Nói đến gia thế đại thi hào Nguyễn Du 阮 攸 (1765 - 1820), bên cạnh người cha tài năng, uy quyền - Nguyễn Nghiễm 阮 儼 (1708 - 1776) - chúng ta thường đề cập người anh trai cùng cha khác mẹ rất thành đạt, phong lưu mà cũng không kém phần “đa tài, đa nghệ” là Nguyễn Khản 阮 侃 (1734 - 1786)(1).

 

Riêng về lĩnh vực văn học, Nguyễn Khản được biết đến như một tác giả tài hoa, sáng tác nhiều thơ phú, đặc biệt giỏi về thơ, ca quốc âm(2). Thế nhưng hiện nay sáng tác của Nguyễn Khản còn lại không nhiều. Chúng ta được biết đến một trong bảy bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc hiện tồn có nhiều khả năng của Nguyễn Khản(3). Chúng ta cũng đã tìm ra một bài thơ Nôm được Nguyễn Khản đề ở Đền Và, Sơn Tây(4), mấy câu thơ Nôm đối đáp với Trịnh Sâm(5) và 2 bài phú Nôm (Thuật hoài phú, Đan thư thiết khoán phú)(6). Số lượng tác phẩm ít ỏi đó không đủ thoả mãn sự tò mò của chúng ta về văn tài của Nguyễn Khản. Vì vậy, việc sưu tầm, phát hiện các tác phẩm của Nguyễn Khản là một việc làm cần thiết để đánh giá rõ hơn vị trí của ông trên văn đàn. Góp phần vào công việc đó, chúng tôi xin cung cấp thêm một (mà lại là hai) tác phẩm mới của Nguyễn Khản.

Đó là bài thơ Nguyễn Khản họa thơ Nguyễn Huy Oánh 阮 輝 瑩 (1713 - 1789) nhân dịp vị Thám hoa này theo lệ về trí sĩ rồi được khởi phục vào năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Những bài thơ này được chép trong sách Nguyễn thị gia tàng (Sách lưu giữ trong nhà họ Nguyễn)(7) hiện được con cháu dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cất giữ (với 2 dị bản tạm gọi là A và B). Nguyên văn bài thơ chữ Hán của Nguyễn Huy Oánh như sau:

 濫 階 第 一 玷 清 班,

守 拙 區 區 卅 載 間.

萬 里 歸 駢 憑 厚 庇,

七 旬 解 組 竊 餘 閒.

凡 資 幸 遂 群 麋 鹿,

雅 範 弥 深 景 鳳 鸞.

頂 踵 此 生 全 聖 澤,

億 年 僅 囑 壽 南 山.

Phiên âm:

Lạm giai đệ nhất điếm thanh ban,

Thủ chuyết khu khu táp tải gian.
Vạn lí quy biền, bằng hậu tí.

Thất tuần giải tổ, thiết dư nhàn.

Phàm tư hạnh toại quần mi lộc,

Nhã phạm di thâm cách phượng loan.

Đính chủng thử sinh toàn thánh trạch,

Ức niên cận chúc thọ Nam San.

Dịch nghĩa 

Lạm dự vào bậc hàng đầu, làm nhơ chốn cung thất(8),

(Thế mà) khư khư giữ sự vụng về trong vòng ba mươi năm trời.

Quay cỗ xe vạn dặm trở về được, là nhờ ơn trên sâu dày,

Bảy mươi tuổi về nghỉ hưu, trộm có chút nhàn thừa.

Bạn bầy với lũ hươu nai(9), cũng may toại được tư chất bình thường,

Hâm mộ bầy loan phượng(10), thì càng làm sâu thêm khuôn phép nhã nhặn.

Đời này, cả tấm thân(11) đều nhờ ơn thánh chúa,

Xin chúc bề trên muôn tuổi tựa Nam Sơn(12).

Dịch thơ:

Lạm vào hạng nhất ghé thanh ban,

Giữ vụng muôn ngày giữa thế gian.

Trọn vẹn sứ trình, ơn chúa nặng,

Thôi quan dưỡng lão, trộm khi nhàn.

Đứng hàng dân dã, gần nai hoẵng,

Mến bạn thanh tao, giáp phượng loan.

Tất thảy đời này ơn thánh cả,

Thọ trên xin chúc tựa Nam San.

 Nguyễn Khản họa lại như sau:

王 朝 等 列 共 聫 班,

德 且 年 尊 達(13)世 間.

黄 點 菊 纏 花 几 凈,

粉 粧 梅 戲 月 窻 閒.

香 樓 瑞 占(14) 都 麟 鳳,

紫 閣 書 傳 合 鵲 鸞.

張 弛 理 明 推 吏 隱,

堂 堂 本 體 道 羅 山.

Phiên âm

Vương triều đẳng liệt cộng liên ban,

Đức thả niên tôn đạt thế gian.

Hoàng điểm cúc triền hoa kỉ tịnh,

Phấn trang mai hí nguyệt song nhàn.

Hương lâu thuỵ chiếm đô lân phượng,

Tử các thư truyền hợp thước loan.

Trương thỉ lí minh suy lại ẩn,

Đường đường bản thể đạo La Sơn.

Dịch nghĩa

Hàng hàng quan lại trong triều họp thành các ban,

Ông đức và tuổi đều tôn quý, có thể gọi là “đạt” trong đời.

Khóm cúc điểm vàng, ghế hoa sạch sẽ,

Nhành mai rắc phấn, song trăng nhàn nhã(15).

Lầu hương bói được điềm lành, là nơi tụ tập của lân phượng,

Gác tía truyền dạy sách vở, hội họp các loài chim loan, chim thước(16).

Căng hay chùng cái lí đã rõ, giục giã kẻ ẩn dật chốn quan trường(17),

Cái đạo ở La San(18) quả có gốc rễ bề thế, vững vàng.

Dịch thơ

Từng hàng quan lại họp thành ban,

Đức trọng tài cao, hiển thế gian.

Khóm cúc điểm vàng, lưng ghế nhẵn,

Nhành mai rắc phấn, cửa trăng nhàn.

Lầu hương điềm tốt, mời lân phượng,

Gác tía điều hay, đón thước loan.

Căng trũng lẽ rành, xui khách ẩn,

Vững vàng đạo thể ấy La San. 

Thựa ra, bài thơ của Nguyễn Khản chỉ là một trong tổng số 76 bài thơ của triều thần nhà Lê họa lại thơ của Nguyễn Huy Oánh. Trong đó, có nhiều bài thơ của những tể thần, danh sĩ đương thời như Trịnh Kiều (? - ?), Lê Quý Đôn (1724 - 1783), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), Phạm Nguyễn Du (1739 - 1786), Hoàng Tố Lí (1743 - 1782), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Phan Huy Ích (1751 - 1822),… Trong đó, có những bài thơ họa của những người thân của ông Thám hoa như em trai Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1786), con trai Nguyễn Huy Tự (1743 - 1789),… rồi những học trò của Nguyễn Huy Oánh như Phạm Nguyễn Du, Phạm Trọng Huyên (? - ?),… Bài thơ của Nguyễn Khản cũng có thể được xếp vào số những bài thơ họa của người thân Nguyễn Huy Oánh bởi ông chính là thông gia của gia đình ông Thám hoa (con gái ông là Nguyễn Thị Bành (1750 - 1773), Nguyễn Thị Đài (1752 - 1819) lấy Nguyễn Huy Tự; hai gia đình lại có quan hệ qua lại, thông gia lâu đời,…). Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì quá đặc biệt ảnh hưởng đến bài thơ, bởi nó cũng chỉ là một bài thơ mang tính chất nghi thức, thù tạc, tụng ca như những bài thơ họa khác. Cái đặc biệt của bài thơ nằm ở cách viết, cách chơi thơ. Ở đây, Nguyễn Khản đã sử dụng kiểu chơi thơ “thuận nghịch độc” (nghĩa là đọc xuôi đọc ngược). Hơn thế nữa, kiểu “thuận nghịch độc” này áp dụng trong hoàn cảnh song ngữ Hán - Nôm. Cụ thể, ở bài thơ này, ông đã sử dụng kiểu “thuận nghịch độc” như cước chú của bài thơ là “Đọc thuận là bài thơ Đường luật, đọc nghịch là bài thơ quốc âm” (順 用 唐 律 逆 用 國 音). Theo đó, bài thơ đọc xuôi thì được bài thơ chữ Hán chỉnh tề, trang nhã như trên; còn đọc ngược thì ta được bài thơ quốc âm cũng không kém phần tề chỉnh, tao nhã. Bài thơ tạm được phiên âm như sau:

Sơn là đạo thể vốn đường đường,

Ẩn lại suy minh lẽ thỉ trương.

Loan thước họp, truyền thư gác tía,

Phượng lân đua, chiếm thụy lầu hương.

Nhàn song nguyệt hé, mai trang phấn,

Tạnh cửa hoa chen, cúc điểm vàng.

Gian thế đạt tôn nên thả đức,

Ban liền cùng liệt đấng triều vương.

Bài thơ Nôm có nội dung cũng không ra ngoài mục đích chúc tụng của Nguyễn Khản dành cho Nguyễn Huy Oánh. Âm luật bài thơ tề chỉnh, ngôn ngữ trau chuốt (tuy vẫn bài thơ có khá nhiều vài từ Hán Việt không được “thuận tai” người đọc hiện đại cho lắm, nhưng lại không có gì xa lạ với người trung đại). Đặc biệt, bài thơ Đường luật, nhưng hai câu thực lại được ngắt nhịp 3/4 như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… từng làm khiến cho bài thơ có được ấn tượng gần gũi với khẩu ngữ hơn.

Hai bài thơ của Nguyễn Khản mới phát hiện cho thấy Nguyễn Khản là một nhà thơ Hán - Nôm tài hoa, chuộng dùng thơ văn như một thú chơi tao nhã, một ngón nghề công phu, đồng thời có ý thức trổ tài, “khoe tài”. Mặt khác, với những tác phẩm còn lại của Nguyễn Khản, bước đầu ta có thể hình dung ra một phong cách thơ văn Nguyễn Khản, đó chủ yếu là loại thơ văn đài các, thù tạc, yến ẩm, hoa mĩ,… phục vụ cho sự nghiệp chính trị và cuộc sống hưởng thụ phong lưu nhất thời của ông. Điều đó phù hợp với những ghi chép của người đương thời và đời sau về ông (đặc biệt là ghi chép của Phạm Đình Hổ). Nó cũng góp phần lí giải nguyên nhân vì sao dù được sáng tác nhiều nhưng tác phẩm của Nguyễn Khản được truyền đến ngày nay khá ít. Phải chăng, “văn vận” kém phần may mắn đó đã “bỉ sắc tư phong” với cuộc đời phong lưu bậc nhất của ông?.

Chú thích:

(1) Nguyễn Thanh Tùng, “Các nhân vật họ Nguyễn Tiên Điền với âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX)”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Đại thi hào Nguyễn Du và các danh nhân dòng họ Nguyễn Tiên Điền với Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.569-590.
(2) Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1984, tr.63; Phạm Đình Hổ, “Nhà họ Nguyễn Tiên Điền”, Vũ trung tùy bút, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr.156-157.
(3) Hoàng Xuân Hãn, Chinh phụ ngâm bị khảo, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993, tr.23; Thế Anh, Về bản dịch Chinh phụ ngâm của Nguyễn Khản, Thông báo Hán Nôm học năm 2008, Hà Nội, 2009. (3) Nguyễn Xuân Diện, “Nguyễn Khản đề thơ ở đền Và”, Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1993.
(4) Nguyễn Xuân Diện, Đinh Thanh Hiếu, “Về năm bản nhạc chương Nôm đời Lê”, tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 2000.
(5) Phạm Đình Hổ, “Nhà họ Nguyễn Tiên Điền”, Vũ trung tùy bút, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr.156-157.
(6) Phan Văn Các, Trần Ngọc Vương (đồng chủ biên), Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nxb. Hà Nội, 2010.
(7) Nguyễn Huy Vinh (biên tập), Nguyễn thị gia tàng (bản A và B), cuối thế kỉ XVIII, bản thảo được cung cấp bởi ông Nguyễn Huy Mỹ.
(8) Nguyên văn “Thanh Ban”, tên một cung điện quý. Thơ Tô Đông Pha thời Tống có câu: “Ngã hoài Nguyên Hựu sơ, Khuê chương mãn Thanh Ban” (Ta nhớ năm đầu thời Nguyên Hựu; Ngọc khuê chương đầy cung Thanh Ban). Khuê chương lại là hai thức ngọc quý chỉ nhân phẩm. Kinh Thi ví người “như khuê, như chương”. Đây dùng nói chung cho cung khuyết (dẫn theo Lại Văn Hùng). “Thanh ban” cũng chỉ phẩm loại, ban loại thanh cao, quý trọng.
(9) Hươu, nai: chỉ cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng.
(10) Phượng loan: chỉ những bậc anh tài được giáo dưỡng.
(11) Nguyên văn “Đính, chung” (từ đầu đến gót). Nhậm Phương đời Hậu Hán có câu: “Tự đính chí chung; Công quy tạo hóa” (Từ đầu đến gót, đều do công của tạo hóa mà thành), (dẫn theo Lại Văn Hùng).
(12) Bài Thiên bảo trong Kinh Thi có câu: “Như Nam Sơn chi thọ, bất khiên bất băng” (Sống lâu bền vững như núi Nam, không mòn không lở). Người xưa cũng thường nói “thọ tỉ Nam Sơn” (thọ tựa núi Nam).
(13) Bản A: nhiễu (遶)
 (14) Bản B: điểm (点)
(15) Hai câu thực chỉ cảnh trí sĩ, ẩn dật với những hình ảnh quen thuộc như cúc, mai, song trăng, ghế hoa. (16) Hai câu luận chỉ việc dạy dỗ học trò.
(17) Nguyên văn “lại ẩn” (kẻ ẩn chốn quan trường). Theo Sử kí, Đông Phương Sóc thời Hán làm quan đến chức Đãi chiếu Kim mã môn, có người bảo ông rằng: người ta đều nói ông là cuồng sĩ. Đông Phương Sóc đáp: Dạng người như ta, là loại trốn đời nơi triều đình, không giống với người xưa trốn đời trong núi rừng. Liền đó uống rượu say, chống đất mà ca rằng: “Chìm nổi chốn thế tục, trốn đời nơi quan trường. Nơi cung điện có thể bảo toàn tấm thân trốn đời, hà tất phải trốn đời trong rừng núi, dưới cây lau cây sậy”.
(18) La San: tức La Sơn, tên huyện, trong huyện La San có tổng Lai Thạch, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), quê Nguyễn Huy Oánh.