Theo quy hoạch vừa công bố chiều ngày 1-8, Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành Công viên lịch sử. Điều này nhằm mục đích phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước.

 

Di tích Hoàng thành Thăng Long


Chiều 1-8- 2012, UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức công bố Quy hoạch tổng thể Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là một qui hoạch có ý nghĩa đặc biệt nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu Thành Cổ thuộc Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

 

Quy hoạch hướng tới mục tiêu bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ

Công viên lịch sử - di sản


Theo quy hoạch vừa công bố, Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành Công viên lịch sử văn hóa.

Điều này nhằm mục đích phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử tồn tại và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước. Tổng diện tích khu đất được qui hoạch là 45.380m2. trong đó diện tích nhà trưng bày khảo cổ là hơn 13.600m2, khu vực trưng bày mô phỏng, hầm kính rộng hơn 3.400m2, diện tích cây xanh dự trữ khảo cổ học 21.000m2. Ngoài ra, còn có khu nghiên cứu khảo cổ học, khu vực kỹ thuật, phụ trợ, sân, đường giao thông…

Quy hoạch tổng thể cũng qui định, chiều cao công trình xây mới trong Khu di tích 18 Hoàng Diệu tối đa là 5m. Hạn chế xây dựng các công trình nổi. Nhà trưng bày có chiều cao xây dựng 1 tầng, đảm bảo thông thoáng, tạo không gian mở, tầm nhìn ra các tuyến đường xung quanh. Về giao thông, sẽ bố trí 4 lối vào từ đường Hoàng Diệu, Độc Lập, Hoàng Văn Thụ và Bắc Sơn. Cổng vào chính được xác định tại phía Nam khu đất, góc đường Hoàng Diệu – Bắc Sơn. Trong nội bộ Khu di tích, sẽ thiết kế 2 tuyến đường tham quan đi bộ chính và các đường dạo kết nối các điểm tham quan. Quy hoạch cũng nêu rõ việc bảo tồn tại chỗ các hố khai quật A - B và D4 - D6 dưới dạng nhà trưng bày ngầm các di chỉ khảo cổ học nguyên gốc, đảm bảo điều kiện độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho công tác bảo quản; lựa chọn một số di chỉ khảo cổ học quan trọng tại các hố D2 - D3, A6, D7, C3 để bảo tồn trưng bày dưới dạng hầm kính. Các khu vực không xây dựng sẽ được quy hoạch thành khu cây xanh, đường dạo để dự trữ khảo cổ học.

 


Sẽ sớm tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc

Phát biểu tại Lễ công bố Qui hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định: quy hoạch hướng tới mục tiêu bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ mai sau. Qui hoạch này là một bước cụ thể hóa quan trọng trong kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản Hoàng thành. Sau khi công bố đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các bước tiếp theo để tuyển chọn phương án kiến trúc, lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng phù hợp với các nội dung của đồ án được duyệt.

Trước mắt trong tháng 9-2012, UBND Thành phố sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển thiết kế phương án kiến trúc các công trình. Tới quý IV năm 2012 sẽ lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng kế hoạch bảo tồn, quản lý và đầu tư xây dựng. Song song với những công việc trên, UBND Thành phố Hà Nội sẽ giao cho Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long tiếp tục thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với khuyến nghị của ICOMOS (tổ chức quốc tế về các công trình và di tích) về di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; tiếp tục nghiên cứu khảo cổ cũng như mở cửa đón khách tham quan; tổ chức giới thiệu tuyên truyền quảng bá giá trị đặc biệt của Khu di sản này.

 


Theo bà Ngọc, trước mắt vẫn còn rất nhiều việc phải làm để di tích Hoàng thành Thăng Long thực sự trở thành một Công viên Lịch sử. Nhưng chắc chắn trong tương lai di tích này sẽ phát huy được những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu. Với thiết kế theo hướng nhiều cây xanh, tổ chức trưng bày, tuyến tham quan hợp lý, công viên đặc biệt này sẽ góp phần tạo ra sự hài hòa về cảnh quan chung của Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình. Mặt khác, nó sẽ góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn 10 thế kỷ, kể từ thành Đại La tiền Thăng Long và nhất là từ thời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ thứ X) đến thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích bắt đầu khai quật từ tháng 12-2002 và được mở rộng như hiện nay vào giữa năm 2003, với mục tiêu ban đầu là khai quật giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Nhà Quốc hội. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã tổ chức nhiều cuộc khai quật lớn, thu được rất nhiều di vật quý giá.

GS Sử học Lê Văn Lan:

Vẫn còn nhiều việc ở phía trước Quy hoạch tổng thể Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được chuẩn bị từ nhiều năm, và bây giờ điều đáng mừng là chúng ta đã có được một văn bản, một qui hoạch chính thức về Khu di tích này. Nhưng rõ ràng trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là chúng ta phải tổ chức thực hiện qui hoạch này như thế nào. Còn điều này nữa, mặc dù được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và bây giờ lại có qui hoạch tổng thể rồi, nhưng chúng ta cần lưu ý đến những khuyến cáo của UNESCO. Trong đó yêu cầu đặc biệt phía Việt Nam đã cam kết rồi và phải thực hiện đó là việc mở rộng các cuộc khảo cổ, khai quật. Chứ như bây giờ, việc khai quật khảo cổ còn ít quá. Và điều họ khuyến cáo thứ hai là phải chú ý đến vùng đệm, có nghĩa là khu vực ngay sát trung tâm này, có nghĩa nó là khu nhà Quốc hội, là khu của Bộ Quốc phòng bây giờ… Làm thế nào để thiết kế kiến trúc phải thật hài hòa về không gian giữa Công viên di sản lịch sử và vùng đệm.

PGS. TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học:

Đây là cơ sở tốt để giới khảo cổ tiếp tục nghiên cứu Theo tôi, việc công bố này đã khẳng định giá trị to lớn của Khu di sản. Di tích này đã được UNESSCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, nay được Nhà nước chính thức thừa nhận và đưa vào bảo vệ. Quy hoạch tạo cơ sở pháp lý rất tốt để giới khảo cổ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các giá trị, bảo tồn phát huy tốt những giá trị của Hoàng thành Thăng Long - một di sản đã được thế giới công nhận. Viện Khảo cổ học sắp tới sẽ đề xuất những phương án phù hợp cho giải pháp tổng thể từ kiến trúc, không gian, đường đi, bảo tồn, phát huy… Hoàng thành Thăng Long phải đa dạng hình thức bảo tồn: Có chỗ để lộ thiên trong một kiến trúc đẹp, có chỗ phải bảo tồn dưới lòng đất, nhưng diễn giải trên mặt đất. Kết hợp với hình thức trưng bày di vật, bản vẽ, bản ảnh minh họa, sơ đồ, mô hình, phim ảnh… Những hình thức này thế giới đã làm, nhưng ở Việt Nam, chúng ta phải áp dụng ra sao để đạt được hiểu quả cao nhất. Làm thế nào để Hoàng thành trở nên "lung linh” thì phải có một tiếng nói chung giữa các nhà thiết kế, nhà bảo tồn, nhà sử học, khảo cổ học…

Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo Giang Quân:

Nên khôi phục các nghi thức của triều đình trong Hoàng thành Hoàng thành đã được công nhận là di sản, chúng ta phải làm sao để phát huy được di sản quý giá đó. Khu Thành cổ Hà Nội đã có những công trình cũ, giờ phải nâng cấp và tổ chức các hoạt động như thế nào mới là vấn đề, nếu cứ mở cửa để người dân vào xem nền điện Kính Thiên, đôi Rồng đá, Hậu Lâu… hay những di tích của thời chống Mỹ không thôi thì tôi thấy chưa xứng tầm của một di sản mà thế giới công nhận. Trong con mắt của một nhà nghiên cứu về Hà Nội, với Công viên văn hóa lịch sử trong tương lai, tôi muốn người ta đẩy mạnh những hoạt động cộng đồng, ví dụ như nên phục dựng Hội đèn Quảng Chiếu theo cách thức dân gian, bên cạnh đó phục dựng lại nghi thức của triều đình. Cần khôi phục lại sinh hoạt của vua chúa, cộng đồng. Tôi tiếc là những con sông ở trong thành đã bị lấp hết, vườn ngự uyển cũng chỉ còn là quá khứ. Hình ảnh thuyền rồng đưa nhà vua đi dạo, vườn hoa sẽ thêm sống động khu công viên… Phải xây dựng ra làm sao cho thật hợp lý. Nếu làm được vậy mới cuốn hút được đông đảo quần chúng tới tham quan.