Nguyễn Du

Loading...

Phát triển du lịch văn hoá để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, sản phẩm du lịch từ văn hoá sẽ hấp dẫn khách du lịch và từ yếu tố văn hoá sẽ góp phần lan toả hình ảnh đất nước ra thế giới.
 
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình.
 
Lan tỏa hình ảnh đất nước trên thế giới
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trong một thời gian rất dài, chúng ta tập trung phát triển kinh tế, lo cho đời sống nhân dân mà ít chú trọng đến phát triển văn hoá, chính vì vậy thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã tập trung rất quyết liệt cho phát triển văn hoá.
 
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, văn hóa luôn là bộ phận quan trọng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Tuy vậy, du lịch văn hóa mới chỉ được phát triển gần đây. Dấu hiệu đầu tiên xác định việc phát triển du lịch văn hóa trên thế giới là việc năm 1985, Liên minh châu Âu lần đầu tiên lựa chọn thành phố Athens (Hy Lạp) là "Thủ đô văn hóa của châu Âu". Có thể coi sự kiện này đã đánh dấu bước đầu cho sự ra đời của loại hình du lịch văn hóa trên thế giới.
 
"Năm nay Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn "du lịch văn hoá" làm chủ đề cho Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 (sẽ diễn ra từ 13/4 đến 16/4 tại Hà Nội). Tuy có thể chưa làm được nhiều việc về phát triển văn hóa nhưng chúng tôi hy vọng rằng, sự kiện có thể sẽ là mở đầu cho trào lưu phát triển du lịch văn hoá, để từ đó tôn vinh nét độc đáo của truyền thống văn hoá, của lịch sử Việt Nam", ông Vũ Thế Bình nói và bày tỏ mong muốn các di sản văn hoá, sản phẩm du lịch từ văn hóa sẽ hấp dẫn khách du lịch và từ yếu tố văn hóa sẽ lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới.
 
Phân tích các yếu tố để phát triển du lịch văn hoá, ông Vũ Thế Bình cho rằng, để phát triển du lịch văn hóa chúng ta phải có sự hiểu biết về loại này hình du lịch này. Hiện nay hiểu biết của chúng ta về du lịch văn hóa còn chưa nhiều cho nên phải xác định rõ khái niệm du lịch văn hóa là gì? Bao gồm những bộ phận nào cấu thành? Nội dung hoạt động ra sao, như thế nào là sản phẩm du lịch văn hoá?...
 
Đồng thời việc xúc tiến du lịch văn hóa chắc chắn phải khác xúc tiến các sản phẩm du lịch khác. Vấn đề quan trọng hơn nữa là con người làm du lịch văn hóa cần phải những kiến thức, kinh nghiệm như thế nào?...
 
Bên cạnh đó, phải hành động ra sao, chuyển đổi các hoạt động như thế nào, từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Bình, có rất nhiều việc liên quan đến phát triển du lịch văn hóa mà chúng ta cần phải quyết tâm thực hiện, chứ nếu chỉ nêu khẩu hiệu đưa du lịch văn hóa thành điểm nhấn thôi thì chưa đủ.
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế nên phải xây dựng văn hóa trong du lịch phải hết sức cụ thể, không thể chung chung. Phát triển du lịch văn hóa thì phải làm rõ được sản phẩm du lịch văn hóa là gì để từ đó có chiến lược xúc tiến rõ ràng.
 
"Hiện nay, chúng chưa tách nhóm du lịch văn hóa thành nhóm riêng nhưng trong hoạt động hàng ngày của ngành du lịch thì có thể thấy trong số những sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện cũng đã có nhiều những sản phẩm tương tự như du lịch văn hoá, chẳng hạn như việc đưa khách tham quan, khảo sát các kiến trúc tôn giáo, đi những lễ hội văn hoá, hoặc khai thác các giá trị ẩm thực… cùng rất nhiều hoạt động khác", ông Vũ Thế Bình nhận định.
 
Theo ông Vũ Thế Bình, chúng ta đã có những hoạt động liên quan đến du lịch văn hoá, vấn đề bây giờ là phải sắp xếp lại các hoạt động để hình thành nên một bộ phận gọi tên là du lịch văn hóa và sản phẩm được gọi là du lịch văn hóa thì phải làm rõ được đối tượng, cấu trúc như thế nào, con người, thị trường ra sao.
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch văn hóa thì phải làm dần dần, có trình tự chứ không thể vội vàng, nếu tuyên truyền rầm rộ về du lịch văn hóa trong khi chưa có người làm văn hóa thì không thể thành công được.
 
"Phát triển văn hóa trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng"
 
Ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
 
Chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch văn hoá, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL nhấn mạnh, nếu như tất cả các doanh nghiệp du lịch chỉ chú trọng về kinh tế mà quên đi văn hóa thì chắc chắn sẽ phải trả giá về môi trường, về văn hóa, về tương lai của đất nước.
 
Theo ông Phạm Văn Thuỷ, phải sử dụng các nền tảng, tài nguyên của văn hóa để trở thành tài nguyên phát triển du lịch. Chúng ta có hơn 7.900 lễ hội gắn với hàng ngàn di sản văn hóa trên cả nước, phải sử dụng nền tảng của văn hóa trở thành tài nguyên để phát triển du lịch, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa thông qua văn hóa, từng bước gắn hàng hóa văn hóa đó trở thành một nội dung của phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch.
 
"Như chúng ta biết, văn hóa đi đến đâu thì quốc gia dân tộc đi đến đó, ta đưa văn hóa Việt Nam đến quốc gia nào có nghĩa là đưa ảnh hưởng của chúng ta sang quốc gia đó. Do đó, phát triển văn hóa trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay" ông Phạm Văn Thủy khẳng định.
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, chúng ta có rất nhiều các loại hình di sản văn hóa để khai thác cho du lịch, trong đó có văn hóa tâm linh, các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.
 
"Các di sản văn hóa đã có sẵn từ xa xưa nhưng khai thác giá trị đó để trở thành tài nguyên du lịch vẫn đang còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, do vậy chúng ta sẽ phải đẩy mạnh trong thời gian và hy vọng sẽ sớm đạt được kết quả", ông Phạm Văn Thủy bày tỏ.
 
 
Theo Xuân Trường/bvhttdl.gov.vn
 
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.