Thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, nghe câu hát Dân ca, những vở Chèo đặc sắc… là những điều không thể thiếu khi đến Việt Nam của mỗi du khách nước ngoài. Nhưng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) lại là món quà đặc sắc để họ gửi đến người thân.


Tranh Đông Hồ - Một nét văn hóa dân gian


Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.

Tranh Đông Hồ mang đậm nét dân gian thể hiện trong nội dung, đường nét, màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen, xanh, vàng, đỏ… Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được nghệ nhân khắc thêm những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn.

Bóc tách từng lớp nang văn hoá trên mỗi bức tranh Đông Hồ cho thấy vốn văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng và hết sức độc đáo. Một trong những địa chỉ quảng bá nét văn hoá truyền thống tranh Đông Hồ với khách du lịch quốc tế là cửa hàng Tranh dân gian Đông Hồ 16 Chân Cầm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây chính là cửa hàng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong số ít nghệ nhân còn lại của làng tranh Đông Hồ.

Chị Mai Thị Thanh Huyền (con dâu ông Nguyễn Đăng Chế), chủ cửa hàng tranh dân gian Đông Hồ chia sẻ: “Gia đình mở cửa hàng chủ yếu để quảng bá thương hiệu tranh dân gian dân tộc. Mỗi người bạn nước ngoài tới Việt Nam, ghé lại quán tranh được giới thiệu, chia sẻ với họ về tranh Đông Hồ. Nhiều du khách tìm đến với cửa hàng thông qua những người bạn giới thiệu. Họ đến để tìm hiểu nét truyền thống, dân gian, cái đặc sắc của tranh, và họ mua về làm quà tặng bạn bè, người thân”.

Chị Bualian Saythilat, người Lào, đang là sinh viên cao học khoa Sinh học trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Mình rất yêu văn hoá Việt Nam, thường nghe hát Quan họ trong các buổi biểu diễn của trường, và mỗi khi về nước, trong hành lý không thể thiếu những tấm bưu thiếp làm từ giấy điệp vẽ tranh Đông Hồ. Đây là món quà mình thường chọn lựa dành tặng bạn bè, người thân trong những ngày lễ quan trọng”.

Mỗi ai đã đến với làng Hồ, đã ngắm tranh Đông Hồ đều không thể quên những đường nét, sắc màu chân quê, đích thực Việt Nam. Với những chất liệu nghệ thuật độc đáo, qua năng lực sáng tạo tài hoa tranh Đông Hồ đã thăng hoa thành nghệ thuật tạo hình dân tộc, làm giàu thêm kho báu mỹ thuật của nhân loại.