Nguyễn Du
Loading...
Truyện thơ Nôm bác học trong đời sống của người bình dân
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
( Nguyễn Du – Trích Truyện Kiều )
Con người tài hoa ôm nỗi đau thời thế - Đại thi hào Nguyễn Du có lẽ không thể ngờ rằng, đứa con tinh thần, nỗi đau đớn đến đứt ruột của ông đã trở thành bạn lòng của bao thế hệ người Việt. Các thế hệ trí thức người Việt mê Truyện Kiều, ngay cả ông vua Tự Đức giận tím người vì những lời thơ Nguyễn Du dành cho nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều cũng phải thừa nhận Mê gì như mê tổ tôm, mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều. Nhưng sức sống bền chặt nhất của Truyện Kiều trước hết phải khẳng định trong đời sống của người bình dân.
Vậy vì sao một truyện thơ Nôm bác học, tiếng lòng của một trí thức phong kiến, một quan sai của tầng lớp thống trị lại đến được gần và sau đó ngự trị được trong đời sống của người lao động?
Người bình dân Việt Nam không biết đọc chữ Nôm. Họ chỉ nghe các nhà Nho ngâm Kiều, họ thích Kiều và thuộc Kiều – một truyện thơ dài 3254 câu. Lý do trước hết có lẽ bởi Truyện Kiều được viết theo thể thơ lục bát, một thể thơ do chính người bình dân sáng tạo ra và vì thế diễn tả được một cái gì rất sâu trong nhịp tình, nhịp ý, nói chung là nhịp sống của người nông dân đất Việt (Hoài Thanh). Nguyễn Du đã biết khai thác nhịp điệu uyển chuyển dịu dàng vốn có của thể thơ lục bát để viết nên những câu thơ tả cảnh, tả tình da diết tạo sự đồng cảm sâu xa trong lòng người:
- Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu
Gió chiều như giục cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
- Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một mình
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
- Mịt mù dặm cát đồi cây
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương
Canh khuya thân gái dặm trường
Phần e đường sá phần thương dãi dầu
- Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rờ
Tác giả Đào Thản trong bài viết Một vài đặc điểm của ngôn ngữ Truyện Kiều đã khẳng định:… ngôn ngữ Truyện Kiều trước hết là ngôn ngữ bắt nguồn trong tiếng nói của nhân dân quần chúng… Quả thật ngôn ngữ Truyện Kiều gần với “thôn ca” hơn bởi vì từ gốc rễ, nhiều yếu tố dân ca, ca dao được chọn lọc, trau dồi, được bồi bổ và nâng cao do một thiên tài của nhân dân và dân tộc. Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, Nguyễn Du đã có hơn mười năm lăn lộn chật vật ở các vùng nông thôn khác nhau, là dịp Nguyễn Du học hỏi, nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Tiếng hát nơi thôn xóm giúp ta học được ngôn ngữ của người đánh sợi trồng dâu). Điều này cũng phần nào giải thích vì sao Truyện Kiều là một truyện thơ Nôm bác học lại đến gần và có sức sống bền chặt trong đời sống người lao động bình dân.
Phải là một tác giả có quan điểm nhân dân sâu sắc thì mới có thể viết những câu thơ xuất sắc sử dụng được tục ngữ, thành ngữ và khẩu ngữ của nhân dân một cách sáng tạo:
Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.
- Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
- Nghĩ rằng: Ngứa ghẻ hờn ghen
Xấu chàng mà có ai khen chi mình
Nhà thơ Xuân Diệu khi bàn về Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều đã rất tâm đắc với mấy câu thơ đậm tính khẩu ngữ:
- Rằng: “Như hẳn có thế thì…
- Sở Khanh lên tiếng rêu rao
Nọ nghe rằng có con nào ở đây.
- Bớt lời, liệu chớ sân si, thiệt đời!
Có thể khẳng định, với chất liệu ngôn ngữ của người bình dân, bản chất hiện tượng đã được thể hiện một cách sống động nhất. Một vấn đề cần nói thêm ở đây, trước Nguyễn Du, một số tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều và Phạm Thái cũng đã xuất hiện nhiều yếu tố khẩu ngữ của nhân dân nhưng do quan điểm khác nhau, các tác giả ấy chỉ dùng khẩu ngữ khi nói về những hành vi xấu xa, đê tiện nhằm mục đích chế diễu. Truyện Kiều khác hẳn. Nguyễn Du đã nâng khẩu ngữ lên thành một yếu tố không thể thiếu được trong ngôn ngữ nghệ thuật. Nhà thơ đã thực sự trân trọng, đề cao, chọn lọc và tiếp thu lối nói của quần chúng để làm phong phú sức biểu hiện của ngôn ngữ trong tác phẩm của mình. Không chỉ khi viết về các nhân vật phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc Bà, khẩu ngữ còn xuất hiện bên cạnh những từ ngữ ước lệ của văn học cổ điển làm tăng sức gợi của tâm trạng:
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Sự phối hợp ở đây đã đem lại cho khẩu ngữ vị trí xứng đáng trong ngôn ngữ văn học.
Không chỉ sử dụng khẩu ngữ, Truyện Kiều còn có những lối nói, cách diễn đạt, các biện pháp tu từ mang đậm chất dân gian.
Đó là lối nói so sánh:
- Phận sao phận bạc như vôi…
- Một vùng lặng ngắt như tờ…
- Người yêu ta xấu với người
Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau.
- Nghe tin mở mặt mở mày
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
Là lối nói sắc, mạnh mang nhiều hình ảnh táo bạo:
- Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người
- Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay
- Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao
Hay như cách dùng đại từ phiếm chỉ ai thường thấy trong ca dao đôi lứa:
- Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có biết tình chăng ai.
- Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
Lạ gì thanh khí, lẽ hằng
Một dây buộc một ai giằng cho ra
- Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu
Để ai trăng tủi , hoa sầu vì ai
- Bấy giờ ai lại biết ai,
Dẫu lòng bể rộng, sông dài thênh thênh.
Xét trên bình diện văn chương bác học, Truyện Kiều là tác phẩm trung đại sử dụng khá dày đặc các điển tích, điển cố. Bên cạnh ưu điểm hàm súc, thâm thúy, điển tích, điển cố yêu cầu vốn văn hóa hiểu biết rộng rãi ở cả người viết và người đọc nó. Vậy nhưng, người lao động bình dân ít học, hay đúng hơn là không có học vẫn hiểu Truyện Kiều, hiểu điển tích, điển cố dù không biết về nguồn gốc của nó:
- Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh
- Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì.
- Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc Tử đã vừa người ôm…
- Nhớ ơn chín chữ cao sâu…
Truyện Kiều đến với người bình dân, có sức lan tỏa sâu trong đời sống của người dân lao động trước hết bởi một hình thức nghệ thuật gần gũi với văn hóa dân gian. Nhưng một tác phẩm văn chương người ta thích bao giờ cũng là một tác phẩm trong đó, trực tiếp hay gián tiếp, người ta đã tìm thấy ít nhiều hình ảnh của người ta. Nó là một con đường để người ta đi rộng hơn, sâu hơn vào chính cuộc sống của người ta, chứ không phải một con đường có thể đưa người ta đi phiêu lưu ở những phương trời vô định ( Hoài Thanh). Người bình dân yêu Kiều bởi từ câu chuyện cuộc đời của một người con gái tài sắc vẹn toàn mà lại bạc mệnh, họ ít nhiều đã bắt gặp mình trong đó. Nguyễn Đình Chú trong Nguyễn Du trong thời đại Hồ Chí Minh có kể lại: Tại Tiên Điền, quê hương Nguyễn Du , năm 1962, ông đã bắt gặp một người chuyên nghề bói Kiều, một chữ Nôm chưa từng học nhưng trong nhà vẫn có một quyển sách Kiều để bói. Chỉ bất cứ đoạn nào bảo thầy đọc, thầy đọc không sai một chữ. Hỏi ra mới biết, trong nạn đói năm Ất Dậu (1945), nhà người nông dân này đã chết đói mất chín người. Buồn quá mà tìm đến Truyện Kiều để gắn bó một cách kì lạ như thế. Có lẽ trong xã hội xưa, đã có rất nhiều tiếng lòng đồng cảm như thế. Những tình, những cảnh trong đời Kiều cũng là những tình, những cảnh trong đời họ. Khi quyền sống của những người thấp cổ bé họng không được coi trọng, thân phận người phụ nữ bị chà đạp, số phận nàng Kiều đâu khác những người con gái:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt rơi xuống giếng, hạt ra ruộng cày
- Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Bao cô gái bình dân trong xã hội xưa đã phải chôn vùi những rung động đầu đời chấp nhận cảnh gả bán:
Thương anh chẳng dám nói ra
Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.
Sống dưới cái ách của một chế độ suy tàn đè nặng lên đầu mình cả hai phương diện tinh thần và vật chất, hình ảnh Từ Hải:
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao
Đường đường một đáng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài…
Đội trời đạp đất ở đời
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
- Đòi phen gió quét mưa sa
Huyên thành đạp đổ năm tòa cõi Nam
Cũng chính là giấc mơ của người bình dân được gửi gắm trong ca dao:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa ra quét lá đa.
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Truyện Kiều trở thành sách bói bởi lẽ trong bất kì cảnh ngộ nào người bình dân cũng có thể tìm thấy một vài câu Kiều hợp cảnh. Họ bắt gặp mình trong những giây phút băn khoăn, rạo rực của tình yêu, trong những buồn thương, oán thán của bể khổ trầm luân cuộc đời, trong khát vọng về tình yêu hạnh phúc, khát vọng về lẽ công bằng… Kiều đã bước từ trang sách ra cuộc đời, sống cùng bao nỗi niềm của người bình dân:
- Anh xa em như bến xa thuyền
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng biết mấy niên cho tái hồi.
- Bóng ai thấp thoáng xa xa
Hình như Kim trọng đến nhà Kiều, Vân
Và cũng bởi vì thế, thật khó xác định Nguyễn Du tiếp thu ca dao hay nhân dân vay mượn chữ nghĩa của Truyện Kiều trong những câu thơ:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Truyện Kiều )
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.
(Ca Dao)
Và:
Thức khuya dậy sớm chuyên cần
Quạt nồng ấp lạnh, giữ phần làm con.
(Ca Dao)
Xót người tựa của hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
(Truyện Kiều )
Hay:
Chén ngà sánh giọng quỳnh tương
Mời chàng nho sĩ văn chương bước vào.
(Ca Dao)
Chén ngà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng
(Truyện Kiều )
Đúng như cố học giả Đặng Thai Mai đã khẳng định: Trong lịch sử văn chương thế giới, hiện tượng tác phẩm có khả năng đi sâu vào quảng đại quần chúng kiểu như Truyện Kiều là không nhiều. Sự tiếp nhận ấy tự bản thân nó đã khẳng định giá trị và sức sống của một tác phẩm văn học./.
Nguyễn Thị Anh Vân - Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
(Tham luận Hội thảo Nguyễn Du - Truyện Kiều với quê hương Nghi Xuân)
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.