L.T.S— Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 200 năm sinh Nguyễn Du, chúng tôi có mời một số nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, nhà thơ và nghệ sĩ sân khấu phát biểu một số hồi ức và cảm nghĩ về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Kỳ này chúng tôi đăng ba bài của nhà nghiên cứu văn học Lê Thước, nhà thơ Lưu Trọng Lư và nữ nghệ sĩ cải lương Kim Xuân. Những bài khác sẽ tiếp tục đăng trong các số báo sau.

LÊ THƯỚC: VÀI MẨU HỒI ỨC VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU NGUYỄN DU VÀ “TRUYỆN KIỀU”

Tôi bắt đầu nghiên cứu tiểu sử Nguyễn Du từ năm 1922, khi tôi đang, làm giáo sư ở trường cao đẳng tiểu học Vinh. Hồi đó số người biết và thuộc Truyện Kiều nhiều hơn ngày nay. Chẳng nói gì những người biết   chữ Hán và chữ Nôm thường có một quyển Kim Vân Kiều tân   truyện ở trong nhà, mà ngay các ông già bà lão, không biết chữ, cũng thuộc lòng Truyện Kiều một cách khá phổ biến. Trong đám học sinh của tôi cũng có nhiều người thuộc Truyện Kiều, khi làm bài họ thường dẫn những câu rút trong Truyện Kiều đề câu văn thêm hay và thêm vững. Mặc dầu Truyện Kiều được phổ biến sâu rộng như vậy, nhưng rất ít người biết rõ tiểu sử của Nguyễn Du như chúng ta ngày nay. Ngay các quyển Kiều bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ xuất bản hồi ấy cũng không có quyển nào giới thiệu tiểu sử Nguyễn Du một cách đầy đủ và đúng đắn.

Nhận thấy sự thiếu sót đáng tiếc ấy trong nền văn học của nước nhà lúc bấy giờ, một nhóm nhà giáo ở Vinh, trong đó có tôi và các cụ Phan Sĩ Bàng, Nguyễn Huệ Chi, v.v... đã cùng nhau nghiên cứu lai lịch Truyện Kiều và tiểu sử tác giả của nó  là Nguyễn Du quê ở làng Tiên - điền, huyện Nghi- xuân, tỉnh Hà-tĩnh. Hồi ấy có khá nhiều điều kiện thuận tiện giúp chúng tôi làm tốt việc đó, nhất là số người biết chữ Hán, chữ Nôm còn nhiều, trong đó có cụ Tời (tức Nguyễn Phụ) là cháu bốn đời của Nguyễn Du và cụ nghè Mai, người đại diện trí thức rất tiêu biểu của toàn họ Nguyễn Tiên-điền. Nhà cụ nghè Mai có một tủ sách chữ Hán từ mấy đời trước truyền lại. Trong tủ sách này có đủ thư tịch các loại : ngoài những bộ sách quí về sử học, văn học, còn có những sách truyện, những tập thơ văn của nhiều tác giả nước ta nhất là của Hồng-sơn văn phái, trong đó có gần đủ những tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

Mỗi lần tiếp xúc với cụ nghè Nguyễn Mai, cũng như với các cụ tôn trưởng khác trong họ, chúng tôi có để ý dò hỏi xem trong họ có còn ai giữ được nguyên bản Truyện Kiều, do chính tay tác giả viết ra hoặc có tự tích tác giả sửa chữa; các Gụ đều nói không có bản nào. Ngay bài Văn tề thập loại -chúng sinh (có người gọi là Văn chiêu hồn) tuy có cụ nhớ đọc được từng đoạn dài, nhưng cũng không có cụ nào có bản sao toàn bài. Mãi sau, chúng tôi mới được một nhà sư chùa Diệc thuộc thị xã Vinh cho mượn chép để phiên âm, phụ lục vào quyển Truyện cụ Nguyễn Du của chúng tôi xuất bản tại Hà-nội đầu năm 1924 (sau khi chúng tôi đã nói chuyện tại hội quán hội Quảng-tri Vinh ngày 18-1-1924). Trong quyển ấy, ở phần phụ lục, còn có bài phú Khổng tử mộng kiến Chu công của Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du, và bài vè làm lời người phường nón (của Nguyễn Du) trả lời bài vè cô phường vải (của Nguyễn Huy Quýnh, người làng Tràng-lưu, chú ruột nhà "văn Nguyễn Huy Tự). Bài phú nói trên được ghi chép bằng chữ Nôm trong tập Thế phả họ Nguyễn Tiên-điền, do Nguyễn Nghiễm (đời thứ 6) khởi biên, và cháu nội của ông là Nguyễn Y (đời thứ 8) tục biên. (Chúng tôi có cho thư viện Trường bác cổ mượn chép, số ký hiệu A-3073). Nhờ có tập thế phả này, chúng tôi đã biết được thân thế và hành trạng của Nguyễn Du một cách khả rõ ràng và chính xác.

Đồng thời với việc nghiên cứu thư tịch và tài liệu mà chúng tôi mượn  được tại các gia đình, chúng tôi cũng đã nhiều lần về tham quan phần mộ và nhà thờ Nguyễn Du tại làng Tiên-điền, cách thành phố Vinh chỉ 11 ki-lô-mét. Mộ đắp đất, hình chữ nhật, bên trên có nấm, cao không quá đầu gối, nằm giữa một đám vườn hoang vắng, phong cảnh đìu hiu, khỏi hương lạnh lẽo. Nhà thờ ở cách, phần mộ không xa, trong một thửa vườn thưa thớt mà nhà thơ đã cùng vợ con cư trú trong thời gian về ẩn cư tại chính quán.Nhà thờ lợp ngói, cột gỗ, ở giữa đặt bàn thờ, có bài vị và một ít đồ thờ bằng gỗ, không đắt tiền lắm.

Trong một cuộc đi tham quan cùng với học sinh trường cao đẳng tiểu học Vinh, chúng tôi có chụp ảnh cả phần mộ và nhà thờ. Các tấm ảnh đó, chúng tôi có phụ lục vào quyển Truyện cụ Nguyễn Du nói trên của chúng tôi. Chúng tôi khôn xiết ngậm ngùi, cảm động khi được trông thấy tận mắt cái quang cảnh tiêu điều hoang vắng của phần mộ và nhà thờ một thi hào lớn của dân tộc. Vì lẽ đó, trong quyển Truyện cụ Nguyễn Du nói trên, chúng tôi có ghi mấy dòng cảm tưởng của chúng tôi hồi đó như sau: «Lúc mình chưa thân lịch tới nơi, nghe nói gia thế cụ như vậy, thì những tưởng chỗ thu linh của cụ ắt hẳn nguy nga tráng lệ, đáng cho người ta hằng năm, đoàn năm lũ bảy. đến thưởng ngoạn một cái quang cảnh rực rỡ hiếm có. Dẫu rằng lúc sinh tiền cụ không ưa những sự hoa lệ thì nay không nên làm trái ý cụ. Nhưng mà nghĩ lại cái tài hoa cụ như thế, văn chương cụ như thế,nếu ở nước khác thì đã tượng đồng bia đá, đài kỷ niệm, ảnh truyền thần. Còn ở nước ta thì ngoài cỗ xôi con gà, cây hương bát nước của con cháu dâng lên, chẳng có chút gì gọi là một ít biểu hiện của quốc dân kỷ niệm.

Trong những lần gặp cụ nghè Mai, chúng tôi được cụ kể lại khá nhiều truyền thuyết trong gia tộc, có liên quan đến cuộc đời thi hào Nguyễn Du.

Thí dụ cụ nói với chúng tôi : « Trong dịp cụ Tố Như đi sứ Bắc quốc, cụ có tới thăm một xưởng chế tạo đồ sứ để bán sang nước ta. Người chủ xưởng: có đem cụ xem một số chén đĩa mộc, có vẽ cảnh mai hạc và xin cụ đề cho một câu thơ để làm kỷ niệm. Cụ Tố Như liền cầm bút nhúng vào men xanh, viết ngay câu thơ bằng chữ Nôm như san:

Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Cũng trong cuộc đi sứ đó, trên đường về, khi qua tỉnh Quảng-tây, cụ Tố Như có lấy đem về nước một giống hồng cát, quả to, hình vuông, dài, vị ngọt, ruột vàng, hầu như không có hạt, nên muốn trồng, người ta phải dùng phương pháp chiết cành. Giống hồng ấy, người địa phương gọi là hồng Nghi xuân, hoặc hồng tiến, vi thời xưa dân Nghi-xuân phải dành một số quả tốt nhất, để tiến lên vua dùng."

Một lần khác, cụ nghè Mai có nói với chúng tôi rằng: «Cụ Tố Như trước kia có quen thân với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nhân nhà nữ sĩ có đề ba chữ Cổ nguyệt đường nên có lần cụ Tố Như có vịnh đùa câu thơ như sau :

Đã cổ lại còn đeo thói nguyệt,
Còn xuân chi để lạnh buồng hương.

Câu thơ ấy, vế trên là chiết tự chữ Hồ, tên họ của nữ sĩ; vế dưới là tán nghĩa hai chữ tên của nữ sĩ ».

Hồi đó chúng tôi yên trí rằng câu thơ bông lơn ấy là của Chiêu Hổ, tức là Phạm Đình Hổ, như một số sách đã chép. Còn Nguyễn Du có lẽ không quen biết Hồ Xuân Hương vì không có gì làm bằng chứng. Gần đây, Tạp chí văn học, số tháng 11 năm 1964, có đăng bài Bản «Lưu hương ký» và lai lịch phát hiện của nó của đồng chí Trần Thanh Mại, trong đó đồng chí Mại có lục trích bài thơ nôm nhan đề : Nhớ người cũ, rút trong quyển Lưu hương ký, Hoan châu Cổ nguyệt đường Xuân Hương nữ sĩ tập. Qua bài thơ này chúng tôi càng tin chắc hơn cái giả thuyết cho rằng Nguyễn Du có quen biết Hồ Xuân Hương như cụ nghè Mai đã nói... Nữ sĩ làm bài thơ Nhớ người cũ khi Nguyễn Du được thăng hàm Cần chánh điện học sĩ, tháng 2 năm Quí dậu (1813), vì tiếp sau đầu đề bài thơ có ghi rõ: « Gửi Cần chánh, học sĩ Nguyễn hầu ».

Trong quá trình nghiên cứu và biên soạn quyển Truyện cụ Nguyễn Du, chúng tôi đã thảo luận khá gay go về thời gian mà Truyện Kiều được sáng tác. Có người cho rằng Nguyễn Du đã viết tác phẩm tuyệt diệu của ông trong những năm sống nhàn tản ở quê nhà vào khoảng từ năm 1796 đến năm 1801. Có người nói Truyện Kiều được viết ra trong thời gian Nguyễn Du còn giữ cái hàm Đông các điện học sĩ, tức từ năm 1806 đến đầu năm 1813, là năm ông được thăng hàm Cần chánh điện học sĩ. Lại có người cho rằng Nguyễn Du chỉ có đủ điều kiện để viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung-quốc trở về nước, tức là từ năm 1814 đến vài năm trước khi ông mất (16-9-1820).

Cuối cùng chúng tôi đã đồng ý rằng thuyết thứ ba là đúng hơn cả. Trước hết chúng tôi nhận thấy trong các sách chép về Nguyễn Du thi sách Đại-nam liệt truyện có phần sát với đời sống và việc làm cua ông hơn hết. Sử thần nhà Nguyễn ở Quốc sử quán có những tài liệu chính xác về Nguyễn Du (một vị đại thần chết tại chức), cũng như về các tác phẩm của ông để lại. Trong sách Liệt truyện, mục chép về Nguyễn Du (tờ 8, quyển 20) có nói như sau : « Du sở trường về thơ, lại giỏi quốc âm, sau khi đi sứ nhà Thanh trở về, có tập thơ Bắc hành và Truyện Thúy Kiêu ra đời » (Du vưu trường ư thi, thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập, cập Thúy Kiều truyện hành thế).

Lý do thứ hai: Truyện Kiều là một áng văn hay, và cũng là một pho sách, giàu kinh nghiệm thực tế về cuộc sống của người đời. Muốn đạt đến đỉnh cao sáng tác mà Nguyễn Du đã đạt được, tất phải có nhiều từng trải và cũng đã có nếm đủ mùi ngọt bùi cay đắng, hiểu biết thật sâu sắc nhân tình thế thái, thì lời văn mới có được nhiều sức sống như văn Truyện Kiều. Nếu chỉ sống trong thời cuối Lê đầu Nguyễn, với cái tuổi trong ngoài bốn mươi và với cái chức quan ngũ lục phẩm thì Nguyễn Du chưa thể có đủ điều kiện để biết rõ tất cả sự đảo điên của người đời và cái thủ đoạn xảo quyệt tàn ác của vua quan phong kiến mà diễn tả nỗi lòng của mình, một cách đau xót và hiện thực, khiến độc giả cảm thấy như bản thân mình cũng là người đương cuộc hoặc đã từng mắt thấy tai nghe những điều nói ở trong truyện.

Mặt khác, Nguyễn Du chỉ có thể thông cảm với cảnh ngộ của cô Kiều sau khi đã tự thấy mình, vì vận nước suy vong mà phải phụ nghĩa với nhà Lê, cũng giống như Vương Thúy Kiều vì gia biến nguy cấp mà phải lỗi thề cùng Kim Trọng. Trong buổi mới ra làm quan với tân triều, chưa được Gia Long tin dùng, ông còn có thề an ủi mình bằng cái thái độ sống: «Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may». Cho nên, dù có được phong hàm Đông các học sĩ, hay làm Cai bạ Quảng-bình chăng nữa, cũng chưa làm ông phải khổ tâm cho lắm. Nhưng một khi đã đường đường là một vị á khanh trong triều thì ông không thể không cảm thấy mình, đã mắc vào vòng và càng không thể chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện như ông đã làm từ trước nữa. Chính Gia Long cũng đã mấy lần quở trách ông sao không « biết gì cứ nói để xứng chức vụ của mình ». Có thể nói đến đây, Nguyễn Du càng thấy rõ cái cảnh « hàng thần lơ láo ». Dẫu bản thân ông chưa bị sa vào cái bẫy "hết thỏ giết chó, hết chim treo cung », nhưng cái chết của thượng thư Đặng Trần Thường năm 1812, hay cái án trảm giam hậu của Võ Trinh, anh rể của ông, năm 1814, cũng đã làm ông « giật mình mình lại thương mình xót xa ». Chúng tôi cho rằng phải có cái bầu tâm sự của Nguyễn Du lúc bấy giờ thi mới sáng tác đươc một áng văn kiệt tác như Truyện Kiều mà ông đã đặt cho cái tên rất có ý nghĩa là Đoạn trường tân thanh.

Về nguồn gốc Truyện Kiều, buổi đầu chúng tôi chỉ biết Nguyễn Du đã phỏng theo một cuốn tiểu thuyết Trung-quốc mà làm ra. Mùa hè năm 1923, chúng tôi đã tìm được một cuốn Kim Vân Kiều truyện có đề: Thanh Tâm tài nhân biên thứ. Xét theo nội dung cua hai truyện, chúng tôi đã khẳng định được rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bắt nguồn từ quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và đã có căn cứ để bác cái giả thuyết của báo Nam phong cho rằng Nguyễn Du đã phỏng theo lời chép trong sách Ngu sơ tân chỉ. Cũng nên nói rằng cuốn Kim Vân Kiều truyện mà chúng tôi đã tìm được hiện giờ ở Trung quốc hầu như không có, khổ giấy 0m22 x 16, in hàng 10, mỗi dòng in 25 chữ, chép bằng lối văn bạch thoại (trừ những bài thơ và bài bình luận thì chép bằng văn ngôn). Quyển sách ấy đã được đem trưng bày tại Hà-nội, Huế và Sài-gòn. và cuối cùng nó được một kiều bào đem sang Pa-ri, kinh đô nước Pháp. Năm 1963, nó đã được trả về nước như báo Nhân dân đã thuật lại trong số báo ra ngày 23-8-1963. Hiện giờ nó là một hiện vật quí giá do Viện bảo tàng lịch sử bảo quản.

Những câu chuyện thuật lại trên đây đã cách xa chúng ta đến hơn 40 năm. Chuyện tuy cũ song việc thì vẫn mới. Đó là việc đánh giá Nguyễn Du và Truyện Kiều. Mỗi thời đại, mỗi chế độ, có những ý kiến khác nhau. Đối với tôi, trước kia cũng như ngày nay, tôi vẫn luôn quí mến Nguyễn Du và thán phục văn chương Truyện Kiều. Từ ngày hòa bình lập lại, tôi rất sung sướng được phân công việc thành lập Hồ sơ di tích Nguyễn Du và việc sưu tầm phiên dịch văn thơ chữ Hán của ông. Được sự khuyến khích của các cơ quan phụ trách và sự giúp đỡ của các bạn cộng sự, có thể nói tôi đã hiểu rõ Nguyễn Du hơn trước kia nhiều lắm. Nếu trước kia tôi chỉ biết Truyện Kiều là một áng thơ hay, thì nay tôi biết thêm rằng áng thơ đó mà hay là vì Nguyễn Du đã khéo đem văn tài đặc biệt của ông mà kết án cái xã hội cũ đầy bất công và vô nhân đạo. Nếu trước kia tôi chỉ thương cô Kiều là hồng nhan bạc mệnh thì nay tôi thấy rõ cô là nạn nhân của cái xã hội thối nát ấy, chứ không phải vì có tài sắc mà cô phải nổi chìm trong bể khổ. Nguyễn Du đáng được chúng ta quí mến không những chỉ vì văn ông hay, làm cho mọi người rung (run, mà chính là vì ông đã nói lên được một cách rất hiện thực cảnh cơ cực của những người bị áp bức trong xã hội phong kiến và tấm lòng nhân đạo của ông đối với những người ấy. Tôi rất phấn khởi được mắt thấy việc kỷ niệm Nguyễn Du mà trước kia tôi mơ ước, ngày nay đã trở thành sự thực, không những ở nước ta mà cả ở một số nước trên thế giới. Tôi tin chắc rằng việc làm đó sẽ là một sự cổ vũ rất lớn đối với văn học nước nhà và sẽ động viên chúng ta hăng hái tiến lên xây dựng một xã hội tốt đẹp, không còn có những nỗi đau thưorng mà Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tiếng kêu đứt ruột.

KIM XUÂN :  KỶ NIỆM VỀ HAI LẦN ĐÓNG THÚY KIỀU

Ngày thủ đô Hà-nội còn tạm bị chiếm, một số đoàn ca kịch cải lương đã đem Truyện Kiều lên sân khấu. Một số nghệ sĩ như Kim Chung (đoàn Kim Chung), Bích Hợp (đoàn Huỳnh Lan Anh) đã từng sắm vai Thúy Kiều. Các chị ấy diễn rất hay, cho đến bấy giờ trong khán giả vẫn còn có người nhắc nhở. Nhưng hồi đó khi xem các chị ấy diễn, cũng như khi bản thân mình được đóng vai Thúy Kiều, thật ra tôi vẫn chưa hịểu nàng Kiều của Nguyễn Du cho lắm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản : Thúy Kiều cũng giống như nhiều nhân vật tài sắc khác, những Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân... mỗi người có một số mệnh riêng trên sân khấu. Tài sắc của Tây Thi là đề hoàn thành kế mỹ nhân của Câu Tiễn, tài sắc của Điêu Thuyền là để gây nên tấn kịch tranh đoạt giữa cha con Đổng Trác... Còn tài sắc của nàng Kiều là để dẫn nàng vào oan khổ lưu ly, và rồi làm cho Kim Trọng suốt đời lận đận, làm cho gia đình Thúc Sinh mất hạnh phúc, làm cho người anh hùng Từ Hải phải chết đứng.

Tôi cứ tự hỏi: vì sao đời một người con gái tài hoa như thế mà phải dấn thân vào con đường nhục nhã ê chề, đến nỗi gây nên bao nhiêu thảm kịch cho người khác đến như thế? Nhưng tôi đâu có hiểu được sức phản kháng trong tâm hồn, tính cách Thúy Kiều. Tôi nào có biết quý cái chỗ đáng quý nhất: Kiều luôn luôn chủ động tìm lấy lối đi cho mình trong mọi hoàn cảnh cực nhục tối tăm. Trong lòng Hà-nội tạm bị chiếm lúc đó, những người diễn viên chúng tôi mà cuộc sống bị dồn ép trong những phông màn của sân khấu — cái nghề nghiệp duy nhất phải bám lấy để sống — rất ít người nhận thức được ánh sáng cách mạng soi rõ lối thóat cho mình; vì thế làm gì có thể nói đến chuyện nhận thức về lối thoát của nhân vật trong kịch, trong truyện.

Cho nên khi đóng vai Thúy Kiều, do không khí buồn tủi của cả xã hội đè nặng lên tình cảm, tư tưởng của mình, tôi đã thường xuyên nhắn mạnh mặt bi đát trong cuộc đời của nhân vật. Đôi khi diễn xuất làm cho tính bi đát được nhân lên quá mức — đến thành sầu tủi, bi lụy. Nàng Kiều trên sân khấu khóc mà chính là tâm hồn của chúng tôi khóc. Nàng Kiều ấy, xuyên qua cách: nhìn không đúng của chúng tôi bấy giờ, tuyệt không có lấy một chút ý chí phản kháng. Trước mọi tai biến bắt ngờ của gia đình mình, nàng chỉ biết cam chịu. Bị đầy vào nhà chứa cũng cam chịu, bị Hoạn thư ghen cũng ép lòng chịu. Có phản kháng chỉ là một vài hành động bản năng thôi. Các chị khác đóng Kiều cũng đều như vậy cả. Nói chung là chúng tôi hiểu Thúy Kiều ra sao thì đóng như thế. Mà thông qua những con người nhỏ hẹp quanh mình để hiểu Kiều, cho nên hiểu lệch. Cái hình ảnh Thúy Kiều khóc sướt mướt trên sân khấu thực ra chỉ là phản ánh trạng thái buồn tủi, u uất, không nhìn thấy lẽ sống của tâm sự chúng tôi lúc bấy giờ.

Cần nói thêm là vào thời gian này không những tác giả, diễn viên mà ngay cả ngành sân khấu cải lương ở Hà-nội cũng không tìm được hướng đi rõ ràng. Tác giả viết vở để kiếm sống, diễn viên lên sân khấu để kiếm sống, và hai loại người « kiếm sống » đó lại dựa vào sức sống lay lắt của một ngành nghệ thuật vốn chưa tìm ra thấy chỗ đứng chân chính. Tài chủ — người chủ cua mỗi đoàn kịch — thì cứ muốn kiếm được nhiều lãi. Cho nên họ bắt tác giả cũng như diễn viên phải chiều theo thị hiếu xung quanh. Diễn cải lương mà không bi ai. hoặc không pha phách «tân thời  vào thì không thu hút được người xem. Do đó mà việc diễn vở Kiều nếu không được trung thành với lịch sử, với nguyên tác cũng chẳng cần. Chẳng hạn những chỗ Kiều đánh đàn cho Kim Trọng hay Thúc Sinh nghe là phải đánh những khúc nhạc mới, nhạc « vàng. Khi Kiều đi tu, phải hát bài Con thuyền không bến thì mới hấp dẫn. Chính vì vậy cái phần bi ai của nhân vật Thúy Kiều trên sân khấu, một phần như tôi đã nói, là cái bi từ trong lòng diễn viên mà nẩy sinh, nhưng một phần nữa là cái bi có tính chất thời thượng, có tính chất thị hiếu, một thứ bi ai lãng mạn, tiêu cực của một lớp người Hà-nội vốn sẵn sống trong bi lụy, và coi bi lụy là một lẽ sống.

Từ sau ngày thủ đô giải phóng, mãi đến năm 1960, tôi mới có dịp trở lại với vai Thúy Kiều. Trước đây một thời gian, Đoàn cải lương trung ương cũng đã đem Truyện Kiều lên sân khấu, và chị Thúy Ngần trong vai Kiều đã giành được nhiều cảm tình của người xem. Đặc biệt vở Kiều do Đoàn cải lương Hoa mai dựng với vai Kiều do chị Tuyết Sơn đóng rất đạt đã được giải khuyến khích trong hội diễn 1958. Những vở Kiều này có chỗ thuận lợi là chia ra ba hay bốn hồi, mỗi hồi tập trung vào một chủ đề chính, mỗi một lần diễn, diễn trọn vẹn một hồi. Do ưu điềm này, vở kịch có thể khai thác sâu vào các tình tiết, nâng cao tính cách nhân vật, và đẩy mạnh xung đột của kịch. Đồng thời diễn viên chính cũng chỉ phải sống trong một tâm trạng nhất quán (tâm trạng trao duyên, tâm trạng lẽ mọn, vv..)

Vở Kiều do các anh Việt Dung và Sĩ Tiến soạn mà đoàn chúng tôi công diễn thì khác hẳn. Câu chuyện thâu tóm suốt mười lăm năm lưu lạc của cuộc đời Kiều, trong đó tập trung hàng loạt cảnh ngộ khác nhau. Nhưng các cảnh ngộ khác nhau ấy lại phải nhằm làm nổi bật một chủ đề duy nhất: tố cáo bản chất xấu xa của chế độ phong kiến.

Được phân công sắm vai Kiều lần này, tôi rất mừng, nhưng cũng hết sức lo lắng. Mừng, vì được quay trở lại với một vai kịch mà hồi xưa mình từng có nhiều duyên nợ, nhiều kỷ niệm, có thề nói sau một thời gian xa cách hàng mười, mười lăm năm, gặp lại Thúy Kiều lần này tôi đã hiểu Thúy Kiều hơn lần gặp gỡ đầu tiên rất nhiều, do đó mà tình nghĩa vô vàn nồng thắm. Nhưng lo lắng cũng chính là ở chỗ này. Bây giờ được học tập, hiểu Nguyễn Du hơn, tôi đã thấy nàng Kiều của thi sĩ là một sáng tạo vô song, một tính cách vô cùng đa dạng, một sự phối hợp tài tình những mặt khả năng phong phú vào bậc nhất trong cùng một con người: tài và sắc, tình và hiếu, tình cảm mãnh liệt và phẩm cách trong trắng, dịu dàng duyên dáng mà rắn rỏi cương nghị, thật bụng dễ tin mà vững vàng bản lĩnh y.v... Đối với một nhân vật như thế diễn xuất cho đạt thật khó vô chừng !Cho nên càng đọc Nguyễn Du càng thấy Nguyễn Du quả là « đáng sợ » đối với mình.

Có người cho rằng bây giờ hiểu nhân vật hơn thì thể hiện nhân vật hẳn phải dễ dàng hơn. Thật ra, không hoàn toàn như thế. Ngày trước không hiểu Thúy Kiều của Nguyễn Du nên diễn ra sao cũng được, vì chung quy là diễn Thúy Kiều theo ý mình. Hơn nữa. hiểu đúng nhân vật không cần bằng hiểu đúng thị hiếu người xem. Ngày nay thấy rõ chức năng công việc của mình, lại hiểu được Thúy Kiều, thì tự mình đã cảm thấy ngay là không thể-diễn Thúy Kiều một cách chủ quan nữa. Mà phải diễn đạt đúng với nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du, của nhân dân, một nhân vật tồn tại khách quan hàng trăm năm, nhưng lại không phải tồn tại ở mức bình thường, mà trái lại ở mức kết tinh, phi thường. Phải diễn sao cho người xem kịch, nếu không được tăng thêm thì cũng không bị phá hoại nhiều lắm, cái ấn tượng vốn đã bền chặt về một nàng Thúy Kiều có một không hai trong văn học.

Một khó khăn thứ hai là bây giờ giữa nhân vật và diễn viên, về tâm sự có sự cách biệt rõ rệt. Ngày xưa diễn lại cuộc đời đau khổ của Kiều giữa lúc cuộc sống xung quanh cũng hết sức u ám, nên mặc dầu cảnh ngộ bản thân không có gì buồn đi nữa, cứ thốt lên là có ngay giọng bi ai. Bây giờ thì diễn tả tâm sự u uất của Thúy Kiều mà lòng mình không buồn được. Cuộc đời của chính mình và xung quanh mình hồ hởi quá ! Cho nên khác với trước không cần hiểụ Kiều lắm cũng diễn được, bây giờ người diễn lại rất cần phải « nhập vai». Bản thân tôi lại chưa từng chịu một cảnh ngộ nào của Thúy Kiều nên rất khó sống trong tâm trạng của Kiều. Nhưng cái quá khứ những ngày tạm bị chiếm chưa xa xôi gì đã đến với tôi. Tôi nhớ lại, cảnh những chị em trong trắng bị rơi vào nhà chứa, cảnh những chị em vì sinh kế phả đem thân làm lẽ... Những cảnh sống rùng rợn ấy giúp tôi biểu đạt cái tâm trạng ê chề của Thúy Kiều dưới nanh vuốt Tú bà và cái tâm trạng tủi nhục của nàng dưới bàn tay Hoạn thư độc ác.

Nói về cảnh ngộ và tâm trạng thì có lẽ trong các nhân vật của văn học Việt-nam, cũng chỉ có nàng Kiều của Nguyễn Du là đạt được một sự phong phú bậc nhất, vở Kiều mà đoàn chúng tôi công diễn đã cố gắng đơn giản bớt đi nhiều cho tính cách nhân vật được tập trung. Tuy vậy, vai Thúy Kiều vẫn không thể giữ nguyên một tâm trạng từ đầu đến cuối, cảnh ngộ của nàng có ba bước chuyền biến đột ngột, tâm trạng của nâng cũng có ba chặng thay đổi: từ một con người trong trắng phút chốc phải dấn thân vào cuộc đời ô nhục„ trở thành một gái thanh lâu, lại dấn thân vào canh sống lẽ mọn để rơi xuống số phận một thị tỳ, rồi lại dấn thân vào thanh lâu để trở nên một phu nhân, vợ người anh hùng Từ Hải. Có thể nói về mặt lâm lý, toàn là những thay đổi choáng váng. Do phức tạp về cảnh ngộ như thế nên người đóng Kiều luôn luôn? phải sống những phút căng thẳng. Từ trước đến nay, trong các vai tôi sắm chưa có vai nào mệt như vai Thúy Kiều. Chỉ riêng việc thay đổi về đáng điệu đã cần phải dụng công rồi. Tác giả và đạo diễn đã thống nhất không dùng cách thay đổi hóa trang để gây cho người xem ấn tượng về thời gian lưu lạc rất dài của Kiều. Phải trung thành với nguyên tác là sau mười lăm năm, Kiều vẫn trẻ : « Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra ». Nhưng phải diễn xuất thế nào để người xem thấy được sự thay đổi đó. Từ một cô con gái ngây thơ, duyên đáng, e ấp, Kiều trở thành chín chắn, rắn rỏi, cương nghị hơn, dáng đi dáng đứng có cốt cách « phong trần  hơn, tất cả ý niệm về một thời gian mười lăm năm, trên sân khấu chỉ cho phép có thế.

Nguyễn Du sinh cách chúng ta 200 năm mà để lại một nàng Kiều cho đến bây giờ vẫn sống mãnh liệt trong mọi tâm trí. Bao nhiêu chị em đã không cầm nổi nước mắt khi đọc đến Kíều. Trong tình yêu cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, Nguyễn Du rất chân thực, và cũng thật là lâm lý. Tâm lý nhưng không vi phạm đến chân thực. Chẳng hạn đoạn trao duyên, nhân vật bị đẩy đến chỗ cực độ đau đớn. Cái khổ nhất của người phụ nữ là phải trao mối duyên của mình, do mình xe lấy, cho một người khác. Ai đọc đến chỗ nàv cũng thấy đau đớn quá, không nỡ đọc. Nguyễn Du hẳn cũng hiểu thế nhưng ông vẫn viết nên những câu thơ xé lòng kia, vì đó là sự thực. Khi diễn, tôi rất thích đoạn này. Tôi muốn những điều mình hiểu về người phụ nữ khổ cực trước kia biến thành diễn xuất để người xem qua đấy có thể so sánh với cuộc đời ngày nay, với người phụ nữ « ba đảm đang » hiện nay. Nhân vật Thúy Kiều rất khó đóng nhưng đối với tôi cũng là vai rất tâm đắc.

Tuy nhiên, chỗ khó khăn nhất và cũng là chỗ tâm đắc nhất của tôi trong khi sắm vai Kiều lần này là việc tôỉ cố ý nhấn mạnh vào sức phản kháng của Thúy Kiều. Thật ra, cũng nhờ tác giả và đồng chí đạo diễn giúp thêm tôi mới thật thấm thía điều đó. Vì thế nếu trước đây tôi chỉ thương Kiều thì bây giờ có thêm sự cảm phục. Kiều đối với tôi càng gần gũi thêm một bậc. Diễn Kiều lần này, tôi cố hạ thấp mặt bi đát xuống và nâng cao mặt phản kháng lên. Cái hành động tự tử quyết liệt lúc ở nhà Tú bà hay cái vẻ lặng lẽ uất ức lúc gẩy đàn dưới trướng Hoạn thư đều là do tôi muốn nâng cao diễn xuất lên để đúng với tinh thần kịch bản, nhất là đúng với tinh thần của Truyện Kiều. Tất nhiên là diễn xuất của tôi còn xa ghê lắm mới mong lột được cái sức sống của nàng Thúy Kiều trong tác phẩm bắt hủ đó. Đối với tôi, việc đóng thành công vai này trên sân khấu cải lương là một ước mơ lý tưởng.

LƯU TRỌNG LƯTẤN BI KỊCH CỦA THÚY KIỀU

Truyện Kiều bắt đầu bằng hai câu :

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Và sự xung đột giữa «tài » và « mệnh» đó ngay trong chương đầu của cuốn sách, đã diễn ra một cách ác liệt.

Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...

Một ngày xuân mở ra đẹp lắm, tưởng rằng hạnh phúc như muốn đến với con người.

Nhưng cũng chính ngay trong chiều hôm đó, Kiều đã được gặp một ngôi mộ bên đường, đã biết được một câu chuyện thương tâm, và đã kêu lên một tiếng kêu vô cùng thống thiết!

Đau đớn thay , phận đàn bà !
Lời rằng bạc mệnh, cũng là lời chung !

Giá việc thắp một nén hương, nhỏ vài giọt nước mắt... chỉ là chuyện tình cờ rồi qua đi, thì cũng chỉ coi như một việc trong bao việc của một ngày! Nhưng Đạm Tiên lại là một vấn đề xã hội. Đạm Tiên nhan nhản ở trong cuộc đời...

Đạm Tiên « mai phục» ngay ở trong Kiều. Là một người con gái, sinh vào xã hội phong kiến hôm qua, Kiều vốn rất thông minh, lại rất giàu tình, cho nên rất nhạy cảm: Kiều đã đoán trước được những tai họa ghê gớm không sao tránh được, có thể xảy tới cho mình, cho một người đàn bà.

Cho nên... thẩy hoa đẹp trước mắt, bàn tay muốn đưa lên lại ngập ngừng. Trong buổi chiều đó, sau Đạm Tiên là Kim Trọng- Kim lên ngựa, Kiều nhìn theo... Nguyễn Du buông người, chỉ quay lại với cảnh, phá một nét đơn sơ:

Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

nhưng trong cảnh như đã có tình len vào. Cái rung động đầu tiên của một tâm hồn yêu đương đã  thoáng hiện rồi đó.

Và cũng trong một ngày hôm đó, khi đêm đến, Nguyễn Du lại vì Kiều vẽ ra một cảnh khác :

Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, câylồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà...

thì tuy cũng vẫn tả cảnh thôi, nhưng thực ra đã thấy lòng Kiều bàng bạc, bồi hồi thổn thức trong đó. Một người con gái mới lớn lên, tinh yêu đến, nếu ở một xã hội khác, một thời đại khác, thì cũng có thể nói đó là hạnh phúc. Nhưng người đó lại là Kiều mà xã hội đó lại là xã hội phong kiến hôm qua, cho nên Kiều đã kết thúc cái trang đầu của cuốn sách, kết thúc ngày xuân đầu của một đời người, bằng mấy câu :

Người mà đền thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duỵên gì hay không ?

Mấy chữ « người mà », «người đâu » tưởng chừng lơ lửng, nhưng thực ra đầy đau xót, đầy thương tâm, mà cũng sáng ngời chân lý.

Kim Trọng với Đạm Tiên đó cũng là tài với mệnh.

Trong bốn câu thơ kia, tài với mệnh tưởng như gối tựa vai kề, nhưng thực ra đã bày ra cái thế ngược xuôi, ngang trái, một mất một còn, có cái này tất không thể có cái kia được nữa rồi! Đó là điều tất nhiên trọng xã hội hôm qua vậy. Tài là gì, mệnh là gỉ? Ta không nên bận lòng về cái nghĩa « Nho » hay Phật» của nó. Tài nào phải cái gì khác hơn là tấm lòng ước ao hạnh phúc, muốn sáng tạo nên hạnh phúc, muốn được sống. Mệnh là những lực lượng đen tối đương đè lên con người. Khi người đàn bà còn bị coi như một món hàng, một đồ chơi, khi còn có những bọn sai nha, bọn bịp bợm khi còn Hồ Tôn Hiến, khi còn Sở Khanh... thì một người con gái như Kiều tránh sao khỏi kiếp đầy đọa, nói hạnh phúc thật thẹn với hạnh phúc !

Trong một xã hội như thế mọi sự sáng tạo về cuộc sống cơ hồ đều là vô ích. Kiều luôn luôn muốn cất đầu dậy, muốn níu lấy sự sống, nhưng mỗi lần cất đầu lên lại bị vùi xuống níu lấy lại phải buông ra... Sinh vào một thời mà người đàn bà phải chịu bao kiếp đọa đầy, trêtừnn g bước một, Kiều đã đoán trước được những gì có thể xảy đến cho mình, một người đàn bà. Ngay những bước đầu tiên, bên mả Đạm Tiên, nàng đã thốt ra :

Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?

Ngay lúc đỏ, nàng đã nghi ngờ cả tương lai của mình. Rồi cả khi mặt giáp mặt với Kim Trọng, hạnh phúc tưởng cầm tay, thể mà nàng cũng tự hỏi một câu đầy ngờ vực:

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao !

chẳng khác nào hoa đương nở rộ mà đã nghĩ đến cảnh úa tàn.

Những bước đi sau của mình, nàng biết trước, không phải nhẹ nhàng, êm thấm nữa. Mà thật là « ... bước thấp, bước cao, hãi hùng ! ». Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du có một câu gồm sáu chữ:

Canh khuya, thân gái, dặm trường..

Sáu chữ thôi, nhưng có thể bao gồm hết ý nghĩa cả cuốn truyện thơ dài đó.

Thời đại ngày nay của chúng ta, có thể nói là thời đại lớn của phụ nữ. Hôm nay, người phụ nữ đương đứng lên làm chủ đất nước, ruộng đồng, công xưởng, gia đình và xã hội. Ngay cả trên chiến trường chống Mỹ, họ cũng là những kẻ đã làm cho quân địch phải bạt vía kinh hồn. Nếu bên cây súng, bên đường cày, họ ngừng lại một phút để ngâm lại một vài câu thơ xưa, nhỏ cho Kiều và những người chị em mình hôm qua, một vài giọt nước mắt, thì một vài giọt nước mắt ấy, cũng sẽ thêm cho họ một ít sức mạnh để tiếp tục cuộc chiến đấu.

Hai tiếng « đàn bà » ngày nay đã vang lên đầy kiêu hãnh, nhưng hôm qua hai tiếng ấy thật là tủi nhục. Cám ơn Nguyễn Du đã dành cho người đàn bà hôm qua, tất cả tâm tư ý nghĩ của mình và những câu thơ đẹp nhất của tâm hồn mình. Cám ơn Nguyễn Du đã đổ bao nhiêu giọt nước mắt lên thân thế của người đàn bà hôm qua, của Kiều và của những người đàn bà bất hạnh khác nữa ở trong toàn bộ sáng tác của nhà thơ. Không có một sự đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ của con người, không có sự băn khoăn lớn với số phận con người, làm sao có sự sáng tạo kỳ diệu như Truyện Kiều được ? Nói đến Nguyễn Du, nên nói đến «tài » nhưng càng nên nói đến «tình ». Chỉ có chúng ta, chỉ có Đảng chúng ta ngày nay mới thật là biết trân trọng đầy đủ những gì đã làm nên sự cao đẹp của một nhà văn  và đưa họ vào một sự nghiệp văn chương chân chính.