Nguyễn Du

Loading...

Tính chất thương mại trong Truyện Kiều

Đồng tiền được sinh ra trong đời sống xã hội là một thành tựu – như một phát minh lớn của loài người! Nó cũng giống như con người tìm ra lửa, ra rượu - rồi giữ được rượu và lửa đồng hành trong xã hội loài người!
 
Phát minh ra tiền - lửa - và rượu đã đóng góp cho giá trị đời sống con người biết bao niềm vui và hạnh phúc. Ngược lại, Tiền – Lửa – và Rượu cũng gây không biết bao nhiêu phiền toái cho cuộc sống – thậm chí nó còn đem lại nhiều sự khổ hạnh, điêu đứng và có thể cả cái chết rất thương tâm nữa! Hai mặt của một vấn đề phát kiến lớn Tiền – Lửa – và Rượu ấy phụ thuộc vào ý thức của con người khi sử dụng – đặc biệt là “đồng tiền” – Vì nó mà con người sung sướng, hạnh phúc và cũng vì nó mà con người lao đao, khổ hạnh!
 
Nguyễn Du đã nhìn rõ tính hai mặt của một vấn đề đó, nên ông đã miêu tả đồng tiền như một vấn nạn xã hội trong Truyện Kiều. Người ta ngang nhiên sử dụng đồng tiền như một uy lực để đẩy Thúy Kiều vào cái bẫy của sự khốn cùng, khiến nàng như một đồ vật dễ dàng mua bán!
 
“Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại, chẳng qua vì tiền” – Bọn sai nha chỉ nghe vu vơ “phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ”, rồi cậy công quyền đề phá nhà, cướp của và bắt cha con Vương Ông, Vương Quan. Sau đó dùng chiêu ngon ngọt, tống tiền: “Tính bài lót đó luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” và trắng trợn nói với Thúy Kiều như một việc hiển nhiên phải làm rằng: “Quy liệu trong đôi ba ngày” đủ tiền thì chúng sẽ tha cha con Vương ông!
 
Nhà Thúy Kiều chỉ “thường thường bậc trung” nên không thể có ngay “ba trăm lạng”. Điều đó đã đẩy Kiều vào quyết sách “Rẽ ra cho chị bán mình chuộc cha”! Thế là cuộc mua bán người diễn ra mau chóng. Kẻ mua người là Mã Giám Sinh đã “Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”.
 
Mã Giám Sinh nghe lời Tú Bà – Chủ một cơ sở kinh doanh Lầu xanh – đã cùng nhau dùng tiền “đi dạo lấy người/ Đem về rước khách kiếm lời mà ăn”.
 
Như trên đã thấy rõ hai kiểu tiêu tiền. Thúy Kiều không có tiền, nàng đã phải bán mình lấy ba trăm lạng để báo hiếu – cứu cha, cứu em trai khỏi đi ở tù. Một cử chỉ nghĩa hiệp sáng chói của đồng tiền! Còn bọn nha dịch thì “tham lam, vơ vét xô đẩy Thúy Kiều vào con đường “Bên trời góc bể bơ vơ/Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”! Đến nỗi Kiều phải thốt lên trước sự đánh đập tàn nhẫn của Tú Bà: “Thân lươn bao quản lấm đầu/Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”! Nàng phải chấp nhận “làm gái” để hàng ngày chịu cho Tú Bà “kiếm lời mà ăn” trên thân xác người khác. Đó là những đồng tiền dơ dáy mà Tú Bà nhẫn tâm thu vén!
 
Ngược lại, trong Truyện Kiều Nguyễn Du quan tâm đến cách tiêu tiền sang trọng của một nhà buôn họ Thúc tên Sinh: “khách du bỗng có một người/ kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương”. Chàng tìm đến “Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi/ Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào”.
 
Thúc Sinh là tay chơi, buôn bán lắm tiền, nhiều bạc. Biết thưởng thức cái đẹp trong cuộc sống thương trường. Nhất là với Thúy Kiều thường “khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ/Khi hương sớm, khi trà trưa/Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”. Chàng biết rõ “cái sóng khuynh thành/ Làm cho đổ quán, xiêu đình như chơi” nhưng chàng vẫn “quen thói bốc rời/ Trăm ngàn đổ một trận cười như không”! Chàng là một nhà buôn thành đạt nên không sá chuyện tiêu tiền vào việc nghĩa – cứu một người đẹp sa cơ, lỡ bước. Chàng trân trọng ngỏ “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”! Những lời tình cảm “có cánh” đã làm xiêu lòng người đẹp khiến Thúy Kiều cảm động “Muôn đội ơn lòng/Chút e bên thú, bên tòng dễ đâu”! Nàng cảm phục chàng là người giàu có, lại hào phóng và cũng có “nòi thư hương” nhưng nàng vừa ngại “bên thú, bên tòng” nhưng lại vừa muốn chối bỏ chốn lầu xanh nhơ nhớp, nên đã thổ lộ phó thác vào chàng Thúc Sinh “Thương sao cho vẹn thì thương/ Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng”! Đừng để cho nàng “Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh/ Lại càng dơ dáng dại hình/ Đành thân phận thiếp/ Ngại danh giá chàng”!
 
Nghe nàng thổ lộ tình cảm thật thà, thân thương phân tích phải trái, nên Thúc Sinh tìm ngay gặp mặt Tú Bà: “Rõ ràng của dẫn tay trao/Hoàn lương một thiếp, thân vào cửa công/Công tư đôi lẽ đều xong/Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai”!
 
Nguyễn Du đã miêu tả mối tình đẹp đẽ tình người giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều – đặc biệt là ngợi ca một Thúc Sinh lắm tiền, nhiều bạc và biết tiêu tiền vào một việc ân nghĩa, chí tình, chí lý: “Từ thuở tương tri/Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non/Trăm năm tính cuộc vuông tròn”. Chàng tiêu đồng tiền là có suy nghĩ. Tiêu vào lời thề “non nước/Tính cuộc vuông tròn” chứ không tiêu tiền vào việc không xứng “đồng tiền, bát gạo”! Cao cả hơn, chàng đã biết dùng đồng tiền để cứu nàng thoát khỏi bàn tay nhơ bẩn Tú Bà! – Đúng là đồng tiền nghĩa khí!
 
Trong Truyện Kiều – không phải một lần mà là rất nhiều lần, Nguyễn Du đã bất bình miêu tả những cuộc tiêu tiền bẩn thỉu, hại người như bọn: Sai nha, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh… chỉ mưu đồ đẩy con người “vào kiếp phong trần” là cái kiếp bất công “sao cho sỉ nhục một lần mới thôi” – như kiếp Thúy Kiều!
 
Trong xã hội Truyện Kiều, không chỉ có những loại thương nhân lạm dụng đồng tiền vào việc hại người như trên đã nói – mà Nguyễn Du đã nhìn thấy và miêu tả cả những giai tầng thượng lưu đương thời cũng lạm dụng đồng tiền như một quyền năng xô đẩy con người một cách thô bạo vào sự khổ hạnh – và lấy làm hả hê, sung sướng – hệt như họ có quyền làm như vậy!
 
Điển hình là nhân vật Hoạn Bà – ngang nhiên sai gia nhân là Khuyển và Ưng tổ chức đi bắt Thúy Kiều đã được con rể là Thúc Sinh mua về làm thiếp ở cửa hàng trên Lâm tri. Bọn Khuyển – Ưng phóng hỏa đốt cửa hàng của Thúc Sinh, đổ thuốc mê rồi bắt cóc Thúy Kiều đem về cho Hoạn Bà. Bọn Khuyển – Ưng còn đặt một xác người chết trôi, vô thừa nhận vào cửa hàng đang cháy – vờ đó là Thúy Kiều đã bị chết cháy. Nhưng thực ra, Thúy Kiều không chết, bị Hoạn Bà đem về hành hạ phủ đầu để bịt miệng Thúy Kiều: “Đã đem mình bán cửa tao/ Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này”! Nói xong Hoạn Bà phán ngay: “Nào là gia pháp nọ bay/Hãy cho ba chục, biết tay một lần”!
 
Hoạn Bà cậy quyền gia đình giàu có, là phu nhân quan Thượng thư triều đình nên ra oai, làm chiêu lừa miếng cho con gái là Hoạn Thư có điều kiện hành hạ, làm nhục tinh thần Thúy Kiều phải bỏ ý định làm thiếp với Thúc Sinh – là phu quân Hoạn Thư! Đến nỗi sau đó Kiều phải trốn khỏi nhà Hoạn Thư và rồi lại sa cơ vào lầu xanh một lần nữa!
 
Chưa hết – Nguyễn Du còn miêu tả một quan to ở triều đình cũng đã dùng đồng tiền để đưa Thúy Kiều vào bẫy – Đó là việc Hồ Tôn Hiến nhận lệnh triều đình đi dẹp Từ Hải – là một “đấng anh hùng”. Từ Hải cũng đã phải dùng tiền để làm một nghĩa cử chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh lần thứ hai từ tay Bạc Bà: “Ngõ lời nói với băng nhân/ Tiền trăm lại có nguyên ngân phát hoàn” sau đó cưới nàng làm phu nhân trước binh hùng, tướng giỏi!
 
Hồ Tôn Hiến biết rõ mình không đủ tài sức đọ gan chiến tuyến với Từ Hải, nên đã tìm hiểu: “Biết Từ là đấng anh hùng/Biết nàng cũng dự quân chung luận bàn” – Thế là Hồ Tôn Hiến dùng chiêu lừa dụ vòng vo tới nàng Kiều. Hắn cho “Đóng quân làm trước chiêu an/ngọc vàng, gấm vóc, sai quan thuyết hàng”. Vì biết rõ Thúy Kiều thật thà, cuộc đời đã thấm thía vinh nhục của đồng tiền – lại đang khát khao tìm kiếm đoàn tụ gia đình yên ấm, nên Hồ Tôn Hiến khôn ngoan dùng chiêu “Lại riêng một lễ với nàng/ Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân/tin vào gửi trước trung quân”!
 
Từ Hải ngang tàng, tự tin và nói: “Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi/ sao bằng riêng một biên thùy”!
 
Ngược lại, Thúy Kiều đã chán kiếp giang hồ, nàng thấm thía giá trị đồng tiền mà cuộc đời nàng đã trải nghiệm. Vì vậy tâm trạng của nàng muốn Từ Hải yên thân về với triều đình để nàng có cơ hội gặp và xum họp với gia đình họ Vương!
 
Từ tình cảm đó, Từ Hải mủi lòng, thương Kiều nên đã quyết “Thế công, Từ mới trở ra thế hàng/Chỉnh nghi tiếp sự vội vàng/Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đường giải binh”!
 
Không ngờ - đó chỉ là chiêu lừa đảo của Hồ Tôn Hiến đối với Thúy Kiều và Từ Hải mà thôi! Hồ-Tôn-Hiến liền “Quyết kế thừa cơ/Lễ tên, binh hậu khắc cờ lập công/kéo cờ chiêu phủ tiên phong” – trong khi Từ Hải: “Đang khi bất ý chẳng ngờ/Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”! Cuối cùng: “khí thiêng khi đã về thần/Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng”! Từ Hải uất quá đã chết đứng trước vòng tên đạn của Hồ Tôn Hiến!
 
Thúy Kiều một lần nữa bị lừa bởi đồng tiền của Hồ Tôn Hiến đã sử dụng một cách hèn mạt khi không đối đầu được với Từ Hải! Thúy Kiều hối hận và đã phải khóc dưới chân Từ Hải: “trí dũng có thừa/Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này/ Mặt nào trông thấy nhau đây/Thà liều sống chết một ngày với nhau/Dòng thu như xối cơn sầu/ Dứt lời, nàng cũng gieo đầu một bên/Lạ thay ơn khí tương triền/ Nàng vừa gục xuống, Từ liền ngã ra”!
 
Nguyễn Du đã nhìn rõ trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ thương mại đã phát triển. Các nhà buôn tự do chưa có tâm hướng “thiện - ác” rõ ràng – Họ chỉ quen sử dụng tiền bạc như là một quyền năng tối ưu để dành cuộc sống hơn người! Và vì vậy, nhiều cuộc đời trong xã hội phải gánh chịu bất công – như Thúy Kiều đã bị đẩy vào cuộc sống giang hồ đến 15 năm dòng!
 
Trong xã hội ngày nay - trước khi trở thành Nhà Doanh nghiệp, họ đã ý thức rõ đối tượng của doanh nghiệp là ai? Vì thế họ đi đúng hướng và thu lại được nhiều tình cảm tốt đẹp của người tiêu dùng! Nhưng cũng không ít các doanh nhân vì lợi nhuận đồng tiền để buôn bán những sản phẩm có hại cho sức khỏe con người – Điều đó cũng đúng như Nguyễn Du xưa cũng đã nói trong Truyện Kiều rằng: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”! Câu nói ấy như một kim chỉ nam khi người doanh nhân buôn bán và sử dụng đồng tiền trên thương trường và trong xã hội sao cho có Tâm có Tín!.
 
 
Theo Bùi Vụ - Phương Văn/kieuhoc.com
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.