Văn tế thập loại chúng sinh qua tranh Tô Bích Hải

Người mang hai dòng máu sống xa quê hương tới một lúc nào đó luôn bị lương tâm cật vấn “Mình là ai? Và mình từ đâu tới?”, thôi thúc đi tìm gốc rễ, “cái gốc ăn sâu vào đất. Nhưng đất nào đây?”, bởi đất ngụ cư và đất chôn nhau cắt rốn đều thân thiết, đều là một phần da thịt, con tim và óc não của mình.


Họa sĩ Tô Bích Hải cắt băng khai mạc triển lãm

Đó là tâm trạng chung đã thể hiện lên tâm hồn riêng của Tô Bích Hải, người họa sĩ sinh ra và lớn lên ở miền núi xứ Tày nhỏ bé hoang sơ bị kẹp giữa hai nước Việt - Hoa.

Rời quê vào tuổi đôi mươi với tình yêu thiên nhiên và đam mê nghệ thuật, chị đã ngao du để được tiếp cận với các nền văn minh từ Âu sang Mỹ. Năm tháng cặm cụi kiếm tìm, chị phác thảo lên mặt giấy những nét từ mờ nhạt, rồi ngọn bút cứ đẩy đưa chị cho đến ngày mọi sinh vật, những tình huống, mọi giai cấp cuộc đời cứ như từ hậu trường lừng lững bước ra, và chị giật mình: đâu đó trong những bóng hình mông lung chìm nổi, vô tình đã hiển lộ toàn thể chúng sinh trong Văn tế thập loại mà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã vực dậy bằng lời.

Chị đã tìm thấy cội nguồn, không từ nơi mình chào đời mà là nơi sinh sống và ngao du. Chị đã tìm thấy cội nguồn với bước đầu bằng những hồn ma bóng quế xứ người...và chị nhất định vực họ lên nhờ cụ Tiên Điền tế độ. Và chị để trọn hồn mình lao đao theo họ bằng 17 bức tranh trên giấy lụa mỏng manh như số phận con người, thanh tao như linh hồn đã thoát tục, buồn buồn như Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, toát hơi may lạnh buốt xương khô…

Cuộc triển lãm diễn ra trong nhà bảo tàng Điềm Phùng Thị, hai người đàn bà tài hoa của hai thế hệ gặp nhau trong không gian Huế trầm tịnh giữa Festival 2012, đã lôi cuốn được khá đông khách tham quan trong nhiều ngày. Bởi nó lạ chưa hề thấy, nó thanh vì không màu sắc chói chang, nó gây xúc động vì có chủ đề u buồn, nó trang trọng vì nói lên kiếp trầm luân nhân thế, nó mang âm hưởng thiêng liêng khiến người xem trao đổi phải thì thầm. Cũng có kẻ lỡ làng một tiết, liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa, mà không xiêm y sắc màu lộng lẫy hay trâm cài lược giắt, bởi vì trên tranh Tô Bích Hải họ đã ngẩn ngơ khi trở về già… Kẻ giàu sang phú quý dù được đội mũ trên đầu nhưng với đôi chân trần, bởi Của phù vân dẫu có như không. Sống thời tiền chảy bạc dòng, thác không đem được một đồng nào đi… Toàn thể không có không gian bát ngát, không kỹ xảo điệu đàng hay hoa cỏ màu mè, tất cả chỉ là những sinh linh trừu tượng màu chì nhu nhã xanh da trời hay càphê nhạt. Cái hồn văn tế bằng nét cọ thoạt nhìn đã nổi da gà, đã thấy và nghe được cõi dị thường.

 

Họa sĩ Tô Bích Hải giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật của mình

Tình cờ có một vị sư đến xem tranh, cảm tác đã tụng kinh cầu nguyện. Dưới ánh đèn vàng trườn ra từ giữa các bức tranh bắt chéo, đèn trên cao rọi xuống, trong khói nhang bảng lảng, giọng ngân nga kinh kệ tiếng Phạn bí ẩn… các khuôn mặt trong tranh như được ban phát linh hồn, lấy được hơi thở, ý thức được khung cảnh chung quanh, lung linh, sống động. Rất nhiều khách trẻ đến xem triển lãm, một cô gái đã khóc khi chị bạn giải thích bức tranh có nhiều hài nhi với ghi chú Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra…, cũng như nhiều người sau khi chăm chú nhìn tranh đã kín đáo quay mặt đưa tay chặm mắt.

Có hoạ sĩ nào làm công việc này chưa? Nếu chưa thì Tô Bích Hải đã sáng tạo một cách mới cho nghệ thuật. Nếu rồi thì ít nhất chị đã vinh danh văn hoá nước nhà bằng cách làm sống động tác phẩm Nguyễn Du bằng hội họa. Ngoài việc nó gây “ấn tượng” vì rất ẩn dụ và độc đáo, người xem đừng chờ đợi một cái gì “hoành tráng” xôm trò, hãy để lòng nhẹ nhàng thanh thản đến với tranh, bởi vì khi mò mẫm để hình thành chúng, một Tô Bích Hải với phong thái khiêm cung đã đem cả hồn lẫn xác “thực hiện một cuộc hôn phối giữa đá và giấy lụa bằng cách cọ xát và mơn trớn như một làn da”.