Đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều ” (từ câu thơ 1519 “Người  lên ngựa, kẻ chia bào ” đến câu thơ 1526 “Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”) là một trong những đoạn thơ hay nhất trong tác phẩm "Truyện Kiểu ” của Nguyễn Du. Đoạn thơ ấy không chỉ được tuyển chọn vào sách giáo khoa Văn 10 cấp Trung học phổ thông, mà còn trở thành một đối tượng tìm hiểu của nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu phê bình văn học.

Từ thập kỉ 90 của thế kỉ XX đến nay đã xuất hiện hơn 10 tài liệu, công trình nghiên cứu về đoạn thơ hấp dẫn này. Ngoài thiểu số ý kiến cho rằng: “Mối quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh (mối quan hệ vụng trộm, ngoài pháp luật, không ra vợ, không ra người tình) ."Việc Thuý Kiêu và Thúc Sinh lấy nhau nói chung là chẳng hay ho gì. Nó là mối tình lẻ mọn, vụng trộm và sau đó Thuý Kiều bị Hoạn Thư đánh ghen. Thúc Sinh đối xử với Thuý Kiều cũng chẳng ra gì... ” ; thì đa số ý kiến đều nhất trí khẳng định vẻ đẹp thắm tình, thắm nghĩa của cuộc hôn nhân Thúc Sinh-Thuý Kiều và nhấn mạnh sự toả sáng của vẻ đẹp ấy trong đoạn thơ 8 câu tuyệt bút mà Nguyễn Du đã viết.

Thế nhưng, khi đi vào tìm hiểu đoạn thơ 8 câu lục bát của Nguyễn Du kể chuyện " Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều ”, các nhà nghiên cứu phê bình văn học đã có những hướng khám phá khác nhau, thậm chí rất xa nhau về cách nhìn, cách hiểu.

Trước hết nói về việc viết đoạn thơ này, Nguyễn Du nhằm miêu tả tâm trạng của Thúc Sinh hay của Thuý Kiều? Hay là của cả hai người? Có hai cách hiểu:

Cách hiểu thứ nhất: Vương Linh Hương trong bài "Trao đổi với Trần Văn Loa nhân đọc “Về bài Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều " đăng trên báo Văn nghệ số 51, ra ngày 23 tháng 12 năm 1995 đã cho rằng "Tâm trạng trong đoạn trích là tâm trạng của cả Thúc Sinh và Thuý Kiều” . Dưới hình thức tìm hiểu bố cục đoạn thơ, Lê Bảo trong mục B- Gợi ý hướng tiếp tục khám phá (Về đoạn trích "Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều") đã nhận định: Hai phần của trích đoạn có thể đặt dưới tiêu đề:

-Tình cảm của Thúc Sinh và Thuý Kiều trong cảnh biệt ly (bốn câu đầu)

-Tâm trạng của mỗi người sau lúc biệt ly, trong xa xôi cách trở (bốn câu sau).

Và Lê Thu Yến trong tác phẩm “Nhà văn trong nhà trường: Nguyễn Du ” đã bình luận: “Đoạn thơ không trực tiếp miêu tả tâm trạng nhân vật nhưng tự thân lời thơ toát lên được tình cảm, tâm tư của hai người .

Cách hiểu thứ hai thì ngược lại. Trần Văn Loa trong bài viết: “Về bài Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều ” đăng trên báo Văn nghệ số 43, ngày 28 tháng 10 năm 1995 đã chỉ rõ “nhân vật chính của đoạn thơ là Kiều ” . Dưới góc nhìn thi pháp học hiện đại, Trần Đình Sử đã nêu rõ nội dung 8 câu thơ mà Nguyễn Du viết để kể chuyện “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” nhằm “trước hết là tả phút chia tay... ”, “thứ đến tả nỗi lòng Kiều... ", và toàn bộ đoạn thơ toát lên “điểm nhìn của Thuý Kiều... mang ý vị tự trách, và trách số phận..

Tán thành với cách hiểu thứ hai, chúng tôi cho rằng Nguyễn Du viết 8 câu thơ lục bát chủ yếu là để thể hiện tâm trạng Thuý Kiều trong khi đưa tiễn và sau khi đưa tiễn Thúc Sinh lên đường về với Hoạn Thư ở Vô Tích. Cái tài tình của Nguyễn Du trong 8 câu thơ này không phải là đã miêu tả trực tiếp tâm trạng của Thuý Kiều như nhiều đoạn thơ khác trong "Truyện Kiều ”, mà lại thông qua kể việc, tác giả tả tình; thông qua tả cảnh, tác giả bộc lộ tâm trạng nhân vật Thuý Kiều một cách sâu sắc, tinh tế. Nói một cách khái quát, cấu trúc nghệ thuật đoạn thơ diễn tả tâm trạng Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh đã được Nguyễn Du vận dụng mối quan hệ hỗ tương giữa các cặp phạm trù Sự và Tình, Cảnh và Tình; trong Sự có Tình, trong Cảnh có Tình , Tình được bộc lộ qua Sự, được thể hiện qua Cảnh; Tình ở đây chính là nỗi nhớ-nỗi buồn của người vợ yêu thương chồng, luôn luôn hướng theo chồng đã đi xa.

Tìm hiếu mối quan hệ giữa Sự và Tình trong đoạn thơ 8 câu lục bát của Nguyễn Du. Chúng tôi thấy Sự ở đây chính là việc Thúc Sinh lên đường về với Hoạn Thư. Đây là một sự việc do Thuý Kiều chủ động đặt ra và thúc giục, song khi thực hiện sự việc thì cả Thúc Sinh và Thuý Kiều đều chung một nỗi đau tiễn biệt, chia ly. Để diễn tả sự việc đó, Nguyễn Du đã viết câu thơ tự sự theo hình thức tiểu đối: '‘Người lên ngựa, kẻ chia 'bào”. Ở trong câu thơ này, Nguyễn Du đã kết hợp nghệ thuật đối ngẫu giữa hai vế với nghệ thuật sử dụng đại lừ nhân xưng phiếm chỉ “người" và "kẻ”. "Người” và “kẻ" là những từ chỉ người có tính chất không xác định, không rõ là ai đã được Nguyễn Du sử dụng trong câu thơ 6 chữ nhằm nêu bật sự kiện chia ly đang diễn ra giữa hai người và tế nhị phản ánh nỗi buồn nhớ khôn nguôi của lòng người trong khi đưa tiễn. Ngoài ra, Nguyễn Du còn dùng hình ảnh “chia bào" có tính chất ước lệ đặt vào trong ngữ cảnh câu thơ để tô đậm nỗi buồn thương da diết của người ở lại đối với người ra đi khi đưa tiễn.

Tiếp tục thể hiện mối quan hệ giữa Sự và Tình, Nguyễn Du đã viết hai câu thơ lục bát biểu lộ tâm trạng Thuý Kiều sau khi đưa tiễn Thúc Sinh:

“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi ”

Tuy nhiên, yếu tố Sự trong khổ thơ lục bát này không chỉ để phản ánh những hoạt động của nhân vật, mà còn có ý nghĩa phô diễn cụ thể những hoàn cảnh mà mỗi nhân vật đang phải trải nghiệm sau hoạt động tiễn đưa đã diễn ra trước đó. Như vậy, vai trò của yếu tố trong khổ thơ lục bát này là rất lu mờ và các động từ "về" "đi" ở đây chí đảm nhiệm chức năng làm hoàn cảnh, làm điều kiện để cho yếu tố Tình bộc lộ được rõ hơn, đậm nét hơn. Và để miêu tả yếu tố Tình sao cho thật nổi bật, ngoài việc điều chỉnh mối quan hệ giữa Sự và Tình, Nguyễn Du đã hoán vị vị trí cặp đại từ nhân xưng phiếm chỉ "người" -"kẻ"  (so với vị trí "người"-"kẻ" trong câu thơ mở đầu đoạn trích). Thao tác nghệ thuật đó cho thấy: nếu như ở 4 câu thơ phần đầu đoạn trích, hành động của nhân vật được nhà thơ tập trung miêu tả vào người ra đi, thì ở 4 câu thơ phần cuối đoạn trích, hành động của nhân vật được nhà thơ tập trung miêu tả vào người ở lại. Do đó, trong câu thơ 8 chữ "Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi ”, tuy Nguyễn Du chỉ nói đến “kẻ đi nhưng thực chất là "mượn người đi để nói kẻ ở”  và hành trình của "kẻ đi trở nên không xác định, nhưng lại rất phù hợp với việc diễn tả tâm trạng của người ở lại đang khắc khoải nhớ tới người ra đi.

Tìm hiểu mối quan hệ giữa Cảnh và Tình trong 8 câu thơ lục bát kể việc Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, chúng tôi nhận thấy tác giả có ý thiết kế đoạn thơ theo cấu trúc nghệ thuật bình đối: “Bốn câu trên là cảnh ban ngày, nơi đưa tiễn. Bốn câu sau là cảnh ban đêm, nơi phòng khuê ".

Trên nền cảnh ban ngày diễn ra ở nơi đưa tiễn, để khắc sâu nỗi nhớ của người vợ đang hướng theo chồng đi xa, Nguyễn Du đã chú ý sử dụng yếu tố màu sắc của ngoại cảnh. Đó là màu đỏ của rừng phong khi thu về “nhuốm " đậm, là màu hồng của bụi bặm đường trường cuốn theo vó ngựa và phủ kín "chinh an ", là màu xanh ngăn ngắt điệp trùng của ngàn dâu nơi viễn cảnh. Những màu sắc ấy, nhất là màu đỏ của rừng phong (mà Nguyễn Du gọi là “màu quan san ” trong câu thơ sử dụng điển cố văn học Trung Quốc) vừa có tác dụng miêu tả không gian ly biệt mang tính ước lệ, vừa có ý nghĩa tượng trưng điển hình cho cuộc chia ly đầy nước mắt và vì vậy đã gợi tả khá xúc động nỗi buồn nhớ của lòng người ở lại đối với người ra đi.

Trên nền cảnh ban đêm diễn ra ở chốn phòng khuê, sau khi đưa tiễn, Nguyễn Du đã sử dụng hình ảnh thiên nhiên làm phương tiện nghệ thuật thể hiện hết sức thấm thìa nỗi buồn của người vợ nhớ chồng. Hình ảnh “vầng trăng ai xẻ làm đôi ” ở câu lục trong khổ thơ lục bát thuộc phần cuối của đoạn thơ đã được Nguyễn Du tiếp thu từ hình tượng “trăng ” trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt rất đặc biệt của thơ Đường (Trung Quốc) và do vậy vừa có tác dụng miêu tả thời gian xa cách mang tính ước lệ, vừa có ý nghĩa tượng trưng điển hình cho nỗi buồn nhớ thao thức triền miên xen lẫn những niềm lo âu, sợ hãi của Thuý Kiều trong thân phận người vợ lẽ về một sự đổ vỡ, chia lìa ắt khó tránh khỏi trong cuộc sống vợ chồng giữa nàng với Thúc Sinh, khi mà sau cuộc chia ly này cả hai người đều tỏ ra bất lực trước những mưu sâu, kế độc của người vợ cả là tiểu thư họ Hoạn.

Rõ ràng, viết đoạn thơ 8 câu lục bát này Nguyễn Du nhằm kể chuyện Thuý Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, đồng thời diễn tả nỗi buồn nhớ của Thuý Kiều khi đưa tiễn và sau khi đưa tiễn Thúc Sinh về Vô Tích. Để diễn đạt nội dung trữ tình của đoạn thơ, Nguyễn Du đã khéo léo phối hợp nhiều biện pháp nghệ thuật ngôn từ: bình đối, tiểu đối, dùng điển cố văn học, dùng thành ngữ tiếng Việt (chiếc bóng năm canh) v.v..., và đặc biệt là cấu trúc đoạn thơ theo mối quan hệ giữa Sự và Tình, Cảnh và Tình khá thành công. Cho nên, có thể nói không chỉ mỗi khổ thơ lục bát có hình ảnh vầng trăng xẻ nửa, mà là loàn bộ cả 8 câu thơ lục bát đều rất xứng đáng với lời "mặc bình ” (lời phê bằng mực đen) khá chính xác của Vũ Trinh: “Khả để nhất thiên biệt phú ” (Ngáng giá với một thiên phú biệt ly) và luôn luôn sống mãi trong tâm hồn bạn đọc.