Sáng ngày 21/11/2011, chuyên gia Koji Kobayashi đến từ Bảo tàng Quốc gia Kyushu, Nhật Bản đã có buổi thuyết trình về nghề khảm trai truyền thống Việt Nam trước đông đảo cán bộ, nhân viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

 


Ông Kobayashi đã có quãng thời gian dài (từ 2006) tìm hiểu về nghệ thuật khảm trai của các nước châu Á. Đến với Việt Nam trong công trình nghiên cứu lần này, ông Kobayashi bày tỏ sự thán phục tài năng của các nghệ nhân khảm trai Việt Nam, đặc biệt là nghệ nhân tại làng nghề Chuyên Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Trong khoảng thời gian có hạn của buổi thuyết trình, vị chuyên gia người Nhật Bản cùng đồng sự của mình đã phác hoạ phần nào quá trình phát triển và những đặc điểm cơ bản của nghề khảm trai Việt Nam.

Qua đó, những nhà nghiên cứu quan tâm tới khảm trai Việt Nam có thể tham khảo một số ý kiến đến từ ông Kobayashi.

Nghiên cứu của ông Kobayashi khẳng định rằng khảm trai trên chất liệu gỗ là phổ biến nhất ở Việt Nam. Các vật dụng được khảm trai thường xuất hiện trong những gia đình giàu có do sự đắt đỏ của sản phẩm này, tiêu biểu như vật dụng cơi trầu, khay trà, bàn ghế, tủ đứng, đồ thờ… Vật dụng khảm trai có giá trị trưng bày như một cách để phô trương sự giàu có. Kỹ thuật khảm trai cho phép sản phẩm không bị ngả màu theo thời gian, kết hợp cùng với những chất liệu gỗ tốt là những vật dụng có độ bền cao.

Chuyên gia Kobayashi thông qua các đợt khảo sát tại các làng nghề, các bảo tàng Việt Nam, cho rằng khảm trai Việt Nam chắc chắn có mặt từ thế kỉ XIX song trước đó đã có nền tảng kỹ thuật. Hiện tại, với những khảo sát bước đầu, vẫn chưa thể xác định chính xác nghề khảm trai Việt Nam có từ bao giờ? Buổi thuyết trình về khảm trai Việt Nam còn đề cập nhiều tới xuất sứ của đồ khảm trai. Những làng nghề nổi tiếng với nghề khảm trai ở Việt Nam hiện không còn nhiều, trong đó nổi bật nhất miền Bắc có lẽ là làng nghề Chuyên Mỹ.

Làng còn giữ được nghề truyền thống này qua bao thế hệ. Để phục vụ cho nghiên cứu, ông Kobayashi đã tiến hành khảo sát tại đây và thấy rằng nghề khảm trai hoạt động được nhờ sự kết dính bền chặt giữa các mối quan hệ gia đình. Cả nam giới và phụ nữ trong gia đình đều tham gia làm nghề. Nam giới xử lý vỏ trai, làm những công việc nặng trong khi phụ nữ chuyên trách những khâu cần nhiều sự tỉ mẩn như công đoạn khảm trai lên sản phẩm.

Những thông tin được ông Kobayashi giới thiệu thông qua thuyết trình nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tiêu biểu có Phó giám đốc Nguyễn Đình Chiến và Phó giám đốc Vũ Quốc Hiền.

Những ý kiến này trở thành gợi ý thiết thực cho quá trình nghiên cứu lâu dài về nghề khảm trai Việt Nam và đã được chuyên gia người Nhật đánh giá rất cao. Ông hi vọng trong tương lai sẽ giải đáp được những câu hỏi mà các chuyên gia đã đặt ra về khảm trai Việt Nam.