Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới được tổ chức tại thành phố Bonn, CHLB Đức từ ngày 28/6 - 08/7/2015.
 

Toàn cảnh Kỳ họp 39 của UNESCO tại Thành phố Bonn (Đức).

 

Đến dự Kỳ họp lần này có khoảng 1.500 đại biểu đến từ trên 100 quốc gia thành viên của Công ước Di sản Thế giới, ngoài ra còn có Trung tâm Di sản Thế giới, Ban Thư ký UNESCO, các tổ chức tư vấn của UNESCO là Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM), các chi nhánh Văn phòng UNESCO trên toàn cầu. Trong kỳ họp này, Uỷ ban Di sản thế giới do bà Maria Boehmer, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao CHLB Đức, nghị viên Quốc hội Đức chủ trì.

 

Sau nhiều ngày thảo luận, UNESCO đã lựa chọn từ 36 di sản đề cử của các nước để quyết định vinh danh 24 Di sản thế giới mới đợt này;  trong đó bổ sung một số di sản mới mang ý nghĩa văn hóa và tự nhiên. Một số tên xuất hiện trong danh sách là những điểm tham quan nổi tiếng như vùng rượu vang Pháp, nhưng cũng có nơi được liệt kê còn chưa từng nghe tới. Danh sách 24 di sản thế giới được vinh danh lần này gồm:

 

1. Hệ thống dẫn nước Padre Tembleque, Mexico.
2. Arab-Morman Palermo và những nhà thờ của Cefalu & Monreale, Italy.
3. Quần thể di tích lịch sử vương triều Baekje, Hàn Quốc.
4. Khu vực rửa tội "Bethany Beyond the Jordan", Jordan.
5. Vùng sản xuất rượu champagne, Pháp.

 

Một hầm chứa ruợu champagne nổi tiếng của Pháp.

 

6. Nhà thờ giáo hội Moravian ở Christiansfeld, Đan Mạch.
7. Vùng sản xuất rượu vang ở Burgundy, Pháp.
8. Cảnh quan văn hóa Maymand, Iran.
9. Pháo đài Diyarbakir và cảnh quan văn hóa vườn Hevsel, Thổ Nhĩ Kỳ.
10. Thành phố Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ.
11. Cảnh quan văn hóa - công nghiệp Fray Bentos, Uruguay
12. Núi Great Burkhan Khaldun, Mông Cổ.
13. Necropolis of Bet She'arim, vùng đất hồi sinh của người Do Thái, Israel.
14. Di sản công nghiệp tại Rjukan-Notodden, Na Uy.
15. Nghệ thuật khắc đá vùng Hail, Ả Rập Saudi.
16. Công viên San Antonio, Mỹ.
17. Vườn bách thảo Botanic Gardens, Singapore.
18. Làng công nghiệp hóa Meiji, Nhật Bản.
19. Chilehaus ở quận Speicherstadt & Kontorhaus, Đức.
20. Vùng Susa, Iran.
21. Cầu Forth, Anh.
22. Vùng săn bắn Par Force ở North Zealand, Đan Mạch.
23. Vùng Tusi, Trung Quốc.
24. Núi Blue & John Crow, Jamaica.

 

Đoàn đại biểu của Việt Nam tại kỳ họp.

 

Đồng thời, Uỷ ban Di sản thế giới cũng đã chấp thuận các tiêu chí mở rộng của 3 di sản thế giới đã được công nhận trước đó (trong đó có di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng của Việt Nam). UBDSTG cũng đã xem xét tình trạng bảo tồn của 95 di sản đã nằm trong danh mục cần được kiểm tra đánh giá định kỳ (trong đó có 46 di sản nằm trong Danh sách di sản thế giới bị lâm nguy) và đã đưa thêm 3 di sản (1 của I-rắc và 2 của Yemen) có tình trạng quản lý yếu kém và có nguy cơ bị tàn phá do chiến tranh vào Danh mục các di sản bị lâm nguy, đưa 1 di sản khác của Colombia ra khỏi danh mục này sau khi đã chứng tỏ việc nâng cao, cải thiên tình hình di sản.

 

Như vậy, tổng số các di sản đã được công nhận cho đến nay là 1.031 thuộc 163 quốc gia tham gia công ước 1972 của UNESCO. Trong đó có 802 Di sản văn hóa, 197 Di sản thiên nhiên và 32 Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên.

 

Sau khi dự và có bài phát biểu khai mạc tối ngày 28/6, Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO tiếp tục tham gia phiên họp mở đầu của kỳ họp và phát động chương trình toàn cầu “Liên minh vì di sản “ (Unite for Heritage) nhằm tăng cường huy động các nguồn lực trước tình hình một số di sản đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị tàn phá do các cuộc xung đột có vũ trang hay thảm họa thiên nhiên.

 

Trong kỳ họp này, UBDSTG cũng đã thông qua Tuyên bố Bonn nhằm khuyến nghị việc bảo vệ di sản cần được đưa vào các nhiệm vụ ủy thác của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc khi cần thiết. Đây như là một hành động phản hồi tích cực đối với tinh trạng vi phạm Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tàn phá hủy hoại nghiêm trọng một số di sản ở vùng Trung Đông và châu Phi do xung đột vũ trang trong thời gian gần đây. Tuyên bố này kêu gọi UNESCO cần nâng cao tính lãnh đạo quốc tế trong sự liên kết đa quốc gia nhằm phản hồi nhanh chóng lời kêu gọi bảo vệ di sản trong các trường hợp xảy ra xung đột vũ trang hay thảm họa thiên nhiên theo đúng khẩu hiệu chung của UNESCO: “Thiết lập nền hòa bình trong tư tưởng của mỗi người”