Từ ngày 1-5-2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang de dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải.

Lãnh thổ Tổ quốc là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm lược và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

“Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” tập hợp một số bài nghiên cứu, bài báo và những tư liệu mới của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu, chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế. Cuốn sách cũng đề cập tới bối cảnh của cuộc tranh chấp hiện nay đối với hai quần đảo này nói riêng và Biển Đông nói chung cũng như những ý kiến về một giải pháp cho cuộc tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. Kèm theo đó là những tư liệu liên quan, chẳng hạn toàn văn bản Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông mà các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết năm 2002.

Tác phẩm gồm năm nội dung chính:

Phần I: Phản đối Trung quốc xâm lược.

Phần II: Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phần III: Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Phần IV: Luật biển Việt Nam.

Phần V: Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển và tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển.

Thư viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản – Hoàn Kiếm – Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!