www.nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Bổ tử trên phẩm phục quan triều Nguyễn


Triều Nguyễn - Triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã tồn tại trong suốt 143 năm (1802 - 1945) với 13 đời vua Nguyễn. Vào đầu thời Nguyễn, trang phục của vua quan đã được qui định tỉ mỉ, nghiêm ngặt như những triều đại phong kiến trước đây và đặt dưới sự quản lý của Bộ lễ.
 
Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, tiếp sau là vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… trang phục của các vua, các hoàng thân, hoàng tử, các quan văn võ có nhiều loại mũ, áo, xiêm, đai, hia, bổ tử… được sử dụng trong các dịp nghi lễ khác nhau đều phải theo qui định.
Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một chi tiết trên phẩm phục của quan văn, quan võ triều Nguyễn, đó là: bổ tử.  
 
Bổ tử (hay còn gọi là bố tử) là tấm vải hình vuông được đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của các quan trong triều thời phong kiến Việt Nam và một số các nước như: Trung Hoa, Triều Tiên. Trước thế kỷ 16, tấm vải vuông này còn gọi là hung bối và hoa dạng. Bổ tử thường làm bằng chất liệu vải thêu tương ứng với cấp hiệu phẩm hàm của vị quan. Ở nước ta, triều đình nhà Hậu Lê bắt đầu dùng bổ tử, dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1471.
 
Đến triều Nguyễn, từ đời vua Gia Long, bổ tử cũng có qui định như sau:
 
Phẩm phục thường triều quan văn: từ trên nhất phẩm đến chánh tam phẩm, tòng tam phẩm, bổ tử nền vàng thêu tiên hạc. Từ chánh tứ phẩm, tòng tứ phẩm đến chánh, tòng lục phẩm, bổ tử nền đỏ, thêu chim công (chánh, tòng tứ phẩm), thêu vân nhạn (chánh, tòng ngũ phẩm), thêu bạch nhàn (chánh, tòng lục phẩm). Chánh thất phẩm, tòng thất phẩm đến chánh cửu phẩm, tòng cửu phẩm, bổ tử bậc chánh nền đỏ, bậc tòng nền xanh. Chánh, tòng thất phẩm thêu hình con cò; chánh bát phẩm con kê xích; chánh cửu phẩm thêu chim liêu, chim thuần.
 
Phẩm phục thường triều quan võ: trên nhất phẩm đến chánh tam phẩm, tòng tam phẩm, bổ tử nền kim tuyến, thêu kỳ lân (trên nhất phẩm và chánh, tòng nhất phẩm), chánh, tòng nhị phẩm thêu bạch trạch, sư tử (chánh, tòng tam phẩm). Từ chánh tứ phẩm, tòng tứ phẩm, bổ tử thêu hình hổ (chánh, tòng tứ phẩm), báo vằn (chánh, tòng ngũ phẩm), gấu (chánh, tòng lục phẩm). Từ chánh thất phẩm đến chánh, tòng cửu phẩm, bổ tử nền xanh, thêu beo (chánh, tòng thất phẩm), tê ngưu (chánh, tòng cửu phẩm).
 
Nhưng sang đến đời vua Minh Mạng, phẩm phục các quan không có bổ tử.
 
Đến đời vua Thiệu trị (1841 - 1847), qui định về bổ tử phẩm phục quan văn: quan nhất, nhị phẩm thêu hình con tiên hạc; quan tam phẩm thêu hình con cẩm kê; quan tứ phẩm thêu hình con khổng tước (con công); quan ngũ phẩm thêu hình con vân nhạn; quan lục phẩm thêu hình con bạch nhàn; quan nhất phẩm thêu hình con lộ tử (con cò); quan bát phẩm thêu hình con kê xích; quan cửu phẩm thêu hình con liêu thuần (chim cút).
 
Bổ tử phẩm phục  quan võ: quan nhất phẩm thêu hình con kỳ lân; quan nhị phẩm thêu hình con bạch trạch; quan tam phẩm thêu hình con sư tử; quan tứ phẩm thêu hình con hổ; quan ngũ phẩm thêu hình con văn bưu; quan lục phẩm thêu hình con hùng; quan thất phẩm thêu hình con bưu (con cọp nhỏ); quan bát phẩm thêu hình con hải mã; quan cửu phẩm thêu hình con tê ngưu (tê giác).
 
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay đang lưu giữ khoảng 50 tấm bổ tử trên phẩm phục của quan triều Nguyễn. Số lượng này bao gồm cả bổ tử quan văn và bổ tử quan võ, phần lớn đã bong khỏi phẩm phục chỉ còn lại bổ tử, số bổ tử còn lại đính trên phẩm phục khoảng 15 tấm.
 
Sưu tập bổ tử này cùng với sưu tập trang phục triều Nguyễn đang được các cán bộ phòng Quản lý hiện vật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giám định, nghiên cứu, bổ sung thông tin cho đầy đủ, để phát huy giá trị của sưu tập như: phục vụ công tác trưng bày, in thành ấn phẩm giới thiệu sưu tập... giúp cho công chúng hiểu rõ hơn về các vấn đề lịch sử, văn hóa, cũng như các qui định về trang phục của triều đình nhà Nguyễn.
 
Giới thiệu một số tấm bổ tử trong sưu tập hiện đang được lưu giữ tại BTLSQG:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                             
                                                                                                                                                 Theo Đinh Quỳnh Hoa/Baotanglichsu.vn                                                                                             
 

Di sản văn hóa