Vừa qua, tại khu vực đền thờ tiến sỹ Nguyễn Huệ (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), người dân đã phát hiện dấu tích một tấm bia đá cổ.

 

Dấu tích bia đá cổ tại khu vực đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Huệ


Dấu tích bia đá cổ được phát hiện là một phiến đá thanh đã bị vỡ có độ dày 20 cm và đang còn rõ một số chữ hán, một mặt có chữ”…phúc thần truyền công xã sơ bản chi tây …. bối chính thượng mão… cửu nguyệt..”., một mặt còn lại 2 chữ “….Nguyễn Thị…”. Ngoài ra còn có một chân đế bia, hình chữ nhật đang còn nguyên vẹn.


Tiến sỹ Nguyễn Huệ, tên tục là Định, tự Hy Hòa, hiệu Giới Hiên, là con trai cả của Lĩnh Nam phong công Nguyễn Quỳnh, anh của Nghị Hiên công Nguyễn Nghiễm và là bác ruột của Đại thi hào Nguyễn Du.


Nguyễn Huệ sinh năm Ất Dậu (1705), thi đỗ Tam trường năm Quý Mão (1723), đỗ Cử nhân năm Kỷ Dậu (1729), đỗ Hoành từ năm Nhâm Tý (1732), nhận chức Thị nội văn chức và được bổ Tri huyện La Sơn. Khoa thi Quý Sửu (1733), đỗ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Sau lễ vinh quy bái tổ thì bị bệnh nặng và mất vào ngày 28-9 cùng năm.


Đền thờ của ông được lập ở thôn Võ Phấn, em là Nghị hiên công Nguyễn Nghiễm lập bia kể trạng của ông và sự tế tự, các quan trong triều đều có đề thơ, năm Đinh Tỵ (1737) ông được triều đình truy phong là “Trung trinh đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ Tiên Lĩnh hầu". Năm Tân Mùi  (1751) dưới triều vua Lê niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 12, Nguyễn Huệ được phong và phong nhiều lần là "thượng đẳng phúc thần".


Đền thờ của ông cũng như các tư liệu ghi về việc khởi công xây dựng, tu bổ, việc thờ tự của người dân trong vùng đối với ông không còn. Dấu tích bia đá cổ trên được phát hiện tại khu vực đền thờ tiến sỹ Nguyễn Huệ là tư liệu quý đã được chuyển về Ban quản lý di tích Đại thi hào Nguyễn Du để bảo quản và phục vụ công tác nghiên cứu.