Liên hoan dân ca ví giặm 2013 tổ chức tại Hà Tĩnh


Theo kế hoạch, Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm 2013 sẽ được tổ chức tại Hà Tĩnh từ ngày 17-19/8/2013.

 

Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm nay sẽ diễn ra từ  ngày 17-19/8/2013 tại Hà Tĩnh


Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh năm nay sẽ thu hút hơn 30 câu lạc bộ dân ca của 14 huyện, thị trên địa bàn tham gia.


Chủ đề của liên hoan dân ca lần này có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, quê hương đất nước, con người…


Dự kiến, sau khi Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ cấp tỉnh kết thúc, ban tổ chức sẽ chọn 12 câu lạc bộ đạt giải nhất, nhì, ba tại các cụm để tham gia lễ đón Bằng công nhận di sản văn hoá cấp quốc gia và tham dự khai mạc Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh được tổ chức tại Hà Tĩnh từ ngày 17-19/8/2013.


Đây là năm thứ 2 Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của dân ca, hướng tới sự kiện UNESCO công nhận dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.


Ví, giặm là hai thể hát dân ca không có nhạc đệm do cộng đồng người Việt ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo trong quá trình sinh hoạt và lao động, mang đậm bản sắc địa phương về điệu hát, ca từ, giọng điệu, âm điệu.


Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đa số người Nghệ Tĩnh biết hát ví giặm vì loại hình dân ca này chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa, cuộc sống của họ.


Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu ví, 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như Ví phường vải, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể…


Ví, giặm có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa; giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.


Ngày nay, hát ví giặm phổ biến trong cuộc sống, phong trào văn hóa xã hội, lễ hội, các cuộc gặp gỡ vui chơi, liên hoan văn nghệ và còn được chuyển hóa thành các ca khúc, ca kịch trình diễn trên sân khấu.