Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, cây me và cây thị già đang tọa lạc tại chùa Thiên Phúc, xã Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa tương truyền đã gần 800 năm tuổi, vẫn sừng sững theo thời gian.

 

Cây cổ thụ tương truyền gần 800 năm tuổi

Những điều kì bí quanh 2 cây cổ thụ

Ngôi chùa Thiên Phúc, nơi có hai cây cổ thụ tọa lạc, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII thời nhà Lý. Tương truyền cây thị già đã gần 800 năm tuổi, còn cây me khoảng 750 năm tuổi. Hiện tại sự sống của hai cây này nhờ vào lớp vỏ bên ngoài, toàn bộ phần lõi bên trong đã bị rỗng hết, nhưng không vì thế mà hai cây bớt đi vẻ tươi tốt, ngược lại cành lá vẫn um tùm, xanh mướt và cho quả mỗi khi mùa đến.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, năm 1952, thực dân Pháp dội bom đánh sập hoàn toàn ngôi chùa, hai cái đình làng, hai cây này cũng bị gãy hết cành, trơ trụi thân, nhưng một thời gian sau lại thấy mọc lên từ thân cây những chồi non rồi tỏa cành xum xuê.

Sau khi ngôi chùa sập đi, toàn khu đất chỉ còn là một bãi đất hoang, người dân dùng làm nơi chăn thả trâu bò, gia súc, nơi trẻ con vui chơi, đốt lửa trong gốc cây sưởi ấm. Không ai quan tâm, bảo vệ hay gìn giữ nhưng hai cây vẫn không hề chết đi.

Trải qua bao cuộc càn quét của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng dội bom, đốt phá bao nhiêu lần, có những lúc người dân nơi đây tưởng chừng hai cây đó khó có thể sống được nhưng một điều thật kỳ diệu là hai cây vẫn cứ sừng sững trường tồn như một sự thách thức.

Nhìn lên cây thị già, những chứng tích chiến tranh năm xưa vẫn còn đó. Ông Trần Công Thuận, hộ pháp chùa Thiên Phúc, nhớ lại những ngày địch càn quét: "Tôi sinh ra đã thấy cây me và cây thị này rồi, những năm chiến tranh giặc Pháp ném bom dữ dội lắm, những lúc máy bay địch thả pháo sáng thì cả làng đều chạy đến ẩn nấp dưới gốc cây này. Rồi những khi họp hội dân du kích, bày binh bố trận để chiến đấu, đều tập trung hết dưới gốc hai cây này. Nó chính là nhân chứng lịch sử trong hai cuộc chiến tranh của dân tộc, là vị cứu tinh cho người dân ở đây. Điều kỳ lạ là bao lần giặc đốt phá, tưởng sẽ chết nhưng rồi nó vẫn sống như thế cho đến ngày hôm nay”. Tương truyền rằng hai cây cổ thụ rất linh thiêng hễ ai có những hành động xâm phạm tới cây đều gặp chuyện không may, muốn qua khỏi phải ra cây cầu khấn. Tuy nhiên đây chỉ là những lời truyền miệng của các cụ già trong làng, không có kiểm chứng. Không những thế người dân ở đây còn cho rằng nếu ai bị bệnh, hiếm con đến kêu cầu thì sẽ được cây phù hộ. Trong câu chuyện của các cụ già trong thôn còn kể rằng, trước đây, vào những đêm trăng sáng, gió mát, ngày rằm hay mùng một thường có một đôi rắn mòng xuất hiện dưới gốc cây thị và cây me. Người dân ở đây cho rằng đó là rắn thần nên không ai dám xâm hại.

“Báu vật” vô giá của làng

Đã gần một thiên niên kỷ trôi qua, ngần ấy thời gian đủ để chứng minh cho sự trường tồn của hai cây cổ thủ. Dù đã mục ruỗng nhiều trong thân nhưng hai cây chưa hề có dấu hiệu của sự tàn lụi mà theo người dân ở đây, từ năm 2006, ngôi chùa đươc xây dựng và được bảo vệ thì hai cây cổ thủ càng tiếp tục xanh tốt, cành tỏa thành một không gian lớn trùm lên ngôi đền; những chiếc rễ to mọc lan ra cả một khoảng đất rộng.

Năm 1995, một công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh đã trả với giá 5 tỷ đồng cho mỗi cây cổ thủ tại đây, thế nhưng dân làng cho rằng đây là báu vật của làng nên không bán.

Được biết cây thị có chiều cao gần 38m, vòng gốc 11m, đường kính giữa thân khoảng 7m; cây me cao khoảng 36m. Gần 800 năm tuổi nhưng hai cây này vẫn cho quả rất nhiều. Đặc biệt thị thơm ngon, hạt nhỏ chứ không như thị ngày nay.

Ông Võ Nghệ Thanh, thành viên trong Ban quản lý di tích của xã Định Hòa chia sẻ: “Cây thị, cây me không đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành một phần máu thịt của người dân làng Nhất, xã Định Hòa, vừa là chứng nhân lịch sử, vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn của con người nơi đây. Bởi thế, bà con làng này luôn tự giác bảo vệ, chăm sóc gìn giữ cây cổ thụ và ngôi đền cổ này. Dù cơ quan, tổ chức nào có trả cả trăm tỷ chúng tôi cũng không bán”.