Tranh sơn dầu, sơn mài đã và đang áp đảo tranh lụa trên thị trường tranh Việt Nam trong suốt nhiều năm. Thực tế đó khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng tranh lụa Việt Nam đang mất dần?
Tác phẩm Tổ đan mây của danh họa Nguyễn Phan Chánh.
Tranh lụa đã từng có khoảng thời gian là niềm tự hào của nền mỹ thuật Việt Nam với những tên tuổi của Nguyễn Phan Chánh, sau nữa là Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ…Một vài tác phẩm tranh lụa của Việt Nam được trả giá rất cao tại các cuộc đấu giá tranh trên thế giới càng khẳng định vị thế tranh lụa trong nền mỹ thuật Việt Nam.
Dù vậy, tranh lụa có chính xác từ bao giờ vẫn khó khẳng định bởi thời phong kiến, hội họa không phát triển ở nước ta. Cho đến nay chỉ còn vài bức tranh lụa từ thế kỷ 19 vẽ chân dung vua chúa, hoàng tộc hoặc các danh nhân dùng để thờ cúng. Bức tranh lụa được cho là sớm nhất của Việt Nam là bức chân dung Nguyễn Trãi được vẽ từ thế kỷ 15 nhưng do ai là tác giả thì chưa rõ. Cho đến khi Việt Nam có trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, năm 1925, các giảng viên của trường vốn là người Pháp đã giới thiệu và khuyến khích sinh viên sử dụng 2 chất liệu là sơn mài, lụa thì khi đó tranh lụa Việt Nam mới thực sự hình thành. Những học viên đầu tiên của trường – những người sau này đểu trở thành những họa sĩ tài danh như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Quế, Lương Xuân Nhị.. đều vẽ tranh lụa. Tuy nhiên người vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp và chọn lụa làm chất liệu chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác của mình chỉ có danh họa Nguyễn Phan Chánh. Nhiều người còn ví von Nguyễn Phan Chánh là “ông tổ” của tranh lụa Việt Nam. Được đào tạo hoàn toàn theo lối Tây học nhưng lại là người mang trong mình truyền thống dân tộc, cùng với niềm đam mê nghệ thuật thư pháp, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã sớm bộc lộ tình yêu với tranh lụa. Tranh của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối biểu tượng hình của phương Tây và lối tư duy phương Đông. Sẽ là không quá nếu nói rằng, nhờ ông mà nghệ thuật tranh lụa của Việt Nam đã được thế giới biết đến. Tháng 5 năm 2013, tác phẩm Người bán gạo của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán đấu giá trong một cuộc đấu giá của nhà Christie’s International tổ chức ở Hồng Kông. Ở đây, tác phẩm đã được bán với giá 390.000 USD tương đương 8 tỉ tiền Việt Nam.
Tác phẩm tranh lụa Người bán gạo của Việt Nam được bán với giá 8 tỉ trong một cuộc đấu giá năm 2013
Tính đến thời điểm đó thì Người bán gạo là tác phẩm ( của họa sĩ người Việt ) được mua với giá cao nhất. Nguyễn Phan Chánh cũng là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VIệt Nam tính đến nay.
Mặc dù tranh lụa là loại tranh đã xuất hiện từ rất lâu tại các quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Nếu xét về yếu tố thời gian thì tranh lụa Việt Nam còn quá non trẻ, nhưng tranh lụa Việt Nam lại khẳng định được bản sắc rất riêng. Kỹ thuật vẽ cũng như tạo hình, sử dụng màu sắc khắc hẳn với những quốc gia cũng có tranh lụa trên thế giới. Nét nổi bật nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một mảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.
Thập niên 80, tranh lụa Việt Nam thực sự là “món hàng” đắt giá được giới sưu tập trong cũng như ngoài nước tìm kiếm. Nhưng cho đến đầu những năm 90, thị trường tranh Việt Nam bùng nổ với 1 số tên tuổi mới thời kỳ đó như Thành Chương, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương…sự thay thế của tranh sơn mài, sơn dầu khiến cho tranh lụa mất dần chỗ đứng. Kể từ ngày đó cho đến nay, người yêu nghệ thuật ngày càng ít có thể thấy những tác phẩm tranh lụa mới, có chăng cũng rất mờ nhạt, không có giá trị nổi bật, không được chú ý. Các cuộc triển lãm tranh lụa nhiều năm liền không được tổ chức bởi họa sĩ theo đuổi chất liệu lụa gần như không có, có cũng chỉ là vẽ thử nghiệm rồi dần dần chuyển sang chất liệu khác chứ không có sự chuyên sâu. Tranh lụa Việt Nam từ chỗ là niềm tự hào của hội họa Việt Nam giờ trở thành chất liệu sản xuất tranh souverir rẻ tiền được bày bán ở các điểm du lịch.
Vì sao có sự tụt hạng đó, vì sao tranh lụa bị lãng quên và mất dần thì có rất nhiều nguyên nhân. Có người cho rằng bởi lớp họa sĩ sau này không tìm ra chủ để nào mới cho tranh lụa khiến cho thể loại này mãi loanh quanh với các chủ đề cũ như: phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài... Lối vẽ cũng vậy, không có sự tìm tòi, sáng tạo, hầu như cũng không có gì thay đổi, vẫn kiểu tả cảnh êm đềm mờ nhạt. Do vậy, tranh lụa không mang đến một cảm giác mới, một tinh thần mới cũng như một thông điệp mới nào cho người xem. Ngoài ra không thể không công nhận yếu tố hút mắt của tranh sơn dầu, sơn mài với những màu sắc nổi bật, hình họa sắc nét khiến cho tranh lụa càng trở nên khó gây sự chú ý đối với công chúng. Bên cạnh đó tranh lụa được bồi giấy, sau vài năm, chất hồ bị hủy làm cho cả phần giấy và phần lụa cũng bị vỡ theo từ đó bức tranh thành những mảng rời rạc, tác phẩm cũng theo đó mất đi nhiều phần giá trị nghệ thuật. Bảo quản tranh lụa cũng khó hơn nhiều so với bảo quản tranh sơn mài và sơn dầu, do vậy mà nhiều nhà sưu tập “ngại” lưu giữ loại tranh này.
Tác phẩm tranh lụa : Ra đồng của Nguyễn Phan Chánh
Tác phẩm Bữa cơm mùa thắng lợi của Nguyễn Phan Chánh
Tranh lụa Việt Nam có bản sắc rất riêng không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Dù vậy, có một thực tế là tranh lụa không bắt mắt như tranh sơn mài, sơn dầu bởi màu sắc thường mờ nhạt. Bên cạnh đó, tranh lụa cũng khó bảo quản hơn những loại tranh khác. Lớp bột hồ sau một thời gian bị hủy khiến cho cả bức tranh trở thành những mảng rời rạc, mất đi nhiều phần giá trị.
Những ai quan tâm đến hội họa Việt Nam sẽ biết rằng, những năm gần đây “sơn ta” cũng là một chất liệu truyền thống của Việt Nam giống như “lụa” đang dần trở lại sau một thời gian dài bị thay thế bởi sơn tây trong các sáng tác tranh sơn mài. Thực tế này khiến cho nhiều người hy vọng tranh lụa sẽ sớm trở lại và có thể “phục hưng”?
Với nền tảng vững vàng, với sự tin tưởng từ những người làm nghề và sự đánh giá cao của quốc tế hy vọng rằng tranh lụa Việt Nam sẽ tìm về thời hoàng kim và khẳng định niềm tự hào của hội họa Việt Nam.