Nằm trong quần thể thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), đài thờ Mỹ Sơn E1 (đài thờ Mỹ Sơn) là công trình còn sót lại của một ngôi đền đã bị sụp đổ vì thời gian và bom đạn.

 

Đài thờ mang dấu ấn ba nền văn hoá


Đài thờ Mỹ Sơn được các nhà khảo cổ Pháp khai quật, tìm thấy năm 1903. Đài thờ ghép bằng 16 khối đá nhưng đã bị mất 2 khối. Kích thước đài thờ khá lớn, chiều dài và rộng đều quá 2,5m, chiều cao 65 cm.

Những cảnh khắc quanh đài thờ được bố cục trong từng ô vuông một, tách rời nhau, xen kẽ bởi những ô vuông trang trí các kiểu hoa văn đa dạng. Đây cũng là kiểu bố cục đài thờ duy nhất đã xuất hiện trong các nền điêu khắc Chăm. Những cảnh này được chạm theo chiều ngược kim đồng hồ.

“Với một bút pháp vừa riêng biệt, vừa phóng khoáng, có khi đạt đến độ tinh tế nhất của ngôn ngữ tạo hình Chăm, đài thờ nổi tiếng với những cảnh chạm người trong những ô riêng”, TS Trần Kỳ Phương - nhà nghiên cứu Chăm pa, khẳng định. Trên thực tế, đài thờ là bức tranh liên hoàn khắc họa sinh hoạt của các đạo sĩ Ấn Độ giáo ẩn mình tu luyện trong rừng sâu. Với cách thể hiện hiện thực mạnh mẽ, đài thờ mô tả sức sống mãnh liệt trong đời sống thường nhật của họ trong tương quan với thiên nhiên dữ dội.

Chẳng hạn, để mô tả không khí linh thiêng của Ấn Độ giáo, người nghệ sĩ đã đặt các đạo sĩ trong tương quan với hai con vật khỏe nhất rừng là hổ và heo. Cả hai con vật được mô tả đang nô đùa biểu dương sức mạnh. Con hổ, chồm tới trước, cái đuôi to cong về phía lưng, thân hình mập mạp. Trong ô khác, một chú heo rừng nằm ngửa, nhe nanh, cong chân vùng vẫy. Sức mạnh của hai con vật như bị nén lại trong không gian chật hẹp để rồi bật mạnh vào nội tâm người xem.

“Chừng như nghệ sĩ muốn dùng sức mạnh ngoại hình của những con thú dữ có sức mạnh như cọp và heo rừng, dám sống tách khỏi bầy, để biểu tượng cho sức mạnh nội tâm của những ẩn sĩ trong rừng sâu, như kinh điển Ấn Độ giáo đã dạy: Chỉ có thần linh và thú dữ mới dám sống một mình”, TS Trần Kỳ Phương phân tích.

Để minh chứng cho sức mạnh thần linh của những đạo sĩ, đài thờ mô tả rõ cảnh truyền đạo. Một tu sĩ giảng đạo cho tín đồ dưới vòm cây rậm rạp. Người nói trên môi nở một nụ cười cởi mở, tay phát một cử chỉ trình bày, ngồi ngay người, trang trọng. Người nghe lưng đeo túi, như vừa từ phương xa tìm đến, khép nép ngồi trên hai chân quỳ gập lại, hai tay chắp lại thành kính, đôi mắt lim dim, lặng lẽ, chăm chú nghe lời giảng.

Những cảnh bên hông trái của đài thờ lại diễn tả các sinh hoạt có tính chất nhập thế của các đạo sĩ. Họ làm những việc thiện để giúp đời, vừa truyền đạo, vừa chữa bệnh cho tín đồ. Đây là cảnh một đạo sĩ đang cầm phất trần dùng phép thuật để chữa bệnh. Cũng có cảnh đạo sĩ đang luyện linh đan. Tiếp theo là cảnh chữa bệnh bằng phương pháp xoa bóp.

Những cảnh chạm quanh đài thờ Mỹ Sơn E1 phản ánh đời sống tu hành của các đạo sĩ Chăm theo Ấn Độ giáo. Qua đó, người xem có thể hình dung được lối sống của họ. Đó là cuộc đời trầm tư mặc tưởng, ẩn náu trong rừng sâu, làm bạn với muông thú. Những cảnh chạm khắc tu sĩ trên đài thờ cũng ca ngợi sức mạnh nội tâm mà họ phải sống đơn độc mới tìm thấy.

Đông Sơn và Đông Nam Á

Theo TS Trần Kỳ Phương, kiệt tác của văn hóa Chăm này cũng giao lưu văn hóa với Đông Nam Á và mang dấu ấn của văn hóa Đông Sơn.

“Người xem gặp thần thái Đông Sơn lung linh ẩn hiện trên vườn hoa văn của đài thờ”, TS Phương phân tích. “Mặt trời trên trống đồng vẫn chưa tắt sau mấy trăm năm tiềm ẩn, được tái hiện kín đáo trên mặt trước đài dưới dạng một ngôi sao chín cánh cắt làm hai. Những mô típ vòng tròn kép đồng tâm, những hoa văn răng cưa, hoa văn hình thoi, tam giác cách điệu… trên đài thờ này gợi lại bóng dáng hoa văn trên những trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Nghệ thuật Chăm và nhiều nền nghệ thuật khác ở Đông Nam Á đã tiếp nhận văn hóa Đông Sơn khi tách rời dần những ảnh hưởng trực tiếp của nghệ thuật Ấn Độ”.

Các hoa văn trong bố cục hình thoi xen lẫn giữa những đóa hoa bốn cánh của đài thờ chính là mô típ trang trí phổ biến trên những dharmacakra (chuyển pháp luân) của nghệ thuật Mon - Dvaravati (Thái Lan) đương thời. Mô típ này đã xuất hiện trên nhiều tác phẩm điêu khắc ở miền trung Thái Lan, Campuchia cũng như Chiêm Thành. Điều này đưa đến giả thuyết về mối quan hệ giữa ba nền nghệ thuật láng giềng thông qua giao thương.

Sự tương đồng giữa trang trí trên đài thờ với một số đền tháp đương thời ở Thái Lan gợi suy nghĩ về mối quan hệ mật thiết giữa hai vương quốc qua buôn bán dựa vào những dòng sông chính ở miền Trung Việt Nam. Mô hình “hệ thống trao đổi ven sông” này rất phù hợp với những đặc điểm về địa dư của Vương quốc Chiêm Thành đương thời.

Về niên đại, từ điệu múa với tư thế hai chân xoải rộng, hai tay nâng dải lụa được chạm trên đài thờ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đài thờ có niên đại thế kỷ thứ 8. Bởi, trong điêu khắc Chăm, điệu múa này chỉ xuất hiện trong thời kỳ sớm, khoảng từ đầu thế kỷ 8 cho đến đầu thế kỷ 9. Từ cuối thế kỷ thứ 9 trở về sau, không còn thấy xuất hiện nữa.

Mỹ Sơn E1 là đài thờ duy nhất của nghệ thuật Đông Nam Á miêu tả sinh hoạt thông thường của các đạo sĩ Ấn Độ giáo một cách chi tiết. Những đài thờ khác đều lấy các chủ đề từ thần thoại.