Nguyễn Hành, tên thật là Nguyễn Đạm (Đàm), tự là Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Ngọ Nam hay Song Nam, Tâm trai hoặc nhật Nam. Ông là con của Địch Hiên công Nguyễn Điều, cháu nội của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm và gọi Đại thi hào Nguyễn Du là chú ruột.


Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền ghi, mẹ là bà kế thất của Địch Hiên công Nguyễn Điều, tên là Nguyễn Thị …(mất chữ),  con gái thứ 4 của Thiếu Bảo Đạt võ hầu, người làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (Bắc Ninh). Sinh vào ngày rằm, tháng 4 năm Tân Mão (28/4/1771), tập ấm là Hiển cung Đại phu phó Trung úy tước Hành Nhạc bá (do đón tên thường gọi là Nguyễn Hành). Ông thông minh, hoc rộng và có 2 tập thơ chữ hán là Quan Hải, Minh Quyên và có chép bộ Thiên địa nhân vật thư.


Hậu thế đánh giá về ông: Nổi tiếng về thơ, không hợp tác với triều Tây Sơn và triều Nguyễn, cam phận sống nghèo khổ và lúc nào cũng ôm ấp tâm sự hoài Lê. Sáng tác thơ của ông phần lớn ra đời dưới thời Nguyễn. Là nhà thơ suốt đời sống nghèo ở quê nhà, hoặc lưu lạc ở Thăng Long, nên những bài thơ hay nhất, có giá trị nhất là những bài ông nói tới cái hiện thực xã hội. Ông đả kích hệ thống quan lại giàu có ăn chơi xa hoa, không chú ý gì đến cuộc sống của những người nghèo khổ. Thơ ông còn nói về những thiếu thốn về vật chất, những day dứt buồn chán vì sinh bất phùng thời, nỗi hoài vọng về một quá khứ vàng son và cái cô đơn lạc lõng. Ông còn làm thơ ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên và ghi lại trận dịch làm chết mấy chục vạn người xảy ra vào mùa thu năm Canh Thìn (1820).
Nguyễn Hành mất ngày 23 tháng 12 năm Giáp Thân (23/1/1824) tại kinh thành Thăng Long. Thọ 53 tuổi.


Ông cùng với chú là Nguyễn Du là được xếp vào nhóm “An Nam ngũ tuyệt”, là 2 trong 5 nhà thơ giỏi nhất nước ta thời bấy giờ.