“Hồng Sơn Thế Phổ” là một trong 4 bức chữ của 4 đại phu Thanh quốc: Hoàng Phú Thải, Vương Sĩ Cơ, Chu Lễ, Lôi Luân tặng Nguyễn Nễ, Thái sứ của nhà Nguyễn Tây Sơn,  trong dịp đón và đưa Thái sứ tới Yên Kinh dự lễ hoàng đế nhà Thanh truyền ngôi vào  cuối năm Ất Mão( 1795) đầu năm Bính Thìn (1796).

 

Ba trong 4 bức chữ này hiện đang được trưng bày tại nhà Bảo tàng Nguyễn Du, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Theo như “Lời đề ảnh” của Le Brton, trong “Le vieux An-Tĩnh” (1935-1936), thì, ‘bức hoành danh dự này đã  được treo phía trên bàn thờ của nhà thơ Nguyễn Du’, từ trước đó.

 

“Hồng Sơn Thế Phổ”: Dòng dõi nổi tiếng ở Núi Hồng. Ấy là dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, một nhánh của dòng họ có nhiều trạng nguyên, danh tướng thời Mạc ở làng Canh Hoạch Đông Ngạn Sơn Nam, gặp thời loạn về Hoan Châu sinh cơ lập nghiệp.

 

Bức đại tự "Hồng sơn thế phổ" tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (Ảnh: Văn Thành)

 

Hoan Châu - Nghi Xuân - Tiên Điền Nguyễn gia thế phổ”, Quyển thứ III, do Điệt tôn, Tú tài Y, Hy Giác Phủ biên tập vào năm Giáp Thân Minh Mạng (1824), về Đời thứ 7, nêu rõ tên tuổi, khoa bảng, công danh 12  trai và 8  gái con của Xuân quận công. Trong đó, nêu rõ văn chương và đức nghiệp của   Nguyễn Nễ (1761-1805) và Nguyễn Du (1765-1820)

 

1. Quế Hiên công Nguyễn Nễ

Ông húy là Nễ, tự Nhất Quế, hiệu Quế Hiên, sau đổi tên: Đề, tự: Tín Phủ, hiệu Tỉnh Hiên, biệt hiệu Văn thôn cư sĩ. do Liệt phu nhân Trần thị sinh hạ.

 

Phu nhân thường mộng thấy người Bắc lấy gương đồng lục lăng hiên Trung Cần công, bèn có thai.

Ông sinh vào giờ Tỵ ngày 13 (Quý Mùi), tháng Hai (Quý Mão) năm Tân Tỵ Cảnh Hưng (1761) ở phường Bích Câu.

 

Bảy tuổi, thụ ấm Hoằng Tín đại phu, chỉ thụ Trung thanh môn vệ úy, xuất thân Khuê nhạc bá. Thuở thiếu thời là học trò giỏi có tiếng, cùng bọn 9 người: Ngô Vi Quý, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đậu Tố Định, Nguyễn Gia Cát … hợp thành nhóm 10 bạn cùng dự giảng tập.

 

Năm Kỷ Hợi, 19 tuổi, thi vào Quốc Tử Giám, đứng đầu bảng

23 tuổi đứng đầu huyện khảo Thọ Xương, lại đứng đầu huyện khảo Đông Ngạn.

Tháng 9, ứng tuyển đạo Phụng Thiên, hai kỳ đều đứng đầu.

Thời ấy có người mừng thơ, trong đó có câu:

Danh ư kinh quốc liên tam tiệp

Khoán tại gia đình hữu nhất tân

(Tên tuổi nổi lên ở kinh thành ba lần thi đều đỗ đầu;

Bằng cứ chứng tỏ gia đình ngày một mói)

 

Tháng 10, thi Hương trường Phụng Thiên trúng Tứ trường. Phúc thí hợp cách, cùng em là Nhưng và cháu là Thiện đều đậu. Năm Bính Ngọ (1786), bổ Thị nội Văn chức, khâm thị nhật giảng, sung Nội Hàn Viện cung phụng sứ. Lại chuẩn: phó tri thị nội thư tả lại phiên. Lại thăng: Thiên Thư Khu mật viện sự Đức Phái hầu, quản phấn nhất đội. Vừa lúc Thuận Châu khởi binh, phụng sai hiệp tán quân cơ đạo Sơn Tây.Năm Kỷ Dậu (1789), vua Lê chạy sang Bắc quốc, tùng giá không kịp, bèn về quê ngoại.

 

Năm Quang Trung lên ngôi (1788), có thức giả giao cử, miễn cưỡng theo vời, được bổ: Hàn lâm viện thị thư, sung vào đoàn sứ bộ Tuế cống, giữ chức phó sứ. Đúng Nguyên Đán đến Yên Kinh, thị yến tại Tử Quang các, phụng dâng thơ nguyên vận (Hoàng đế Càn Long ngự chế, ông được mời dự yến, trong tiệc được (một) câu). Vua nhà Thanh ban thưởng (Một súc đoạn lớn; bút, mực của nhà vua; 2 hộp; giấy quyến; 2 cuộn) rồi về.

 

Có công trên, được thăng Đông các đại học sĩ gia thăng Thái sử. Thư Tả nghị lang Tuyên thành hầu.

 

Năm Quý Sửu (1793), sung Cơ mật viện, chuyên về các văn thư công vụ.

 

Năm Giáp Dần (1794), thăng Tả phụng nghị bộ Binh (chánh tam phẩm) tới thành Quy Nhơn, hiệp tán quân vũ. Quản bản xã tinh binh hiệu An nghĩa vệ.

 

Năm Ất Mão (1795), Hoàng đế nhà Thanh truyền ngôi, ông được sung Hành Khánh sứ. Cuối mùa đông tới Yên Kinh, được đứng chầu dự yến Trừ tịch tại điện Thái Hòa.

 

Nguyên đán năm Bính Thìn (1796), Hoàng đế nhà Thanh thụ lễ, phụng ứng chế 2 bài thơ; Ngày mồng 4 tết, dự yến “Thiên tẩu” (千叟) tại điện Hoàng Cực, lại phụng ứng chế 1 bài thơ. Ngày mồng 5 tết dự yến tại gác Tự Quang; Ngày Rằm tháng giêng dự yến Nguyên Tiêu tại gác Sơn cao thủy trường, lai phụng ứng chế. Ngày 19 từ giã bệ hạ về nước, được dự buổi xem kịch và ngắm đèn; Lại được hỗ giá thuyền rồng tới Phong Khánh viên. Nhiều lần được ban thưởng (Thụ lễ ứng chế được thưởng 10 xấp đoạn và 3 đôi “ngự dung hà bao” (túi lá sen của vua dùng). Ứng chế tại Thiên tẩu yến được thưởng: 1 cái chuôi “Thọ trượng”; 1 cái chuôi “Như ý”; 6 xếp gấm đoạn và “Văn phòng tứ bao”. Làm thơ tại gác Tử Quang, lại được Hoàng đế mới lên ngôi ban thưởng. Ứng chế tại buổi yến Nguyên tiêu được xếp đoạn lớn và văn phòng tứ bảo).

 

Sĩ phu Bắc triều trong các buổi yến tiệc đón và đưa đều có thơ tặng: Túc châu chính đường Trần đại gia tặng thơ 1 bài; Cát thủy chính đường Tiền đại gia tặng thơ tam tuyệt;  Trung Hiến đại phu Vương Sĩ Cơ tăng 4 chữ: “Hoan quận danh gia”(1); Cháu 24 đời của Chu Văn Công là Chu Lễ tặng 4 chữ: “Thiên môn tái đăng”(2);  Hàn lâm Lôi Luân tặng 4 chữ “Tinh sà lưỡng phiếm”(3); Trung Hiến đại phu Hoàng Phù Thải tặng 4 chữ “Hồng sơn thế phổ”(4);Sứ thần Triều Tiên (ở Bắc quốc) cũng có thơ chúc tụng. Từ đó, thượng quốc biết tên ông.

 

Mùa thu Bình Thìn (1796) về nước, được ban 40 mẫu “ruộng sứ”; Thăng chức Trung thư tỉnh tả đồng nghị. Thời ông lệnh chỉ hồi quán, được nhà vua sai quan trong triều đưa sắc ấn tới Nghệ An ban tặng. Về hưu rồi lại giao cho hiệp cùng quan Đồng tri trấn Nghệ An thi hành công vụ. Mùa đông năm Tân Dậu (1801) được giao hộ tống La Sơn dật sĩ Nguyễn Thiếp (La Sơn dật sĩ còn có tên Khải Chuyên hiệu Hạnh Am, người Nguyệt Ao, La Sơn; Trúng Hương giải khoa Quý Hợi Cảnh Hưng (1743), được bổ tri huyện Thanh Chương, rồi xin từ chức ẩn cư ở núi Lạp Phong. Văn của ông được người đương thời suy tôn trân trọng). Tới Xuân Kinh, hội Cao hoàng đế phục quốc được yết kiến, lấy làm cố vấn. Vâng lệnh soạn Quốc âm khúc và biểu văn. Hoàng đế rất khen, được thưởng tiền và y phục. Mùa hè năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long nguyên niên, hộ giá nhà vua đi thăm phương Bắc, làm người phát ngôn (hay thông ngôn) và chỉ đường. Được lưa lại Bắc thành (Thăng Long) theo quan Tổng soái phụng hành công vụ. Mùa hè năm Giáp Tý (1805), có tang thiếp, về quê. Tháng thứ 3 lại vào kinh, bị người cùng làm việc, Tri phủ Nguyễn Văn Chiêu bức ép, phẫn chí mà chết.

 

Ông tạ thế vào ngày 11 tháng 7, hưởng 45 tuổi. Táng bên vườn cũ (địa phận Văn Tràng). Họ ta đi sứ nước ngoài, ông là người đi đầu. Trước tác có: Quế lâm tập giáp, tập ất; Hoa trình tập tiền, tập hậu; Ông là người thiên tính hào mại: vui rượu, hay thơ, khinh tài trọng thí, nếu được bổng lộc thì phân phát cho người thân quen. Sau cơn binh lửa, làng xóm tiêu điều, ông dốc sức tu sửa văn từ (đền thờ Văn thánh), chùa thờ phật, đình làng, cầu, chợ… Dân làng trung đức, hàng năm phụng sự.

 

Năm Khải Định thứ 2 (1917), được phong Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Khải Định năm thứ 9, gia tăng Đoan túc tôn thần.

2. Thanh hiên công Nguyễn Du

Ông húy là Du ); Thưở nhỏ húy Du ( ), tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Sinh năm Ất Dậu Cảnh Hưng (1765) do bà Trần thị Liệt phu nhân sinh hạ. Lên 3 tuổi, thụ ấm Hoằng Tín đại phu, trung thành môn vệ úy xuất thân Thu Nhạc bá. Ông dung mạo khôi vĩ, thiếu thời, Viên quận công thấy đã cho là lạ, bèn cho bảo kiếm. 6 tuổi đi học, đã đọc là nhớ. Năm 19 tuổi, thi Hương khoa Quý Mão (1783) trường Sơn Nam, trúng Tam trường.

 

Lúc đầu, môn hạ của Trung Cần công có  quan Chánh thủ hiệu Thái Nguyên hùng hậu hiệu, tuổi già không con, muốn xin ông lo việc về sau, Trung Cần công đã hứa. Chánh thủ hiệu qua đời, ông bèn theo chức ấy.

 

Năm Kỷ Dậu (1789), Lê hoàng Bắc bôn, theo xa giá không kịp, ông về quê vợ, dựa vào ông anh rể là Đoàn Nguyễn Tuấn (ĐNT là con của Hoàng giáp Đoàn Nguyên Thục, phó Đô ngự sử, Quỳnh Châu bá, người Hải Yên, Quỳnh Côi Sơn Nam. Thời trẻ lĩnh Hương giải văn chương nổi tiếng. Làm quan Tả thị lang bộ lại Tây triều) nhóm kết hào mục, mưu đồ báo quốc. Không được như ý bèn lui về bản hương, lấy non nước làm vui, hiệu Hồng Sơn lạp hộ, lại có hiệu Nam hải điếu đồ (kẻ đi câu ở biển Nam). Mùa đông năm Bính Thìn (1796), toan đi Gia Định, việc tiết lộ, bị trấn tướng Thận quận công kiềm chế. Cảm kích lòng trung nghĩa, ông viết:

“Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ

Chu sơ tan kỷ hữu ngoan dân”

(Buổi nhà Hán mạt vận, một thời không nghĩa sĩ

Đời nhà Chu mới nổi, ba kỉ còn ngu dân)

Và rằng:

“Đấn đắc Kỳ Sơn thánh nhân xuất

Bá Di tuy tử bất vi nhân”

(Nếu được thánh nhân xuất hiện ở Kỳ Sơn

Bá Di tuy chết (cũng) không trái điều nhân).

 

Thận quận công vôn thân thiện với Quế Hiên công anh ruột của ông, lại tiếc cái tài, lưu mấy tháng, rồi phóng thích. Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Cao Hoàng đế tới Nghệ An, ông hưởng ứng lời hiệu triệu tới yết giá (ra mắt nhà vua), được hộ tùng ra Bắc. Tháng 8 được giao giữ chức Tri huyện Phù Dung (thuộc phủ Khoái Châu, Sơn Nam); Tháng 11, thăng Tri phủ Thường Tín. Mùa đông năm Quý Hợi (1803), sứ Đại Thanh đến sách phong, ông phụng mệnh cùng Tri phủ Thượng Hồng, Lý Trần Khuyên; Tri phủ Thiên Trường, Ngô Nguyên Vận; Tri phủ Tiên Hưng, Trần Lựu tới trấn Nam Quan nghinh tiếp. Và, ông thảo thơ tiễn sứ thần về nước. Mùa thu Giáp Tý (1804), vì bị bệnh, ông từ chức về quê. Hơn tháng lại được triệu vào kinh. Tháng giêng năm Ất Sửu (1805), thăng Đông các đại học sĩ, tước Du đức hầu. Tháng 9 năm Đinh Mão (1807), khâm sai Giám khảo trường thi Hương Hải Dương. Tháng 8 năm Mậu Thìn (1808), xin về quê, được ban 100 quan tiền và 100 phương gạo. Tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1809), chuẩn ban cai bạ Quảng Bình. Mọi công việc nội hạt như binh lính, dân sự, giấy tờ kêu kiện, tiền, lương, thuế, lệ đều hiệp cùng lưu thủ, Ký lục bàn bạc, xem xét, thi hành.

 

(Buổi đầu, nhà nước lấy 4 dinh: Quảng Nam, Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình làm trực lệ. Mỗi dinh có: 1 viên Lưu thủ, 1 viên ký lục; Gồm cả các trấn có Trấn thủ hợp với Trấn tham hiệp. Nay các trấn đều đổi làm tỉnh, dinh Quảng Đức đổi thành phủ Thừa Thiên. Tỉnh đặt Bố Chính, Án sát; Phủ Thừa Thiên đặt Phủ doãn, Phủ thừa, các chức trước đều bỏ)Tại chức được 4 năm, làm việc giản dĩ, không cần thanh danh, sĩ dân đều cảm phục tin yêu..Tháng 9 năm Nhâm Thân (1812) về quê. Tháng 2, xây mộ phần Quế Hiên công. Tháng 12 lại được triệu vào kinh..Tháng 2 năm Quý Dậu (1813), thăng Cần chính điện học sĩ; lại chuẩn ban chức Chánh sứ Tuế công bộ cùng Phó sứ thiên sự Lại bộ Đàm Ân hầu và Phong Đăng hầu cung sang Bắc quốc.

 

Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) về nước, (là năm có tập “Bắc hành tạp lục”), vào kinh phụng thị.Tháng 6 cho hạn nghỉ ngơi 6 tháng. Tháng 12 vào kinh. Tháng 5 Ất Hợi (1815) do văn giai tâu cử, ông được thăng Hữu tham tri Lễ bộ

 

Tháng 8 năm Kỷ Mão (1819), được sung chức Đề điệu Trường Thi Hương Giang Nam - Ông cố từ, được chuẩn y. Năm Canh Thìn (1820), Nhân Hoàng đế Minh Mệnh lên ngôi, ngự bút chọn làm chánh sứ đi cầu phong. Nhưng, chưa đi ông đã lâm bệnh, qua đời vào ngày 10 tháng 8 tại Kinh đô. Hưởng 56 tuổi.

Phó văn:

“Thương vị điệu tích, tứ thụy Trung Thanh. Ân tuất ngoại gia, tứ bạch kim (…) (một chữ mờ) thập lạng, thái cẩm nhị thất, hoàng lạp tâm thập cân, du tam bách cân. Hoàng mẫu giữ hoàng đệ cập văn ban quan tịnh trí phụ lễ”

(Cáo phó viết: Trẫm vì thương tiếc, ban tên thụy Trung (trung thành) - Thanh (thanh liêm). Tiên tuất gia thêm: … mươi lạng bạc, 2 xếp gấm hoa, 30 cân nến vàng, 300 cân dầu thắp sáng. Hoàng mẫu cùng hoàng đệ và các quan ban văn đều đến dự lễ phúng viếng)

Các quan ở kinh có câu đối viếng:

Nhất thế tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm

Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh

(Một đời tài hoa, làm sứ, làm khanh, sông không hổ thẹn

Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vẻ vang)

Lại có câu:

Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ

Đại gia văn học thế không truyền

(Một chái rượu, đàn … người đã khuất

Một đại gia văn học thế gian không truyền)

 

Khi ông lâm bệnh qua đời, người em ruột là Thiên sự Sóc nhạc hầu và người cháu là Hàn Lâm viện Đảng Đức bá đều ở trong kinh. Tháng ấy táng ông ở xứ Bàu Đá xã Yên Ninh huyện Quảng Điền. Mùa hè năm Giáp thân (1824) con thứ là Nguyễn Ngũ lai kinh, đưa về chôn cất. Dịp ấy, được cấp 300 quan tiền. Mộ tại xứ Đồng Cung, địa phận Tiền giáp, bản xã (Đất này được chỉ định bởi “kê bút” , tức bói bằng cách “cầu tiên”, bút viết lên mâm cát)

 

Ông là người học rộng, ghi nhiều, lại càng trường về thơ, từng mệnh danh là “An Nam ngũ tuyệt” (5 nhà thơ tài giỏi nhất An Nam), cùng người cháu, Nam Thúc cư là hai. Những ngày nhàn rỗi ở kinh đô, ông giảng dạy cho các văn sĩ và lớp đệ tử như Trương công Đăng Quế, Nguyễn công Đăng Giải.

 

Trứ tác của ông gồm: Thanh hiên tiền hâu tập, Nam trung tập ngâm, Bắc hành tạp lục và Lê quý ký sự (Bắt đầu từ Đinh Dâu Cảnh Hưng, cuối cùng là Kỷ Dậu Chiêu Thống, trước sau 13 năm).

 

Quốc âm kiệt tác, tản mác thấy nhiều. Từ Đoạn trường tân thanh là áng thơ “cử quốc truyền tụng” (quốc tụng). Đến cầm, kỳ, thư, họa không có môn gì không tinh diệu. Lại thông binh pháp, diệu võ nghệ. Làm người khiêm tốn, tuy vào hàng Á khanh mà giản dĩ thanh đạm như hàm sĩ.

 

Nhân Hoàng đế duyệt thơ văn ông, thấy, thời Bắc sứ, trong bài đề ở đền Hoài Âm hầu của ông có câu:

Thôi thực giải y nan bội đức

Tàng cung phanh cẩu diệc cam tâm

(Cởi áo xẻ cơm không bội đức

Dấu cung thịt (giết) chó cũng cam tâm)

 

Thế mới xứng là trung nghĩa, muốn dùng vào việc lớn thì ông đã qua đời, thường bảo với người Bắc, nhưng ông Nguyễn đang còn, Trẫm đang nghĩ tới…; Thượng thư bộ lễ Hưng Nhượng hầu thường nói với mọi người rằng: “Khó được người như thế, đáp lại đồng sự, thành kính đến động lòng”.

 

Tư liệu tham khảo:

1. Hoan Châu - Nghi - Tiên Nguyễn gia thế phổ, Lưu tại Thư viên Nghệ An

2. Q I, Trung Cần công Nguyễn Nghiễm biên tập (Đời thứ nhất đến đời thư 5)

3. Q II.  Tú tài Y tục biên, ( Đời thứ 6 - Chuyên về Trung Cần công)

4. Q III, Tú tài Y biên tập, ( Đời thứ 7- Chuyên về  12 con trai và 8 con gái của Xuân quận công)

5. Le Breton “An Tĩnh cổ lục”, Nxb NA - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005