Gần đây trên Tạp chi văn học có ba bài tranh luận về hai chữ « gươm đàn ».

Ba bài ấy đều có một điểm cơ  bản giống nhau và một điểm cơ bản khác nhau. Giống nhau vì đều cho " gươm đàn nửa gánh non sông một chèo" là câu thơ khắc họa nhân vật với tính ước lệ sẵn có của ngôn từ. Khác nhau ở chỗ, một bên căn cứ vào cụm từ " bán kiên cung kiếm " của Hoàng Sào cho rằng gươm đàn là kiếm cung; một bên còn căn cứ thêm vào cụm từ " cầm kiếm tương tùy" trong một bài thơ-Hán của chính Nguyễn Du, mà cho rằng gươm đàn lại là cầm kiếm.

Hưởng ứng lời kêu gọi của bạn Quang Đạm « rất mong nhiều bạn góp ý thảo luận làm sáng tỏ vấn đề » , không nệ minh chẳng chuyên văn học, tôi vẫn đánh bạo viết bài này mong góp chút nông cạn riêng vào sự sâu rộng chung.

I. «Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo» có khắc họa nhân vật không ? Câu này có chức năng gì ?

Ngày nay thông thưừng xét riêng câu này, nhiều bạn cho nó làm chức năng khắc họa tổng quát nhân vật Từ Hải, khéo đến nỗi chỉ hiểu sai một chữ "đàn" nhân vật đã biến dạng.

« ... Còn « thanb gươm » và "cây cung"(đàn) trong câu thơ họ Nguyễn thì nó lại mang tính chất khắc họa tính cách của một nhân vật. Hiểu là " gươm " và " cung "thì nhân vật lại có một tính cách khác ; hiểu là "gươm " và "cây đìu âm nhạc" thì nhân vật lại có một tính cách khác".

Tôi e ta hiểu  rộng quá cái tầm mà nó vốn có.
Tôi nghĩ rằng: khi được tổ hợp chính xác thì ngôn ngữ có thần. Thần là cái hồn chữ, hồn văn, hồn thơ đã khiến người đọc rung cảm. Một bài thơ hay có thể dài, ngắn, khó hiểu, dễ hiểu, lời có thể mỹ lệ hoặc mộc mạc, nhưng không thề rườm lời, thừa chữ. Giải một bài toán, nếu phương pháp ngắn gọn nhất đề tìm đáp số là phương pháp hay nhất, thì làm một bài thơ, nghệ thuật cao nhất để diễn đạt chủ đề tư tưởng tình cảm là nghệ thuật cấu trúc ý tứ ngôn từ sao cho lời và ý không thiếu lại chẳng thừa, khiến người đọc càng đọc càng thấy hay, càng khám phá thêm những gì mới lạ, cao xa mà gần gũi, bóng bẩy lại thiết thực, giản dị nhưng không tầm thường. Khi đã có chủ đề, thi sĩ cấu tử chọn ý rồi mới dựng câu và chọn lời. Chủ  đề chỉ đạo ý tứ, ý tứ quyết định ngôn ngữ. Cho nên chỉ quấn vào cái xác của chữ nghĩa thì không thưởng thức được văn chương. Muốn hiểu chữ nghĩa một bài thơ, ngoài việc tra cứu ngữ nghĩa gốc gác của nó, còn phải xem nó được ý thơ trao giữ nhiệm vụ gì. Muốn vậy phải xét cấu trúc của lời thơ, câu thơ và bài thơ.

Nếu những điều trên đây đúng, tôi nghĩ, muốn xác định đàn là nhạc cụ hay vũ khí, trước hết ta thử đặt câu hỏi "Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo " có nhằm mục đích khắc họa Từ Hải không ?

Bị Bạc Hạnh lừa bán, Kiều vào thanh lầu lần thứ hai thì gặp Từ Hải. Về đoạn này sau hai câu phá, thừa, cụ Nguyễn Du dành tám câu để sơ bộ tả Từ Hải, mỗi câu giữ một chức năng diễn đạt nhất định như sau:


1.          Râu hầm hàm én mày ngài - Vẻ mặt

2.          Vai năm tấc rộng thân mười thước cao -Toàn thân

3.          Đường đường một đấng anh hào -Dáng dấp tư thề

4.          Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài -Tài năng trí tuệ

5.          Đội trời đạp đất ở đời - Chí khí

6.          Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông - Gốc tích

7.          Giang hò quen thú vẫy vùng - Hành tung ?

 8.         Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo         

Bảy câu dễ hiểu còn câu tám?

Nếu"Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo "đúng là " Bán kiên cung kiếm, nhất trạo giang sơn" (cung kiếm nữa vai, non sông một chèo) thì câu này nói gì? có phải là anh chàng Từ Hải này nửa vai đeo cung kiếm, xách một mài chèo trảy khắp non sông không? Nghĩa là muốn nói ..Từ Hải rẫt giỏi nghề võ và ngang tàng tung hoành khắp nước non?

Nếu hiểu vậy, e những người sành thơ cổ bảo là hiểu sáo rỗng, vì như thế câu tám không chứa đựng thêm một ý gì mới cả. Nói khác họa thì bẩy câu trên đã khắc họa đủ sự giỏi giang và tung phóng rồi, đường đường anh hào, côn quyền lược thao, đội trời đạp đất, giang hồ  vẫy vùng. Chả lẽ cụ Nguyễn Du phí tám lời du dương đẹp đẽ để bóng bẩy nhẳc lại một cách... nhạt phèo các ý tứ đã diễn? Những ngọn bút lớn không làm như vậy.

Chắc cụ Nguyễn Du có ý mới khác các ý bảy câu trên.

Trong những đoạn tả nhân vật chính của truyện, Nguyễn Du đều dành một vài câu kết để nói lên trạng thái hiện tại của nhân vật. Mấy câu này làm chức năng dẫn dắt mạch truyện, nói cách khác dẫn dẵt sự phát triển lô-gỉch của câu truyện, kết cho đoạn này, mào cho các đoạn sau, hay nói cách khác nữa, hô để khởi. Trong Kiều cụ Nguyễn tập trung tả kỹ ba nhân vật, Kiều, Kim và Từ. Chị em Kiều được hai mươi bốn câu, Vân bốn Kiều mười bốn, còn sáu là tả chung và mào đầu kết cuối. Đoạn này cụ kêt là:
 

Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Nghĩa là Kiều và Vân còn ngây thơ cấm cung, tuy đã có nhiều kẻ để ý, song hai cô chưa hề. Đấy là tình trạng lúc ấy của đôi cành hoa đẹp. Kim Trọng được mười chín câu, tám tả từ xa, mười một diễn ưu điểm các mặt và cụ kết là :
 

Nước non cách mấy buồng thêu,
Những là trộm dấu thầm yêu chốc mòng.

Ý nói người đẹp tuy ở cách Kim không xa lắm nhưng vẫn vằng vặc như cách vời sông núi, chàng Kim từ một biết thì lòng ấp ủ biết bao trộm dấu thầm yêu. Đấy cũng là tình trạng lúc ấy cura chàng Kim si tình.

Đến lượt Từ Hải,

Gươm đàn nửa gánh non sồng một chèo - có ý gì diễn tả tình trạng lúc ấy của người anh hùng chưa nổi dậy không? Muốn xác định  tôi nghĩ ta cần xem cụ Nguyễn Du đã xử lý thơ Hoàng Sào như thế nào, gía trị ước lệ của câu thơ này ra sao.

II. Dịch trọn, dịch lửng hay phỏng ý ?

Đúng là « Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo» bắt nguồn từ hai câu  thơ của Hoàng Sào:
 

Bán kiến cung kiếm bằng thiên túng,
Nhất trạo giang sơn tận địa duy.

Nhưng có phải:

«  không phải nhà thơ chỉ dịch tám chữ như Quang Đạm đã nói, mà ông dịch trọn cả câu» ?

Có phải như vậy không ?

Giả thiết " đàn " là cung thì «gươm đàn nữa gánh » mới tương đương « bán kiên cung kiếm » và "non sông một chèo " mời tương đương với " nhất trạo giang sơn ". Còn " bằng thiên túng ", còn « tận địa duy» đâu mà ta đã cho là cụ Nguyễn Du dịch trọn cả câu. Chắc bạn Đỗ Văn Hỷ muốn khen cụ Nguyễn dịch giỏi, ít lời mà vẫn gói đủ chữ nghĩa Hoàng Sào. Nếu là khen ở khía cạnh như vậy, tôi e rằng chưa đúng hẳn.

Ngày xưa những người sành văn chương khi thấy một số quyển Kiều quốc ngữ chú thích câu « Gươm đàn...» là dịch từ hai câu thơ Hoàng Sào thì đều chê là lấp lửng. Vì cách chú đó không giúp ta xác định nổi đây là dịch trọn hay «chỉ dịch có tám trong mười bốn lời của hai câu thất ngôn. Và với tám lời này thì dịch đúng, dịch chệch hay phỏng ý mà thôi?

Khi đã dịch thường người ta dịch trọn ý, ví dụ :

Một đền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều là dịch câu:
 

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị kiều

(Đỗ Mục)

hoặc:

Trước sau nào thấy bóng người,

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

là dịch câu:

Nhân diện bất tri há xứ khử,

Đào hoa y cựu tiêu đông phong.


(Thôi Hộ)

Nếu cắt đi sáu chỉ dịch tám trong mười bốn lời mà chưa đạt đủ ý cả hai câu thì là dịch lửng. Đã thấy dịch lửng thỉì không nên coi là dịch đúng mà nên xem xem có phỏng ý không, trừ phi câu dịch lửng đã  đủ phỏng tức là đủ có hồn thơ mới. Tiện đây tôi xin trình bày  khái niệm phỏng của các cụ.

Phỏng hay phổng ý là dựa vào ý hay của người, thêm bớt chút ít mà biến thành ý mới. Ví dụ câu :

Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,

là phỏng ở câu thơ sau của Đỗ Mục:

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.

Dịch thơ là:

Dương Chấu sực tỉnh mười năm mộng,
Được lãi lầu xanh tiếng bạc tình.

Cụ Nguyễn bỏ hai chữ «doanh đắc» thêm chữ "trứ"thành «thanh lâu bạc hãnh trứ danh » và dịch là "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh ". Khi đọc "Đuợc lãi lầu xanh tiếng bạc tình " ta thấy Đỗ Mục ân hận ngậm ngùi mà ta thương. Nhưng khi đọc "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh "thì ta khinh ghét, muốn phỉ nhổ gã Sở Khanh bạc tình trâng tráo.

Ăn cắp ý khác với phóng ý.Ăn cắp ý là để nguyên xi ý cũ, them bớt không ra hồn  mà phẩm chất    lại sụt giảm. Phỏng ý thì mới sửa  chút ít vỏ ngoài, nội hàm đã đổi thay, ý tứ vẫn hay. Không phải chỉ có các nhà thơ Việt Nam  xưa phóng ý  thơ Trung Quốc mà thi nhân các  nước trên thế giới đều  mượn của nhau như thế. Ngay giữa các thi nhân đời Đường đôi khi cũng có, ví dụ giữa Đỗ Mục và Lý Thương Ẩn.

Đỗ Mục có hai câu:

Lạp chúc hữu tâm hoàn tích biệt,
Thế nhân thùy lệ đáo thiên minh.

Dịch thơ là

Cảm thương ly biệt đây lòng nên,
Nhỏ lệ thay người tận sớm mai.

Lý Thương Ẩn có hai câu:

Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp cự thành hôi lệ thủy can.

Dịch thơ là

Con tằm chưa chết còn tơ,
Nên hao lệ ứa lệ khô nên tàn.

Cũng là hình ảnh ngọn nến chảy, giòng nến rơi như giọt lệ, nhưng ngọn nến của Đỗ Mục nói lên nỗi cô quạnh của người thấy nến cũng là bạn, còn ngọn nến của Lý Thương Ẩn lại nói lên mối tâm sự tơ vương suốt đời. Một hình ảnh, hai nội hàm, hai hồn thơ khác nhau.

Vậy "gươm đàn nửa gánh" là dịch hay phỏng ý của " bán kiên cung kiếm " ?

Theo tôi, câu "Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo" là phóng chứ không phải dịch từ "Bán kiên cung kiếm, nhất trạo giang sơn". Muốn xác định ta cần hiểu rõ hai câu thơ mà Hoàng Sào viết cách đây một nghìn một trăm năm có lẻ.

III. Hoàng Sào nói gì ?

Bài thơ tự thuật của Hoàng Sào, người phất cờ nghĩa làm điên đảo triều Đường mười năm, đã được nhiều thế hệ truyền tụng. Thơ Hoàng Sào chững chạc, có khí phách lớn, đầy ưu ái. Tứ rộng, ý súc tích, lời đẹp và hùng, dễ hiểu nhưng khai thác cho hết vẻ hay thì đòi người đọc tốn nhiều suy nghĩ.

Ví dụ bài « Đề hoa cúc» làm khi chưa khởi nghĩa có câu:

Táp táp tây phong mãn viện tài,
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai.

Nghĩa là «gió tây thổi ào ào xô toàn vườn hoa tàn tạ, nhị héo hương lạnh khó cho bướm về». Chỉ bấy lời nhưng gợi cho kẻ đương thời cũng như người sau hiểu sử biết bao ý ngoài thơ. Đọc « táp táp tây phong » mà nhớ đến cảnh loạn An Lộc Sơn dưới thời Huyền Tông, nhớ đến những tranh chấp biên giới liên miên ở phía Tây dưới sáu bảy đời vua Đường, còn nhớ bao nhiêu điều khác nữa...

Hai câu tự thuật đã đẹp lại hùng, ý rất hàm  súc. Riêng hai câu này cho đến nay có nhiều cách hiểu khác nhau.

Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng,
Nhất trạo giang sơn tận địa duỵ.

Hiểu khác nhau vì nhận thức cấu trúc câu thơ khác nhau, do đó nhận thức ngữ nghĩa và ý tứ khác nhau, hoặc có thể do nhận thức ngữ nghĩa khác nhau mà nhận thức cấu trúc và ý tứ khác nhau. Hàn văn xưa, xuôi cũng như vần coi nhẹ việc đặt dấu ngắt hơi ngắt mạch. Tùy trình độ và cảm nhận thức riêng, người đọc tự phân định mạch văn để hiểu.

Hai câu thơ trên có thể mang nhiều cấu trúc khác nhau tùy theo người đọc đặt dấu ngắt hơi vào những vị trí khác nhau và mỗi cấu trúc thì có những ngữ nghĩa, ý nghĩa, ý tứ khác nhau. Cho đến nay với hai câu trên, có ba kiểu nhận thức cấu trúc, do đó có ba lời hiểu nghĩa thơ khác nhau:

1. Một số người đọc là

Bán kiên cung kiếm / bằng thiên túng,
Nhất trạo giang sơn / tận địa duy.

Đây là lối ngắt thường gặp trong thơ thất ngôn luật Đường. Thiên   ở đây nghĩa là trời buông cho, lấy điển Khổng Tử được tôn là "thiên   chi thánh" (ông thánh trời buông cho) Địa duy là giường múi đất. Như vậy nghĩa thơ là :

Cung kiếm nữa vai gánh, nhờ cái tài đức trời buông cho,

Non sông một mái chèo, đi hết mọi giường múi đất.


Ý nghĩa như vậy cũng thường, chưa hay vì có bao lời là gói bấy ý.

2. Một số người cho là

Bán kiên cung kiếm / bằng / thiên túng,
Nhất trạo giang sơn / tận / địa duy

Bằng ở đây là bám vào, thiên túng là sợi giây trời buông xuống. Như ý nghĩa thơ là :

Cung kiếm nửa vai, tay bám vào sợi tơ trời buông xuống mà quay đảo ;

Non sông một mái chèo, quấy lộn hết mọi giường múi đất.


Nghe thì có vẻ ngang tàng khí phách lỗi lạc tài năng và đầy lời lẽ. Nhưng suy kỹ ta thấy với cách hiểu này ý tứ còn nghèo nàn hơn. Bốn lời của hai câu chỉ chứa đựng có một ý vỗ ngực ta đây giỏi giang và quấy đảo, câu trên điệp ý với câu dưới. Ngôn từ choáng lộn mà nghèo thì đúng là thơ sáo rỗng. Không lẽ Hoàng Sào tuy khối lượng sáng tác chưa nhiều như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị nhưng tài học chắc không kém (Hoàng Sào cũng đỗ tiến sĩ như Bạch Cư Dị nhưng bị khỏi danh chỉ, vì bị coi là có tướng nghịch), không lẽ Hoàng Sào mà viết tầm thường như vậy.

3. Một số người cho cấu trúc của nó như sau:

Bán  kiên cung kiếm bằng thiên /  túng,
Nhất trạo giang sơn tận địa / duy

Cấu trúc này cũng thường gặp trong Đường thi, ví dụ các câu năm — sáu trong bài Khúc giang đệ nhị thủ của Đỗ Phủ :

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm, hiện,
Điểm thủy thanh đình khoản khoản, phi,

Dịch thơ là

Con bướm luồn hoa thoang thoáng, hiện,
Chiếc chuồn chấm nước dật dờ, bay.

Theo cấu trúc này "túng" là buông ra, " duy " là giữ lại, không phả trời buông đất giữ, mà chính là Hoàng Sào nhờ ở trời mà buôngn nương vào đất mà giữ, và hai câu này có nghĩa như sau :
 

Cung kiếm nửa vai gánh, thuận nhờ trời, ta buông ra,
Non sông một mái chèo, cùng cả đất, ta giữ lại.

Ý tứ như vậy rộng hơn. Người đọc có thể hiểu rằng, một gánh trên vai có hai nửa, nửa gánh kinh sử đã bị thắt bó vì triều đình không dùng, còn nửa gánh kiếm cung ta sẽ nhờ trời tung ra thi thố; tất cả non sông cầm bằng một mái chèo, ta nắm lấy bằng hết cho đời. Nhờ các động từ "túng" và "duy" khép cuối mỗi câu, khí thơ được bốc rất mạnh, như có khách sành thơ đã nhận xết, « túng» thì man mác mênh mông, " duy " thì hào hùng quyết đoán. Và Hoàng Sào viết bài thơ này trên đường tiến quân vào vây hãm Lạc Dương nói lên ý nghĩa sự nổi dậy  của mình.

Về hai câu này tôi đã được xem một bản dịch như sau:

Kiếm cung nửa gánh tung trời,
Một chèo sông núi vì đời ra tay.

Thông thường khi thấy « nhất trạo », kèm theo lại có " giang sơn tận địa " thì ta dễ quên " duy " mà vội hiểu là một mái chèo đi khắp núi sông. Thuyền lên làm sao được núi dù cho là nói bóng. Người ta chỉ nói một mái chèo đi khắp sông hồ nên gọi khách giang hồ là " giang hồ trạo phu" không ai gọi " giang sơn trạo phu ".

Nếu cấu trúc 3 đúng thì thành ngữ " bán kiên cung kiếm, nhất trạo giang sơn " (nửa vai cang kiếm non sông một chèo) gợi ý một sự nổi dậy tranh đoạt non sông, cũng như " giấc Vu sơn " gợi chuyện nam nữ hợp giao.

Vậy " Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo " có ý nói Từ Hải lúc này  đang tuyên ngôn nổi dậy không ? Rõ ràng là lúc  này người anh hung có chí lớn ấy còn đang đánh đường tìỉm hoa, hãy còn "qua chơi nghe tiếng nàng Kiều"...

« Non sông một chèo » nghĩa khá rõ, vậy " gươm  đàn nửa gánh" nói gì ? Đến đây có một vấn đề cần giải quyết là vấn đề  tâm hồn và tâm sự Từ Hải.

IV. Hoàng Sào với Từ Hải.

Đúng là khi xây dựng nhân vật Từ Hải, cụ Nguyễn có nghĩ đến Hoàng Sào. Nhưng lẽ nào Nguyễn Du lại quên một loạt lãnh tụ nghĩa quân ở Việt Nam vào các thế kỷ XVII, XVIII còn nóng hổi.

Xin lưu ý rằng, ví Từ Hải với Hoàng Sào, Nguyễn Du không coi Từ như giặc, giặc cỏ mà ngược lại đã nâng Từ lên tầm một anh hùng đã xưng đế xưng vương (Hoàng Sào đã lên ngôi vua) dù ngắn ngủi, lên tầm một đầu óc lược thao với tâm hồn thi nhân đầy ưu ái trước đời.

Đọc các bạn Quang Đạm và Đỗ Văn Hỷ trong các bài đăng ở số 5 Tạp chí văn học (1974) tôi thấy hai bạn đánh giá Hoàng Sào chưa thỏa đáng.

Có phẳi Hoàng Sào chỉ " là một người anh hùng lãnh đạo một cuộc nổi dậy lớn bậc nhất của nông dân Trung Quốc " vai có kiếm cung nhưng hồn thiếu một cây đàn? có phải Hoàng Sào chỉ là một "tướng giặc " đời Đường ("dù đã nháy nháy) chứ chẳng có phong thái « cao sĩ » như Lãn Ông ?

Tôi nghĩ một người lầu thông kinh sử, thơ rất hay, văn vũ toàn tài, đứng đầu một cuộc nổi dậy lớn bậc nhất kéo dài mười năm, dù bị Chu Toàn Trung bội phản nên thất bại, một người mà sau này Đông phương phong kiến còn căm sợ mãi, một người dù thất bại nhưng sau khi chết chỉ mười năm còn gián tiếp khiến triều Đường đổ theo bởi Chau Toàn Trung người bạn xấu đã phản bội Hoàng Sào. Chính nhờ «nửa vai cung kiếm » Hoàng Sào tung ra ở nữa cuối thế kỷ thử IX mà đến dần thế kỷ thứ X họ Khúc ở Việt Nam ta mới có điều kiện dấy nền tự chủ, tạo điều kiện cho đến năm 939 Ngô Quyền có sức dựng nền độc lập. Cuộc đời ấy đã là một bản đàn lớn chưa hay vẫn còn thiếu một " cây đàn Thạch Sanh"?

Khi xét nội dung giai cấp của các cuộc nổi dậy dưới thời phong kiến, giới sử học gọi đó là các cuộc cách mạng nông dân, và coi người cầm đầu là lãnh tụ nông dân. xét kỹ, phần đông số lãnh tụ ấy đều là những nho sĩ bất đắc chí. Phần lớn đều có bản lĩnh, có kiến thức và có tâm hồn lớn. Xem thơ họ, đẹp như bất cứ dòng thơ đẹp nào trong văn học sử, ta thấy được phần nào tâm hồn họ. Ví dụ :

Nhất lung thiên địa tàng thân tiểu

Vạn lý phong vân cử  mục  tần.

(Nguyễn Hữu Cầu)

Dịch tạm là:

Trời đất một lòng thân náu mọn,

Gió mây muôn dặm mắt đưa thông

Những người này nếu ở ẩn thì như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác nếu được dùng thì như Gia Cát Lượng, Nguyễn Trãi, nếu bất đắc chí mà vẫy vùng thì như Hoàng Sào, Quận He v.v... Giỏi thơ văn nhưng không tùy tiện xướng họa, yêu đàn nhạc nhưng không đam mê. hiểu lược thao nhưng không sính bầy mưu vặt, thạo côn quyền nhưng không bõ xuống tấn lên gân. Có lẽ trong cụ Nguyễn Du cũng có tâm hồn và tâm sự của những người này nên cụ đã xây dựng Từ Hải rất công phu và sinh động, hơn Kim Trọng đã đành mà còn sinh động hơn cả chính Thúy Kiều. Quãng đời và vai trò của Từ tuy ngắn nhưng nó là một ánh chớp kèm một tiếng sét nổ lớn in mãi trong tâm khẳm người đọc. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nông dân ta khi xưa bói Kiều đã khấn " lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều ".

Cố lẽ các bạn Quang Đạm và Đỗ Văn Hỷ không để ý là Từ Hải đã được xây dựng như một người sành thơ văn. Có thế thì buổi sơ kiến khi Kiều nói:

Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đầu mà gửi can tràng vào đâu

Từ biết Kiều dùng câu " Vị tri can đảm  hướng thủy thị" (không biết hướng gan mật vào nơi ai) của Cao Thích, một nhà thơ có tiếng đầu Thịnh Đường, nên dùng luôn câu : «Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân» mà trả lời:

Từ rằng: Lời nói hữu tình,
Khiên người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân,

Từ Hải ôm một chí lớn và một tâm sự lớn:

Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi.


Gặp Kiều hiểu mình, Từ nói :

Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng thấy giữa trần ai mới già.

Sự gặp gỡ Từ Hải - Thúy Kiều là sự gặp gỡ giữa hai nội tâm, giữa hai tâm hồn. Biết mình trí dũng cớ thừa nhưng chưa gặp hội, thấy Kiều tài sắc hơn người nhưng bị dòng đời vùi dập, Từ thương và trọng Kiều. Xem Từ nói với Kiều "tâm phúc tương tri", "anh hùng mới biết anh hùng", "quốc sĩ xưa nay, chọn người tri kỷ một ngày được chăng ", và khi Từ « hùng cứ một phương hải tần » thì " nàng cũng dự quân trung luận bàn ", ta đã thấy rõ mối quan hệ yêu đương này có khác thường. Cũng là tình yêu nhưng quan hệ Kim — Kiều là quan hệ tài tử giai nhân trong mối tình đầu, còn quan hệ Từ Hải — Thúy Kiều là quan hệ tri kỷ tri âm tâm phúc. Cho nên ngay nửa năm hương lửa đang nồng họ say sưa tâm sự những gì đến nỗi chẳng hỏi nhau về qúa khứ huống là một chút tài đàn. Chỉ khi:

Vinh hoa bõ lúc phong trần,
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày,

Trong quân có lúc vai vầy,
Thong dong mới kể sự ngày hàn vi.

5. Đàn là đàn âm nhạc hay đàn là cây cung bắn đạn tròn?

Những đoạn trên trong bài này tôi đã phân tích là câu "Gươm đàn nửa gánh..." không phải có mục đích khắc họa Từ Hải, câu đó cũng không phải là dịch hai câu thơ của Hoàng Sào hoặc dịch đúng tám chữ"bán kiên cung kiếm nhất trạo giang sơn ". Đó là một câu thơ kết cho đoạn này khơi cho đoạn sau. Câu này nói lên một ý mà tiếp đó khi Kiều nói:
 

Tần Dương được thấy mây rồng có phen

thì Từ Hải thú vị lắm, khen rằng:

Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng thấy giữa trần ai mới già.
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ ắt là có nhau.

Mạch truyện là như thế, câu này gói cái ý dẫn dắt mạch truyện như vậy. Ý nghĩa câu này như thế nào? Muốn hiểu, tôi nghĩ ta nên xét nghĩa của :các cặp từ " cầm thư" và " cầm kiếm ", những thành ngữ rất được ưa lửng từ thời Lê mạt Trịnh suy.

Một người bạn một lần hỏi tôi rằng :

(Trong bài thơ " Lĩnh mệnh vào kinh" của Đoàn Nguyễn Tuấn có hai câu:

Cầm thư tẩu biến Bắc Nam trình,
Hựu phụ công xa thướng đế kinh.

Nghĩa là ôm đàn và sách chạy khắp đường Nam Bắc lại theo xe công lên kinh vua, tại sao đàn và sách (cầmthư) tượng trưng cho vẻ tài hoa phong nhã của văn nhân mà lại chạy, chạy khắp, thì chữ tẩu biến có chỉnh không? Cụ Nguyễn Du họa lại bài này trong đó có hai câu:

Hoành Sơn sơn ngoại lĩnh Nam trình,
Cầm kiếm tương tùy thướng ngọc kinh.

Có cụ dịch là:

Vào Nam đường ấy vượt non Hoành,
Xách kiếm ôm đàn thẳng tới kinh.

(Phạm Khắc Khoan và Lê Thước)

dịch như vậy đã bắt được ý của cụ Nguyễn Du chưa ?

Tôi nhớ ý kiến người xưa mà trả lời như sau:

Cầm là cây đàn, cầm đi với kỳ (cầm kỳ) nói lên tình bạn tri âm, tri kỷ ; cầm đi với sắt (cầm sắt) nói lên sự hòa âm giữa đôi lòng nam nữ kết duyên. Nhưng khi đi với những yếu tố gì không chung tính chất chơi bời giải trí, thì cặp từ ghép ấy không chỉ mang đơn thuần một ý nghĩa ước lệ  đó. Ví dụ đi với thư, với kiếm. Thư là sách tượng trưng cho văn tài, kiếm là gươm tượng trưng cho vũ dũng. Mới xét ta thấy cầm thư, đàn sách,  nói lên vẻ tài hoa của văn nhân ; cầm kiếm, gươm đàn, nói lên vẻ tao nhã của võ tướng. Nhưng ở đây có một sự chơi chữ mà ít người để ý.

Có người thấy cụ Lãn ông hay nói " mang huề cầm kiếm " (xách nách rơm đàn) thì cho nó tượng trưng cho phong độ một cao sĩ. Không phải nho sĩ thì cần gì gươm, đã ở ẫn không màng danh lợi còn dùng gươm để giết ai?

Sự chơi chữ này gốc gác ở hai điển tích sau:

1. Cầm   là cây đàn, cầm có một đồng âm là cầm   nghĩa là kìm hãm, bắt giữ, bó buộc. Thời Chiến quốc, Trâu Ky. đánh đàn giỏi được vua Tề vời vào hầu đàn. Ký. lên giây đàn xong đặt đàn xuống không đánh. Vya Tè hỏi, Kỵ trả lời đại khái: cây đàn vốn do các thánh vương đời xưa chế ra để di dưỡng tính tình, kìm hãm dục vọng, người hiền nghe cầm với ý nghĩa ấy, nay tôi vặn đàn mà không gẩy khác nào đại vương có nước mà không biết giữ, v.v... Như vậy khi ghép từ cầm (là đàn) với một từ khác xa với nội dung chơi bời, thì đó là một cách nói bóng bẩy kín đáo rằng có một cái gì lâm vào trạng thái bị kìm hãm. Khi dùng Hán văn, đàn sách và đàn gươm hay sách đàn và gươm đàn là cầm thư  và cầm kiếm,  mặt chữ thì vậy nhưng đọc lên người ta có thể liên tưởng đến cầm thư  và cầm kiếm là quyển sách bị bắt buộc, thanh gươm bị trói buộc ; tác giả những câu thơ, câu văn này ít nhiều muốn thể hiện cái bất đắc chí của mình. Khách đồng điệu nghe thì hiểu ngay, còn người đời ai muốn hiểu thế nào tùy ý.

2. Thời Tam Quốc, Vũ Hầu Gia Cát Lượng có tài siêu việt, tuy gặp chủ mà không gặp thời, có đắc thế nhưng không đạt công. Câu chuyện điển hình về mưu trí dũng gặp tình thế quẫn bách nhất của Vũ Hầu là sau khi Mã Tốc vô mưu để mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải rút chạy về Tây Thành với mấy nghìn quân thì bị Tư Mã Ý đem hơn mười vạn quân đuổi theo. Trong tình huống ấy bỏ mà chạy cũng chết, giữ mà chống càng chết, Vũ Hầu bèn cho mở toang cửa thành ra, tự minh lên vọng lâu đốt hương gẩy đàn. Tư Mã Ý sợ Vũ Hầu có mưu kế cao sâu bèn rút chạy. Cây cầm  của Gia Cát đã cầm  được trí tuệ Tư Mã Ý.

Từ hai điển tích trên, đối với một số người có tài học nhưng tự thấy không gặp thời thì cặp từ " cầm kiếm " tức « gươm đàn » gợi lên cảnh ngộ những ai trí dũng lược thao muốn giúp rập non sông nhưng gặp thế bí hoặc chưa gặp thời, gặp chủ, v.v... đành phải tiêu dao tháng ngày. Trong thời loạn lạc suy vi như thời Lê — Trịnh mạt, xếp bút nghiên theo việc đao cung vẫn rối ren thi hai chữ cầm kiếm hay gươm đàn cũng được ưa dùng.

Lãn Ông viết:

Tạm khước ô cân lý thảo hài,
Mang huề cầm kiềm cố sơn lai,

Dịch thơ là :

Tạm xếp khăn thăm đeo dép cỏ,
Gươm đàn nay bó lại non xưa.

Ý nói tạm bỏ nghề võ, gói cái thao lược lại mà trở về non xưa.

Đoàn Nguyễn Tuấn viết:

Cầm thư tẩu biến Bắc Nam trình,
Hựu phụ công xa thưởng đê kinh.

Dịch thơ là :

Bó đàn sách ruổi đường Nam Bắc,
Theo xe công lại ngược về kinh

Ý nói mình là cựu thần cố Lê nay có về với Tây Sơn thì khoong hiến kế gì mặc dù có chạy khắp mọi ngã đường Nam Bắc.

Nguyễn Du viết:

Hoành Sơn sơn ngoại lĩnh Nam trình,
Cầm kiếm tương tùy thướng ngọc kinh.

Dịch thơ là:

Ra khỏi đèo Ngang vào đất Nam,

Về kinh đeo đẳng bó gươm đàn.

Ý nói ta đây cũng là cựu thần cố Lê, ra khỏi Hoành Sơn cố quốc đã rời mà vào đất nước chúa Nguyễn, có về kinh cũng là bó thân và bó cả trí dũng của mình.

Như vậy thì:

Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.

Nghĩa là Từ Hải vốn khách không nhà, quen phiêu lưa sống ngoài cương tỏa cố chí lớn tranh đoạt non sông như Hoàng Sào nhưng trí đũng còn chưa gặp hội và tạm thời tiêu dao những thú với bình thường. Và hai câu này có thể dịch ra Hán văn như sao:

Dĩ quán giang hồ tung hoành lạc thú,
Bán kiên cầm kiếm nhất trạo giang sơn,

Đàn ở đây không phải cây cung bắn đạn tròn.
Đàn ở đây chính là cây đàn, cây cầm . Trong Kiều không thiếu gì nbững đoạn mà Ngnyễn Du dùng chữ cầm thay cho chữ đàn. Và tôi nghĩ không phải vì âm hưởng mà cụ Nguyễn dùng chữ như vậy.

Ví dụ:

Hiên sau treo sẵn cầm trăng,

Cầm trăng là cây đàn nguyệt, nhưng lại còn là một  hình ảnh có  chất thơ ý nói cây đàn nguyệt tài hoa lộng lẫy như vầng trăng rằm mà chàng Kim giữ lại dưới hạ giới treo ở hiên sau.

Ví dụ: 

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Hồ cầm là cây đàn tì bà, cây đàn của rợ Hồ ; nhưng mở rộng trường liên tưởng thì ta nghĩ đến Chiêu Quân bạc mệnh bị cầm tại đất Hồ. Như thể nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương còn gợi những ý nghĩa tầm hai tầm ba là tài  hoa của Kiều cũng là bạc mệnh đệ nhất  thiên  hạ.  Ta  hãy nhớ câu " hô  khởi" viết ở đầu Truyện Kiều ;   " chữ tài  chữ mệnh khéo là ghét nhau ".

Ví dụ :

Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.

Cầm nguyệt là cây đàn nguyệt. Nhưng cầm nguyệt lại là cô Hằng Nga sẽ bị giam cầm. Nếu không có dụng ý ấy thì cụ Nguyễn sẽ viết là " ép cung đàn nguyệt thử bài quạt thơ" thì tiểu đối sẽ chặt hơn.

Ví dụ:

Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vai là vai gượng kẻo mà...

Cung đàn trong ánh trăng này cũng như nước cờ dưới sắc hoa kia, chỉ là gượng ép hành nghề mà thôi.

"Gươm đàn nửa gánh" cũng vậy. Đó là một sự chơi chữ lộn lại kiểu chơi chữ " cầm nguyệt ". Và tôi nhắc lại đàn ở đây chính là cây đàn, cây cầm. Giấy trắng mực đen, trước mắt bất cứ ai nó cũng là gươm và cây đàn tích tịch tình tang) dịch của hai chữ cầm kiếm . Và cứ rung động đi, trước một thanh gươm không vung kèm với một cây đàn sẵn sàng rung động. Nhưng chính nhờ chữ cầm kiếm mà trường liên tưởng của câu thơ rộng ra, nhờ thế ý tứ mênh mông, thơ tỏa bốc thần, và người ta hiểu là kiếm cung của Từ Hải còn đang cầm  chưa túng .

Với văn học, tôi vốn là kẻ ngoại đạo. Nhưng hưởng ứng sự   tìm tòi chung, tôi chân thành trình bày chút thu hoạch trước đây, mong giúp đỡ học hỏi lẫn nhau để gây một không khí lành mạnh trong cuộc sống văn hóa của chúng ta.