Ý kiến của Bộ VHTTDL về đề nghị UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 4058/BVHTTDL-DSVH gửi Hội Kiều học về việc đề nghị UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hoá thế giới.

Hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân


Vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 27/CV-HKHVN ngày 20/6/2012 của Hội Kiều học Việt Nam về việc xây dựng dự án phục nguyên văn bản Truyện Kiều và đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hoá thế giới. Sau khi nghiên cứu, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao tâm huyết của Hội đối với việc tham gia bảo tồn Di sản văn hoá dân tộc thông qua bảo tồn và quảng bá Truyện Kiều. Về đề nghị xây dựng dự án phục nguyên văn bản Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để đảm bảo tính xác thực, khoa học đối với một tác phẩm có nhiều dị bản, Bộ VHTTDL đề nghị Hội phối hợp với các cơ quan nghiên cứu chuyên  ngành như Viện nghiên cứu Văn học, Viện Ngôn ngữ học và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam để thực hiện việc này.

Về ý tưởng xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hoá thế giới: Truyện Kiều là một tác phẩm thi ca kiệt xuất của Việt Nam, nhưng theo định nghĩa của UNESCO về di sản văn hoá vật thể thì đây không phải là đối tượng để xem xét đưa vào các Danh sách của Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Ở thời điểm hiện nay, UNESCO chưa xem xét, ghi danh dưới hình thức danh hiệu của Công ước 2003 đối với bất cứ tác phẩm văn học nào.

Về đề nghị UNESCO công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hoá thế giới: UNESCO có quyết định Danh sách “Những ngày kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và Sự kiện lịch sử quan trọng” để kỷ niệm các sự kiện (ngoại trừ sự kiện chiển tranh), ngày sinh, ngày mất của các danh nhân có tầm ảnh hưởng thế giới và khu vực. Năm 2016 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị Hội phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh để thống nhất với Uỷ ban quốc gia UNESCO và Bộ VHTTDL kế hoạch xúc tiến đề nghị này.