Trong hồi ký Kỷ niệm trường Bưởi, Đàm Quang Thiện có nhớ lại về thầy dạy Nguyễn Can Mộng rằng: “Một buổi, chúng tôi xin phép cụ đọc trong lớp bài của cụ nghè Tập Xuyên Ngô Đức Kế, đăng trong tạp chí Hữu thanh, công kích ông Thượng Chi Phạm Quỳnh - chủ bút tạp chí Nam phong - ông đã đề cao truyện Kiều của Nguyễn Du - và mạt sát tác phẩm của Tố Như, cho nó là một dâm thư, cho vai chủ động Vương Thúy Kiều là một con đĩ. Đọc xong, chúng tôi hỏi ý kiến của cụ. Cụ dạy:

- Ông Phạm Quỳnh muốn đề cao chữ quốc ngữ. Cho rằng chữ quốc ngữ có đủ khả năng để làm chuyển ngữ trong bậc tiểu học, trung học cũng như đại học. Về phương diện ngôn ngữ và văn chương, ông Phạm Quỳnh hòan tòan có lý. Còn cụ nghè Tập Xuyên lại đứng về phương diện luân lý, ngay cả về phương diện luân lý quan niệm của cụ nghè cũng hẹp hòi quá!

Truyện Kiều không phải là một dâm thư, trái lại văn Kiều rất thanh tao, ngay cả khi tả những sự thô bỉ tục tằn. Thúy Kiều không phải là một con đĩ, trái lại là người hiếu nghĩa đủ đường, thục nữ chí cao. Nếu không phải thế tôi đã không bắt các cậu học.

Ngòai vấn đề truyện Kiều ra, còn vấn đề thương mại nữa. Tạp chí Hữu thanh mới ra muốn gây một cuộc bút chiến sôi nổi với tạp chí Nam phong đã có một địa vị chắc chắn trên văn đàn để gây uy tín cho mình. Ông Phạm Quỳnh chắc không dại gì mà rơi vào cái bẫy ấy. Vậy tôi chắc ông Phạm Quỳnh sẽ không bao giờ trả lời cụ Tập Xuyên đâu.”

Sự thực, ngày 8 tháng 9 năm 1924 trong Bài diễn thuyết bằng quốc văn của Phạm Quỳnh nhân ngày giỗ của Nguyễn Du, do ban văn học hội Khai trí tiến đức tổ chức tại Hà Nội; có đề cao: “Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ ”với non sông đất nước này.”Và “Thề rằng: - Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn…”Bài nói của Phạm Qùynh đã đăng tạp chí Nam phong ngay số 86 năm 1924 Hơn hai mươi ngày sau, trên báo Hữu thanh, số 21 ra ngày 1 tháng 9, Ngô Đức Kế in bài Luận về chính học cùng tà thuyết quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du; có ý phản bác lại Phạm Quỳnh khá mạnh: “Thậm chí sùng bái Truyện Kiều mà nói rằng: “Truyện Kiều là quốc hoa, là quốc hồn, là quốc túy của Việt Nam” - không biết có còn quốc gì nữa không? - Xưng tụng ông Nguyễn Du mà nói rằng: “Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia Long”, thế thì từ Gia Long về trước, chưa có Truyện Kiều, thì nứơc ta không có quốc hoa, không có quốc túy, không có quốc hồn, thế thì cái văn trị vũ công mấy triều Đinh, Lý, Trần, Lê sáng chói rực rỡ đó, đều là ở đâu đem đến cho bọn “học thuê viết mướn” ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huân nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho giống nòi, không ai đáng kỷ niệm cả, mà chỉ ông văn sĩ “Trăm năm trong cõi” là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?

Thậm nữa lại nói rằng: “Truyện Kiều có quan hệ văn hóa Việt Nam, Truyện Kiều quan hệ quốc vận Việt Nam, nếu không có Truyện Kiều thì tình trạng văn hóa Việt Nam chưa biết đến thế nào”, thiệt là “con oanh học nói” xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng, tà thuyết mê dân đến thế là cực. Mà có ai cho là tà thuyết đâu, nay đã nhà treo một bức, cử yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ rồi! Truyện Kiều là văn hóa Việt Nam, Truyện Kiều là sách học quốc văn, in vào trong óc, thấm vào trong lòng, tỉ như ngọai tà đã nhập đến ngũ tạng, quỷ tà đã ám mất linh hồn, thì dù lang y hay giỏi đến đâu, pháp sư cao tay đến đâu, cũng không cứu được nữa! (…) Ôi! Than ôi! Kim Vân Kiều mà cai trị nước Vệt Nam, thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!...”

Sự bất đồng quan điểm giữa Phạm Quỳnh quảng bác đông tây kim cổ với Ngô Đức Kế cựu Nho, bảo thủ liệu có gây gì xôn xao dư luận? Có lẽ chỉ có một mình giáo sư trường Bưởi là Nguyễn Can Mộng tỏ rõ ý kiến cho học trò của mình biết mà thôi. Tính tuổi, Ngô Đức Kế (1878 - 1929) hơn Nguyễn Can Mộng (1880 - 1954) hai tuổi, thi đỗ tiến sĩ năm 1901 - trong văn viết Nông Sơn tôn xưng là cụ; còn Phạm Quỳnh (1892 - 1945) kém ông 12 tuổi, Nông Sơn tôn xưng là ông - tức ngang hàng. Khi Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế nổi tiếng trên văn đàn báo giới rồi, thì Nguyễn Can Mộng mới rời khỏi ghế quan trường chuyển sang nghề dạy học.

Sự trưởng thành nhanh chóng của chữ quốc ngữ những năm đầu thế kỷ XX chưa đủ sức mạnh thể hiện tính hơn hẳn so với Pháp ngữ - đang mệnh danh“mẫu quốc” và cũng chưa chiếm ưu thế để thay thế chữ Hán đã kết thúc lệ thi quốc gia ở bậc trung, đại học từ năm 1918.Vì thế, mô hình đào tạo mới do thực dân Pháp áp đặt khiến cho lớp người như Ngô Đức Kế, Nguyễn Can Mộng, Phạm Quỳnh…đọc thông viết thạo, làm báo viết văn được bằng cả tiếng Việt, chữ Hán Nôm và chữ Pháp. Vấn đề là người trí thức đó đã sử dụng vốn kiến thức đã thu lượm được như thế nào, để phụng sự sự nghiệp văn hóa giáo dục của dân tộc, khi non sông đang bị chìm đắm trong hòan cảnh mất nước.

Nông Sơn Nguyễn Can Mộng sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học ở một miền quê nay thuộc tỉnh Thái Bình. Thân sinh ông là cụ Nguyễn Tề, từng làm bang biện phủ Thường Tín (Hà Nội). Vì vậy, đương thời nhân dân vùng châu thổ sông Hồng gọi cụ là Đề Thường. Thứ nữa, năm 1884 Đề Thường cùng em ruột là Bang Tốn đã dấy binh khởi nghĩa chống Pháp nhưng không thành, bị thực dân Pháp xử bắn tại Hải Dương năm 1885 (lúc đó chưa thành lập tỉnh Thái Bình, huyện Duyên Hà quê ông còn thuộc tỉnh Hải Dương); kèm theo án tru di tam tộc. Vì di tản, lẩn tránh cái nạn nước mất gây nên cảnh nhà tan, mới 5 tuổi Nguyễn Can Mộng đã phải theo đôi quang gánh của mẹ suốt 15 năm lưu lạc. Năm 20 tuổi ông mới được học chữ, thế mà chỉ 12 năm sau (1912) ông thi đỗ cử nhân và phó bảng năm 1916. Dường như việc triều đình nhà Nguyễn bổ chức huấn đạo huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) cho Nguyễn Can Mộng là không đúng với khả năng thực tế của ông, nên chỉ một năm sau, ông được bổ làm giáo sư giảng dạy Hán văn ở trường trung học bảo hộ (còn có tên gọi là trường Bưởi) Hà Nội. Ba năm sau, ông tạm thời xin nghỉ giảng dạy ở trường Bưởi về nhà viết sách. Song thời buổi khó khăn, những cuốn sách, những bài viết của ông dù kín đáo hay bộc trực thể hiện tinh thần phản kháng chế độ áp bức của thực dân Pháp, mà tụi bán nước và cướp nước khó bề bắt bẻ, nhưng cũng không dễ trong khâu in ấn để quảng bá rộng rãi do điều kiện kinh tế. Vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”Nguyễn Can Mộng vẫn nung nấu trong tâm trí của mình tinh thần yêu nước thương dân, nhưng với địa vị một trí thức chân yếu tay mềm, ông chỉ còn cách bộc lộ qua các bài giảng, các áng văn thơ để truyền bầu máu nóng đó cho học trò hoặc sáng tác thơ văn để cổ vũ phong trào.Trong bài hồi ký của Đàm Quang Thiện đã nêu, Nguyễn Can Mộng nói: “

- Các cậu đều muốn học Hán tự và quốc văn cả, tốt lắm! Vậy các cậu nghe tôi nói. Trong một tuần lễ, hầu hết các giờ, các cậu học Pháp văn và Khoa học bằng Pháp ngữ, nghĩa là bằng tiếng những người “bảo hộ” ta. Các cậu phải có cảm tởng như ngồi ở lớp của một trường ngọai quốc. Chỉ có mấy giờ học với tôi, là các cậu mới thấy ngồi trong lớp trường nhà, trong đất nước nhà. Vậy, cậu nào hãy đứng dậy, đóng hết cả cửa ra vào và cửa sổ lại!

Vài học sinh đứng dậy, đi đóng hai cửa ra vào, một cửa thông ra sân trường, một cửa thông ra hành lang, chạy suốt các lớp cùng một tòa nhà, và đóng các cửa sổ lớp học lại. Cụ chờ các cậu đóng các cửa xong, trở về chỗ ngồi rồi, cụ mới nói tiếp:

- Bây giờ, bên ngòai lớp là thế giới của ngọai quốc, bên trong lớp là thế giới của tổ quốc. Chúng ta muốn nói gì với nhau cũng được, người ngòai không nghe thấy được, mà những tiếng giảng bằng Pháp ngữ ở các lớp bên ngòai, cũng không đến tai ta được. Trong một tiếng đồng hồ, chúng ta hòan tòan là người Việt Nam, trong đất nước Việt Nam. Chúng ta không phải e ngại gì hết. Mà chúng ta không phải e ngại gì, e ngại ai cả.

Thỉnh thỏang có những ông thanh tra người Pháp, đi khám các lớp. Các giáo s¬ư Pháp văn và Khoa học sợ các ông ấy lắm. Và các cậu cũng sợ các ông ấy hỏi mà không trả lời được. Trái lại, tôi không sợ các ông ấy, và các cậu cũng không phải sợ các ông ấy,vì các ông ấy có hiểu mô tê gì về các môn tôi dạy đâu?

Nếu các ông ấy có đến khám lớp tôi dạy, thì các cậu cứ bình tĩnh. Tôi sẽ gọi vài cậu lên bảng để viết chữ Nho, và cậu nào được tôi gọi lên bảng, nghe tôi đọc xong, thì cứ việc viết, vẽ nhăng vẽ quậy gì cũng được, miễn là giống chữ Nho là được. Hễ tôi gật đầu khen là đúng, thì thanh tra Tây cũng khen là đúng. Ra thi cũng vậy, các giám khảo Tây phải nhờ tôi viết bài chữ Nho, các cậu dịch ra quốc ngữ lên bảng đen. Tôi vừa viết từng câu lên bảng, vừa dịch từng câu ra quốc văn, đọc to lên cho các cậu nghe; các cậu cứ thế mà làm là đúng. Tây nó tưởng tôi đọc bài chữ Nho chứ nó có biết đâu là tôi đọc bài dịch cho các cậu chép. Thầy trò ta bắt nạt chúng ở chỗ ấy.”

Đó chỉ là một vài nét hành động đời thường, còn thẳm sâu trong tâm trí phó bảng Nguyễn Can Mộng vẫn là mối thù giặc ngọai xâm, kẻ đã gây cho gia đình ông, nhân dân ông bao cảnh đau thương tang tóc, chia lìa. Cuộc sống buộc ông phải sống chung, lựa mình tồn tại mà đấu tranh. Có dịp qua thăm núi Non Nước ở thị xã Ninh Bình, tưởng nhớ Trương Hán Siêu, người anh hùng dân tộc thời Trần, Nguyễn Can Mộng cảm tác:

Mấy độ sương pha chồi cúc lão

Ba phần rêu phủ nét thơ nhòa

Tìm đâu cho thấy Trương Thăng Phủ

Văng vẳng bên trời tiếng hạc qua.

Ký thác tâm tình vào cấu tứ bài thơ “tìm đâu cho thấy Trương Thăng Phủ”, đôi khi người đọc cũng bắt gặp những ý tưởng yêu nước sâu thẳm riêng tư, trong cuộc đời đầy sóng gió ba đào của Nguyễn Can Mộng. Ông không kiêu ngạo, hợm mình bởi cá tính bộc trực thẳng thắn, khiến ông không thể tự mãn và cũng không thể theo thời mà cầu vinh bằng mọi giá như bao kẻ từng làm. Bức chân dung tự họa trong bài thơ Khai bút năm Canh Dần đã phác họa vài nét bản chất giản dị chất phác của một bậc tri thức tài hoa, vẫn giữ được phong độ Nho sĩ Bắc Hà:

Hẳn kiếp tu xưa phúc cũ dầy

Ngu ngơ còn sống ở đời nay

Rượu không biết uống liều làm ngọt

Bạc chẳng ăn ai ngốc vẫn cay.

Kém sức đua chen tầm cổ ngắn

Vụng đường giao thiệp cái lưng ngay

Thế mà khoa họan nhiều phen tấy

Năm mới ta càng mới vận đây.

Thời buổi tao lọan “vua là tượng gỗ, dân là thân trâu”thử hỏi ai người có thể cứ mãi mãi cam tâm đời đời kiếp kiếp chịu cảnh nô vong. Sức vóc cuộc đời mỗi cá thể con người chỉ giới hạn bởi thời gian cho phép, nên dù muốn dù không ai cũng phải tạo được cho mình một cách sống, miễn là không nối giáo cho giặc, không trực tiếp hay gián tiếp sát hại đồng bào, đồng chí của mình, không làm tổn hại thanh danh hào khí của dân tộc, khi chưa hội đủ điều kiện đấu tranh trực diện. Vả lại nhà giáo Nguyễn Can Mộng xuất thân đã là hậu duệ của một dòng họ tai tiếng là “chống lại nhà nước bảo hộ”, ông không căm ghét chế độ thực dân sao được, vì chính nó đã giết hại cha và chú ruột ông. Song:

Trời bốn phương đen kịt một màu

Nào những khách Nam lâu chờ đợi nguyệt

Trong đám mịt mù ai kẻ biết

Tấm thân băng tuyết vẫn là trong.

(Đêm trung thu gặp mưa)

Và:

Ngày tháng thoi đưa, sự đời mây nổi

Nghĩa đồng tâm xin gửi với non sông

(Vui với bạn trong hồng lâu)

Ghé thăm kẽm Trống, đọc thơ khắc đá của vua Lê Thánh Tông, thi sĩ Nông Sơn họa vần:

Thăng bình gặp buổi thong dong

Non sông riêng để anh hùng dạo chơi

Cỏ cây khéo tả nên vui

Bao giờ lại được như thời Thịnh Lê.

Vẫn tóat lên tư tưởng yêu nước khi quan bảng họa thơ Trần Khánh Dư:

Anh hùng gặp bước lầm than

Quân thân gánh nặng giang san đợi chờ

Một đời dễ mấy Khánh Dư

Lửa hương kiếp đến bây giờ vẹn chăng!

Nỗi niềm “Nửa thương người trước, nửa lo phận mình” lúc nào cũng canh cánh bên lòng, lại là người tài cao, đỗ đạt mà xã hội thì đã và đang nhiễu nhương diễn ra trước mắt, biết bao thân phận tôi đòi đã phải “cũng liều nhắm mắt đưa chân”. Nguyễn Can Mộng thì không thế, ở địa vị người thầy, lúc nào ông cũng tự giác lao động nghiêm túc hết mình cho sự nghiệp trồng người. Phải chăng, quãng đời công chức của ông cứ bị đứt đọan là những khi hòan cảnh gia đình quá khó khăn, hay do bất đồng chính kiến với các thế lực đương quyền và ngay cả với quan hệ tình cảm anh em con chú con bác trong nhà. Không biết là nét đồng cảm “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của Nguyễn Du có ứng nghiệm đến mức nào với đời tư Nguyễn Can Mộng không, nhưng trên bước đường công danh, ông đã từng theo gương người em con chú ruột là nhà văn Nguyễn Thúc Khiêm thi đỗ tú tài năm 1912 mà ráng học. Tiếc rằng vì quan niệm thà “chết vinh hơn sống nhục” cộng với tư tưởng chống Pháp theo lối cực đoan, đã đẩy Nguyễn Thúc Khiêm đến cái chết bi đát ở nhà tù Sơn La. Khổ nỗi đó chỉ là sự hiểu lầm của một nhà nho bảo thủ với một tri thức mới gồm đủ kiến thức kim, cổ, đông, tây; chắc chắn không phải lỗi của người anh con bác ruột là Nguyễn Can Mộng.

Tiếng vang về tư tưởng yêu nước qua các vở chèo của Nguyễn Thúc Khiêm những năm đầu thế kỷ XX, khiến thực dân Pháp khép tội “chống phá nhà nước bảo hộ”, nên đã hai lần bắt ông vào tù. Lần sau diễn ra vào năm 1934, chúng đày Nguyễn Thúc Khiêm đi nhà tù Sơn La.

 Theo hồi tưởng của Phạm Học Hải (1903 - 1996), khi “được điều về tòa án Hà Nội làm thẩm phán rồi làm chánh án, phải tiếp xúc với nhiều mối quan hệ công việc, có giao lưu quen biết ông cử nhân Nguyễn Can Mộng, người quê tỉnh Thái Bình, làm ở phòng báo chí phủ thống sứ Bắc Kỳ. Một hôm ông cử đến nhà riêng gặp tôi vẻ thận trọng, ngỏ ý nhờ tôi xin ân xá cho người em con chú tên là Nguyễn Thúc Khiêm bị giam cầm tại ngục Sơn La đã năm năm, nay tuổi cao sức yếu, nghe tin bệnh tật hiểm nghèo, khó thể kéo dài năm tháng nơi khổ ải rừng thiêng nước độc. Tôi đột ngột nhận tin ông tú Khiêm mà không hiểu nguyên cớ vì sao. Trước đây ở Hà Nội chúng tôi thân tình với nhau, chưa từng nghe ông tú Khiêm nói có người anh con bác có học vấn đỗ đạt làm việc ăn ý với chính phủ bảo hộ, kể cũng kỳ. Hẳn ông cử nhân thấy tôi băn khoăn nên ông cử đắn đo nói tiếp: “- Phụ mẫu chúng tôi đều đã qua đời, tôi là trưởng tộc, nhưng chú ấy hiềm tôi cộng sự với Tây, dứt tình anh em không đi lại nữa. Nay nhờ ông phán lo giúp cho qua việc hệ trọng này mà nối lại tình huynh đệ chúng tôi. ”Ông cử là bậc học giả giỏi văn sách một thời, ngỏ lời nhờ cậy cứu sinh mệnh người em thóat nơi tù ngục, mà người ấy với tôi trước đã thân tình, lẽ nào tôi không nhận giúp. Thật họa vô đơn chí, tờ trình của giám ngục Sơn La phúc đáp về phủ xứ chuyển sang tòa án, tôi cầm đọc có đọan: “Gọi phạm nhân Nguyễn Thúc Khiêm lên bắt viết cam đoan rằng: được ân xá về bản quán sống xin cải tà phục thiện, không lập bè đảng hội kín chống chính phủ bảo hộ. Y không viết đã bẻ bút xé giấy quẳng xuống mặt bàn rồi đứng bật dậy, bước giật lùi đập mạnh gáy vào thành tường đá ở phía sau tự chết.”(1)Như vậy là quá rõ, sự bất đồng quan điểm giữa hai anh em Nguyễn Can Mộng và Nguyễn Thúc Khiêm không đến mức từ mặt nhau như có người đã viết, giữa họ vẫn lưu dòng huyết lệ, có lúc xa mặt nhưng không cách lòng. Vả lại, tư tưởng yêu nước của hai người được thể hiện ở hai vị trí, hai cấp độ khác nhau nên không vì Nguyễn Can Mộng có thời làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền thực dân Pháp mà dễ dàng đẩy ông vào hàng ngũ tri thức “nịnh Tây” được. Còn tình trạng đa thê, “mía ngọt đánh cả cụm” rơi vào trường hợp Nguyễn Can Mộng bị Nguyễn Thúc Khiêm lên án cũng chỉ là ý kiến cá nhân nhất thời mà nếp sống phong tục đương thời cho phép.

Người đọc có thể thấy trong thơ ông có chi tiết nói đến tình cảnh eo hẹp kinh tế khi lấy vợ, hay đây chỉ là một khía cạnh của ý thức hệ Nho giáo là gia trưởng; dù sao vẫn là kiệm cần, lo xa về cuộc sống gia đình. Nguyễn Can Mộng phê phán lối ăn mặc xa xỉ, cầu kỳ nơi thành thị, tỏ rõ tâm tư yêu mến người gái đảm thôn quê:

Bài bạc dông dài lại phấn son

Mấy trăm lương tháng cũng không còn

Nhà quê ta lại nhà quê vậy

Thu xếp giang sơn khéo vẹn tròn.

Và ngay cả trong những tâm tư tình cảm gia đình, Nguyễn Can Mộng cũng đã từng bộc lộ tư tưởng yêu nước sâu xa:

Dậu xưa nhà khởi nghĩa binh

Cơ đồ tan tác cha anh xa vời

Tang thương trong bấy năm giời

Còn em với chị, chị thời ở xa (…)

Ngẫm ra tâm sự nhà mình

Kể làm chi cái tử sinh cuộc đời

Nước nay thù giả được rồi

Suối vàng xin có một nhời thưa cha.

Cuối bài Khóc chị trên đây ông còn ghi chú: Năm Ất Dậu đời vua Hàm Nghi, cha là cụ Bang Thường, anh là ông Dốc Noa, cùng chú là cụ Tam Nông (Bang Tốn) khởi nghĩa Cần Vơng đều bị tử vong cả.

Trở lại vấn đề học thuật, căn cứ vào sự hiện diện của thành tựu phiên chú Truyện Kiều, rõ ràng là phó bảng Nguyễn Can Mộng có nhiều đóng góp ở những năm đầu thế kỷ XX. Có lẽ, ngay từ thuở niên thiếu, tuy chưa được học hành bài bản, nhưng cậu bé ấy vẫn được nghe nói, thậm chí là nghe hát ru trích đọan, nghe kể truyện Kiều qua các mối liên hệ gia đình và xã hội. Hơn nữa, mười năm gió bụi lúc sinh thời của thi hào Nguyễn Du; hơn 100 năm trước ở Quỳnh Hải (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), khi lánh nạn về quê vợ; cùng ăn cùng ở trong một gia đình lại cũng là một nhà thi thư danh tiếng là cha con Đòan Nguyễn Thục, Đòan Nguyễn Tuấn - chỉ cách quê hương Nguyễn Can Mộng khỏang trên dưới 10 cây số. Bất luận lý do gì từ quan hệ, ông bà, cha chú, anh em Nguyễn Can Mộng cũng biết danh tiếng Nguyễn Du và truyện Kiều, và dĩ nhiên sự lan truyền đó đã đọng lại trong tâm trí ông ngay từ khi còn nhỏ, và tri thức đó sẽ theo suốt cuộc đời họan lộ, công huân của ông.

Tiếp cận gần hơn cũng chính ở vùng đất ấy, năm 1898 - khi Nguyễn Can Mộng vừa tròn 18 tuổi - tiến sĩ Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908) đã mang theo một bản Kiều in bằng chữ Nôm từ Huế ra Hà Nội, tặng cho bạn là Kiều Oánh Mậu (1853 - 1912). Về bản Kiều này, chính Đào Nguyên Phổ đã cho biết: “Năm Ất Mùi, tôi đương học ở quốc tử giám, có công tử họ ngọai của vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là Đọan trường tân thanh. Tôi mở ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu, thay cũ đổi mới: danh bút phê bình, cơ thần linh động; lại được vua phê cho đôi câu đối nêu ở đầu sách. Người đẹp, văn hay được đóa thiên hương làm tăng thêm khí sắc. Vậy nên người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô.

Mùa hè năm nay, tôi ở kinh vinh quy, mang sẵn bản Kiều ấy đ¬ưa biếu Giá Sơn. Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để nhiều người thưởng lãm”.(2)

Sau đó bốn năm, Kiều Oánh Mậu nhuận sắc, cho khắc in ở Hàng Gai. Sách có lời tựa khá hay của Đào Nguyên Phổ. Sau này, các nhà nghiên cứu gọi các bản Kiều khắc in ở Huế là bản kinh và các bản khắc in ở Hà Nội là bản phường, ít quan tâm đến năm xuất bản. Như vậy, Đào Nguyên Phổ và Nguyễn Can Mộng là hai nhà khoa bảng của trấn Sơn Nam Hạ thời Nguyễn (nay hai quê của hai ông thuộc hai huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã sở hữu một bản kinh và một bản phường. Nguyễn Thạch Giang gọi bản in của Kiều Oánh Mậu là bản phường.(3) Bản phường của Kiều Oánh Mậu có xuất xứ từ bản kinh do Đào Nguyên Phổ trao tặng Kiều Oánh Mậu, và như chính người làm bản kinh thành bản phường đã cho biết trong Lệ ngôn của lần xuất bản đầu tiên: “sau khi thi đình, ông nhị nguyên hòang giáp Đào Hòanh Hải (một tên khác của Đào Nguyên Phổ - TSH - chú thích) đem về một bản kinh, tôi mới tham đính lại để cho khắc in, nhân xin ông cho bài tựa, nay đặt ở đầu quyển truyện để tỏ có chút công sưu tầm”(4). Bản kinh phải là bản Đào Nguyên Phổ tặng Kiều Oánh Mậu năm 1898, còn phiên bản do Kiều Oánh Mậu căn cứ vào đó “mới tham đính lại”, là thêm một bản phường. Dĩ nhiên, bản Kiều Oánh Mậu có nhiều chi tiết gần với bản kinh nhất bởi điểm xuất phát có căn cứ rõ ràng.

Theo chúng tôi không chỉ“các bản Kiều do các hiệu khắc ván ở phố Hàng Gai, Hà Nội in trước năm đó (1898) - được gọi là bản phường”(5). Nếu cần xếp nhóm văn bản để nghiên cứu thì tất cả các bản Kiều được nhân bản viết tay hoặc khắc ván in bằng chữ Nôm từ trước đến nay ở miền Bắc từ 1898 trở đi đều là bản phường. Bản kinh chỉ khuôn lại là một vài bản in ở Huế với vị trí đồng đại là kinh đô nhà Nguyễn, khi khắc in có sự can thiệp của các quan văn, ngự sử. Khái niệm bản kinh để chỉ truyện Kiều in ở Huế do Đào Nguyên Phổ đặt. Ở Thái Bình không chỉ có Đào Nguyên Phổ và Nguyễn Can Mộng quan tâm đến Truyện Kiều, mà khá nhiều nhân sĩ, trí thức khác như mấy thế hệ dòng họ Nguyễn Mậu Kiến ở huyện Kiến Xương, Nguyễn Dõan Cử ở huyện Vũ Thư…v.v. đều có người tích trữ, sao chép, phiên âm, chú giải. Bản in Truyện Kiều do Nguyễn Dõan Khiết, Nguyễn Tiến Đòan (5) chủ trương là một ví dụ. Như vậy, từ khi các bản phiên âm bằng chữ quốc ngữ ra đời, thì truyện Kiều hiện diện trong hai hình thức ký tự là chữ Nôm và chữ quốc ngữ, kể cả cách khắc in và viết tay. Sách viết tay là lọai văn bản thứ ba, bên cạnh bản kinh và bản phường ở Việt Nam. Ở đây chưa đề cập đến các bản dịch truyện Kiều ra nhiều tiếng ngọai ngữ khác.

Từ năm 1875 tại Sài Gòn, P.J.B Trương Vĩnh Ký đã phiên âm, chú giải Poème Kim Vân Kiều truyện thành chữ quốc ngữ, ngòai bìa đề là BẢN IN NHÀ NƯỚC. Lúc đó là năm Thành Thái thứ 9. Sách dày 180 trang, tương đương khổ 13x19. Nếu tính mỗi dòng 6 hoặc 8 là một câu thì bản này có 3254 câu, song Trương Vĩnh Ký không đánh dấu câu như vậy, ông đặt dấu phảy ở cuối dòng 6 chữ, chấm câu ở cuối dòng 8 chữ, số từ trong một câu được giới hạn bởi dấu chấm nên số câu chỉ còn một nửa. Cụ thể như:

Ngày xuân em hãy còn dài,

xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dầu thịt nát xương mòn,

ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Về tên riêng như Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên -Trương Vĩnh Ký phiên âm theo cách hiểu chữ h câm hoặc ký tự đ không có trong tiếng Pháp là Túy Kiều, Túy Vân, Dạm Tiên…v.v. Nguyễn Can Mộng đã làm khác, ông không chấm câu đầy đủ tòan bộ bản phiên âm truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng biểu hiện ngắt ý, có khi cũng là ngắt câu đã tương đối rõ ở chữ đầu dòng 6 và 8; viết hoa thống nhất từ đầu đến cuối. Tính theo dấu chấm hết câu thì tòan bộ văn bản truyện Kiều phiên âm của Nguyễn Can Mộng rất đa dạng, nhưng đủ 3254 câu. Có câu chỉ một dòng, có câu gồm hai dòng 6/8 và có nhiều câu kéo dài đến bốn, năm, sáu dòng…v.v.

Một số bản Kiều nôm mà Nguyễn Can Mộng dùng để phiên âm thành chữ quốc ngữ bằng hệ thống ký tự Latinh, có thể là kết hợp cả một bản kinh và bản Kiều Oánh Mậu (1902). Khi phiên âm đến câu“Về sau chẳng biết vân - mồng 1 làm sao”(câu 2920), ông có ghi chú: “(1) Vân mòng là tin tức, Bản kinh viết là .... sự công thế nào.”

Bên cạnh đó, chắc rằng ông phải tham khảo các bản phiên âm, chú giải như¬: 1- Kim Vân Kiều truyện do Trương Vĩnh Ký (1875), 2- Kim Vân Kiều do Nguyễn Văn Vĩnh (1912), 3- Kim Túy tình từ do Phạm Kim Chi (1917) 4- Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim (1925), 5- Kim Vân Kiều chú thích do Bùi Khánh Diễn (1926), 6 - Kiều truyện dẫn giải do Hồ Đắc Hàm (1929).

Nguyễn Can Mộng thuộc lớp trí thức sống ở buổi giao thời Âu - Á, khi mà nhu cầu văn hóa dân tộc đã và đang trao nhiệm vụ cho các ông khôi phục vốn cổ dân tộc, quảng bá vũ khí tư tưởng mới bằng chữ quốc ngữ, “ôn cố tri tân” sao cho trụ được trong thời buổi nhiễu nhương lọan lạc, nước mất nhà tan. Tuy vậy, khi khảo cứu, chọn bản chính để phiên âm, chú giải truyện Kiều thế nào mỗi người cũng thể hiện một phong cách làm việc khác nhau. Đọc văn bản Truyện Kiều do Nguyễn Can Mộng phiên khảo thì thấy dấu ấn phương ngữ - nơi sinh ra và lớn lên của ông còn in đậm nét. Có dạng phương ngữ do phát âm nặng nhẹ, dẫn đến cách viết như: giăng (trăng), giời (trời), giầu (trầu), chẩy (chảy), nhời (lời)…thì có thể giữ lại làm cứ liệu lịch sử ngữ âm.; nhưng cũng có khá nhiều lỗi chính tả mà đương thời ông có thể khắc phục được, ông lại chưa làm. Ví dụ câu: “Biết bao bướm lả ong lơi/Trận say đầy tháng trận cười suốt đêm” ông lại phiên là “xuốt đêm”, hay giả cách ông viết là “dả cách” thành ra một từ vô nghĩa, mặc dù Đại Nam quấc âm tự vị của Hùynh Tịnh Palus Của (1895) đã giải thích rất rõ. Không biết do cố ý hay chỉ là sự phiên âm theo riết cách phát âm nặng của một vùng Sơn Nam Hạ cũ, ông phiên câu: “Đem người giẩy xuống giếng khơi” thành “riếng khơi” mà khi đã “bút sa” làm mất âm hưởng nhạc điệu thì hẳn là khó chấp nhận. Những hiện t¬ượng ngữ pháp khác nh¬ư từ chỉ địa danh Tiền Đư¬ờng ông chỉ viết hoa chữ đầu (Tiền đường), từ chỉ tên người nh¬ư Hồ Tôn Hiến họ và tên viết hoa (Hồ, Hiến), đệm không (tôn); dùng quá nhiều gạch nối là do mặt bằng chung của lịch sử phát triển chữ quốc ngữ lúc đó. Dĩ nhiên là tình trạng sai sót do lỗi người sắp chữ in như Lâm Truy có chỗ in là Lâm tuy chẳng hạn. Có lẽ do cứ bám sát bản Kiều nôm vốn có nhiều từ Hán Việt nên khi phiên âm những danh từ chung ông vẫn viết hoa một từ như Quản gia, Chàng Khanh, Phiếu mẫu… ở giữa câu văn là không đúng.

Đối với Nguyễn Can Mộng, phiên âm, chú giải truyện Kiều đã trở thành một nhu cầu khoa học, cần thiết trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và tuyên truyền, quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc mà ông đang là thầy, là học giả, là nhân chứng. Năm 1925, khi sọan sách Văn tuyển phổ thông độc bản diễn nghĩa (6) đã dành 25/85 trang sách cho phần trích tuyển truyện Kiều, làm mẫu cho thể lọai thơ lục bát. Ông đặt tên Hiếu nặng hơn tình cho đọan trích, đặt dấu phảy, chấm hỏi và dấu chấm, góp phần chuẩn hóa cách viết chữ quốc ngữ từ trong hệ thống giáo dục: “Để nhời thệ hải minh - sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

Tất nhiên trải qua gần một thế kỷ nữa, hệ thống ký tự la tinh được mã hóa trong tiếng Việt đã phát triển hòan thiện hơn rất nhiều, song trong số những nhân sĩ, trí thức đã sản công làm nên thành tựu, Nguyễn Can Mộng đã được ghi tên.

Với tư cách là một nhà giáo có học vị cao (Phó bảng thời Nguyễn là tiến sĩ bậc II - còn gọi là ất tiến sĩ) ở một vùng quê so với đương thời, là một nhà Nho chính thống có vốn tiếng Pháp, tiếng Việt nổi tiếng; Nguyễn Can Mộng là một nhân sĩ yêu nước, có công đóng góp trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Người thầy ấy không chỉ lên lớp giảng dạy, tuyên truyền tinh thần dân tộc ở một trường học lớn tại Hà Nội, mà còn là tác giả của những tập sách giáo khoa như: Văn tuyển (1925), Phả ký nhà họ (1928) Văn chương Việt Nam (1936), Việt Hán thành ngữ (1936), Hán Việt từ điển lược khảo (?), Nam học Hán tự (1942), Lịch sử Bắc Kỳ (1941), Ngạn ngữ phong dao(1942), Lễ tục nước nhà (1943).

Về sáng tác Nguyễn Can Mộng đã để lại: Gương liệt nữ (Ca kịch tổng hợp, năm 1927), Bức gương lòng son (Truyện thơ, năm ?) và gần một trăm bài thơ, tựa sách… đăng tải rải rác trên sách báo đương thời.

Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Nguyễn Can Mộng tiếp tục phục vụ nhân dân trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền. Năm 1946, ông làm chủ bút tạp chí Nho y nghiên cứu tham vọng bảo tồn Nho học và phát huy vốn cổ y học dân tộc. Trong số 3 năm 1946 Nguyễn Can Mộng có thư gửi Hồ chủ tịch:

Hà Nội ngày 7 tháng 11 năm 1946

Kính gửi cụ chủ tịch chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thưa cụ chủ tịch.

Nhân danh hội nghiên cứu Nam dược và những người làm thuốc Bắc Nam, chúng tôi kính dâng cụ những lời trung thành chào mừng chính phủ mới, và hết lòng tin cậy ở cụ và chính phủ đưa nước nhà đến hòan tòan độc lập thống nhất, phú cường. Chúng tôi xin kính dâng cụ hai tập báo Nho y nghiên cứu là cơ quan bảo tồn Khổng học và khảo cứu đông y.

Chúng tôi tin chắc chắn rằng nhờ cụ và chính phủ mới, ngành thuốc Bắc Nam sẽ được tổ chức và tiến bộ, hợp với nguyện vọng của dân chúng.

Việt Nam hòan tòan độc lập muôn năm!

Hồ chủ tịch muôn năm!

Hội trưởng hội nghiên cứu Nam dược & Chủ bút báo Nho y

Ký tên.

Theo chương trình của bộ quốc gia giáo dục, ngày 24 tháng 8 năm 1949, Nguyễn Can Mộng lại cùng Vũ Trọng Yên sọan sách Tập đọc học thuộc lòng (Lớp nhì và lớp nhất).

Nhân dịp Hội Kiều học Việt Nam được thành lập, chúng tôi in lại bản phiên âm, chú giải của Nguyễn Can Mộng với số lượng ít, nhằm làm tài liệu tham khảo, giúp hội viên và những người có quan tâm nghiên cứu có được một bản Kiều quốc ngữ ra đời cách nay 83 năm chưa một lần tái bản. Chủ ý của chúng tôi là không can thiệp sâu vào cách phiên âm, chia đọan, chú thích của sọan giả Nguyễn Can Mộng, mà chỉ sửa lỗi sai biết chắc là do kỹ thuật in ấn. Mặc dù những từ đánh dấu chưa thật đầy đủ, nhưng đó là những gợi ý để tìm hiểu một văn bản hiện cũng khó tìm.

Nguyễn Can Mộng là người thứ bảy (07) phiên âm, chú giải truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ ngay khi Việt Nam còn đang bị “nước mẹ” kiềm chế, xứng đáng được nêu lại công tích đóng góp khá sớm trong lịch sử nghiên cứu, quảng bá tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du.

------------------------
(1) Lê Thanh Hiền, Chí sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Thúc Khiêm, Nxb. Văn hóa, H, 1996.
(2) Trương Sỹ Hùng, Đào Nguyên Phổ qua một số lời đề tựa sách, In trong Đình nguyên hòang giáp Đào Nguyên Phổ, Nxb Hội nhà văn, H, 2008.
(3) Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb. ĐHVTHCN, H, 1972.
(4) Tổng tập văn học Việt Nam, tập 12, Nxb KHXH, H, 1996.
(5) Hội văn học nghệ thuật Thái Bình, 2007.