Mặt bằng công trình bảo tồn, phỏng dựng chính điện Lam Kinh tại khu di tích Lam Kinh còn dấu vết chân tảng hàng cột
Không ít chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ sự băn khoăn về cơ sở khoa học trong việc phỏng dựng khu chính điện thuộc di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

 

Di tích Lam kinh


Một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn (đề nghị giấu tên) cho biết: “Tôi đã đọc kỹ hồ sơ dự án phỏng dựng chính điện di tích Lam Kinh. Theo tôi, phục dựng hay “phỏng dựng” đều không có tư liệu khoa học. Không nên tạo ra một sản phẩm giả cho nhân dân hiểu sai về lịch sử. Công năng và trang trí nội thất chính điện đều không có tư liệu”.

Nội suy năm ăn, năm thua

Dự án này đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu lịch sử và khảo cổ khác nhau để minh chứng cho việc đảm bảo đủ cơ sở khoa học để phỏng dựng chính điện Lam Kinh. Nhưng theo nhà nghiên cứu trên, hiện trong các tài liệu chính sử cũng như dã sử chỉ ghi chép rất ít về việc xây dựng chính điện.

 “Qua sự ít ỏi về mặt thông tin đó chúng ta không thể nào hình dung được quy mô kiến trúc, công năng sử dụng của chính điện. Còn tư liệu khảo cổ cũng chỉ để tham khảo mà thôi”, ông nói.

Thêm nữa, trong hồ sơ dự án có rất nhiều chỗ dùng từ “nội suy”. Đơn cử, “căn cứ các tư liệu lịch sử để nội suy kiến trúc, vật dụng và trang trí tòa chính điện...”; “căn cứ các chuẩn mực trong kiến thức truyền thống Việt vùng đồng bằng Bắc bộ để nội suy hình thức kiến trúc, tỉ lệ chung của ngôi nhà”; “căn cứ vào tính đồng dạng, đồng niên của các công trình kiến trúc và trang trí hiện tồn (thời Lê) để nội suy phần cấu trúc bên trên của tòa chính điện Lam Kinh”.

Hay như để phục hồi chức năng chính điện, các tác giả dự án sử dụng nội dung bài thơ ngự chế trên điện Quang Đức của vua Lê Thánh Tông, trong khi bài thơ này không có chỗ nào mô tả về công năng của chính điện.

Trong chuyên ngành về bảo tồn, tôn tạo di tích thì người ta có thể nội suy để đưa sự định tính, định lượng nhằm phục dựng công trình kiến trúc truyền thống, nhưng thường những công trình như thế có quy mô nhỏ hay tương đối có đủ tư liệu về mặt hình ảnh, ghi chép trong sử liệu. Còn chính điện ở Lam Kinh có tính chất hoàn toàn khác, nó thể hiện quyền uy của một vương triều. Bởi vậy, sự nội suy có thể đúng nhưng cũng có thể sai.

Thận trọng

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu đó là công năng sử dụng của công trình sau khi được phỏng dựng xong. Trong các tài liệu lịch sử, công năng của chính điện rất ít được ghi chép. Đơn cử, việc nhà vua ăn, ngủ ở đâu trong chính điện là câu hỏi không thể trả lời.

Băn khoăn với dự án này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu đưa ra một sự so sánh để nói lên sự thận trọng trong việc phỏng dựng hay phục dựng di tích. Đó là cách đây mười mấy năm các chuyên gia Nhật Bản cùng với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước đã phối hợp nghiên cứu phục dựng điện Cần Chánh (Huế).

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước đã thu thập được khá nhiều về tư liệu lịch sử, hình ảnh về điện Cần Chánh. Song song với đó là tiến hành thám sát, khai quật để xác định rõ vị trí, mặt bằng nền móng của điện Cần Chánh. Thêm nữa, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm đóng góp ý kiến cho dự án, theo đó tiến hành chỉnh sửa, bổ sung. Và cho đến nay dự án này vẫn chưa thể tiến hành.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Phùng Phu, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: “Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu vì chưa đảm bảo cho sự thành công sau khi phục dựng”. Kể ra như vậy để thấy rằng phục dựng hay phỏng dựng một công trình di tích có quy mô lớn không phải dễ dàng.

Đồng tình với việc phải thận trọng trong việc phỏng dựng chính điện Lam Kinh để con cháu không bỗng dưng mà có thêm một công trình xa lạ, PGS.TS Tống Trung Tín - viện trưởng Viện Khảo cổ học VN - nói: “Tôi nghĩ cũng có thể phỏng dựng được nếu chúng ta đã nghiên cứu kỹ các tư liệu chính sử, dã sử, tư liệu kiến trúc truyền thống cũng như các công trình phỏng dựng mà một số nước đã làm. Tôi nhấn mạnh là cần phải nghiên cứu kỹ các tư liệu có liên quan rồi mới thực hiện”.

“Tạm dùng khái niệm phỏng dựng”

Cách đây gần hai năm, trong một cuộc họp cho ý kiến về dự án phỏng dựng di tích này, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) - đã nêu quan điểm không nên “phỏng dựng” vì trong Luật di sản văn hóa và các văn bản pháp quy có liên quan không có khái niệm này. Và trong quá trình xem xét, thẩm định dự án, một số thành viên của Hội đồng Bảo tồn di tích của Bộ VH-TT&DL cũng đã tỏ ra không mấy thiện chí với khái niệm “phỏng dựng”.

Nhưng vì tính gấp rút, quyết liệt của địa phương nên có một số ý kiến cho rằng “thôi, tạm dùng khái niệm phỏng dựng vậy”. Bởi thế ngày 25-8-2010, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản thẩm định dự án phỏng dựng chính điện di tích Lam Kinh.