www.nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đại diện cho văn hóa cộng đồng làng xã Việt Nam: đình làng hay nhà văn hóa thôn?


Trong văn hóa làng xã Việt Nam, mỗi làng đều có một ngôi đình. Đình là biểu tượng tập trung của làng về mọi phương diện. Đồng thời đó cũng là trụ sở hành chính, là nơi hội họp để bàn những công việc có tính chất trọng đại của cả làng. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những ngôi đình ở các địa phương thường xuất hiện thêm một công trình, đó là nhà văn hóa. Cả đình làng và nhà văn hóa đều là sản phẩm của nền dân chủ làng xã nhưng trong mỗi biểu tượng lại mang những nội hàm ý nghĩa riêng.
 
 
Từ “nghè” đến “đình”
 
Trong văn hóa người Việt, kiến trúc sớm nhất đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng là nghè. Nghè là nơi hội họp, thờ thần của làng, đồng thời danh xưng lại thuần Việt (chữ nghè là chữ Nôm gồm bộ thổ 土 và chữ nghi 宜). Có thể coi là là tiền thân của đình.
 
Chữ đình 亭 xuất phát từ văn hóa Hán. Theo từ điển Từ Nguyên, “đình là nơi người đi đường dừng chân nghỉ lại qua đêm, dưới chế độ thời Tần, Hán, cứ mười lý là một đình, mười đình là một hương” và theo đó, mỗi đình có một người cai quản được gọi là đình trưởng. Cũng dưới chế độ thời Tần, Hán, đình từ chỗ là trạm dịch đổi phu đổi ngựa chuyển thành nơi tiễn khách của những gia đình quyền quý hay nơi gặp gỡ của tao nhân mặc khách. Từ đó phân ra thành đình  trạm dịch và đình  thưởng ngoạn. Thuật ngữ đình xuất hiện trong Đại Việt sử kí toàn thư từ thời Trần. Trước đây, tục nước ta vì nóng bức nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Văn hóa làng xã phát triển, kéo theo đó là sự kiện toàn bộ máy quản lý ở địa phương, đặc biệt ở thời Hậu Lê. Khi đó các địa phương cần một cơ quan, một đơn vị thực hiện chức năng cộng đồng. Đình làng ra đời từ đó. Như vậy có thể thấy đình làng ra đời từ vào khoảng thế kỷ XVI, với xuất phát điểm là những làng xã thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và ngay từ khi ra đời đình đã là địa điểm hiện thân cho nền dân chủ sơ khai, dân chủ làng xã. Do đó, khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, các học giả Pháp đã dịch đình thành “Maison communale” tức là “ngôi nhà công cộng”, thuật ngữ này rất chính xác.
 
Bên cạnh chức năng hành chính, đình làng còn là sản phẩm của văn hóa tín ngưỡng. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, nơi lưu giữ sắc phong hoặc thần tích. Ở các làng quê, thành hoàng làng được thờ phụng như những vị thánh. Do đó, đình làng phải được xây ở nơi hợp phong thủy, thường cạnh bến nước hoặc giếng làng, là những nơi tụ thủy, hợp với địa thế. Do đó hình ảnh cây đa  bến nước (giếng nước)  sân đình là những sự vật không thể tách rời trong kí ức quê hương của những người dân đất Việt.
 
Như vậy có thể thấy đình làng là một biểu tượng đẹp của văn hóa Việt Nam.
 
Đình làng hay nhà văn hóa thôn?
 
Bên cạnh những ngôi đình cổ kính, những mái nhà rông cao vút, hiện nay ở các làng quê hoặc các thôn bản thường xuất hiện một sản phẩm khác của văn hóa cộng đồng, đó là nhà văn hóa. Vậy mục đích xây dựng và chức năng của nhà văn hóa là gì?
Ở phương Đông hai từ văn hóa đã xuất hiện khá sớm. Từ này xuất hiện từ quẻ Bĩ trong Chu dịch: “Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ” (tức “xem dáng vẻ của con người, lấy đó mà giáo hóa thiên hạ”). Ở phương Tây, những từ chỉ văn hóa trong ngôn ngữ các quốc gia đều bắt nguồn từ gốc Latin, từ chữ cultus animi tức là “trồng trọt”. Và sau này UNESCO đã định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng biệt. Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Văn hóa là chìa khóa của sự phát triển” [3.24]
 
Từ những quan niệm về văn hóa và theo đúng như tên gọi vốn có, nhà văn hóa tức là nơi thực hiện các chức năng văn hóa, đặc biệt các nhà văn hóa ở địa phương. Nhà văn hóa cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động của địa bàn, khu dân cư...
Hiện nay, các nhà văn hóa được xây dựng rất nhiều từ tổ dân phố thành thị cho đến các thôn, xóm. Bên cạnh các ngôi đình cổ kính là một ngôi nhà văn hóa, hoặc thậm chí bên cạnh mái nhà rông truyền thống là một nhà văn hóa. Vì không thờ thành hoàng cũng như không phục vụ cho một văn hóa tín ngưỡng nào nên kiến trúc của nhà văn hóa khá tự do nhưng thường có kết cấu hai tầng, tầng 1 thường là một khoảng trống rộng có thể chia làm từ 2 đến 4 sân cầu lông hoặc sân tennis, cũng có khi là kê những bàn thi đấu bóng bàn...Nói chung tầng 1 dùng để phục vụ cho hoạt động thể thao. Trong khi đó tầng 2 được bài trí theo kiểu hội trường - phòng họp, phía đầu trên là bục phát biểu, phía dưới chạy dài là những hàng ghế. Mục đích chủ yếu của các nhà văn hóa thôn là tổ chức họp, hội nghị hoặc các hoạt động văn hóa thể thao có quy mô nhỏ phù hợp với địa bàn cư trú của cộng đồng dân tộc.
 
Không ít các địa phương hiện nay xây nhà văn hóa ngay cạnh đình làng. Vậy qua hai kiến trúc đại diện cho văn hóa cộng đồng làng xã đó, kiến trúc nào thể hiện được giá trị rõ ràng hơn, phát huy được chức năng hơn? Có lẽ rất khó để định giá. Nếu như đình làng là tiêu biểu cho văn hóa cộng đồng truyền thống thì nhà văn hóa lại đại diện cho văn hóa cộng đồng thời hiện đại. Điều đáng nói là vào thời đại ngày nay trong khi diện tích của các ngôi đình làng đang dần bị thu hẹp đi cùng với đó là chất lượng xuống cấp thì số lượng của các nhà văn hóa ngày một nhiều lên. Những sinh hoạt làng xã, địa bàn dân cư không còn được tổ chức trong sân đình mà chuyển dần sang nhà văn hóa. Tuy nhiên, một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhà văn hóa cũng không được dùng đúng mục đích. Rất nhiều nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang xong lại không đi vào hoạt động đúng mục đích, một số ít bị bỏ hoang. Dường như cộng đồng không còn tin tưởng và sinh hoạt văn hóa tập thể trong những kiến trúc văn hóa đó nữa. Hay có thể những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng dần bị lãng quên? Đình làng hay nhà văn hóa thôn liệu có còn là những thực thể thực hiện đúng chức năng văn hóa bản hữu của nó hay là những vật trang trí thừa thãi của nền văn hóa cộng đồng dần mất đi giá trị.
 
Đình làng, nhà rông hay nhà văn hóa là những sản phẩm thể hiện văn hóa cộng đồng, thể hiện tình đoàn kết của người dân Việt Nam. Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy chính cộng đồng dân tộc đang làm mất đi giá trị văn hóa của những công trình kiến trúc đó. Có lẽ đã đến lúc cộng đồng dân tộc cần trả lại giá trị thực cho những kiến trúc văn hóa đó.
 
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Vinh Phúc  Nguyễn Duy Hinh (2009), Các thành hoàng & tín ngưỡng Thăng Long  Hà Nội, Nxb Lao động, Hà Nội.
2. Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2009), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
 
 
Theo Nguyễn Trình/Văn nghệ Thái Nguyên

Di sản văn hóa