www.nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Giới thiệu sắc phong đền Sắc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh


Với niên đại từ 1657, có thể nói sắc phong đền Sắc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ghi một dấu mốc quan trọng trong bản đồ sắc phong Việt Nam, là một trong những tập sắc phong có niên đại khá sớm và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Tháng 9 năm 2015, đoàn sưu tầm tài liệu quý hiếm của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã sưu tầm tài liệu tại xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có sưu tầm được một số sắc phong và thần tích của đền Sắc xã Thạch Lạc.
 
Đền Sắc hay còn gọi là đền Trung thờ vị thần Nhị Lang Long Vương – một trong ba vị thần Tam Lang đã có nhiều công tích trong việc bảo vệ nước, che chở cho dân.

Đền Sắc thực chất là đền thờ thần Tam Lang(1), được xây dựng vào thế kỷ thứ XVI . Tại xã Thạch Lạc có ba đền thờ Tam Lang là: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Địa điểm hiện nay của đền trước đây thờ Nhị Lang Long Vương hay còn gọi là Ông Hai Long Vương, tức là đền Trung, đền Thượng thờ Nhất Lang Long Vương (Ông Cả Long Vương) và đền Hạ thờ Tam Lang Long Vương (Ông Ba Long Vương), nay không còn dấu vết.

Theo sử sách kể, vào năm 1557 vua Lê Anh Tông dùng thuyền rồng đi thị sát dân tình qua vùng này bỗng gặp gió to sóng lớn nên thuyền của vua không thể đi được. Thấy sự việc lạ, vua sai quan quân vào đền thắp hương cầu nguyện bỗng chốc sóng yên biển lặng, thuyền vua về tới kinh đô an toàn. Trở về kinh thành, vua sai quan quân hàng năm tổ chức mua sắm lễ vật cúng tế tại đền cầu cho mưa thuận gió hoà
 
Từ đó đến nay, lễ hội kỳ phúc ở đền Sắc được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 âm lịch hàng năm để ghi nhớ công lao của thần Nhị Lang Long Vương và cầu nguyện trời yên biển lặng để nhân dân làm ăn khấm khá.
 
Đền Sắc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nằm trong quần thể “Di chỉ Thạch Lạc”. Quần thể Di chỉ khảo cổ này lại nằm trong hệ thống di chỉ khảo cổ học thuộc loại hình “Di chỉ Cồn Sò Điệp” ven biển miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình, được Bộ Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch ký quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 74/2008/QĐ – BVHTTDL ngày 22 tháng 8 năm 2008.

Ngoài cảnh quan và kiến trúc cổ ra thì trong đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: kiệu võng, long đình, các bức hoành phi câu đối và đặc biệt là 87 đạo sắc phong(2), 1 thần tích từ triều Lê đến triều Nguyễn. Trong đó cụ thể có 30 đạo sắc triều Lê và 56 đạo sắc triều Nguyễn và 1 đạo mất chữ (không rõ của triều nào) phong cho các vị thần. Đặc biệt, trong tổng số 87 đạo sắc phong đó có 15 đạo sắc phong cho Nhất Lang Long Vương hay còn gọi là Ông Cả Long Vương, 16 đạo sắc phong cho Nhị Lang Long Vương hay còn gọi là Ông Hai Long Vương, 16 đạo sắc phong cho Tam Lang Long Vương hay còn gọi là Ông Ba Long Vương, 6 đạo sắc phong chung cho cả 3 vị thần (Nhất Lang Long Vương, Nhị Lang Long Vương, Tam Lang Long Vương). Số còn lại là phong cho các vị thần khác như: Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần, Tứ Vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần, Bản Thổ Nương Vương Linh Ứng Chi Thần, Sát Hải Đại Tướng Quân Chi Thần, Chủ Tể Hà Bá Thuỷ Quan Chi Thần… Riêng đối với 30 đạo sắc của triều Lê chỉ phong tặng cho Tam Lang không có đạo nào phong cho các vị thần khác. Còn đối với triều Nguyễn số vị thần được phong tặng khá nhiều nhưng các đạo sắc phong tặng cho Tam Lang vẫn chiếm số lượng nhiều hơn cả.
 
Qua 87 đạo sắc phong trên, chúng ta phần nào nhận thấy đền Sắc đã từng được các triều đại phong kiến quan tâm từ rất sớm và khá liên tục. Bằng chứng cụ thể là từ năm Thịnh Đức 5 (1657) và Vĩnh Thọ 3 (1660) triều Lê đền đã được ban tặng sắc (do đạo sắc bị rách một nửa nên chúng tôi không rõ mỹ tự cụ thể được phong trong đạo sắc này), đến năm Dương Đức 3 (1674) đền được ban tặng sắc gia phong mỹ tự: “Diễn Phúc Thuỳ Hưu” cho Ông Hai Long Vương. Cũng qua đạo sắc này, chúng ta được biết, trước đó tôn hiệu của Ông Hai Long Vương đã từng được các triều vua gia phong nhiều lần với số mỹ tự khá dài đó là: “Ông Hai Long Vương Linh Ứng Chiêu Nghĩa Chí Nhân Uyên Tịnh Uy Dũng Quảng Trạch Thi Huệ Khuông Thời Chí Nhân Hậu Đức Dực Thánh Mậu Công Phù Tộ An Dân Tá Dân Hùng Tài Vi Lược Tán Trị Bảo Dân An Long Phúc Chính Trực Đức Hành Phổ Hiệp Linh Thông Hồng Ân Niên Phong Cao Sĩ Thông Minh Diên Khánh Tuy Lộc Đại Vương”.

Trải qua những đợt ban sắc vào các năm tiếp theo: 1678, 1684, 1710, 1730, 1740, 1766, 1784, 1795 thì số mỹ tự trong tôn hiệu của Ông Hai Long Vương lại càng được tăng thêm. Nhưng đến đạo sắc thời Nguyễn cụ thể từ triều vua Minh Mệnh 5 (1824) thì tôn hiệu này bị đột ngột rút ngắn và kém “vang” hẳn so với tôn hiệu trước đó và cũng đổi tên gọi từ “Ông Hai Long Vương…” thành “Nhị Lang Long Vương”. Điều này cũng là một trong những thông tin góp phần minh chứng cho chủ trương “ cắt giảm” mỹ tự và “giáng cấp” phẩm trật của các vị thần được thực hiện vào đầu triều Nguyễn.
 
Theo chúng tôi được biết, dưới triều vua Gia Long, có rất nhiều sắc phong được ban tặng cho các vị thần và công thần, gần như ban “tràn lan”. Vì vậy, đến các triều vua sau cụ thể từ triều vua Minh Mệnh, một số đạo sắc phong ban từ triều vua Gia Long đã bị thu hồi, sắc phong thời này tôn hiệu bị rút ngắn.
 
Với niên đại từ 1657, có thể nói, sắc phong đền Sắc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã ghi một dấu mốc quan trọng trong bản đồ sắc phong Việt Nam, là một trong những tập sắc phong có niên đại khá sớm và được lưu giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, một số sắc phong có niên đại khá sớm như sắc phong phong năm: 1657, 1674, 1678, 1684 đã bị rách, rách một nửa hoặc rách một số chỗ.
 
Mặc dù số lượng sắc phong khá nhiều nhưng trong điều kiện bài viết không cho phép, chúng tôi chỉ xin trích dịch và công bố 2 đạo sắc phong phong cho của Ông Hai Long Vương (Nhị Lang Long Vương) tiêu biểu còn lưu giữ tại đền Sắc, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: 1 đạo tiêu biểu cho sắc phong triều Lê và 1 đạo tiêu biểu cho sắc phong triều Nguyễn.
 
Đạo sắc năm 1684:
 
 
Phiên âm:
 
Sắc Ông Hai Long Vương Linh Ứng Chiêu Nghĩa Chí Nhân Uyên Tịnh Uy Dũng Quảng Trạch Thi Huệ Khuông Thời Chí Nhân Hậu Đức Dực Thánh Mậu Công Phù Tộ An Dân Tá Dân Hùng Tài Vĩ Lược Tán Trị Bảo Dân An Long Phúc Chính Trực Đức Hành Phổ Hiệp Linh Thông Hồng Ân Niên Phong Cao Sĩ Thông Minh Diên Khánh Tuy Lộc Diễn Phúc Thuỳ Hưu Đại Vương, ngũ nhạc trữ tinh, tam quan dựng tú, anh linh hiển hách, sử dân năng. sử kính uý, phụng thừa phúc tích hoà bình, hộ quốc diễn linh trường du cửu, lượng cư thần, cảm ứng tín lễ, cử bao pong vi mặc tướng, huân vương tích tự vương cơ lâm cư chính phủ, tôn phù tông xã, củng cố hồng đồ, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong, khả gia phong Ông Hai Long Vương Ứng Chiêu Nghĩa Chí Nhân Uyên Tịnh Uy Dũng Quảng Trạch Thi Huệ Khuông Thời Chí Nhân Hậu Đức Dực Thánh Mậu Công Phù Tộ An Dân Tá Dân Hùng Tài Vĩ Lược Tán Trị Bảo Dân An Long Phúc Chính Trực Đức Hành Phổ Hiệp Linh Thông Hồng Ân Niên Phong Cao Sĩ Thông Minh Diên Khánh Tuy Lộc Diễn Phúc Thuỳ Hưu Khải Tường Tập Khánh Đại Vương. Cố sắc!
 
Chính Hoà ngũ nguyệt thập nhất nhật.

Dịch nghĩa:
 
Sắc cho Ông Hai Long Vương Linh Ứng Chiêu Nghĩa Chí Nhân Uyên Tịnh Uy Dũng Quảng Trạch Thi Huệ Khuông Thời Chí Nhân Hậu Đức Dực Thánh Mậu Công Phù Tộ An Dân Tá Dân Hùng Tài Vĩ Lược Tán Trị Bảo Dân An Long Phúc Chính Trực Đức Hành Phổ Hiệp Linh Thông Hồng Ân Niên Phong Cao Sĩ Thông Minh Diên Khánh Tuy Lộc Diễn Phúc Thuỳ Hưu Đại Vương, ngũ nhạc3 cất giữ tinh thần, tam quang(4) đẹp đẽ, linh thiêng hiển hách, sai khiến người có khả năng, khiến cho kính sợ, ban phúc cho hoà bình, giúp nước tốt tươi, linh thiêng dài mãi, tín thực cơ thần, cảm ứng tín lễ, được bao phong làm mặc tướng, công tích nối nền vua đến ở chính phủ, giúp đỡ cho tông miếu xã tắc, củng cố cơ đồ, lễ có thăng bậc, ứng theo gia phong, đáng được gia phong là Ông Hai Long Vương Linh Ứng Chiêu Nghĩa Chí Nhân Uyên Tịnh Uy Dũng Quảng Trạch Thi Huệ Khuông Thời Chí Nhân Hậu Đức Dực Thánh Mậu Công Phù Tộ An Dân Tá Dân Hùng Tài Vĩ Lược Tán Trị Bảo Dân An Long Phúc Chính Trực Đức Hành Phổ Hiệp Linh Thông Hồng Ân Niên Phong Cao Sĩ Thông Minh Diên Khánh Tuy Lộc Diễn Phúc Thuỳ Hưu Khải Tường Tập Khánh Đại Vương. Vậy nên sắc!
 
Ngày 11 tháng 5 năm Chính Hoà (1684).
 
Đạo sắc năm 1924:
 
 
Phiên âm:
 
Sắc Hà Tĩnh tỉnh Thạch Hà phủ Nam Trị thôn, Đông Nam thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng Mang Thạc Hoà Mục Phổ Nhuận Hiệp Đức Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nhị Lang Long Vương Linh Ứng trung đẳng thần, hộ quốc tí dân, nẫm tứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết kính ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trước gia tặng Hoằng Hiệp thượng đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.
 
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
 
Dịch nghĩa:
 
Sắc cho thôn Nam Trị, thôn Đông Nam phủ Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh từ xưa đã phụng thờ nguyên được tặng: Mang Thạc Hoà Mục Phổ Nhuận Hiệp Đức Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Nhị Lang Long Vương Linh Ứng trung đẳng thần. Thần bảo vệ nước che chở cho dân rất linh ứng, đã từng được ban cấp sắc phong cho được hưởng thờ phụng.

Đến nay đúng dịp lễ lớn mừng trẫm tứ tuần, đã ban cho thần chiếu quý, ân lớn, về lễ được xếp lên bậc. Ban tặng thêm mỹ tự cho thần là: Hoằng Hiệp thượng đẳng thần, đặc biệt cho dân thôn Nam Trị, thôn Đông Nam được thờ phụng, để ghi nhớ ngày vui của nước được thể hiện ở điển lễ. Kính thay.

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924).

Chú thích:
 
(1) Chỉ ba vị: Nhất Lang Long Vương, Nhị Lang Long Vương, Tam Lang Long Vương.
(2) 87 đạo sắc phong do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 sưu tầm sao chụp được của đền Sắc xã Thạch Lạc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh
.(3) Ngũ nhạc: Hòn núi cao tiêu biểu cho 5 phương của Trung Hoa
.(4) Tam quang: Ba thứ chiếu ánh sáng trong vũ trụ tức mặt trời, mặt trăng, sao.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Toàn bộ 87 sắc phong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 sưu tầm sao chụp được của đền Sắc xã Thạch Lạc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.
2. Tư liệu mạng, “Di chỉ Thạch Lạc”, Website:ditichlichsuvanhoa.com

Theo Ths. Lê Thị Thông/luutruquocgia1.org.vn