Gần 10 năm sau khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới (năm 1993), năm 2004, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế có kế hoạch đầu tư nâng cấp một số hạng mục để kịp phục vụ, khai thác trong dịp Festival Huế cùng năm.

 

Hồ Tịnh Tâm phủ đầy rau muống. Chiếc cầu ra đảo Phương Trượng giữa hồ mục nát gẫy sập trông rất mất mỹ quan.


Cùng với đó là việc xây dựng đề án tu bổ và phục hồi hồ Tịnh Tâm, lúc đó đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế thông qua với các hạng mục chính gồm quy hoạch chống lấn chiếm, giải tỏa để tạo cảnh quan chung, sắp xếp lại nhà dân để trả lại không gian vốn có cho di tích. Tiếp theo, sẽ tiến hành nạo vét lòng hồ Tịnh Tâm, cũng như khôi phục hệ thống lưu thông giữa các hồ như đã có trong lịch sử.

Theo sử liệu, hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500 m, trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Hồ Tịnh Tâm được ngăn cách với bên ngoài bằng một vòng tường gạch. Bốn mặt có bốn cửa gồm cửa Hạ Huân ở phía nam, cửa Đông Hy ở phía bắc, cửa Xuân Quang ở phía đông và cửa Thu Nguyệt ở phía tây. Xung quanh các đảo trên hồ và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen trắng.

Đảo Bồng Lai ở phía nam hồ Tịnh Tâm, dẫn đến đảo bằng cầu Hồng Cừ, chính giữa có điện Bồng Doanh. Điện có kiến trúc 3 gian 2 chái, mái trùng diêm, lợp ngói Hoàng lưu ly, điện xây mặt về hướng nam, có lan can gạch bao quanh, phía trước có cửa Bồng Doanh, cầu Bồng Doanh nối đảo với bờ hồ phía nam. Phía đông điện Bồng Doanh có nhà Thủy tạ Thanh Tâm, quay mặt về hướng đông.

Phía tây điện có lầu Trừng Luyện, quay mặt về hướng tây. Phía bắc là cửa và một cây cầu mang tên Hồng Cừ. Đảo Phương Trượng giữa có gác Nam Huân, quay mặt về hướng nam, 2 tầng, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Phía nam có cửa Bích Tảo và cầu Bích Tảo.

Phía bắc đảo có lầu Tịnh Tâm, quay mặt hướng bắc. Phía đông có nhà Hạo Nhiên (năm 1848 đổi thành Thiên Nhiên), quay mặt về hướng đông. Phía tây có hiên Dưỡng Tính quay mặt về hướng tây. Giữa hai đảo có đình Tứ Đạt nằm giữa một hệ thống hành lang mái lợp ngói gồm 44 gian, chạy nối vào cầu Bích Tảo ở phía nam và cầu Hồng Cừ ở phía bắc.

Đảo Doanh Châu giữa hồ Tịnh Tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây. Phía đông đê có cầu Lục Liễu, 3 gian, mái lợp ngói. Phía nam đê gắn với một hành lang dài 56 gian, ở giữa là cầu Bạch Tần. Phía nam cầu có nhà tạ Thanh Tước để thuyền vua ngự.

Ở đoạn cuối phía tây của hành lang lại có nhà Khúc Tạ, thông với một nhà tạ khác là Khúc Tạ Hà Phong qua một hành lang nhỏ dựng trên mặt nước. Phía nam nhà tạ này là đảo Doanh Châu. Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ, hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19.

Tuy đã có đề án khôi phục hồ nhưng từ bấy đến nay, di tích Tịnh Tâm ngày càng bị xuống cấp do không có sự tu bổ và quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Hồ nay chỉ còn là một "phế tích" được dùng làm nơi trồng sen và rau muống.

Do không có sự tu bổ nên di tích trên ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu đã xuống cấp một cách trầm trọng. Nhiều trụ đá di tích nằm nghiêng ngả và vỡ nát. Trên mỗi đảo, cỏ mọc tràn lan như bãi đất hoang, trở thành sân bóng của nhiều trẻ em.

Cây cầu dẫn vào đảo đã hư hỏng nặng, nhiều chỗ gãy nếu không chú ý có thể sẽ bị lọt chân xuống. Mặc dù đã có hàng rào chắn nhưng nhiều người dân vẫn vượt rào vào câu cá, xe đạp để ngổn ngang trên cầu. Khi vào trong đảo có một số giếng nước cổ bị bỏ hoang, dễ gây tai nạn cho du khách. Mặt hồ đã trở thành một đầm lầy để cho các hộ dân canh tác rau muống, nhiều cọc tre cắm xuống hồ, tạo nên cảnh khó coi, gây phản cảm cho du khách.

Mang danh nghĩa là hồ nhưng ở Tịnh Tâm bây giờ bùn đất nhiều hơn là nước, nhiều chỗ bị bồi lấp nặng nề. Đến đây, không ai có thể nhận ra và nghĩ rằng hồ Tịnh Tâm vốn đã từng là Ngự Uyển của vua Nguyễn./.