Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Hình tượng con gà trong nghệ thuật trang trí gốm - sứ

Con gà/đàn gà với ý nghĩa sâu thẳm về đủ đầy, hạnh phúc, với sự gần gũi thân quen với con người trong nhiều nghìn năm.
 

Trong nghệ thuật tạo hình trên đồ gốm, hình tượng con gà xuất hiện khá sớm, khoảng hơn 2000 năm trước, thông qua những phát hiện tượng gà trong các ngôi mộ với tư cách là những đồ tùy táng chôn theo người chết. Tuy nhiên, sự gửi gắm của người sống sang thế giới bên kia, có khác nhau trong quan niệm khi là con gà trong bầy đàn gia súc, gia cầm - những con vật gần gũi, thân quen mà khi còn sống họ đã từng chăm sóc chúng trong gia đình, ví như lợn, gà, chó…

 

Tượng sứ hình con gà.
 
Cũng có khi đó là những con vật trong 12 con giáp mà không chỉ ở Việt Nam, nhiều dân tộc phương Đông khác cũng có quan niệm này để người quá cố mang sang thế giới bên kia thực hành như dương gian đã trải qua. Con gà ấy nằm trong 12 con giáp. Mặc dù gà đi vào nghệ thuật đồ gốm muộn nhưng con vật nuôi này được thuần dưỡng khá sớm, khi các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy chúng, qua tàn tích xương trong các di chỉ khảo cổ học cách đây hơn 2000 năm. Như vậy, gà là con vật có lịch sử lâu đời gần gũi, thân quen trong đời sống của con người và dần dần trở thành một đề tài của nghệ thuật tạo hình, một quan niệm tín ngưỡng của người cổ xưa, để rồi, đến hôm nay nó vẫn còn tồn tại như một sự bảo lưu truyền thống.
 
Trên đồ sứ vẽ nhiều màu của Trung Quốc, con gà không chỉ được thể hiện là một cá thể. Vào thời Minh - Thanh, từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, gà được vẽ khá phổ biến trên đồ sứ. Thời cuối Thanh có một tiêu bản vẽ cả đàn gà, trong đó có cả gà bố, mẹ và đàn gà con, trong bối cảnh rất sinh động của vườn nhà và màu sắc vô cùng tươi tắn. Gà trống có vóc dáng khá uy nghiêm, đầu nghển cao như sắp gáy, gà mẹ cặm cụi dẫn đàn con đi kiếm mồi, tạo nên một vẻ đầm ấm, sum vầy. Nguyện ước của con người về sự thanh bình, hạnh phúc, con đàn, cháu đống cũng như thế. Hình tượng đàn gà là thể hiện sự đủ đầy, hạnh phúc mà bất kì ai trong thế giới này, từ cổ chí kim đều hướng tới.
 
Hình tượng con gà cũng đi vào đời sống cung đình của đế vương Trung Hoa. Cách đây vài năm, một chiếc chén vẽ nhiều màu đời Thành Hóa nhà Minh, thế kỷ 16 vẽ đề tài gà, không quá hấp dẫn và tài khéo như tiêu bản thời Thanh nói trên, nhưng nhà đấu giá Christiés Anh Quốc bán đấu giá ở Hồng Kông lên tới 32 triệu USD. Tôi đã theo dõi chiếc chén này khi nó mới có 3 triệu, rồi lên 16 triệu và kết thúc là 32 triệu USD. Chiếc chén nhỏ, vẽ không đẹp, hình ảnh li ti, chẳng mấy ấn tượng, nhưng giá cao ngất ngưởng, chính vì nó là vật dùng cho Nhà vua với một đề tài vẽ gà hiếm hoi, ngay cả với đồ dùng Hoàng tộc chứ chưa nói gì đến đồ làm cho Vua dùng. Đề tài dân gian, dân dã đã đi vào đời sống Hoàng cung, chắc chắn cũng là một quan niệm may mắn, hạnh phúc về đề tài này, khiến cho nó có giá trị cao đến như thế.
 
Chén hình Gà thời Ung Chính nhà Thanh - Trung Quốc.
 
Ở Việt Nam, đồ gốm sứ vẽ đề tài gà không nhiều, chủ yếu trên tranh dân gian Đông Hồ, thể hiện sự hả hê, mãn nguyện qua hình tượng chú bé ôm gà trống. Đó dường như cũng là thông điệp về ý nghĩa con gà trong quan niệm chung của con người. Thế nhưng, trên đồ gốm Việt Nam, con gà dường như lại được người nghệ sĩ mô tả từ quan sát trực quan.
 
Tôi đã được xem một chiếc thạp gốm hoa nâu thời cuối Trần – đầu Lê vẽ gà của một sưu tập tư nhân ở Hà Nội cách đây gần 30 năm. Chiếc thạp chỉ cao 35cm, đường kính miệng 30cm, có ba tầng hoa văn. Hai trong ba tầng vẽ hoa lá, không có gì khác lạ so với nhiều đồ gốm hoa nâu đã phát hiện trước đây có niên đại tương đồng. Thế nhưng, ở sát chân thạp có một băng hoa văn vẽ chiến binh mặc áo giáp, đội mũ có chóp, cầm lao đâm những con gà. Những con gà hoảng loạn, vỗ cánh bay là là mặt đất, lông rơi lả tả. Đó là những binh lính xâm lược của quân đội nhà Minh mà qua võ phục tôi có thể nhận ra. Họ đi cướp bóc của cải dân chúng bản địa sau những chiến trận thành công.
 
Nét vẽ thô phác đúng với kỹ thuật vẽ hoa nâu truyền thống thời Lý – Trần và đầu Lê sơ, nhưng mọi chi tiết sống động, qua nét vẽ tả thực của người nghệ sĩ, rất có giá trị tư liệu để khai thác về nghệ thuật và lịch sử. Nhận thức được giá trị độc bản, hiếm quý ấy, tôi có đề nghị với ông Giám đốc Bảo tàng Lịch sử thời bấy giờ, cần sưu tập chiếc thạp. Người sở hữu nói với tôi, nếu Bảo tàng sưu tầm, ông xin nhượng lại với giá 800 USD, tương đương 8 triệu đồng Việt Nam thời điểm ấy với tâm niệm, Nhà nước lưu giữ được sẽ có dịp đến xem. Ông Giám đốc vô cùng thích thú nói với tôi, trả họ 6 triệu, nhưng rồi để quá lâu, do không có kinh phí, nó không còn ở lại Việt Nam nữa cho đến ngày hôm nay, theo tôi biết.
 
Thạp vẽ gà trên gốm hoa nâu còn một tiêu bản nữa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm 10 năm trước. Đó là hình ảnh con gà ở băng trang trí chủ đạo trên một chiếc thạp, với nét vẽ thô phác, đầy chất ngẫu hứng của người nghệ sĩ. Con gà dường như đang chuẩn bị vỗ cánh, ngẩng cao đầu với dáng vẻ oai phong chuẩn bị gáy, thể hiện sức mạnh giống nòi, nhưng cũng là một thông điệp về phong cách nghệ thuật thời đại – nghệ thuật thời Trần – tự do, phóng khoáng nhưng vẫn rất thực, như được lấy chất liệu trong quan sát hàng ngày của người nghệ sĩ vẽ gà trên gốm.
 
Tượng gốm sứ bát tràng con gà trống
 
Gà vẽ trên gốm hoa nâu thời Trần còn một tiêu bản tương tự khác, hiện đang lưu giữ trong một sưu tập tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chiếc thạp được dựng lại từ một mảnh gốm vẽ gà nên giá trị nguyên bản không cao. Thế nhưng người sưu tầm đã mua nó 15 năm trước với giá 30 triệu đồng. Như thế đủ thấy giá trị hiếm hoi của đề tài này trên đồ gốm Việt Nam.
 
Quả đúng như thế, khi phức gốm Việt Nam thời cổ – trung đại, hình ảnh con gà trong nghệ thuật tả thực hay cách điệu, trong đề tài tín ngưỡng, tâm linh hay phản ánh sự vươn tới đủ đầy, mãn nguyện qua sự ríu rít sum vầy của gà bố, mẹ và đàn con…đều thấy hiêm hoi và vắng bóng. Thay vào đó là tứ linh, tứ quý, ngư ông đắc lợi, bát tiên, tùng lộc, Tam quốc diễn nghĩa…được rút ra từ tích cổ Trung Hoa hay quan niệm của Nho giáo thời thịnh đạt.
 
Giờ đây, các nghệ sĩ vẽ gà cũng không nhiều. Dường như họ vẽ để tặng nhau khi năm Dậu đến, năm Thân sắp qua, họ vẽ gà trong bối cảnh chung của bố cục bức tranh mà không có những chuyên gia vẽ ngựa như Từ Bi Hồng, Trần Lực, vẽ tôm như Tề Bạch Thạch, vẽ trâu như Thành Chương… Con gà/đàn gà với ý nghĩa sâu thẳm về đủ đầy, hạnh phúc, với sự gần gũi thân quen với con người trong nhiều nghìn năm như thế, với sự sinh động đến ngỡ ngàng trong đời sống ngắn ngủi của chúng ở tự nhiên, chắc chắn sẽ là một đề tài hay, rất cần được đào sâu khai thác, không chỉ vì chúng là tượng trưng cho 12 con giáp mà trước đây ông cha ta đã từng khai thác, dẫu chưa nhiều và cũng chưa thật thành công, theo tôi nghĩ.
 
 
Theo TS Phạm Quốc Quân/thegioidisan.vn

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.