Nghiên cứu văn học cận đại Việt-nam, ngoài việc đánh giá những thành tựu sáng tác, chúng ta không thể không nói tới những cuộc đấu tranh sôi nổi dưới hình thức bút chiến diễn ra trên văn đàn mà hầu như ở thời kỳ trước đó không thấy hoặc ít thấy. Cuộc đấu tranh giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh chung quanh vấn đề Truyện Kiều là một trong những cuộc đấu tranh sôi nổi được dư luận đương thời rất chú ý cũng như sau này được nhiều người  biết tới. Nhưng việc nhận định  ý nghĩa  thực chất cuộc đấu tranh này, trước  đây không phải đã hoàn toàn đúng đắn. Trong phạm vi bài này, chúng tôi không có ý định đi sâu phê phán hết thảy mọi nhận định, mà chỉ nhắc lại một nhận định gần đây hơn và cũng làm chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn, là nhận định của các tác giả nhóm Lê quí Đôn để nhân đó trình bày một số ý kiến của mình về thực chất cuộc đấu tranh. Trong Lược thảo lịch sử văn học Việt-nam tập III, xuất bản năm 1957, các tác giả nhóm Lê quí Đôn viết: « Cuộc tranh luận chung quanh Truyện Kiều là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phê bình nước ta. Phe chống Kiều gồm có các nhà ái quốc Ngô đức Kế,  Huỳnh thúc Kháng và  một số nhà nho bảo thủ. Họ nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý. Tuy vậy họ đã nắm chân lý khi họ vạch dã tâm của bọn cầm đầu phong trào sùng bái Kiều và tác hại của một phong trào như thế đối với thanh niên. Phe tán dương Kiều đông hơn, do Phạm Quỳnh cầm đầu thì nặng về lầm chương trích cú. Do thái độ đối với cuộc sõng mới hơn, nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, do thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người, họ tán thành nội dung Truyện Kiều từ đầu chí cuối, nhưng tán thành theo cảm tính chứ không có lý luận gì. Và họ để công sức vào sự tìm hiểu về kỹ thuật, về phương diện này, họ đã phát giác được nhiều  điều đáng kể.»

(Lược thảo lịch sử Việt nam tập III, trang 199).

Có thể nói ngay rằng về căn bản chúng tôi không đồng ý với nhận định trên đây của các tác giả nhóm Lê quí Đôn. Nhận định này tỏ ra có nhiều chỗ lệch lạc, mâu thuẫn. Mà sở dĩ như vậy, chính là vì các tác giả không nắm được đúng thực chất cuộc đấu tranh giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh.

Vậy thực chất cuộc đấu tranh đó là gì?

Đề giải quyết vấn đề này, theo ý chúng tôi, phải đặt cuộc đấu tranh này vào tình hình chính trị của nước ta trong thời kỳ cuối và sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, phải nắm đúng bản chất chính trị của đôi bên, của Ngô đức Kế cũng như của Phạm Quỳnh. Chúng ta sẽ không tài nào hiểu nổi thực chất của Phạm Quỳnh trong việc tán dương Truyện Kiều cũng như trong mọi hoạt động khác của hắn trên lĩnh vực học thuật, nếu chúng ta không xét tới đường lối chính trị căn bản và những chính sách văn hóa thể hiện đường lối chính trị đó của đế quốc Pháp cùng vai trò tay sai của Phạm Quỳnh. Đối với Ngô đức Kế cũng thế, chúng ta sẽ không tài nào đánh giá đúng bài luận chiến của ông, nếu chúng ta tách bài đó với bản chất chính trị của ông.

Trước hết chúng ta hãy nói đến chính sách văn hóa của đế quốc Pháp và tên bồi bút Phạm Quỳnh cuối và sau đại chiến thứ nhất. Cướp xong đất nước Việt-nam, trong đường lối văn hóa, thực dân Pháp thường trưng cái chiêu bài.: « bảo tồn di sản tinh thần của xứ «An-nam » và gieo rắc hạt giống văn minh của nước Pháp ». Đây là luận điệu bịp bợm thể hiện chỉnh sách văn hóa nô dịch, nhằm duy tri địa vị, quyền lợi của thực dân trên đất nước chúng ta. Mục đích trước sau của chúng chỉ có thế. Tuy. nhiên, ở mỗi thời kỳ lịch sử nhất định, do những điều kiện cụ thể của tình hình, chúng có những biện pháp thích hợp với mục đích của chúng.

Ở thời kỳ cuối và sau đại chiến thế giới thứ nhất, tình hình thế giới và tình hình Việt-nam có nhiều thay đổi lớn. Trên thế giới, tháng Mười năm 1917, giai-cấp công nhân Nga đã thực hiện thành công cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, lập chính quyền xô-viết, mở đầu một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại. Sự kiện lịch sử cực kỳ vĩ đại này làm lay động cả thế giới, đặc biệt nó kích thích, động viên mọi phong trào cách mạng trong đó có phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Bọn đế quốc trên thế giới hết sức hoảng sợ trước cơn bão tố của cách mạng Nga báo hiệu ngày tận số của chúng, ra sức tìm đủ moi cách đối phó. Ở Việt-nam, cùng với sự hình thành của giai cấp tư sản dân tộc và sự lớn lên của giai cấp công nhân, được cách mạng Nga cổ vũ, một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mang nhiều màu sắc chuẩn bị dâng cao.

Tình hình thay đổi, đế quốc Pháp buộc phải thay đổi chính sách trong mọi mặt, mặc dù mục đích trước sau vẫn là một. Lúc này, trên mặt trận chinh trị, chúng cảm thấy chính sách đàn áp đơn thuần tỏ ra không thích hợp lắm nữa, nên chúng ra sức lợi dụng con bài chủ nghĩa cải lương mà biểu hiện tập trung nhất là chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề. Về mặt văn hóa cũng thế, lúc này một mặt chúng cảm thấy vai trò bồi bút của Hoàng cao Khải cũng như của Nguyễn văn Vĩnh trên Đông-dương tạp chí tỏ ra không hợp thời nữa, mặt khác  chúng thấy cần thay đổi đường lối văn hóa cho hợp với đường lối chính trị mới của chúng, do đó chúng đã tích cực cho ra tờ Nam phong tạp chí, thay thế cho tờ Đông-dương tạp chí. Việc làm của chúng có bàn bạc, có chuẩn bị chu đáo. Bấy là lời bàn kín của chúng với nhau trong năm 1916: « Phải tổ chức gấp một cuộc tuyên truyền có phương pháp nhằm thấm sâu vào tất cả mọi tằng lớp trong xã hội bản xử. Mục tiêu ấy chỉ có thể đạt được bằng cách sáng lập ra những tờ báo quốc ngữ có lãnh đạo tốt và có kiểm soát cẩn thận. Tuy nhiên người ta không thề nghĩ rằng chính phủ sẽ đứng ra thành lập và trực tiếp quản lý, vì lẽ một cái nhãn hiệu có «tính chất nhà nước » quả sẽ làm cho dư luận nghi ngờ những tờ báo ấy... do đó chúng ta phải nhờ đến một tổ chức làm bình phong cho nhà nước và được nhà nước bảo đảm, tổ chức ấy sẽ tha hồ hoạt động, không gặp khó khăn gì...

(Trích báo cáo của Thống xứ Bắc-kỳ lên Toàn quyền Đông-dương về vấn đề báo chí. 1916—Tài liệu ghi chép của ông Hoàng Văn Mân, Khoa Sử trường  Đại học Tổng hợp)

Thực hiện chủ trương đó, ngày 30-12-1916, Toàn quyền Đông-dương ký nghị định tổ chức Nam phong tạp chí và cử Phạm Quỳnh làm chủ bút.

Phạm Quỳnh như chúng ta biết, đã được đế quốc nuôi dưỡng từ lâu. Hắn đã là một tên mật thám đắc lực cho đế quốc Pháp từ năm 1907 lúc hắn còn mang lốt một « thầy thông ngôn thông minh, có tân học » đến dạy chữ Pháp cho trường Đông kinh nghĩa thục. Trong đại chiến, hắn được quan thầy cho tập dượt nghề bồi bút trên Đông-dương tạp chí. Đến cuối và sau đại chiến, hắn tỏ ra có đủ lông cánh, cáng đáng được nhiệm vụ mới mà quan thầy giao cho. Nam phong mới ra số 1, bọn quan thầy đã mừng thầm khoe kín với nhau về đứa con nuôi của mình : «Lợi dụng một cách tài tình đề tài một tác phẩm được giải thưởng năm 1916 của Vich-to Gi-rô (Victor Giraud), chủ bút tờ báo, ông Phạm Quỳnh đã đề cao sứ mạng vĩ đại của nước Pháp trong lịch sử tư tưởng nghệ thuật và khoa học của loài người. Lập luận chặt chẽ đấy dẫn chứng cụ thể đủ để gây một ấn tượng sâu xa vào lý trí độc giả».

(Báo cáo của Chủ sự phòng chính trị Bắc-kỳ lên Toàn quyền và nội dung Nam phong số 1).

Đây là lời khen của một tên mật thám Đông-dương về bài Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp của Phạm Quýnh viết đăng trên Nam phong số 1. Không phải chỉ khen một bài này, tất cả các bài của Phạm Quỳnh viết trong số 1 này đều được những lời 'khen đại khái như thế. Theo dõi công việc của Phạm Quỳnh trên Nam phong, chúng ta còn thấy hắn làm đủ chuyện. Xuyên qua những chuyện hắn làm, chúng ta có thể thấy được: Phạm Quýnh là tay sai đắc lực của đế quốc .Pháp trên lãnh vực văn hóa. Điều này, không phải mãi đến ngày nay chúng ta mới nhận thấy, mà đương thời, trừ một số người mơ hồ về lập trường chính trị còn những người yêu nước, nhạy cảm về chính trị không ai là không thấy (cố nhiên họ chưa thấy tới mức như chúng ta ngày nay). Phan chu Trinh, năm 1925, trong một   bức thư trả lời một anh học trò tên là Đông » (Tân dân đặc san — Hà-nội, 1949) đã có nhận xét: «.. Như Phạm Quỳnh thì tôi thấy một hai bài trong nhật trình không những là giả dối, vẽ vời mà lại nói lắm điều hại cho thanh niên lắm ».

Rồi Tống văn Trần mà về sau trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của phong trào vô sản Việt-nam, lúc còn là một thanh niên tri thức, đã ghét cay ghét đắng Nam  phong của Phạm Quỳnh vì «Nam phong là tờ báo chống cộng đầu tiên ở nước ta, vu khống những người Bôn-sê-vích là bọn hư vô, bọn vô chính phủ » (xem Gương chiến đấu của những người cộng sản, Nhà xuất bản Sự thật, 1959, trang 52).

Đó là về Phạm Quỳnh. Còn Ngô đức Kế ?

Ngô đức Kế là một sĩ phu yêu nước, đậu tiến sĩ, nhưng ông không màng công danh phú quý mà quyết hiến dâng đời mình cho dân tộc. Ông là một trong những sĩ phu tích cực hoạt động của phong trào duy tân đầu thế kỷ. Mục đính hoạt động của ông cũng như của phong trào duy tân nói chung là mở mang dân trí, chấn hưng dân  chí, xây dựng thực nghiệp, làm cho nước giàu dân mạnh, có sức tự cường để đi đến tự lập (tức là độc lập). Thực hiện đường lối chung đó, Ngô đức Kề cũng như các đồng chí của ông đặc biệt chú ý tới vấn đề xây dựng một nền học thuật chân chính cho nước nhà.

Quan điểm và chủ trương học thuật của Ngô đức Kế rõ ràng có tính chất tiến bộ. Nó gắn với lòng yêu nước của ông. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, nếu nó được thực hiện, nhất định có lợi cho dân tộc. Vì thế mà để quốc Pháp đã run sợ, phải dùng bạo lực đàn áp. Năm 1908, nhân xảy ra phong trào chống thuế, chúng bắt và đày ông đi Côn-đảo. Sự nghiệp của ông tạm bị gác lại. Nhưng rồi, qua 13 năm Côn-đảo, năm 1921 ông được tha về, rồi ra Hà-nội (cuối năm 1922), nhận làm báo Hữu thanh (cuối năm 1923). Trên Hữu thanh ông lại tiếp tục đấu tranh cho nền học thuật chân chính. Có điều khác là : ngày trước ông phải đương đầu với nền học thuật phong kiến cực kỳ lạc hậu mà thực dân Pháp đang cố duy trì, còn bây giở phải đương đầu với một thứ học thuật nô dịch mà thực dân Pháp mới tung ra ; ngày trước phải đương đầu với bọn « hủ nho », còn bây giờ phải đương đầu với bọn " hủ tây ", bọn bồi bút mới kiểu Phạm Quỳnh. Đối tượng đấu tranh như thế là có khó khăn hơn. Bọn «hủ nho » ngày trước dù sao cũng đã cuối mùa, thất thế, còn bọn bồi bút mới bây giờ lại khoác được nhãn hiệu là những «tân trí thức », «tân nhân vật» đang đà tiến lên chiếm ưu thế múa may trên sân khấu học thuật. Trên Hữu thanh, trước khi đương đầu trực tiếp với Phạm Quỳnh, Ngô đức Kế đã mấy lần nêu nhận xét của mình đối với « nền quốc văn » đương thời. Trong bài Nền quốc văn  ông tố cảo tình trạng nguy hiểm cho học thuật vì đã có một số đông người «lợi dụng báo quán làm cái cơ quan đề phát đương cái chữ nghĩa «ganh nhau danh vị hão huyền » của mình, mà những bài biện luận ngày nào cũng ném đầy chặt cái hòm thư của nhà báo, nào là so tài học, sánh văn bằng, đọ giá trị, công nhiên họp chợ cãi nhau trên tờ-báo mà không biết trong thế gian này, cũng như trong nước Việt-nam này còn có vấn đề gì nên nghiên cứu không? Không còn biết báo quán đặt ra có để làm gì nữa không? » Và nói đến tình hình sáng tác đương thời, ông đã phải đau sót kêu lên : "ôi, giời ôi!" Chỉ những bài ca, cấu lý, tích láo chuyện vơ, chẳng chuyện tài tử giai nhân thì lại yêu ma thần quái, nào có ích gì cho tri thức học vấn, có bổ gì cho thế đạo nhân tâm, mà làm cho mẩn trí mê hồn, thương phong bại tục nữa..." (Hữu thanh số 12 ngày 15-4-1924). Như  thể, trước sau, Ngô đức Kế vẫn là một nhà ái quốc chân chính, một người luôn luôn quan tâm đến nền học thuật của nước nhà, muốn đưa học thuật vào con đường ích quốc lợi dân.

Nắm đúng bản chất chính trị của hai bên, Phạm Quỳnh và Ngô đức Kế, chúng ta hãy soi lại nhận định của các tác giả nhóm Lê quí Đôn. Cứ theo các tác giả thì cuộc tranh luận chung quanh Truyện Kiều là cuộc tranh luận giữa « phe chống Kiều » và « phe tán dương Kiều », giữa những người " bảo thủ " (hoặc gần gũi với những người bảo thủ), những người « nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý » và những người chỉ « nặng về tầm chương trích cú», tan thành nội dung Truyện Kiều «theo cảm tính », « không có lý luận nhưng lại có thái độ đối với cuộc sống mới hơn », «khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn », « thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người », « để công sức vào sự  tìm hiểu về kỹ thuật».

Trong lãnh vực văn học nghệ thuật, chúng ta thường hay hỏi đến mâu thuẫn giữa thế giới quan của nhà văn và nội dung khách quan của tác phẩm. Đó là một sự thật mà chúng ta đã từng thấy ở một số nhà văn trong thời đại quá khứ. Nhưng ngay trong các nhà văn này, trước khi nói đến mặt mâu thuẫn, chúng ta đã phải nói đến mặt không mâu thuẫn, mặt nhất trí giữa thế giới quan của nhà văn vời nội dung tác phẩm. Trường hợp Phạm Quỳnh, hoàn toàn không thể xếp vào loại trên đây, vì lẽ trước hết, hắn không phải là nhà sáng tác mà chỉ là «nhà nghiên cứu, học thuật», hai nữa, hắn làm « nghiên cứu học thuật» với đầy đủ ý thức chính trị phản động của hắn. Cho nên khi đánh giá cái nội dung "học thuật" của hắn, cần phải gắn cái nội dung "học thuật" đó với bản chất chính trị phản quốc của hắn. Một khi đã gắn chặt nội dung «học thuật» của Phạm Quỳnh với bản chất chính trị phản  quốc của hắn, cũng như đã gắn bài bút chiến của Ngô đức Kế với bản chất yêu nước của ông thì không thể nhận định như các tác giả nhóm Lê quí Đôn rằng " cuộc tranh luận chung quanh Truyện Kiều" là cuộc tranh luận giữa «phe chống Kiều » và « phe tán dương Kiều » hay như Hà như Chi trong Việt-nam thi văn giảng luận xuất bản ở vùng tạm chiếm trước đây là « sự bất đồng ý kiến về vấn đề lý luận Truyện Kiều » (xem Việt-nam thi giảng văn luận trang 131-132). Cuộc đấu tranh giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh xung quanh vấn đề Truyện Kiều thực chât là một cuộc đấu tranh chính trị trên lãnh vực học thuật. Chính trị đây là chính trị của những người yêu nước luôn luôn quan tâm tới lợi ích của dân tộc và chính trị của bọn tay sai bán nước thể hiện trung thành quyền lợi của bọn thực dân, phong kiến thống trị.

Đọc lại bài báo đầu tiên viết về Truyện Kiều của Phạm Quỳnh đăng trên Nam phong số 30 tháng 12-1919, chúng ta thấy gì ? Thấy hắn " khảo cứu " về các mặt : cỗi rễ Truyện Kiều, lịch sử tác giả, văn chương Truyện Kiều và tâm lý cô Kiều. Bề ngoài có vẻ khảo cứu như thế, nhưng dụng ý sâu xa của hắn là ở chỗ khác. Thử phân tích một đoạn sau đây của hắn trong bài "khảo cứu " này : « Các nước Âu-Mỹ trọng những nhà văn sĩ hơn các bậc đế vương vì cái công nghiệp về tinh thần còn có giá trị quí báu và ảnh hưởng sâu xa hơn là những sự nghiệp nhất thời về đường chính trị. Tên vua Louis XIV, vua Nã-phá-luân có ngày mai một đi được, mà tên những nhà danh sĩ như Pascal, Corneille, Racine thời trong thiên hạ còn có người học chữ Pháp, còn có người nói tiếng Pháp, còn có người biết tư tưởng sâu xa thì còn không bao giờ quên được... Ở đời này có lẽ lập ngôn là cái kí bất hủ hơn cả».

Cũng trong luận điệu trên đây của hắn, Phạm Quỳnh còn nhằm gây một nhận thức rất tai hại về hoạt động chính trị. Theo hắn thì cái « công nghiệp về tinh thần » (ví dụ như hoạt động văn học) là « có giá trị quý báu và ảnh hưởng sâu xa hơn» những sự nghiệp chính trị; sự nghiệp chính trị chỉ là «sự nghiệp nhất thời ».

Chúng ta biết hoạt động chính trị chân chính cũng như hoạt động văn học chân chính đều là những hình thức hoạt động cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Mỗi hình thức đều có tác dụng nhất định đối với xã hội ; nhưng giữa các hình thức đó lại có liên hệ khăng khít với nhau trong đó hoạt động chính  trị có tác dụng quyết định. Chân lý là như thẽ. Nhưng ở đây Phạm Quỳnh cố tình so sánh giá trị hơn thua giữa nhà văn và nhà chính trị một  cách xảo trá. Tại sao Phạm  Quỳnh đưa ra cái luận điệu xảo trá trên đây ? Tại sao Phạm Quỳnh hạ giá trí của các nhà chính trị xuống ? Ngoài lý do trực tiếp tạo một cơ sở lý luận để đề cao uy tín cá nhân của hắn, vì bây giờ hắn còn đang đội lốt văn sĩ và cố dấu kín bộ mặt làm tay sai về chính trị cho thực dân Pháp, còn lý do khác sâu xa hơn. Số là sau đại chiến, với ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, với những điều kiện mới trong nước, phong trào gỉai phóng dân tộc đang chuẩn bị dâng lên trong nhân dân Việt-nam. Có nhiều thanh niên nao nức ra nước ngoài tìm con đường cứu nước. Trong tầng lớp thanh niên học sinh, có cái khuynh hướng mở tung cửa trường ra hoạt động chính trị. Phạm Quỳnh theo lời chỉ bảo của quan thầy, tìm cách phá hoại phong trào. Hoạt động phá họại của Phạm Quỳnh quả thật đã đạt được ít nhiều kết quả. Sau việc tán dương và cổ động nghiên cứu Truyện  Kiều của hắn trong năm 1919, một số thanh niên mơ hồ về chính trị đã ăn phải bả của hắn. Số thanh niên này cũng viết bài nghiên cứu, tán dương Truyện Kiều đăng trên Nam phong và các báo chí khác. Hẳn Phạm Quỳnh nghĩ rằng chủ trương của mình đã bén rễ, cần đẩy mạnh thêm một bước. Tháng 8-1924, cùng ban Văn học của hội Khai trí tiến đức — một cơ quan văn hóa nô dịch do Pháp điều khiển — hắn tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du rầm rộ. Trong buổi lễ, hắn và Trần trọng Kim chia nhau đọc diễn văn. Kim thì cố đề cao triết lý phong kiến lạc hậu rơi rớt trong Truyện Kiều, còn hắn lại một phen nữa huênh hoang tán dương Truyện Kiều, có thể nói bài diễn văn lần cày của hắn tả một bước tiến sâu tiến mạnh hơn trong âm mưu chính trị đen tối của hắn.

Còn Phạm Quỳnh coi Truyện Kiều là một thứ giá trị độc tôn,chỉ có nó mới đã làm văn khế chứng nhận sự tồn tại của dân tộc Việt-nam :« Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn » và : « có nghĩ cho xa xôi, cho thắm thía mới hiểu rằng Truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái gì quý báu vô ngần. Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta, một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta, một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta ». Trong con mắt của những người yêu nước, Phạm Quỳnh càng kêu gào " quốc hoa ", « quốc túy ", « quốc hồn », càng láy đi láy lại cái câu phù chú " Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn " bao nhiêu thì bản chất chính trị tay sai của hắn càng lộ rõ bấy nhiêu. Hắn cố gây một ý nghĩ mơ hồ là nguy hiểm rằng chỉ cần có Truyện Kiều là đủ, là nước mất cũng như còn, là thân làm trâu ngựa cũng như đường đường làm chủ nhân ông. Sự thật thế nào ? Truyện Kiều có giá trị của Truyện Kiều (cố nhiên giá trị không như Phạm Quỳnh nói), nhưng làm sao mà Truyện Kiều có thể thay thế được vận mệnh của Tổ quốc, được độc lập của dân tộc, được quyền sống, được cơm áo hàng ngày của nhân dân? Nước mắt, dân tộc bị diệt vong, thì tiếng nói ,của dân tộc còn dựa vào đâu mà tồn tại ?

Con người của Phạm Quỳnh là như thế ! « Sự nghiệp học thuật » của Phạm Quỳnh là như thế ! Thực chất việc tán dương Truyện Kiều của Phạm Quỳnh là như thế! Làm sao chúng ta lại có thế bảo hắn là người " có thái độ đối với cuộc sống mới hơn » ? « khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn » ? « thông cảm với yêu cầu tình cảm của con người»? «để công sức vào sự tìm hiểu về nghệ thuật" Truyện Kiều? và «đã phát giác được nhiều điều đáng kể » ? Không! không thể nói như thế được. Dù trong việc tán dương Truyện Kiều., Phạm Quỳnh ngoài ý muốn chủ quan của mình, có để lại một đôi chút tài liệu nào đó mà ngày nay chúng ta vẫn còn có thể khai thác được, thì điều đó cũng không cho phép chúng ta nói như thế được.

Ngô đức Kế trong cuộc đấu tranh chống Phạm Quỳnh căn bản đã xác minh được điều đó. Bài Luận về chánh học và tà thuyết của ông ra đời ngay sau khi bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh được đăng lên Nam phong đã giúp chúng ta thấy rõ được sự nhận định của ông về Phạm Quỳnh.

Ngô đức Kế đã đấu tranh chống Phạm Quỳnh như thế nào? Và tại sao ông đã giành được thắng lợi rực rỡ?

Sự thật, trong cuộc đấu tranh với Phạm Quỳnh, muốn đánh gục nó không phải là chuyện đơn giản nếu như cứ đi vào tranh luận từng câu văn, từng ý một câu  của hắn. Muốn đảnh gục hắn, trước hết là phải đánh vào bản chất con người của hắn. Cụ thề là phải làm sao vạch rõ được về mặt chính trị hắn không phải là một người có tâm huyết gì với dân tộc, mà chỉ là một tên tay sai của đế quốc, hại giống hại nòi; về mặt học thuật, hắn không phải là một nhà học thuật chân chính mà chỉ là anh chàng bịp bợm. Trên giấy trắng mực đen, Ngô đức Kế chưa nói toạc ra được rằng Phạm Quỳnh là tay sai của đế quốc Pháp, nhưng người đọc đọc bài luận chiến của ông thì thấy căn bản ông đã thực hiện được yêu cầu trên. Mở đầu bài Luận về chánh học và tà thuyết, Ngô đức Kế nêu lên những nguyên lý về quan hệ giữa học thuật và vận nước, giữa tà thuyết và chánh học nhằm làm cơ sở lý luận cho bài bút chiến của mình. Ông viết: « Vận nước thịnh hay suy, quan hệ tại đâu? Tại nhân tâm thế đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? Tại học thuyết tà hay chính. Rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy ngàn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước thịnh cường tất là khi ấy trong nước chánh học sáng rệt, nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chánh học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước theo chánh học mà nổi lên; tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất».

Qua bài Luận về chánh học và tà thuyết, Phạm Quỳnh hiện rõ nguyên hình vời cái bản chất xấu xa của hắn. Hắn và bè lũ của hắn chỉ là bọn văn sĩ giả dối mới ứng thời xuất hiện. Những người học thức kiến văn chưa được một nắm, nhân cách giá trị chẳng đáng là bao, mới lom lem những học thuyết ông Mạnh (Montesquieu); ông Lư (Rousscau), bập bẹ những cách ngôn họ Trang, họ Liệt thi nghiễm nhiên tự lập làm một đứng văn hào, tự xưng khai hỏa  quốc    dân mà không ngó lại mình đã khai hóa  hay  chưa ; thôi thì bài  diễn  văn chất đống, sách du ký đầy thùng, thôi thì tán xằng tán nhảm, nói bậy nói càn, không còn có nghĩa lý chính đáng chi nữa ». Hắn là: « một anh giả dối lóp lép, đứng đầu sùng bái Kiều, mà một bọn u mê hờ hững gào hơi rán sức để họa theo; còn một lớp người chỉ nghe lỏm nhìn mồm thì vỗ tay tán thưởng, khiến người phải bịt tai bưng mùi, phải nhức đầu long óc vì những tiếng to: « Quốc văn » !! ! Kim Vân kiều! !! Nguyễn Du ! ! ! » Và hắn cũng là : " nhân vật giả dối Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán " là bọn "học thức viết mướn"; là: " con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng"...

Ngô đức Kế cũng vạch cho người đọc thấy rằng tất cả hành động của Phạm Quỳnh chỉ là hành động của một kẻ nhờ báo bẻ măng, lợi dụng cơ hội nền học vấn nước ta đang chuyển biến chưa rõ trắng đen. Đó là: «Từ khi Âu trào tràn khắp thế giới, nước ta có cuộc bảo hộ, mà cái học « chi hồ giả dã » mới đổi sang «a, b, c, d)) Đem Âu học mà đổi Hán học không phải là có hại, song thiên hạ việc gì cũng thể, phá cái cũ thì dễ mà chóng, lập cái mới thì khó mà lâu, Âu học chưa vin được ngọn ngành, mà Hán, học đã đứt cả cỗi rễ, những ngươi chấn chỉnh Âu học, có kiến thức tư tưởng, thì còn trông mong ao ước ở đâu chưa thấy, mà những người chân nho chính sĩ Hán học thỉì đã quá nửa mòn mỏi điêu linh». Trong một hoàn cảnh bi đát như thế, cái bọn người giả dối, lợi dụng để làm càn, cố  nhiên đối với đất nước  với dân tộc, gây tai hại không phải  là nhỏ: "Thương  hại thay" !

Trong nước kẻ học thì ít, kẻ không học thì nhiều, học mà có kiến thức thì ít, học mà không kiến thức thì nhiều, những văn chương nhảm nhí, những ngôn luận càn xiên ấy đã tràn khắp cả nước, làm cho phải chẳng điên đảo, đen trắng lộn phèo, rồi ra lấy dốt làm thông, tôn nịnh làm thánh, đá vũ phu mà cho là ngọc, nàng Vô Diệm mà cho là sắc khuynh thành, đạo đức càng ngày càng suy đồi, nhân tâm càng ngày càng theo về đường hư ngụy. Cái xã hội Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán này há phải bởi các nhân vật giả dối Âu chẳng ra Âu, Hán chẳng ra Hán ấy múa bút khua lưỡi mà gây nên ư»

Một số ý kiến trên đây chứng tỏ Ngô đức Kế không hề có mơ hồ về con người của Phạm Quỳnh, về việc làm của Phạm Quỳnh. Nhờ thế mà khi trực tiếp công kích việc tán dương Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, dù ông có một vài quan điểm đánh giá Truyện Kiều không khách quan lắm, nhưng riêng về động cơ tán dương Kiều, về tai hại cua việc tán dương Kiều của Phạm Quỳnh thì ông đánh rất trúng - Người đọc tán thành ông, ủng hộ ông chính là ở cái mặt đúng căn bản đó.

Tóm lại, qua bài Luận về chánh học và tà thuyết, Phạm Quỳnh bị đánh tơi bời, bị đánh vào bản chất, bị đánh vào giọng lưỡi. Cuối bài bút chiến của mình, Ngô đức Kế còn ghi thêm một câu như là một lời tuyên chiến đanh thép : « Bài luận này chắc có nhiều người phản đối, ai phản đối xin cứ gửi thư đến bản chí». Thực tế không thấy ai phản đối, chỉ thấy trên Hữu thanh sau đó, liên tiếp đăng những bài của bạn đọc xa gần gửi về biếu đồng tình với Ngô đức Kế. Dư luận chờ đợi một người sẽ đứng ra phản đối là Phạm Quỳnh, thì ngược lại hẳn im thin thít không ho he gì. Có người cho biết là ngay sau khi bài Luận về chánh học và tà thuyết được đăng lên báo và được in thành tờ rơi tung ra như kiểu truyền đơn thì hắn có nhờ đồng lõa của hắn là Trần trọng Kim ban đêm đưa hẳn đến nhà Ngô đức Kế đề xin cầu hòa. Tại sao Phạm Quỳnh im hơi lặng tiếng? Tại sao Phạm Quỳnh phải chịu cầu hòa với Ngô đức Kế ? Nếu cho đây là một cuộc tranh luận giữa « phe chống Kiều » và " phe tán dương Kiều", giữa những người « nhận xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý » và những người « có thái độ đối với cuộc sống mới hơn » « khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn « để công sức vào sự tìm hiểu về kỹ thuật » v.v... thì làm sao cắt nghĩa được cải hiện tượng đó ? Nếu chỉ là chuyện học thuật đơn thuần, chuyện khác nhau về cách nhận xét đánh giá Truyện Kiều thì Phạm Quỳnh không chịu thua, không chịu im thin thít đâu. Hắn chịu thua, chịu im thin thít là vì qua cuộc đấu tranh của Ngô đức Kế, nguyên hình, nguyên trạng của hắn về chính trị đã bị lộ. Và hắn đã tính toán thấy nếu còn đương đầu lại với Ngô đức Kế thì nguyên hình, nguyên trạng ấy còn có thể bị lộ nữa. Về sau khi Ngô đức Kế đã qua đời, chính hắn đã vô tình thú nhận cái tính toán ranh ma đó : « Sau cuộc phản đối cua ông Nghè Ngô, trong nước liền nổi lên cái phong trào chính trị mới. Có người nối gót ông Ngô cũng đem lờị nọ tiếng kia mà bình phẩm tôi. Tôi đều nhất thiết làm thinh cả ».

Về sau khi Ngô đức Kế đã mất, Phạm Quỳnh trở lại vấn đề hòng vớt vát uy tin cá nhân. Hắn đã cố tình đánh lạc thực chất của cuộc đấu tranh, lái vấn đề thành vấn đề xích mích cá nhân, vấn đề cạnh tranh quyền lợi. Hắn viết : " Bây giờ ông (tức Ngô đức Kế) làm chủ bút báo Hữa thanh mới lập. Báo Hữu thanh là một cái tạp chí. Báo Nam phong của tôi cũng là một cái tạp chí. Báo Hữu Thanh ra sau, báo Nam phong của tôi có trước. « Hàng thịt nguýt hàng cá» là một cái thói thường của bọn con buôn » và còn nhiều lời vu khống bỉ ổi khác nữa. Ở đây hắn nêu vấn đề lên như thế, một mặt nhằm vu khống Ngô đức Kế và chữa trẽn cho mình, nhưng mặt chính vẫn là một lần nữa che dấu cải bản chất chính trị của hắn. Không phải vô ý thức mà ngay trong bài báo này, hẳn cũng đay đảy chối rằng hắn không phải là nhà chính trị, mà «vốn là nhà văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay kể có trên dưới mười lăm năm, thật là dốc một lòng một dạ, chính là cái chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyền đi sang phương diện chính trị». (Tài liệu đã dẫn)

Xưa nay bọn tay sai chinh trị của thực dân Pháp thường dùng hai thủ đoạn : một là nhận rằng mình có làm chính trị nhưng cố khoác cho mình một cái áo quốc gia, một cái áo cách mạng giả hiệu; hai là chối rằng mình không làm chính trị, chỉ làm chuyện khác. Văn chương, học thuật là một trong những cái «chuyện khác » thường được chúng lợi dụng. Phạm Quỳnh, trước khi chính thức tung ra cái chủ nghĩa lập hiến phản động, trước khi vào làm thượng thư bộ Học ở triều đình Huế, đã sử dụng cái ngón thứ hai này.

Cuộc đấu tranh của Huỳnh thúc Kháng chống Phạm Quỳnh cũng là tiếp tục ở mặt chủ yếu cuộc đấu tranh ngày trước giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh. Trong khi đập lại Phạm Quỳnh, Huỳnh thúc Kháng đã cố không cho hắn biến vấn đề thành vấn đề xích mích cá nhân, ông làm sáng lại thực chắt của cuộc đấu tranh giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh chung quanh vấn đề Truyện Kiều là cuộc đấu tranh giữa chánh học và tà thuyết. Ông nêu ra tiếng nói của Ngô đức Kế là tiếng nói của chánh học, tiếng nói của một người vì lợi ích dân tộc, vì tiền đồ của con em trong xã hội mà phát biểu. Ông viết :

Bài « Chánh học cùng tà thuyết»  của ông Ngô đăng trên báo Hữu thanh số 21 ra ngày 1-9-1924 là một bài tuyệt xướng có giá trị nhất trong quốc văn báo giới ta vào khoảng vài mươi năm nay mà đồng bào ta ai đã đọc đến cũng in sâu vào trong não không khi nào quên được. Thế mà 8, 9 năm  nay, không nghe ông Quỳnh có câu gì biện bác bài ấy hay dở, phải không thế nào. Nay ông Ngô đã qua đời rồi, nhân ông Phan Khôi chỉ trích sự không trả lời ấy» ông Quỳnh mới dở mối hiềm riêng chất chứa lâu nay, công nhiên phô giữa công chúng rằng bài ấy là «câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ đến học vấn tư tưởng gì cả... » Ông còn viết : " Bài « Bác Kiều » đầu tiên đại ý nói: chánh học cùng tà thuyết quan hệ đến vận nước : chánh học xướng minh thì thế đạo nhân tâm cũng phải tốt mà vận nước được cường thịnh, tà thuyết thịnh hành thì thế đạo nhân tâm phải xấu mà vận nước cũng suy đồi... Đoạn giữa nói đến truyện Kiều thì cho là một truyện phong tinh, không đường nào tránh cái án tám chữ " ai dâm sầu oán đạo dục tăng bi " (thương dân sầu oán mở đường tà dục mà tăng mối buồn rầu) dẫu văn có hay cũng là một thứ văn mua vui (chính ông Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều cũng tự nhận thế) chứ không đem ra mà dạy đời được. Sau ông mới bài bác những người tán dương Truyện Kiều rằng " quốc hồn quốc túy " đem làm sách dạy quốc văn, cho là giả dối là hoặc thế vu dân... Toàn bài đại Cương như thế, nói về nghĩa lý thì quang minh chính đại, thiệt là một bài quan hệ trong học giới rất to tát, mà về lời biện bác thì lời nghiêm nghĩa chỉnh, có một cái mãnh lực như sét phang trước trán, nước xôi sau lưng, khiến cho ai đọc đến cũng tỉnh giấc hồn mê. Độc giả thử xem một bài biện luận xác đáng rạch ròi như vậy sao gọi là câu chuyện cá nhân quyền lợi, mà không quan hệ đến học vấn tư tưởng, sao gọi lập luận thiên di? Như vậy mà cho là không quan hệ thi những lối văn trèo tường trổ ngõ, quạt ước trăng thề, ép liễu nài hoa, cắp hương trộm ngọc kia mới là quan hệ với học vấn tư tưởng sao?   Nhờ quán triệt được thực chất của cuộc đấu tranh như vậy, nên Huỳnh thúc Kháng đến lượt mình, lại đánh bại Phạm Quỳnh, lại được dư luận đồng tình,

Khi Phan Khôi đứng ra bênh vực Phạm Quỳnh, y cũng cố tình đánh lạc vấn đề trung tâm của cuộc đấu tranh. Phan Khôi cũng cố kéo  vấn đề trở về lãnh vực nghệ thuật. Y làm như cuộc đấu tranh giữa Ngô đức Kế và Phạm Quỳnh trước đó chỉ là cuộc xung đột giữa hai quan điểm nghệ thuật đơn thuần không hề dính líu gì đến vấn đề chính trị cả. Phan Khôi viết : « Muốn đánh giá Truyện Kiều và cái công nghiệp văn chương ông Nguyễn Du cho vừa phải, đừng cao quá, đừng hạ quá, thì trước hết phải hiểu trong cõi văn học của thế giới ngày nay có hai cái khuynh hướng trái nhau mà cũng có thực lực ngang nhau. Ấy là một phái chuyên trọng về nhân sinh, một phái chuyên trọng về nghệ thuật... Hai phái ấy cũng có cái lý thuyết của mình đủ mà thành lập, không ai nhường ai ».

(Đọc bài Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩ của ông Huỳnh Thúc Kháng, báo Trung lập, 10-1930).

và y trực tiếp vừa đề cao vừa bào chữa cho Phạm Quỳnh: «Nếu cứ theo cái hiện tượng ấy và nếu nhận cho văn chương Truyện Kiều là đẹp là hay, thì cái người vì quốc ngữ mà cô động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, chẳng phải là làm một việc không có ý thức. Vì trong khi làm việc ấy, người ta đứng về phái nghệ thuật, người ta chỉ sùng bái cái đẹp mà thôi, mà tự họ lại nghĩ rằng cái đẹp ấy chẳng có thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội.

«Tôi không rõ lúc bấy giờ ông Phạm Quỳnh có bảo đem Truyện Kiều mà làm "sách học" không? Có coi Truyện Kiều như sách giáo khoa không? Nếu vậy thì đáng công kích thật, còn như lấy danh nghĩa «Văn học ban » của hội « Khai tri tiến đức » khuynh hướng về cái thuyết «nghệ thuật vị nghệ thuật» mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du thì tôi chẳng thấy chỗ nào đáng công kích hết, mà tôi cho là việc ai thích thì làm, chẳng hại gì cả ». (Tài liệu đã dẫn)

Rõ ràng Phan Khôi cố tình bao che cho Phạm Quỳnh và đánh lạc hướng đấu tranh. Nhưng Huỳnh thúc Kháng có đủ sáng suốt để vạch rõ cái dụng ý xấu và mánh khóe lập lờ của Phan Khôi. Mở đầu bài Biện chính lại mấy lời phê bình của ông Phan Khôi, Huỳnh thúc Kháng đặc biệt nhấn mạnh cho độc giả chú ý rằng : « Bài chiêu tuyết của tôi, chắc độc giả còn nhớ mà ai đã đọc đến tất nhiên hiểu rõ chỗ quan yếu nhất trong bài ấy là phân biệt chánh với tà, chính ông Phan Khôi cũng công nhận là «nhất ngôn cư yếu» nêu trong mấy bài phê bình, ông cũng gác hẳn chỗ cốt yếu ấy ra ngoài mà chỉ trích những nơi « ức dương hiên chi» (nâng cao hạ thấp) như quá binh ông Ngô nói xấu ông Quỳnh và tách riêng Truyện Kiều ra làm một nghề mỹ thuật mà không để lẫn vào trong vấn đề chánh học, xem thế thì rõ có lời phê bình ấy mà nền luận điểm của bài tôi càng vững vàng chắc chẵn không vì cái cớ vụn vặt kia mà lay chuyển ».

(Báo Trung lập số 6284 ngày 28-10-1930)

Đúng là luận điểm của Huỳnh thúc Kháng vẫn vững vàng không lay chuyển vì ông biết quán triệt ý nghĩa trung tâm của cuộc đấu tranh, ra sức bảo vệ nó không cho ai xuyên tạc. Lịch sử sẽ ghi công ông cùng với công của Ngô đức Kế. Mặc dù về mặt đánh giá Truyện Kiều hai ông còn có những luận điểm không xác đáng, nhưng hai ông đã đánh trúng vào âm mưu đen tối của Phạm Quỳnh cùng bè lũ thực dân. Lịch sử sẽ xác nhận rằng tiếng nói của Ngô đức Kế trước đó cũng như tiếng nói của Huỳnh thúc Kháng về sau là tiếng nói chính nghĩa của những người yêu nước muốn đưa học thuật vào con đường phục vụ lợi ích tổ quốc, đấu tranh chống lại tiếng nói phi nghĩa của những kẻ làm tay sai cho giặc hòng lợi dụng học thuật ru ngủ quần chúng sao lãng nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, cam tâm làm nô lệ suốt đời.