Nhân dịp quán triệt nghị quyết 9 (khóa XI) về phát triển văn hóa. Phóng viên Văn Hiến có dịp phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương. Ở tuổi 66 ông vẫn toát lên dáng vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Giọng nói nhẹ nhàng, ông chinh phục người nghe bằng một triết lý sâu sắc về văn hóa, cuộc sống và con người.

Thưa ông!
 Là người đã từng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nhiều năm, ông quan tâm gì nhất trong cuộc sống này?
 
Ông Nguyễn Hữu Oanh: Những giá trị cốt lõi của con người là văn hóa, bao gồm văn hóa quản lý, văn hóa ứng xử, văn hóa trong cuộc sống… Những vấn đề về quyền lực, tài chính không phải là những giá trị tuyệt đối; tài chính, theo tôi chỉ là phương tiện để chúng ta thỏa mãn ước mơ của mình. Chức tước, có thể mua được, nhưng văn hóa thì không. Văn hóa phải tích lũy, phải tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình.
 
Hơn 80 năm qua kề từ ngày thành lập Đảng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta đều quan tâm đến văn hóa và vấn đề con người. Điều này cũng dễ hiểu vì dân tộc ta là dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, biết tôn trọng các giá trị về phẩm giá con người
 
PV:Nguyên tắc này được ông áp dụng như thế nào trong quản lý?
 
Ông Nguyễn Hữu Oanh: Tôi không phải là type người quyết tâm đạt được mục đích bằng mọi giá. Mọi giá trị vật chất rất dễ bị phủ nhận, rất mong manh. Những giá trị vật chất luôn thay đổi theo thời gian. Trong lĩnh vực quản lý văn hóa, phải coi trọng xây dựng nhân cách con người. Văn hóa do con người sinh ra và đến lượt mình, văn hóa tạo ra con người. Không có con người thì không có văn hóa. Mặt khác không được sinh ra và lơn lên trong môi trường có văn hóa, con người rất  khó trở thành người hoàn thiện. Chân lý từ ngàn xưa là vậy. Cho nên trong quản lý, tôi coi trọng xây dựng nếp sống văn hóa, uốn nắn từ cơ sở để có được một môi trường xã hội lành mạnh. Có gia đình văn hóa, có làng văn hóa, có cơ quan văn hóa mới có nếp sống văn minh cho toàn xã hội.
 
PV: Về Hải Dương, điều dễ nhận thấy nhất là những công trình văn hóa thời ông làm quản lý, vì sao ông lại đặc biệt quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo các công trình văn hóa?
 
Ông Nguyễn Hữu Oanh: Đúng vậy! Quê hương tôi có rất nhiều bậc danh nhân hội tụ, có người là người Hải Dương, có người không phải là người Hải Dương nhưng lại chọn Hải Dương là nơi ký thác cuộc đời mình. Đó là bề dày văn hóa mà hiếm nơi nào có được. Cổ xưa tổ tiên chúng tôi đã xây đền thờ để vinh danh các bậc danh nhân. Nhưng thời gian đã làm cho các công trình văn hóa đó trở thành phế tích.
 
Tôn tạo và phục dựng các đền thờ cho các bậc thánh nhân, giáo dục về tấm gương hy sinh, đạo đức lối sống và nhân cách ở các bậc thánh nhân chính là truyền cho người nghe về tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đến viếng thăm các cơ sở thờ tự, thắp nén nhang thơm, là một lần tự soi mình để sống sao cho xứng đáng với các bậc tiền nhân, là sinh hoạt văn hóa rất đáng coi trọng, là dịp để con người hướng về tổ tiên, cội nguồn, sống thiện tâm hơn, biết kính trên nhường dưới, biết “sợ” các đấng tối cao, có niềm tin để vươn lên và cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống.
 
PV: Trong quản lý Di sản văn hóa, có thể nói ông là người làm được nhiều việc, ông có kinh nghiện gì?
 
Ông Nguyễn Hữu Oanh: Thành công là một khái niệm tương đối, tôi có thể hơn người này và người khác lại hơn tôi - đó là điều bình thường. Tuy nhiên, một mình thì chẳng làm nên trò trống gì. Đó là kết quả của cả một tập thể, qua nhiều thế hệ.
 
Nếu chọn giữa được lòng và được việc thì tôi chọn được việc.Tôi có khả năng chinh phục cấp trên bằng sự chân thành, để họ ra quyết định đúng, và thu phục cấp dưới bằng sự nêu gương đam mê, tận tụy, tâm huyết trong công việc để lôi cuốn họ phát huy hết khả năng giúp mình có quyết định chính xác, đó là mấu chốt của thành công, lĩnh vực này tôi có một ê kíp tuyệt vời, chính tôi phải cảm ơn họ!
 
PV: Ông có ước mơ gì chưa thực hiện được?
 
Ông Nguyễn Hữu Oanh: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách và lối sống đẹp” .
 
Tôi muốn sự tử tế hiện hữu nhiều hơn và lan rộng trong cuộc sống này!