Nguyễn Tiên Điền là dòng họ trứ danh cả nước với những bậc danh nhân tài hoa như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Trọng, Nguyễn Khản, Nguyễn Du... Đáng chú ý là ngay trên mảnh đất quê hương Kinh Bắc cũng tồn tại một nhánh dòng họ vinh hiển này đó là nhánh của cụ Nguyễn Trừ, con trai cụ Nguyễn Nghiễm, người anh cùng cha khác mẹ của đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời là Quốc trượng (bố vợ) vua Gia Long.

 


Hơn hai trăm năm đã trôi qua nhưng cái tên “ngõ quan phủ”, “ao quan phủ” vẫn được những người dân thôn Hưng Phúc, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn dùng để gọi về hai địa danh của thôn mình. Chúng tôi không mấy khó khăn để tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Thinh, hậu duệ đời thứ 6 của cụ Nguyễn Trừ. Ở tuổi 89 nên sức khoẻ của cụ không được tốt lắm, tiếp chúng tôi là cụ Nguyễn Thanh Bình, người hiểu khá rõ về dòng họ mình.


Trong căn nhà cổ với những cột to bằng gỗ xoan mà theo cụ Bình cho biết thì được xây từ thời cụ tổ, nghĩa là tuổi đời cũng ít nhất hai trăm năm, cụ nói: “Cụ tổ của chúng tôi là cụ Nguyễn Trừ, gốc ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chúng tôi luôn nhớ về cội nguồn dòng họ mình”. Cụ Bình chỉ cho chúng tôi đôi câu đối cổ, làm bằng gỗ dổi, nền gỗ sơn ta màu đen, khắc chữ Hán thếp vàng đã phai mờ được treo ở hai bên bàn thờ. Cụ dịch nghĩa “Lưỡng triều danh tể tướng. Nhất thế đại nho sư” nghĩa là “Tể tướng uy danh hai triều đại. Nhà nho lừng lẫy nhất một thời”. Đây chính là những ngôn từ mà người thời Lê - Trịnh dùng để ca ngợi dòng họ Nguyễn Tiên Điền bởi dòng họ này có tới hai người làm đến tể tướng: cụ Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm giữ chức Tể tướng kiêm tế tửu Quốc Tử Giám và con trai trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Khản giữ chức Nhập nhị tham tụng (tương đương Tể tướng), Tả tư giảng (dạy chúa Trịnh học lúc còn là thế tử) và Tế tửu Quốc tử giám.


Cụ Bình cho biết, đôi câu đối này có tuổi đời hơn hai trăm năm nay, nó được làm từ thời cụ tổ của cụ. Cả dòng họ luôn coi đôi câu đối là báu vật vô giá, đời đời con cháu phải giữ gìn. Rồi cụ xót xa chỉ lên bức hoành phi treo trên cao với 4 chữ “Dịch thế thư hương” nghĩa là “Đời đời vinh quang nhờ văn chương sách vở”. Cụ cho hay, bức hoành phi này chỉ là phiên bản vì bức hoành phi gốc do đời trước các cụ gặp gia cảnh khó khăn đã đem bán cho một dòng họ khác trong xã. Quả thật, với những gì mà cụ Bình cung cấp thì đôi câu đối cổ hiện đang treo trên bàn thờ nhà cụ Thinh rất đáng quý bởi nó mang giá trị lịch sử và liên quan đến một dòng họ nổi tiếng của đất nước.


Theo cuốn gia phả “Hoan Châu- Nghi Tiên Nguyễn Gia thế phả” thì Nguyễn Trừ là con của cụ Nguyễn Nghiễm và bà vợ thứ năm có tên Nguyễn Thị Xuân quê ở Tiêu Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Trừ sinh năm 1760, đến năm 1779 cụ đỗ Tứ trường, được bổ nhiệm là tri phủ Siêu Loại thời Chiêu Thống, sau đó thăng làm tri phủ Kinh Môn, rồi làm tri phủ Nam Sách. Cụ mất năm 1809, có cả thảy 3 người con: Nguyễn Thích (giữ chức tri phủ Nguyễn Hưng, Nam Định), Nguyễn Trù (giữ chức tri phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đáng chú ý là người con gái Nguyễn Thị Uyên được vào làm cung tần của vua Gia Long. Như vậy, cụ Nguyễn Trừ còn là Quốc trượng (bố vợ vua) Gia Long.


Tháng 11 năm 2007, dòng họ Nguyễn Tiên Điền tại Tương Giang đã làm phiên bản bức hoành phi và đôi câu đối để cung tiến về nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đồng thời làm lễ nhận họ, nhập vào dòng họ đại tông Nguyễn Tiên Điền. Một sự kiện quan trọng của dòng họ mà cụ Bình kể cho chúng tôi đó là năm 2008, dòng họ quyết định chuyển mộ cụ tổ được chôn tại cánh đồng thôn Tạ Xá cũng thuộc xã Tương Giang về thôn Hưng Phúc. Cụ nhớ lại “Bao đời nay chúng tôi vẫn hương khói mộ cụ tổ, trên mộ có một tấm bia cổ nhưng không biết đích xác là có hài cốt cụ tổ dưới đó không bởi chỉ nghe các cụ truyền miệng, đến khi đào lên chúng tôi tìm thấy nguyên tiểu cụ tổ, cả dòng họ hết sức vui mừng”.


Theo chân cụ Bình, chúng tôi ra thăm mộ cụ tổ Nguyễn Trừ. Mộ đã được dòng họ lập khang trang, đẹp đẽ. Tấm bia cổ có kích thước 30x50cm khắc chữ Hán đã mờ theo năm tháng. Mặt trước bia khắc: “Cố Nam Sách phủ tri phủ Nguyễn Hầu, Nghệ An trấn, Đức Thọ phủ, Tiên Điền xã nhân dã” nghĩa là “Cố tri phủ Nam Sách quê ở xã Tiên Điền, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An”. Mặt sau khắc: “Minh Mệnh thập nhất niên chính nguyệt cốc nhật phụng khắc ư Vĩnh Tường phủ công sở” nghĩa là “Tri phủ Vĩnh Tường khắc năm Minh Mệnh thập nhất”.


Thắp nén hương trên mộ cụ tổ Nguyễn Trừ, chúng tôi không khỏi bồi hồi khi nghĩ về những con người tài hoa xưa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, dòng họ đã sản sinh ra đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới.


Con cháu dòng họ của cụ Thinh, cụ Bình cũng mỗi người mỗi ngả bươn chải vì cuộc sống mưu sinh, người đi Nhã Nam (Bắc Giang), kẻ lên Lạng Sơn... nhưng cứ đến ngày việc họ vào mồng 8 tháng giêng Âm lịch hàng năm thì tất thảy con cháu lại tập trung về đúng ngôi nhà cổ mà cụ tổ Nguyễn Trừ đã dựng lên. Dù đi đâu, về đâu con cháu không bao giờ quên nguồn gốc tổ tiên của mình và họ tự hào vì mình là con cháu của một dòng họ hiển hách.


“Ngõ quan phủ” giờ đây chỉ là một ngõ nhỏ của thôn Hưng Phúc, còn “ao quan phủ” đã bị lấp từ lâu nhưng hai địa danh ấy vẫn âm vang mãi trong tiềm thức dân làng thôn Hưng Phúc, Tương Giang trong suốt chiều dài lịch sử.