www.nguyendu.com.vn
Loading...

Kim Vân Kiều lục hay thú chơi lật ngược Truyện Kiều


Từ sau khi Truyện Kiều chiếm lĩnh con tim bạn đọc nhiều thế hệ thì ngoài nghiên cứu, thảo luận ra, cảm hứng của độc giả nước ta hình thành hai thú chơi thanh nhã: một là xuôi dòng như vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều, trò Kiều, tranh Kiều...; hai là ngược dòng là dịch thành thơ chữ Hán như các nhà Nho Lê Dụ, Nguyễn Kiên, Lê Mạnh Điềm... đã làm. Một nhà Nho khuyết danh khác lại có hứng thú đặc biệt là chuyển truyện thơ Nôm trở lại thành tiểu thuyết văn xuôi chữ Hán, không liên quan gì với tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Đó là Kim Vân Kiều lục(1).
 
Tác giả không để lại tên tuổi, chỉ biết sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Ông cũng không viết lời tựa cho biết vì sao lại có hứng thú độc đáo này, nhưng đọc tác phẩm thì thấy vốn liếng văn thơ trong, ngoài nước của tác giả đạt đến độ phong phú và đầy đặn. Tiểu thuyết viết theo thể văn ngôn (cổ văn) sáng sủa, mạch lạc, có dùng điển cố trong sách kinh điển Nho gia nhưng ít nên dễ hiểu. Ngoài 50 bài thơ, khúc xen giữa truyện mà không một bài nào vay mượn từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả còn vận dụng biền ngẫu, đối ngẫu vào văn tự sự, làm cho câu văn có nhịp điệu thêm đẹp, có thể chuyển tải tình cảm thiết tha, ý nhị, tương xứng với câu thơ trong Truyện Kiều.
 
Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang.
Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ.
Sông Tương một dải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
Đoạn thơ trên đây chuyển sang tiểu thuyết thành:
 
Trọng về đến thư phòng, đói hoa khát nguyệt, lòng sầu muôn mối, tiếc lục tham hồng, u hoài vạn nỗi... Kiều trở về lầu hồng, hương dệt khói sầu, đàn thành rượu đắng, mới qua mười ngày, như trọn một năm.
 
Về thơ, chỗ nào Truyện Kiều nói đến thơ nhưng không có thơ thì chỗ ấy ở tiểu thuyết đều có thơ, cho nên có thể nói tác giả sáng tác Kim Vân Kiều lục dường như nhằm bổ sung thơ cho truyện Nôm mà vì để cho truyện thơ được liền mạch, Nguyễn Du chỉ nhắc tới rồi cho qua. Vả chăng, thơ tự sự trường thiên theo thể lục bát, làm sao giữa chừng lại có thể xen tréo ngoe “bốn câu ba vần” theo thể thất ngôn hay ngũ ngôn tuyệt cú được? Chỉ tiểu thuyết mới thực hiện được điều này. Thế là “vạch da cây vịnh bốn câu ba vần” có, “gốc cây lại vạch một bài cổ thi” (được thay thế bằng hai câu) có, rồi “tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm” cũng có. Ngoài ra, đến tình tiết nào có thể thêm thơ, tác giả cũng tự thêm vào. Cả đến những đoạn đối thoại cảm động ở Truyện Kiều, như khi Kim Trọng mãn tang chú, từ Liêu Đông trở lại tìm Kiều, “Mái sau viên ngoại ông bà ra ngay/ Khóc than kể hết niềm tây...”; Kim Trọng nghe xong, “Gan càng tức tối, ruột càng xót xa/ Rằng: Tôi trót quá chân ra...” thì tác giả Kim Vân Kiều lục đã cho hai người ngâm thơ, dường như thấy văn xuôi khó lột tả hết được nỗi đau đớn, xót xa, tiếc nuối khôn cùng.
 
Nói tác giả nhằm vào “thơ” hẳn là không sai, vì phần “truyện” chỉ có một số chi tiết mới thêm hoặc thay đổi chủ yếu ở phần đầu: Vương viên ngoại dòng dõi trâm anh, lại là nhà hào phú (chứ không phải “thường thường bậc trung”) ở Lôi Châu (thuộc Quảng Đông), bà cầu đảo ở núi Hành Sơn (thuộc tỉnh Hồ Nam, tiếp giáp với Quảng Đông), trở về mộng thấy cụ già cho ba cành đào, một cành đã kết trái, một cành hoa mới chúm chím và một cành hoa đã gần tàn. Cành kết trái, viên ngoại đoán là sẽ sinh con trai, hai cành kia là sinh con gái. Rồi “Thúy Kiều và Thúy Vân năm mười hai tuổi đã có dung nhan chim sa cá lặn, hai cô cùng Vương Quan du học để được hiểu nhiều biết rộng nên cầm kỳ thi họa không thứ nào là không biết. Tài sắc của Kiều còn trội hơn cả Vân. Thấm thoát hoa đưa, nàng đã ngoài hai mươi tuổi, trong làng có người ước cầu được chiếm phượng, nhưng lòng thơm ngần ngại, việc xuân chưa thành, hội phong vân cũng chưa gặp”.
 
Chi tiết thêm ra hoặc thay đổi đại loại cũng chỉ đến thế, sau đó tiểu thuyết bám sát truyện thơ, nhưng nói chung dọn lại gọn hơn, do đó cũng lược bỏ một số chi tiết đáng đọc khác để tiếp tục thêm thơ ở những chỗ tác giả thấy nên thêm. Ví như “Tay tiên gió táp mưa sa/ Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu” thìở tiểu thuyết không phải chỉ “và bốn câu” mà là hẳn một bài thất ngôn bát cú trên bức tranh tùng.
 
Kiều đề thơ xong, Kim Trọng khen ngợi rồi cũng bình phẩm tùng bằng hai câu thơ:
 
Gặp thời tươi tốt cùng mưa dễ,
Tiết tháo trong sương mới khó sao!
 
Tác giả còn cho Kim Trọng tặng Kiều hai câu thơ khi nghe nàng đàn:
 
Sóng lạnh nghìn xưa rồng cất giọng,
Sáo thiêng trời thẳm hạc kêu sương.
 
Rồi “thấy lời đoan chính dễ nghe”, Kim Trọng lại tặng Kiều một bài thơ nữa:
 
Vững chắc trăm lần luyện chữ trinh,
Mộng xuân khó lọt giấc mơ xanh.
Lòng son tựa sắt khôn xâm đoạt,
Tiết tháo như non chuyển chẳng thành.
 
Không chỉ có thơ mà tác giả còn sáng tác những khúc ngâm theo lối Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn để cho lời thổ lộ tình cảm của nhân vật thêm da diết, thiết tha. Ở Truyện Kiều, câu 2965 - 2972 kể gia đình lập đàn giải oan cho Kiều bên sông Tiền Đường, Nguyễn Du đặt mình vào người trong cảnh, thốt lên những lời xót thương cho cô gái mệnh bạc:
 
Thương ôi, không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng....
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.
Tình thâm bể thẳm lạ điều,
Nào hồn tinh vệ biết theo chốn nào!
 
Thì trong tiểu thuyết, tác giả chuyển lời xót thương đó cho Kim Trọng:
 
“Cả nhà khóc mãi không thôi, bèn lập đàn tràng ở bên sông làm lễ chiêu hồn. Kim lang lại ngâm một khúc:
 
Kiều chừ Kiều chừ biết làm sao?
Hợp hoan chừ càng ít,
Biệt sầu chừ nhiều sao!
Ai không vì thế mà than thở,
Lòng ta nào biết làm sao chớ?
Nàng đã sống suông chừ một đời tài hoa,
Nợ cũ của nàng chừ mấy độ phồn hoa.
Phận của nàng chừ như đào hoa,
Mệnh của nàng chừ như thu hoa.
Hoa thu khổ mãi sương thu quất
Sương quất trùng phùng trên biển hoa.
Hoa trên biển chừ sắc tiều tụy,
Mấy phen tiều tụy lại cuồng ba.
 
Lời ngâm thảm thiết này khiến người đọc cũng phải rơi lệ. Chính vì thế, kịch bản Truyện Kim Vân Kiều hồi thứ ba đã lấy trọn khúc này cho vai Kim Trọng ngâm trong kịch:
 
“(Kim Trọng) lại nói: Có Kiều nữ thác ở dưới sông, thỉnh pháp sư thiết lập đàn tràng đặng chiêu hồn giải thoát tình oan, cho người chết siêu sinh khổ hải... Rồi Kim Trọng ngâm rằng:..”(2).
 
Điều lý thú nhất là về câu đối. Hai vế câu đối ở thanh lâu trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều lục rất hợp cảnh hợp tình. Ởphòng đầu, câu đối treo trên chỗ ngồi là:
 
Tâm sinh cẩm tú xuân như hải,
Mộng nhập Dương Đài dạ tự niên.
(Lòng sinh gấm vóc, xuân như biển,
Mộng tới Dương Đài, đêm tựa năm)
 
“Gấm vóc” chỉ những gì đẹp, tốt đẹp, mỹ hóa ý muốn đến thanh lâu; Dương Đài cũng có nghĩa như Vu Sơn, nơi nam nữ gặp nhau, cũng mỹ hóa việc khách chơi gặp gái làng chơi.
 
Ơ ̉phòng thứ hai, câu đối dưới bức truyền thần tiên sư thanh lâu là:
 
Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩm,
Bán điểm chu thần vạn khách thường
(Một đôi tay ngọc nghìn người gối,
Nửa điểm môi son vạn khách hôn)
 
Vào đến phòng này, câu đối không cần văn vẻ úp mở nữa, ai cũng hiểu đó là cảnh gì rồi. Xem lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân(3), ta thấy ở đấy chỉ có một câu đối treo ở cửa thanh lâu:
 
Thời phùng hảo điểu tức giai khách,
Mỗi đối danh hoa tự mỹ nhân.
(Thời gặp chim đẹp tức khách tốt,
Mỗi khi trước hoa nổi tiếng ấy là người đẹp).
 
Ở câu đối trên, “hảo điểu” vẫn có nghĩa tốt, song xem ra không sát với cảnh thanh lâu bằng hai câu đối ởKim Vân Kiều lục, nhất là câu “Nhất song ngọc thủ thiên nhân chẩm/ Bán điểm chu thần vạn khách thường” thì không còn cách diễn tả nào sát hợp hơn để tả gái điếm.
 
Tìm tư liệu trên Internet tiếng Trung thấy hai câu này có trong bài Nam Lương thôn phụ phán lang quy tình ca (Tình ca về người phụ nữ nông thôn ở Nam Lương mong chồng về) gồm tám đoạn, bốn đoạn trên kể lên đường đi nghìn dặm tìm chồng và không ngờ đã tìm thấy chồng đang mải vui thú với gái làng chơi. Đoạn thứ sáu dịch nghĩa như sau:
 
Gà mái đôi tám khéo điểm trang,
Đêm đêm động phòng đổi tân lang.
Đôi cánh tay ngọc nghìn người gối,
Nửa điểm môi son vạn khách hôn.
 
“Gà mái” chỉ gái điếm, vì kê (gà) đồng âm với kỹ (kỹ nữ), “nhất song ngọc thủ” (đôi bàn tay ngọc) được đính chính cho đúng là “nhất song ngọc tí” (đôi cánh tay ngọc).
 
Tạm thời có ba thuyết nói về xuất xứ của bài tình ca trên đây:
 
1. Tác giả là Tiết Đào, nhà thơ nữ và cũng là danh kỹ đời Đường, giỏi làm thơ từ hồi còn nhỏ. Năm lên 9, xướng họa với cha có câu: “Chi nghênh nam, bắc điểu/ Diệp tống vãng lai phong” (Cành đón chim nam, bắc. Lá đưa gió vãng lai). Cha nàng nghe thấy thế buồn lắm. Thơ của nàng có đến nghìn bài, nhưng chỉ hai câu làm lúc lên 9 và câu “Đôi cánh tay ngọc, Nửa điểm môi son” là không mấy ai quên vì hai vế đó về sau trở thành câu đối treo ở cửa nơi danh kỹ ở.
 
2. Hai câu trên có trong Tế công truyện của Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân. Tế công truyện có nhiều loại bản, bản gồm 20 hồi có bài thơ miêu tả kỹ nữ, dịch nghĩa như sau:
 
Kỹ nữ chốn lầu xanh trang điểm qua loa,
Đêm đêm động phòng đổi chú rể.
Đôi cánh tay ngọc nghìn người gối,
Nửa điểm môi son vạn khách hôn.
Giả vờ mấy vẻ kiều mị ngượng ngùng,
Cố ý e lệ thẹn thùng rơi mấy hàng lệ.
Làm thành lòng dạ giả dối,
Tiễn cũ, đón mới biết là bao nhiêu.
 
3. Ý kiến khác cũng cho xuất xứ là Tế Công truyện nhưng do Quách Tiểu Đình đời Thanh soạn và bài thơ miêu tả kỹ nữ trên đây có ở hồi thứ 25 với đề “Doãn Xuân Hương thanh lâu gặp thánh tăng, Triệu Vân Hội thấy thơ sinh trắc ấn”.
 
Như vậy có thể nói chắc câu đối treo dưới bức chân dung tổ sư thanh lâu có đôi lông mày nửa trắng ở Kim Vân Kiều lục xuất xứ từ thơ, truyện Trung Quốc, chỉ không rõ tác giả đọc được ở đâu. Dù thế nào đi nữa, chúng cũng cho thấy tác giả Kim Vân Kiều lục đã đọc rất nhiều sách, ngoài sách kinh điển của Nho gia, ông còn đọc nhiều loại tiểu thuyết. Vì thế, ông biết rõ thể thức cấu trúc tiểu thuyết Hán văn thịnh hành ở Trung Quốc là thường mào đầu bằng một bài thơ hay từ, khúc nên đã lấy bài thơ cụ Phạm QuýThích đề cho Đoạn trường tân thanh đưa vào đầu truyện. Ông còn vay mượn ý và từ ở nhiều nguồn thơ văn của người đi trước, cả trong nước lẫn ngoài nước vào thơ do mình sáng tác rồi xen rất đúng chỗ trong tiểu thuyết của mình. Tôi nghĩ nếu nghiên cứu tiếp, chúng ta sẽ biết nhiều điều lý thú hơn nữa về tác giả và về tác phẩm.
 
Tác giả không để lại họ tên có lẽ vì ông còn mang quan niệm đánh giá thấp tiểu thuyết so với thơ (bộ tiểu thuyết chương hồi hiếm có như Hoàng Lê nhất thống chí thế mà tác giả cũng không để lại tên tuổi rõ ràng), lại thêm tự thấy thơ mình sáng tác, tuy thỏa mãn được ý muốn thử sức, song với những vay mượn không qua được mắt các nhà văn nước ta, ông cảm thấy không nên để lại tên tuổi. Xuất phát từ lòng yêu mến danh gia Nguyễn Du và danh tác Truyện Kiều cùng ý muốn mở rộng ảnh hưởng của tác phẩm bất hủ này như các nhà Nho dịch Truyện Kiều ra thơ Hán văn, ông đã chuyển thể Truyện Kiều trở lại thành tiểu thuyết, coi như sự hưởng ứng nhiệt thành của bạn đọc đối với tác giả và tác phẩm; hoặc coi là một thú chơi tao nhã như vịnh Kiều, lẩy Kiều... của rất nhiều người xưa nay. Ông cũng không ngờ rằng khúc ngâm của ông đã được một người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều khác lại chuyển từ tiểu thuyết sang thể kịch Hán văn với ba hồi, và chắc rằng bằng thể kịch, ba hồi này đã từng được công diễn, Truyện Kiều nhờ thế càng in sâu trong trí nhớ của khán giả nước ta.
 
Kim Vân Kiều lục tuy không thể sánh với Truyện Kiều mà tiểu thuyết lấy làm chỗ dựa để tái sáng tác, nhưng tiểu thuyết đã được khắc in năm 1888, được bạn đọc truyền bá qua nhiều bản chép tay mà hiện nay còn 6 bản, cộng với khúc ngâm do tác giảsáng tác được chuyển cho nhân vật Kim Trọng trong kịch, chứng tỏ tiểu thuyết từng được hoan nghênh, có ảnh hưởng nhất định trong bạn đọc một thời. Tuy tình tiết tiểu thuyết còn giản lược nhưng dù sao đây cũng là sáng tác đòi hỏi không ít tâm huyết, học vấn và công sức của tác giả, có đóng góp đáng kể cho sức sống trường cửu và ảnh hưởng rộng lớn của Truyện Kiều, vì thế Kim Vân Kiều lục đáng được coi trọng và tiếp tục đi sâu nghiên cứu.
_____
(1) Phạm Tú Châu: Dịch và nghiên cứu Kim Vân Kiều lục. Trung tâm Nghiên cúu Quốc học và NXB Khoa Học Xã Hội xuất bản, tháng 7-2015.
(2) Dẫn lại từ Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, NXB Lao Động, 2004, chương 5, tr.164.
(3) Hồi 8, tr.65. NXB Xuân Phong Văn Nghệ, 1985.
 
 
Theo Phạm Tú Châu/honvietquochoc.com.vn

Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

www.nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website