này, BTLSVN cùng với cơ sở sơn mài vẫn áp dụng quy trình sơn mài truyền thống để phục hồi chúng. Trong quá trình làm, bà trợ lý ngoại trưởng có dịp đến Việt Nam và đến kiểm tra dự án. Tại buổi làm việc, bà rất hài lòng và khâm phục tài nghệ của con người Việt Nam. Trong buổi báo kết quả thực hiện dự án, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá rất cao kết quả dự án. Đây là dự án được lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng đánh giá: “BTLSVN có cách làm sáng tạo, kết hợp giữa làng nghề với việc bảo quản cổ vật bảo tàng để trao đổi, học hỏi lẫn nhau, giúp làng nghề tiếp cận cổ vật bảo tàng và những cán bộ kỹ thuật bảo quản của bảo tàng biết được nghề sơn mài, nhằm giữ gìn và phát huy nghề sơn mài truyền thống của dân tộc”.
 
Hương án trước khi được bảo quản.
 
Hương án trước khi được bảo quản.
 
Những cổ vật bằng gỗ sơn thếp tại BTLSQG sau hơn 5 năm xử lý, bảo quản bằng quy trình sơn mài truyền thống và được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ, độ ẩm ổn định, chưa có biểu hiện gì. Có thể khẳng định đây là cách làm tốt, bài bản, khoa học và phát huy được nghề truyền thống. Qua đó góp phần gìn giữ và bảo tồn các cổ vật bằng sơn son thếp vàng, giữ được nghề cổ truyền đang bị mai một.
 
 
Theo Nguyễn Mạnh Hà (Nguyên Trưởng phòng Bảo quản)/Bảo tàng lịch sử quốc gia
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.