Trong cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo(1), GS. Hoàng Xuân Hãn đã tập hợp được 7 bản dịch Chinh phụ ngâm. Trong đó có bản thứ ba (GS. gọi là bài C), GS. Hoàng Xuân Hãn nghi là của Nguyễn Khản. GS. nói: "Không có tài liệu nào có thể cho biết tác giả. Tôi tự hỏi có phải của Nguyễn Khản chăng?".

 

Vừa qua tình cờ tôi được đọc một cuốn sách Hán - Nôm chép tay ở Thư viện Quốc gia (TVQG) có nhan đề là "Nam phong giải trào"(2). Ở phần cuối cuốn sách này có chép bản dịch Chinh phụ ngâm (Chinh phụ ngâm diễn âm) ghi rõ người dịch là Nguyễn Khản, nhưng không phải là bài C trong cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo mà GS. Hoàng Xuân Hãn đặt vấn đề tồn nghi. Bài dịch của Nguyễn Khản chính là bài F (bài thứ 6) mà GS. Hoàng Xuân Hãn đã ghi người dịch là "Vô danh". Tôi đã đối chiếu hai bản thì thấy hoàn toàn trùng hợp, tuy có một số chỗ xuất nhập nhưng không đáng kể, bản của GS. Hoàng Xuân Hãn có 200 câu, bản của TVQG 192 câu (thiếu 8 câu). GS. Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét bài F như sau: "Văn điêu luyện, bóng bẩy… Ta có thể tìm những vế Hán văn ứng với mỗi vế trong bài dịch…". Như vậy có một điều chắc chắn là ngoài Đoàn Thị Điểm và Phan Huy Ích ra, Nguyễn Khản cũng có một bản dịch Chinh phụ ngâm mà nhiều nhà Nho trước đây đã có dịp ghi lại.

Nguyễn Khản (NK) sinh năm 1734, con cả Nguyễn Nghiễm, anh Nguyễn Du, học thông minh, năm 20 tuổi đậu Hương cống, năm 27 tuổi đậu Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư Bộ Lại, tước Toản Quận công, chức Tham tụng. Ông là một người hào hoa phong nhã, thích hát xướng.

Trong cuốn Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ - một danh sĩ gần như đồng thời với Nguyễn Khản (kém Nguyễn Khản 31 tuổi) đã viết về ông như sau:

“Khi chúa Trịnh Thịnh Vương còn ở Lưỡng quốc phủ, thì ông Nguyễn Khản làm phiên liêu, hàng ngày được vào hầu yến trong nội cung Thịnh Vương, thân thiết như bạn áo vải. Năm Đinh Hợi (1767) thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm Quản nhất hùng cơ, tước Kiều nhạc hầu. Khi ấy trong nước bình yên vô sự. Thịnh Vương lại thích đi ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá, thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh nghe hát, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông được đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát”(3).

Chúa Trịnh từng viết tặng ông bốn chữ “Nhị giáp phụ tử”. Người xứ Nghệ gọi ông là “Phong lưu đại thần”.

Phạm Đình Hổ còn kể một câu chuyện vui là một lần Nguyễn Khản tổ chức bữa tiệc thiếu chè uống, nhân có quan Trung sứ ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: Thần Khản khất trà nhất lạng. Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban cho một hòm chè.

Có lần Khản mệt không vào chầu và không đi câu với chúa được, chúa gửi bài thơ trách ông:

“Đã phạt năm đồng bỏ buổi chầu
Lại phạt năm đồng bỏ buổi câu
Nhắn bảo ông bay về nghĩ đấy
Hãy còn phạt nữa chửa tha đâu”.

Ông đã họa thơ đáp lại, thanh minh rất khéo:

“Váng vất cho nên phải cáo chầu
Phiên chầu còn cáo, nữa phiên câu
Trông ơn phạt đến là thương đến
Ấy của nhà vua chứ của đâu”

Điều này chứng tỏ Nguyễn Khản là một người tài hoa và sành thơ Nôm.

Sự nghiệp sáng tác thơ văn của ông không nhiều, lẻ tẻ có một số bài thơ đề ở các đền chùa, những bài thù ứng và bản dịch Chinh phụ ngâm.

Phần đầu bản dịch này có ghi hai câu chữ Hán giới thiệu rõ tác giả Chinh phụ ngâm là Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, về sau Tiến sĩ chức Quản Nhất Hùng Cơ, tước Kiều Nhạc Hầu là Nguyễn Khản người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân diễn ra quốc âm.

Bản dịch này nói đúng ra là một bản phỏng dịch, rút gọn lại rất nhiều so với nguyên bản. Cụ thể là bản chữ Hán của Đặng Trần Côn có 470 câu, mà bản dịch của NK chỉ có 192 câu (hoặc 200 câu như trong cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo của HXH) viết theo thể lục bát, lời văn chải chuốt, có những đoạn bám sát nguyên bản:
“Vị kiều giục giã đăng trình,
Nước xanh lai láng, cỏ xanh rầu rầu.
Tiễn đưa treo một gánh sầu,
Con thuyền nặng chở, vó câu nhẹ bồn” (C10 - 13)
(Vị kiều đầu thanh thủy câu
Thanh thủy biên thanh thảo đồ.
Tống quân xứ hề tâm du du,
Quân đăng hồ hề thiếp hận bất như châu.)
“Kẻ đi, mưa gió mịt mùng
Kẻ về, chăn chiếu lạnh lùng phòng hương.
Tấc niềm vò võ đôi phương,
Hàm Dương chàng ngóng,
Tiêu Tương thiếp ngừng.
Hàm Dương, khói tỏa mấy từng
Tiêu Tương, cây cũng ngất chừng thẳm sâu.
Xanh xanh nọ khóm ngàn dâu,
Nỗi chàng, nỗi thiếp, đong sầu nhường bao” (C23 - 30)
(Lang khứ trình hề mông vũ ngoại,
Thiếp quy xứ hề tạc dạ phòng.
Quy khứ lưỡng hồi cố,
Vân thanh dữ sơn thương.
Lang cố thiếp hề Hàm Dương,
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương.
Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ,
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang.
Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang.
Mạch thượng tang, mạch thượng tang,
Thiếp ý quân tâm thùy đoản tràng?)
Xưa nay ở áng chiến trường
Đã đành gối bác, nằm sương dãi dầu (C33 - 34)
(Cổ lai chinh chiến trường,
Vạn lý vô nhân ốc.)

Trong bản chữ Hán khi nhắc đến những kỷ vật cũ gồm 16 câu. (Thiếp hữu Hán cung thoa… Tha hương hạnh trân trọng), nhưng trong bản dịch chỉ có 6 câu cô đọng, mà vẫn giữ được những ý chính:
Chỉ hoàn, nhẫn thiếp đeo tay,
Trâm đầu ngọc thiếp xưa nay giữ giàng.
Hán thoa của thiếp hồi trang,
Gương Tần của thiếp với chàng soi chung.
Mượn ai đưa đến cho cùng
Tỏ lòng chếch mác, ngụ lòng khát khao (C65 - 70)

Có những đoạn dịch rất thanh thoát, sáng tạo và sát với nguyên bản:
Hoàng hôn, trước chái thẩn thơ,
Trăng tròn, gối chếch, lần mơ giấc hòe.
Biếng cài, búi rối dường xe
Xiêm nghê lỏng lẻo, mình ve võ vàng.
Êm đềm rủ bức mành tương,
Ngày mong tin thước, đêm nương bóng đèn (C78 - 83)

Nương song, thở vắn, thở dài,
Như nung gan sắt, như mài lòng son.
Giấc nào thẳng, bữa nào ngon,
Nương sầu làm gối, nấu buồn làm thang.
Chơi hoa, hoa cũng bẽ bàng,
Dã đề cùng rượu, rượu càng lạt hơi (C105 - 110)
 …
Đêm đêm luống giấc chiêm bao,
Đi về Lũng Thủy, ra vào Hàm Quan.
Tỉnh say bên gối dưới màn,
Khi mê dường có, khi tàn dường không (C115 - 118)

Đoạn cuối người chinh phụ khuyên chồng lập công và mong ngày sum họp, trong bản chữ Hán có ngót 50 câu, trong bản dịch rút gọn lại chỉ còn 26 câu, nhưng vẫn giữ được ý chính. Có một điều đáng chú ý là bản dịch này có một số câu giống như bản dịch của Đoàn Thị Điểm (ĐTĐ - có thuyết cho là của Phan Huy Ích):

Quan sơn nỡ để hàn huyên bao đành (NK - C30)
Quan sơn để cách hàn huyên bao đành (ĐTĐ - C124)
Liễu Dương có thấu đoạn trường này không (NK - C22)
Liễu Dương biết thiếp đoạn trường này chăng (ĐTĐ - C48)
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng (NK - C101)
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng (ĐTĐ - C227)
Khi sao hình ảnh chẳng dời (NK - C143)
Xưa sao hình ảnh chẳng rời (ĐTĐ - C319)
Gái tơ mấy chốc xẩy ra nạ dòng (NK – C153)
Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng (ĐTĐ - C334)
Truyền tên ải Bắc, treo cung non Đoài (NK - 172)
Buông tên ải Bắc, treo cung non Đoài (ĐTĐ - C376)

Phải chăng bài dịch của Nguyễn Khản đã chịu ảnh hưởng của bản dịch Đoàn Thị Điểm, vì Đoàn Thị Điểm (1705) hơn Nguyễn Khản (1734) gần 30 tuổi, nên có nhiều khả năng bài dịch của Đoàn Thị Điểm ra đời trước.

Sau đây là toàn văn bài dịch của Nguyễn Khản.
Rồng bay chềm chệm ngôi trời,
Sửa trong chính giáo mở ngoài đề phong.
Dẫy xe nẩy việc đổng nhung,


Chăm bề quốc sự gác bên khuê tình.
Vĩ Kiều giục giã đăng trình,
Nước xanh lai láng cỏ xanh rầu rầu.
Tiễn đưa treo một gánh sầu,

10. Con thuyền nặng chở vó câu nhẹ bồn.
Cầm bào rẽ rụt nỉ non,
Gót vàng còn bận chén son nỡ lìa.
Áng công danh quyết chí thề,
Lâu Lan bủa lưới Man Khê cắm đồng.
Long tuyền một cán vẫy vùng,
Ngựa ô mây quẹn áo hồng ráng xuyên.
Tấc gang da ngựa dặm ngàn,
Bên đường nghĩ kẻ trông miền sầu xa.
Lá cờ trông đã xa xa,

20. Nào là Tế Liễu, nào là Trường Dương.
Đùn đùn ngọn khói cành sương,
 Liễu Dương có thấu đoạn trường này không?
Kẻ đi mưa gió mịt mùng,
Kẻ về chăn chiếu lạnh lùng phòng hương.
Tấc niềm vò võ đôi phương,
Hàm Dương chàng ngóng,
Tiêu Tương thiếp ngừng.
Hàm Dương khói tỏa mấy từng,
Tiêu Tương cây cũng ngất chừng thẳm sâu.
Xanh xanh nọ khóm ngàn dâu,

30. Nỗi chàng nỗi thiếp đong sầu dường bao.
Cõi ngoài từ diễn âm hao,
Nước non chưa tỏ chốn nào ngụ nương.
Xưa nay ở áng chiến trường,
Đã đành gối bác nằm sương dãi dầu.
Đói no cơm ống nước bầu,
Trạng chinh phu ấy ai hầu vẽ nên.
Cách chừng chướng vụ lam yên
Nghĩ chàng luống những băng miền biết sao
Đông tây từ cách ngọn đào

40. Ruổi rong chưa biết trận nào thu công.
 Xưa nay mấy đấng anh hùng,
Mũi tên hòn đạn đột xung những liều.
Ruộng nghiên đổi lấy ấn đao,
Thuở vào ải ngọc chàng Siêu đã già.
Dưới cờ trên ngựa xông pha,
Nỗi chàng khó nhọc ai là nhỏ to.
Thiếp đành nương cửa tò vò,
Chàng sao lặn lội trình đồ cho quen.
Ngán thay cùng bạn thiếu niên,

50. Quan sơn nỡ để hàn huyên bao đành.
Thuở ra mai chửa chào oanh,
Tiếng quyên rằng hẳn đinh ninh độ về.
 Bây giờ quyên đã giục hè,
Ngày chầy inh ỏi cầm ve góc tường.
Thuở ra mai chửa chan sương,
Ngộ kỳ rằng phỏng tiết sang đào hồng.
Bây giờ đào nọ tàn bông,
Mai già thoắt lại phù dung bơ phờ.
Lũng Sầm khi đợi ban trưa,

60. Bốn bề quạnh quẽ lọn giờ chim kêu.
Hán Dương thuở đợi ban chiều,
Hàn giang nước dẫy cửa chiều lam pha.
Thẩn thờ tháng trọn ngày qua,
Lang quân vắng đấy ai là kẻ hay.
Chỉ hoàn nhẫn thiếp đeo tay,
Tao đầu ngọc thiếp xưa nay giữ giàng.
Hán thoa của thiếp hồi trang,
Gương Tần của thiếp với chàng soi chung.
Mượn ai đưa đến cho cùng,

70. Tơ lòng chếch mác ngụ lòng khát khao. T
hấy nhạn tưởng những thư trao,
Nghe sương luống vội xuyết bào chăm chăm.
Xót người viễn tái xa xăm,
Đệm chiên gió lọt màn hùng tuyết in.
Mở phong chữ gấm đòi thiên,
Quẻ tiền gieo đã nửa tin nửa ngờ.
Hoàng hôn trước chái thẩn thơ,
Trăng thanh gối chiếc lần mơ giấc hòe.
Biếng cài mái rối đường xe,

80. Xiêm nghê lạnh lẽo mình ve võ vàng.
Êm nềm rủ bức rèm tương,
Ngày mong tin thước đêm nương bóng đèn.
Càng làm quen lại chẳng quen,
Mối sầu năm diễn mạch phiền bể khơi.
Đài loan càng ngắm khi rồi,
Thờ ơ trâm ngọc hoen rơi mặt duềnh.
Lò vàng gượng đốt làm thanh,
Hồn tiêu mấy giống vẫn quanh khói trầm.
Gượng tươi mong gảy ngón cầm,

90. Phím loan rời rạc tri âm hãy dừng.
Gượng vui mong gảy khúc tranh,
Nước non sầu nặng e mành dây loan.
Nỗi riêng khôn mượn gió truyền,
Càng phen cám cảnh càng phen não lòng.
Hơi cổ thụ giọt hàn song,
Đã dương búa tuyết lại đồng cưa mưa.
Mù bay sớm ác về trưa,
Dế kêu kẽ vách kềnh đưa nóc nhà.
Phất phơ ngọn chuối ban tà,

100.Trướng tiêu gió lọt rèm hoa nguyệt lồng.
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,
Say hoa then nguyệt tấc lòng đăm đăm.
Chiều ai biếng chỉ biếng kim,
Biếng giồi, biếng điểm, biếng ngâm, biếng cười.
Nương song thở vắn thở dài,
 Như nung gan sắt như mài lòng son.
Giấc nào thẳng, bữa nào ngon,
Nương sầu làm gối, nấu buồn làm thang.
Chơi hoa hoa cũng bẽ bàng,

110.Dã dề với rượu rượu càng lạt hơi.
Vì chàng chiếc gối lẻ đôi,
Vì chàng đũa ngọc sụt sùi đòi nau.
Trướng chàng nào thiếp tới đâu,
Khăn chàng, nào thiếp nhuộm thâu thuở nào.
Đêm đêm luống giấc chiêm bao,
Đi về Lũng Thủy, ra vào Hàm Quan.
Tỉnh say bên gối dưới màn,
Khi về mê đường có, khi tàn đường không.
Tin chăng còn một tấm lòng,

120.Đêm đêm đã nhớ, ngày trông lần lần.
Trông chàng diệu vợi giang tân,
Cỏ Yên xanh ngắt, dâu Tần xanh om.
Cô thôn bụi cuốn đôi chòm,
So le chiếc nhạn về nam tà tà.
Trông chàng dịch lộ xa xa,
Mây dăng non Thục, cây lòa bến Ngô.
Ngất chừng đội lúa mù mù,
Địch đâu lầu bắc líu lo không dài.
Trông chàng cây quạnh lá rơi,

130.Bên dòng bóng ngả, cuối trời cò bay.
 Ngàn lau nghi ngút khói xây,
Con chim bạt gió ấp cây thét sầu.
Trông chàng sông uốn vòng câu,
Về xa thấp thoáng thuyền đâu buổi chiều.
Tùng thu mấy gốc đìu hiu,
Trời tây khách quạnh, đường rêu ngậm ngùi.
Nọ trông góc bể bên trời,
Ải du ngàn dặm biết vời là đâu.
Gieo khăn chỉ gậy chước mầu,

140.Có đường khôn rút, có cầu khôn thông.
Càng năm càng lạt má hồng,
Trượng phu sao hãy long đong quê người.
Khi sao hình ảnh chẳng rời,
Khi sao trở ngại cách rời Sâm Thương.
Gió xuân hây hẩy đưa hương,
Duyên sao Ngụy Tử Diêu Hoàng đều nhau.
Trăng thu vằng vặc in lầu,
Phận nào ả Chức, chàng Ngâu lại vầy.
Buồng hương kẻ chực đòi ngày

150.Hận xuân chưa vợi, lại đầy sầu thu.
 Dịp sầu dọn mối tơ vò,
Ngùi ngùi thêm xót phận bồ thiết tha.
Tiếc xuân xanh nỡ để qua
Gái tơ mấy chốc xảy ra nạ dòng.
Tưởng khi cầm sắt vui chung,
Gác son cợt phấn lầu hồng ghẹo hương.
Vì ai nên nỗi đa mang,
Nghĩ mình bao nả xót chàng bấy nhiêu.
Kìa xem đôi yến dập dìu,

160.Trọn mùa ríu rít sương gieo đầu rường.
Kìa xem đôi cái uyên ương,
Bãi Tần dan cánh sắp hàng cùng nhau.
Đòi thời thảo mộc biết đâu,
Liền cành có liễu, đều đầu có sen.
Ước sao như vậy bằng nguyền,
Được vầy cánh nọ thời liền cành kia.
Thôi thôi ấm lạnh quản chi,
Thế tình khi hợp khi li là thường.

170.Khuyên chàng khuya sớm tuyết sương,
Khuyên chàng hai chữ cần vương vẹn tròn.
Bảng Tào chói chói đề son,
Chàng nên danh giá thiếp còn trẻ trung.
Nay mừng trăm trận thu công,
Thuyền tên ải bắc, treo cung non đoài.
Khải ca lừng lẫy trong ngoài,
Tiệp dâng điện Hán, thơ bày non Yên.
Đồng hưu rạng chép thẻ quyên,
Danh thơm gác phượng, đấu truyền đài lân.
Rày mừng gặp hội phong vân,

180.Phần vinh thiếp cũng được nhuần ơn sang
Vì chàng cởi giáp vội vàng,
Vì chàng liền chuốc chén vàng vơi vơi.
Vì chàng trang điểm tốt tươi,
Vì chàng chải chuốt rũ hơi phong trần.
Xưa sau mấy đoạn ân cần,
Lựa lời cừu thoại, lựa vần tân thanh.
Bõ khi chàng mải công danh,
Bõ khi thiếp luống một mình canh thâu.
Đã mừng duyên sánh bạc đầu,

190. Lại mừng gia nghiệp cơ cầu y quan.
Đã mừng trên đội đức càn,
Lại mừng nước trị dân an đời đời.

Thế Anh sưu tầm và phiên âm (Theo tài liệu chép tay của TVQG ký hiệu R1674)

Chú thích.
(1) Chinh phụ ngâm bị khảo. Hoàng Xuân Hãn, Nxb. Minh Tân, Paris.
(2) R1674 TVQG. Theo chúng tôi được biết thì Nam phong giải trào là của Trần Danh Án (Liễu Am) soạn và được Ngô Đình Thái sưu tập lại.
(3) Theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ - Nguyễn Hữu Tiến dịch, Nxb. Thế giới, 1997./.