Cổng làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân


Trong lịch sử phát triển các dòng họ Việt Nam, họ Nguyễn - Tiên Điền là một trong những dòng họ lớn đã có những đóng góp nhất định cho dân tộc ta giai đoạn thế kỷ 18. Không chỉ thiên về sự nghiệp chính trị, quân sự, ngoại giao…dòng họ Nguyễn - Tiên Điền còn để lại cho hậu thế nhiều trước tác thuộc các lĩnh vực: văn học, địa lý, lịch sử, thiên văn… và đến nay vẫn nguyên giá trị.


Nguyễn Quỳnh (1675-1735) là đời thứ năm kể từ thuỷ tổ Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm. Nguyễn Quỳnh giỏi văn, tinh thông kinh dịch, thiên văn, số địa lý... Năm 19 tuổi, thi Hương đỗ Tam trường nhưng lần đi thi tiếp khi có tang cha, bị ốm nên đường đăng khoa bị hoạn không thành. Năm Ất Dậu (1705) ông làm Mạc khách cho trấn tướng Nghệ An, vì có công nên ông được bổ làm chánh đội trưởng, cai quản đội quân thắng hữu. Mỗi khi nhàn rỗi, ông đóng cửa chép sách, phấn tích những chỗ huyền bí để dạy dỗ các con cho đến lúc thành tài. Về sau ông được mời ra làm quan nhưng ông nhất mực từ chối, về Tiên Điền viết sách dạy học cho con cháu họ Nguyễn cũng như con cháu trên toàn huyện Nghi Xuân. Dù không làm quan to nhưng Nguyễn Quỳnh lại là người đầu tiên  trong họ đỗ đạt, là người đặt viên gạch đầu tiên cho con đường cử nghiệp, khoa bảng của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền.


Sau lần có duyên gặp gỡ và học hỏi thầy địa lý người Trung Quốc, Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh đã đem những điều huyền bí chép thành sách “Đại hiếu chân kinh”. Năm Giáp Dần (1734) mặc dù tuổi cao những ông vẫn miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu Kinh dịch để “Dịch Kinh quyết nghị” gồm 15 quyển được ra đời (hiện còn 2 quyển “Từ ấu chân thuyên” và “Đại hiếu chân kinh”). Cuốn “Địa lý gia truyền bí quyết”  (bản thảo và bản gốc) do cụ Nguyễn Quỳnh - ông nội của Đại thi hào Nguyễn Du viết, nay được lưu giữ tại Trung tâm văn hoá huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).


Nguyễn Nghiễm (1708-1776) là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh. Ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà sử học uyên bác và là người đứng đầu về con đường cử nghiệp, khoa bảng họ Nguyễn - Tiên Điền. Ông làm đến chức Tể tướng trong triều và trong gần năm thập kỷ hoạt động trên chính trường Lê – Trịnh, dù ở ngoài làm tướng võ cần quân, trong triều làm tướng văn trị nước, ở chức nào ông cũng nổi tiếng là tài giỏi và để lại nhiều trước tác có giá trị.


Hiện nay, trước tác của Nguyễn Nghiễm được ghi chép tại nhiều đầu sách và lưu giữ tại thư viện Hán Nôm bao gồm thơ đề vịnh tặng đáp, phú, biểu tấu, bình luận (về sử, triết, thời sự) khảo cứu và cả thơ Nôm. Tiêu biểu có các tập thơ văn bằng chữ Hán như: “Quân trung liện vịnh”, “Xuân đình tạp vịnh”, “Cổ lễ nhạc thi văn” và bài phú Nôm “Khổng Tử mộng Chu Công”.


Nguyễn Nghiễm được đánh giá như một nhà sử học có tầm cỡ, được liệt vào trọng một số nhà sử học danh tiếng nhất thời trung đại của đất nước. Khi đảm chức Tổng Tài Quốc sử quán (1758), ông cho soạn bộ “Việt sử bị lãm” và sách “Lịch triều hiến chương” (đã thất truyền) thay cho bộ Quốc sử quá cũ. Bộ “Việt sử bị lãm” cũng bị thất lạc nhưng còn nhận ra một số vấn đề quan trọng của lịch sử đất nước được trích dẫn lại ở “Đại Việt sử ký tiền biên” soạn năm 1800 dưới triều Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh,  trong đó Nguyễn Nghiễm, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sỹ là bốn nhà sử học được trích dẫn chính. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”  phần văn tịch chí, Phan Huy Chú nhận xét bộ “Việt sử bị lãm như sau: “Bình luận tinh khiết, gọn đúng, được khen là danh bút”. Những đánh giá của Nguyễn Nghiễm về lịch sử đã góp phần thêm một tiếng nói đáng tin cậy vào việc nhìn nhận lịch sử Việt Nam và nền sử học chân chính nước nhà.

 

Đền thờ Nguyễn Nghiễm


Cũng qua “Lịch triều hiến chương loại chí” cho chúng ta biết “Lạng Sơn đoàn thành đồ” là tác phẩm có giá trị cao. Với 59 trang sách, Nguyễn Nghiễm đã cho chúng ta biết rất nhiều điều quan trọng và khá chi tiết. Chẳng hạn từ trấn thành Lạng Sơn đi các nơi phải qua những ải, đồn, trạm dịch nào; cách tổ chức quân đội canh phòng, trang bị súng ống, quân số ra sao, dân số bao nhiêu và thuế má như thế nào; các quy chế khi sứ bộ đi về; các danh thắng: suối khe rừng núi…đều được ghi chép tường tận và  có con số cụ thể.  Đây là cuốn sách cung cấp nhiều thông tin rất hữu ích khi nghiên cứu thời trung đại.


Cuốn “Nguyễn tộc gia phả” ngoài giá trị cung cấp cho người nghiên cứu văn học những tư liệu quý giá để khảo cứu các tác gia dòng văn Nguyễn Tiên Điền, đối với dòng họ còn có vai trò quan trọng  tạo dựng trong tâm lý con cháu ý thức về gia thế dòng tộc để từ đó kích thích ý chí phấn đấu giữ gìn và kế tục nếp nhà, đồng thời tạo cho họ lòng tin, niềm tự hào để đứng vững trong mọi hoàn cảnh.
Nguyễn Khản (1734 - 1786) là người vừa kế tục sự nghiệp chính trị cũng như sự nghiệp văn chương của Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Cũng là người thành danh trên con đường chính trị, với vị trí cao trong triều (Tham tụng). Nếu như Nguyễn Nghiễm đã gây dựng được ý thức gia phong đồng thời đặt nền móng cho dòng văn họ Nguyễn thì Nguyễn Khản lại thích giao du, sống hào hoa, cầm kỳ thi hoạ đều sành, đặc biệt giỏi thơ văn quốc âm. Hơn nữa, Nguyễn Khản lại rất sành âm nhạc, thích hát xướng, thường đặt những lời ca làn điệu mới. Ông cũng đã dịch “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn thành thơ quốc âm.


Nguyễn Khản cũng thích thơ Nôm, lưu giữ nhiều văn thơ Nôm của thi hữu cùng thời và bản thân ông viết văn thơ Nôm tiêu  biểu có bài: “Khúc tự  tính” và bài thơ Nôm được viết trên biển gỗ tại đền Và (Sơn Tây) với phần dẫn bằng chữ Hán. Nguyễn Khản là người có “biệt nhãn” đối với nền văn học chữ Nôm, chính điều này trở thành một nét riêng của dòng văn Tiên Điền. Năm 1783 kiêu binh nổi loạn dinh thự của Nguyễn Khản bị phá và có lẽ đã thiêu huỷ  toàn bộ tác phẩm, sách vở của ông.


Nguyễn Nễ (1761 -1805) là người duy nhất họ Nguyễn -Tiên Điền hợp tác dưới triều Tây Sơn. Ông đã phá bỏ tư  tưởng “trung quân” theo nghĩa hẹp truyền thống là chỉ trung với một vua, một triều đại nhất định. Dưới triều Tây Sơn, Nguyễn Nễ hết lòng phụng sự, đi sứ hai lần sang Trung Quốc. Ông đã làm thơ ứng chế được vua Càn Long và Gia Khánh khen và ban thưởng, quan lại Bắc quốc mến phục, sứ thần các nước ngưỡng mộ. Thi phẩm của ông để lại có: “Hoa trình tiền hậu tập”, “Hoa trình tiêu khiển tập” và “Quế hiên giáp ất tập”.


Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) là con trai thứ bảy của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Với ảnh hưởng của 2 vùng văn hoá (văn hoá Hồng Lam - quê cha; văn hoá Kinh Bắc - quê mẹ) đã hình thành nên tâm hồn, nhân cách của Nguyễn Du, được thể hiện qua số lượng trước tác đồ sộ cả về chữ Hán và chữ Nôm.


Thơ chữ Hán của Nguyễn Du gồm: “Thanh hiên thi tập”, “Nam trung tạp ngâm” và “Băc hành tạp lục”. Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài được Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian 1786 đến 1804, khi ông đang ở quê vợ (Quỳnh Côi) và những năm mới về Tiên Điền. “Nam trung tạp ngâm” gồm 40 bài, được Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian giữ chức ở Phú Xuân và Quảng Bình rồi lại vào Phú Xuân, từ năm 1804 đến năm Ông mất 1820. “Bắc hành tạp lục” gồm 132 bài  được Nguyễn Du sáng tác trong quá trình đi sứ sang Trung Quốc năm Quý Dậu (1813).


Thơ chữ Nôm có: “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế thập loại chúng sinh” “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”. Song phải đến truyện Kiều thì tài năng nghệ thuật cũng như cái tâm của Nguyễn Du mới thực sự bộc lộ đầy đủ. Giá trị của truyện Kiều ngoài chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn còn là những lời thơ rất dân tộc, nhẹ nhàng mà ý nghĩa sâu xa. Chính truyện Kiều đã đưa Đại thi hào Nguyễn Du lên ngang tầm với các nhà thơ nhà văn nổi tiếng trên thế giới, đưa Nguyễn Du trở thành Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hoá thế giới.


Trước tác của dòng họ Nguyễn Tiên Điền còn có “Quan hải tập”, “Minh quyên thi tập” và “Thiên địa nhân vật thư” của Nguyễn Hành. “Châu trần di cảo” của Nguyễn Nghi. “Đông phủ thi tập”, “Huyền cơ đạo thuật bí thư” và “Nhuận bút hoa tiên” của Nguyễn Thiện…
Không rõ còn bao trước tác của các danh nhân họ Nguyễn - Tiên Điền đã bị lưu lạc cho đến nay hậu thế vẫn chưa tìm thấy. Số lượng trước tác trên cũng đủ cho hậu thế thấy được sự cống hiến lớn lao của các bậc tiền nhân của dòng họ Nguyễn Tiên Điền cho dân tộc Việt Nam trên các lĩnh vực:   văn học, địa lý, lịch sử, thiên văn.. và đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.