Lăng mộ Nguyễn Du là một điểm di tích quan trọng trong quần thể di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Nơi Người yên nghỉ là một không gian thoáng đãng, thiêng liêng, là điểm đến của mỗi du khách trong và ngoài nước khi về thăm quê hương Đại thi hào Nguyễn Du.
Đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra trong một cự tộc, là người con trai thứ bảy của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, là em cùng cha khác mẹ với Tham tụng Nguyễn Khản.

 

Lăng mộ Đại thi hào Nguyễn Du


Ông sinh năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (23/01/1765) tại phường Bích Câu, Thăng Long, Hà Nội. Năm 1820, Nguyễn Du được cử đi sứTrung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì lâm bệnh, mất tại kinh thành Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài Người được an táng tại cánh đồng Bàu Đá xã An Ninh (nay là An Hoà) huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.Việc ra đi của cụ trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Lúc mắc bệnh cụ không chịu uống thuốc, lúc gần mất cụ sai người nhà sờ chân tay xem nóng hay lạnh, người nhà bảo lạnh hết cả rồi, cụ nói “được” thế là cụ ra đi không để lại lời trăn trối cho đời sau”.


Mùa thu năm 1824, người con thứ là Nguyễn Ngũ vào kinh thành Huế xin triều đình đưa hài cốt của cha về quê nhà và cát táng tại khu vực Cầu Mái gần cạnh vườn ở trước đây là thôn Thuận Mỹ xã Tiên Điền. Tuy nhiên nơi đây hễ mưa là ngập, sợ bất ổn nên con cháu lại di chuyển. Tương truyền lần này không chọn đất từ trước mà con cháu chọn hai người đi trước bưng yên thư, trên có nhang đèn và một con cò bằng gỗ hai người cứ đi mãi, đi mãi khi nào con cò trên yên thư ngã xuống thì đó chính là nơi yên nghỉ của Người. Sau đó mộ phần được táng trên cánh đồng Phốc, thuộc khu vực đồng Cùng giáp ranh giới giữa hai xã Xuân Mỹ và Tiên Điền.


Do những biến động của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên nên đã  có nhiều di tích bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó có lăng mộ Đại thi hào Nguyễn Du.


Năm 1965, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, Trường THPT Nguyễn Du đã xây mộ cụ thành ba cấp bằng gạch nung và cụ Đặng Thai Mai cùng các học trò đã làm mộ chí tại Hà Nội về đặt trước mộ phần của Người: “Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh chi mộ”.


Khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo việc trùng tu tôn tạo hệ thống di tích của đất nước trong đó có lăng mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Cũng từ đây du khách trong và ngoài nước đã về đây dâng nén hương thơm và những đóa hoa tươi thắm để tri ân với những cống hiến của nhà thơ đối với nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại.


Năm 1989, Sở VHTT và UBND huyện Nghi Xuân phối kết hợp tu sửa lăng mộ Nguyễn Du và đến đầu năm 1990 thì khu lăng mộ cơ bản được hoàn thành. Năm 2000, lăng mộ Nguyễn Du tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, xứng tầm với vai trò của một danh nhân văn hóa - Đại thi hào dân tộc.

 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến thăm mộ Đại thi hào Nguyễn Du


Hàng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các đoàn cán bộ  thuộc các Bộ ban ngành Trung ương, các đoàn thể xã hội và nhân dân tỉnh bạn cùng các đoàn khách quốc tế đã về đây dâng hương tưởng niệm và tham quan khu di tích - quê hương của Đại thi hào, nơi có dòng họ “Trâm anh thế phiệt” đã sinh ra những nhân tài làm rạng rỡ cho non sông nước Việt giai đoạn thế XVIII-XIX.