www.nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Thánh địa Mỹ Sơn - Di sản kiệt tác của nhân loại


Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, tọa độ 15046’ vĩ Bắc và 108007’ kinh Đông, được bao quanh bởi đồi núi, ở gần làng Mỹ Sơn, tổng An Hòa, huyện Duy Xuyên (nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam; cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km về phía tây. Thung lũng Mỹ Sơn bị chia cắt bởi những con suối lớn, nhỏ. Trong đó, suối Thẻ là con suối lớn nhất. Nơi đây từng là địa điểm mà các vương triều Champa tổ chức các nghi lễ cúng tế thần linh và các vị thần-vua của người Chăm.
 
1. Vị thế Thánh địa Mỹ Sơn
 
Truyền thuyết kể rằng, vương quốc Champa xưa được trị vì bởi hai giòng tộc là Cau và Dừa. Giòng Cau (trống) trị vì ở phần lãnh thổ phía bắc gồm: Indrapura (nay là vùng đất thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), Amaravati (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) và Vijaya (Bình Định, Phú Yên). Còn giòng Dừa (mái) trị vì ở phần lãnh thổ phía nam gồm: Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận).
 
Cũng như các tín ngưỡng cổ ở Đông Nam Á, tín ngưỡng cổ truyền của cư dân Champa theo thuyết vũ trụ lưỡng nghi: Mái-Trống/ Mẹ-Cha/ Biển-Núi/ Dừa-Cau,… và đã dung hợp với những tôn giáo được du nhập từ Ấn Độ như Ấn giáo, Phật giáo để trở thành tín ngưỡng chính của những vương triều Champa. Theo đó, Mỹ Sơn là thánh đô ở phương bắc thờ thần Bhadresvara/Cha/Núi/Cau. Còn tháp Pônagar (ở thành phố Nha Trang hiện nay), là thánh đô ở phương Nam thờ nữ thần Bhavagati/Yang Inư Pô Nagar/Mẹ/Biển/Dừa. Vì thế, Mỹ Sơn được chọn để xây dựng các công trình kiến trúc tín ngưỡng nằm sâu trong thung lũng có núi cao bao bọc, còn Pônagar được xây dựng trên một ngọn đồi cao ở ven sông, sát cửa biển.
 
Vị thế của những đền tháp Champa giữa thung lũng Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau. GS. Xinxắc, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học của trường Đại học Silpakor (Bangkok, Thái Lan), cho rằng: trái núi mà người ta gọi là núi Răng Mèo hay núi Chúa ở thánh địa Mỹ Sơn theo Bà La Môn giáo chính là một Lingaparavata hay Lingabanpote (Linga: Dương vật thiêng, paravatabanpote: núi) cắm xuống bồn địa Mỹ Sơn được xem là đại Yoni (Âm vật thiêng) với dòng suối (suối Thẻ) chảy ngang bồn địa được xem là kẽ Yoni. Đấy chính là lý do địa lý - tâm linh - phồn thực khiến cư dân Champa chọn Mỹ Sơn làm Thánh địa.
 
Còn GS. Fukui Yayao, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á của Đại học Kyoto (Nhật Bản) và cố GS. Trần Quốc Vượng cho rằng: ngoài chức năng như giáo sư Xinxắc đã nêu trên, thánh địa Mỹ Sơn còn có một chức năng khác, đó là chức năng giao lưu văn hóa - kinh tế - chính trị giữa vương triều Champa và thủ lĩnh các tộc người miền núi cao. Bởi Mỹ Sơn là một bồn địa, có suối chảy qua, nơi tập trung nhiều loài thú rừng, hàng năm, các “thị tộc, bộ tộc” đã liên kết với nhau bủa vây quanh bồn địa này để săn thú. Thú săn được nhiều, họ quây quần quanh bếp lửa, làm thịt thú dưới suối, nướng trong lửa, tạo nên một lễ hội cộng đồng ẩm thực và cộng cảm (gọi là lễ hội Potlatch). Vậy có lẽ trước khi là thánh địa Champa, bồn địa Mỹ Sơn đã là trung tâm thiêng với hội Potlatch của các tộc người miền núi. Khi vương quốc Champa được thành lập, quốc vương Champa đã biến nơi này thành thánh địa Bà La Môn giáo và Phật giáo. Hàng năm, ngài cùng đoàn tùy tùng đi hành hương đến đây cũng là nhằm phô trương thế lực, thanh thế xã hội tinh thần với cư dân miền núi. Dịp này, các thủ lĩnh miền núi tới tập họp, cống vua Champa sừng tê, ngà voi, ngọc thạch và các lâm thổ sản khác, và vua Champa “ban” lại cho họ lụa là, gốm sứ, đồ thủy tinh và các sản phẩm miền xuôi như muối, cá,… Đó cũng là một hình thức giao lưu kinh tế - văn hóa giữa miền xuôi với miền ngược và là cách thức để các vị vua Champa phát huy thanh thế đối với các thủ lĩnh miền núi.
 
2. Quá trình hình thành Thánh địa Mỹ Sơn
 
Thánh địa Mỹ Sơn được một toán lính Pháp tình cờ phát hiện vào năm 1885. Mười năm sau (1895), Camille Paris đến đây nghiên cứu và ông đã cho phát quang, dọn dẹp khu di tích này. Đến năm 1898 - 1899, hai nhà khoa học người Pháp là Louis Finot và Lunet de Lajonquière đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia. Năm 1901 - 1902, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (École française d'Extrême-Orient, viết tắt EFEO) đến đo đạc và nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Mỹ Sơn. Trong hai năm (1903 - 1904), Henri Parmentier cùng với Charles Carpeaux đã tổ chức khai quật khảo cổ học tại đây. Ðến năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất để tìm hiểu về văn bia và nghệ thuật của Mỹ Sơn được Louis Finot và Henri Parmentier công bố trên đặc san nghiên cứu của Trường Viễn Ðông Bác Cổ Pháp (Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient), số 4/1904.
 
Trên đặc san này, Louis Finot đã công bố bản dịch ra tiếng Pháp 25 văn bia tìm thấy tại Mỹ Sơn có niên đại từ cuối thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIII, không kể hàng trăm mảnh vỡ của những bia ký bị đập phá. Còn Henri Parmentier đã kiểm kê được khoảng 68 dấu tích và công trình kiến trúc, ông chia thành từng nhóm từ A, B.... đến M, N. Một số tác phẩm điêu khắc nổi bật tại Mỹ Sơn được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Ðiêu khắc Chăm Ðà Nẵng, số khác và phần lớn các bia ký đều được được bảo quản và trưng bày tại chỗ.
 
Qua những văn bia tìm thấy được, phần nào đã cho chúng ta biết về quá trình hình thành các đền tháp Champa tại Mỹ Sơn. Theo nội dung của một tấm bia có niên đại thế kỷ thứ IV tại Mỹ Sơn cho biết, vua Bhadravarman đã cho xây dựng tại đây một ngôi đền bằng gỗ để thờ Linga của thần Siva-Bhadresvara. Văn bia có đoạn: “Ngài đã cúng dâng cho thần Bhadresvara một khu vực vĩnh viễn, phía đông là núi Sulaha, phía nam là núi Mahaparvata, phía tây là núi Kusala, phía bắc là núi… làm ranh giới. Ngài cúng dâng cho thần tất cả ruộng đất và dân cư trong phạm vi đó, hoa lợi phải được dâng cúng cho thần,…”3. Hai thế kỷ sau, dưới triều vua Rudrsvarman, tại đây đã xảy ra hỏa hoạn và ngôi đền này bị thiêu trụi, sau đó được vị vua kế vị là Sambhuvarman khôi phục lại. Có lẽ, những triều vua kế tiếp đã cho dựng thêm những kiến trúc đền tháp khác, nhưng cũng được làm bằng gỗ, mãi đến thế kỷ thứ VII - VIII thì mới chuyển sang xây dựng bằng các chất liệu bền vững như gạch, đá, là thứ chất liệu quý để cúng dâng thần linh do ảnh hưởng các đền thờ ở miền Nam Ấn Ðộ.
 
Dưới triều đại của hai vị vua Vikrantavarman I và Vikrantavarman II (629 - 757), tại Mỹ Sơn, vị thần-vua Bhadresvara vẫn được chú ý đặc biệt. Ngoài việc xây dựng thêm nhiều đền miếu tại Mỹ Sơn, vua Vikrantavarman I còn dâng cúng đất đai, kosa bằng kim loại quý để bọc Linga và nhiều đồ quý khác cho thần Bhadresvara. Sau đó, do nhiều nguyên nhân, có thể do sự hưng thịnh của Phật giáo, suốt một thời gian dài, Mỹ Sơn và vị thần ở Mỹ Sơn không còn giữ vai trò là thánh địa quốc gia và vị thần chủ của quốc gia. Phải đến đầu thế kỷ thứ X, do Siva giáo đã lấy lại được vị trí chủ đạo trong đời sống vương quyền ở Champa nên Thánh địa Mỹ Sơn được phục hồi. Phần lớn những kiến trúc đẹp nhất, lớn nhất ở Mỹ Sơn như tháp A1, nhiều kiến trúc của các nhóm B, C, D, K, G, H,… đều được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Nhưng sau đó, chiến tranh triền miên đã tàn phá Mỹ Sơn, những công trình kiến trúc như đền đài, tu viện, miếu mạo, làng mạc,… bị đổ nát. Những thế kỷ sau đó, các vị vua kế vị đã khôi phục lại Mỹ Sơn.
 
Vào năm 982, khi Lê Hoàn đưa quân chinh phạt vùng Amaravati, Lưu Kỳ Tông là một viên tướng của Lê Hoàn đã chống lệnh vua Lê, ở lại Amaravati tự xưng vương và thực thi những chính sách cực kỳ hà khắc, cùng những hành động cố tình hủy diệt văn hóa bản địa nên phần lớn đền đài ở Mỹ Sơn bị đập phá, hầu hết các bia ký có niên đại thế kỷ thứ VIII - X đều bị đục xóa.
 
Vào khoảng năm 1000, vua Yang Pu Sri Vijaya đã dời trung tâm của vương quốc vào vùng Vijaya (thuộc tỉnh Bình Ðịnh ngày nay). Năm 1074, vua Harivarman lên ngôi đã kiến tạo lại vùng Amaravati sau những năm tháng chiến tranh. Vị vua này đã cho trùng tu tất cả đền đài ở Mỹ Sơn, xây dựng lại những đô thị, làng mạc... bị tàn phá. Những ngôi đền quan trọng như B1 và E4 đều được trùng tu và xây dựng dưới triều đại của vua Harivarman. Ðến thời vua Jaya Harivarman,4 ông đã cho dựng ở Mỹ Sơn một quần thể kiến trúc quan trọng để thờ thần Harivarman và cha mẹ ông trên một ngọn đồi nhỏ mà văn bia gọi là núi Vugvan (nghĩa là Hoàn Vũ) tức nhóm tháp G ngày nay. Bia ký của vua Paramesvaravarman, khoảng năm 1234, phát hiện gần ngôi đền chính B1, cho biết ông là vị vua cuối cùng tu sửa và dâng cúng lễ vật vào ngôi đền này, sau ông không còn tìm thấy văn bia nào khác ở đây.
 
Như vậy, có thể vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII, Mỹ Sơn đã bị bỏ phế vì khi ấy những vương triều ở miền Amaravati đã quá suy yếu. Trong khi đó, tiểu quốc Vijaya ở vùng Bình Ðịnh giữ vai trò trung tâm của vương quốc cho nên những đền tháp quy mô đều được tập trung xây dựng ở đó.
 
3. Kiến trúc nghệ thuật của Thánh địa Mỹ Sơn
 
Theo các công trình nghiên cứu của Henri Parmentier thì ở Mỹ Sơn có hơn 70 công trình kiến trúc và ông đã chia ra thành ba khu vực chính: khu tháp Chùa (khu A và khu A1) có 19 di tích; khu tháp Chợ (khu B, C, D) có 27 di tích; khu tháp Bàn Cờ và khu tháp Hố Khế (khu H) có 16 di tích; khu G có 5 di tích và các khu khác có từ một đến vài di tích. Trong đó, khu tháp Chùa (A1) được xem là đỉnh cao nghệ thuật của đền tháp Champa. Hiện ở Mỹ Sơn còn hiện diện khoảng 20 công trình kiến trúc, chỉ một số đền tháp ít bị hư hại, còn phần lớn chỉ lưu lại một mảng tường hoặc phần thân, hoặc những dấu tích của nền móng.
 
Mặc dù bị tàn phá và mất khá nhiều, nhưng Mỹ Sơn vẫn là một khu di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Champa quan trọng nhất. Theo Philippe Stern, một học giả lỗi lạc về nghệ thuật Ðông Dương, quản thủ Bảo tàng Guimet tại Paris, thì nghệ thuật Champa phát triển liên tục theo các phong cách kế tiếp nhau như sau: 1. Phong cách cổ; 2. Phong cách Hòa Lai; 3. Phong cách Đồng Dương; 4. Phong cách Mỹ Sơn; 5. Phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định; 6. Phong cách Bình Định; 7. Phong cách muộn. Đồng thời, Philippe Stern cũng xác định và ghép các đền tháp Mỹ Sơn vào lịch sử các phong cách nghệ thuật Champa như sau: 1. Thuộc phong cách cổ có tháp F1; 2. Thuộc phong cách Hòa Lai có tháp F3, A2 và C7; 3. Thuộc phong cách Đồng Dương có tháp B4, A11-A13, B2 và A10; 4. Thuộc nhóm phong cách Mỹ Sơn A1 tháp có A1, phần lớn các tháp của nhóm B, C, D (B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4,…); 5. Thuộc phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn và phong cách Bình Định có tháp E4, F2 và nhóm K; 6. Thuộc nhóm phong cách Bình Định và phong cách muộn có các tháp nhóm G, H và B1.
 
Nhìn chung, các đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng theo một tổng thể sau: Một đền thờ chính ở giữa (người Chăm gọi là kalan) tượng trưng cho ngọn núi Mêru, trung tâm của vũ trụ, nơi ngự trị của thần linh, thờ Linga hoặc linh tượng của thần Siva, đối diện là một tháp cổng (gopura), rồi đến một tiền đình (mandapa), là nơi chuẩn bị lễ vật hoặc múa hát cúng dâng thần linh. Và một công trình kiến trúc khác có một hoặc hai phòng luôn luôn xoay về hướng bắc, là hướng của thần Tài Lộc Kuvera, gọi là kosagrha, để chứa đồ tế nhuyễn hoặc nấu thức ăn dâng cúng chư thần. Phía trước đền thờ chính thường có một ngôi tháp nhỏ có bốn cửa để dựng bia ký. Do địa thế nằm trong một thung lũng hẹp nên những kalan ở Mỹ Sơn vừa xoay về hướng đông, vừa xoay về hướng tây, ngoại trừ một ngôi đền duy nhất có hai cửa chính xoay về cả hai hướng đông - tây là ngôi đền A1.
 
Đền thờ chính A1 thờ một bộ Linga-Yoni, được bao quanh bởi sáu ngôi đền nhỏ nằm đối xứng nhau từ A2 đến A7, thờ các vị Hộ thần của tám phương trời (Hộ thế bát phương thiên): thần Sấm sét Indra ngự trị ở phương đông; thần Lửa Agni ngự trị ở phương đông nam; Diêm vương Yama ngự trị ở phương nam; thần Nước Varuna ngự trị ở phương tây; thần La sát Nairrta ngự trị phương tây nam; thần Gió Vayu ngự trị ở phương tây bắc; thần Tài Lộc Kuvera ngự trị phương bắc; còn đấng Tự tại Is’ana ngự trị ở phương đông bắc.
 
Tháp A1 được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Champa nhưng bị bom đạn chiến tranh làm cho sập đổ vào năm 1969. Theo bản vẽ và mô tả của Henri Parmentier thì tháp A1 cao 24m, mỗi cạnh 10m, có hai cửa ra vào ở hướng đông và hướng tây, thân tháp cao vút thon thả. Mỗi mặt tường có 5 trụ áp, các trụ áp tường có một đường rãnh sâu ở giữa, chạy suốt từ chân đến đỉnh trụ, các trụ gạch này được chạm các dải hoa văn cành lá cách điệu, bố trí thành hình chữ S nối tiếp nhau. Trên các mặt tường giữa các trụ áp cũng được chạm những tràng cành lá uốn cong. Trên mặt tường phía nam và phía bắc có các cửa giả nhô ra, được tạo nên bởi hai trụ hình chữ nhật đỡ lấy một vòm cuốn cong và nhọn ở trên đỉnh, bên trong ô cửa có một người chắp tay được chạm thẳng vào tường gạch. Mái tháp gồm ba tầng thu nhỏ dần lên trên, tầng trên được mô phỏng theo tầng dưới, ở bốn góc của mái trang trí những hình tháp thu nhỏ. Trên đỉnh là một chóp tháp bằng sa thạch. Chân tháp được trang trí những đường gờ kỷ hà dạng những tầng sen cách điệu, kết hợp với những hình người, voi, garuda,… chạm trên gạch rất sống động.
 
Tháp B1, đối diện với tháp A1, là trung tâm của Thánh địa Mỹ Sơn, thờ Linga của thần Bhadresvara. Bao quanh B1 là những đền tháp khác như B5: tháp lễ vật/tháp lửa; B6: tháp chứa nước thánh tẩy; B3 và B4: đền thờ thần Chiến tranh và thần Hạnh phúc, hai vị con trai của thần Siva và nữ thần Parvati. Trên hai cửa sổ của tháp B5 có trang trí hai cặp voi tượng trưng cho nữ thần Sắc đẹp và Thịnh vượng, còn trên mái tháp B6 có hình thần Visnu ngồi dưới rắn Naga nhiều đầu. Như vậy, chúng ta biết rằng, nhóm B được thờ kết hợp giữa tín ngưỡng Saivite và Visnuite, đó cũng là tín ngưỡng phổ biến tại vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ.
 
Ngoài ra, nhóm B còn có bảy ngôi đền nhỏ từ B7 đến B13, thờ bảy vị thần Tinh tú trên trời là: Thần Mặt trời Surya với con ngựa; Thần Mặt trăng Sandra với tòa lâu đài; Thần Sao Hỏa Agni với con tê ngưu; Thần Sao Thủy Varuna với con thiên nga; Thần Sao Mộc Indra với con voi; Thần Sao Kim Isana với con bò đực; Thần Sao Thổ Yama với con trâu. Đồng thời chúng cũng tượng trưng cho 7 ngày trong tuần theo lịch Saka của vùng Nam Ấn Độ.
 
Bên cạnh nhóm B, về hướng Bắc, là nhóm C với ngôi đền chính C1. Trong tháp C1 thờ linh tượng của thần Siva ở tư thế đứng. Kết hợp với tháp B1, tháp C1 đã phản ánh một tục thờ đặc biệt của Thánh địa Mỹ Sơn là: thờ một cặp gồm linh tượng của đấng thần vua trong hình tượng của thần Siva và một bộ Linga của thần. Tại Mỹ Sơn, tháp B1 và C1 cùng với E1 và E4, A’1 và A’4 là ba nhóm tháp quan trọng nhất, phản ánh tục thờ tự như trên, một xoay về hướng đông và hai xoay về hướng tây. Cách bài trí bàn thờ ở Mỹ Sơn biểu hiện tín ngưỡng và vũ trụ quan độc đáo của cư dân Champa xưa nên đã khiến cho Mỹ Sơn trở thành di tích duy nhất trong hệ thống đền thờ Champa thể hiện tục thờ tự này.
 
Đặc biệt, bên trong ngôi đền E1 có một đài thờ lớn được làm bằng những khối sa thạch ghép lại với nhau và chạm trổ rất tinh tế, thể hiện cảnh múa lụa, đánh đàn, thổi sáo, luyện thuốc, chữa bệnh,… những cảnh này nằm trong các ô riêng được phân cách bởi các dải hoa văn, là những cành lá cách điệu kết hợp với những đường cong, ô trám lồng và những đóa hoa bốn cánh tạo thành hồi văn. Philippe Stern cho rằng, cách trang trí này chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ajanta (Ấn Độ), còn theo Jean Boisselier thì gần gũi với truyền thống Dvaravati. Do đó, niên đại của đài thờ này được xác định khoảng giữa thế kỷ thứ VII.
 
Ðền tháp ở Mỹ Sơn được xem như tiêu biểu cho kiến trúc tôn giáo Champa. Ngôi đền chính là kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền tháp. Kalan tượng trưng cho một tiểu vũ trụ. Theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo, kalan gồm có 3 phần: Ðế tháp gọi là Bhurloka tượng trưng cho thế giới trần tục; Thân tháp gọi là Bhuwarloka tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người tự thanh tịnh chính mình để có thể tiếp xúc với tổ tiên đã hòa nhập với thần linh; Mái tháp gọi là Swarloka, tượng trưng cho thế giới thần linh, nơi chư thần tụ tập.
 
Ðế tháp thường được trạm trổ hoa lá hoặc động vật như voi, sư tử, hoặc người cầu đảo đứng trong những vòm cuốn nhỏ trang trí hình tượng Kala - Makara, hay những hoạt cảnh vũ nữ, nhạc công... Thân tháp trang trí những hàng trụ áp tường. Thường thì có năm trụ áp tường, cái chính giữa bị che khuất bởi một cái cửa giả lớn ở mỗi mặt tháp. Và cũng chính ở cửa giả lớn này là nơi hội tụ những công trình trang trí rất công phu với hệ thống vòm cuốn độc đáo, nghệ thuật chạm trổ đạt đến độ tinh xảo với hình tượng chư thiên đứng hộ trì cho ngôi đền, hai tay chắp trước ngực cầm một đóa hoa sen đầy vẻ cung kính. Chân tháp tiếp giáp với đế tháp, mỗi trụ áp tường ở phần chân tháp đều có vật trang trí tạo thành nhiều lớp, hoặc trang trí vòm cuốn nhỏ trạm trổ hoa lá. Các đường viền tiếp giáp với mái tháp được cấu tạo thành nhữnh đường gờ, chạm trổ công phu bằng những đường diềm trang trí hoa lá, mỗi góc cóc-ních đều có vật trang trí góc thể hiện hình tượng vũ nữ Apsara, thủy quái Makara, hoặc hình ngọn lửa thiêng được cách điệu thành nhiều kiểu thức khác nhau qua từng phong cách nghệ thuật. Ở bốn góc đường viền trên mái tháp, có bốn tháp góc thể hiện một điện thờ thu nhỏ lại trang trí rất tinh xảo. Còn mái tháp thường có ba tầng và một đỉnh tháp, càng lên cao càng thu hẹp lại. Mỗi tầng mang hình dáng của một đền thờ với đầy đủ những yếu tố chính như trụ áp tường, cửa giả nhỏ,... Trên các tầng tháp trang trí ngẫu tượng và vật cưỡi của ba mươi ba vị thần trong Ấn Ðộ giáo như ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, bò thần Nandin, voi, sư tử.... Trên tầng thứ nhất và thứ hai, ở mỗi góc phía trên đường viền đều có bốn tháp góc nhỏ, tầng thứ ba không có tháp góc. Từ chóp tháp có một phiến đá lớn hình bát giác, tứ giác hay hình tròn, trên đó chạm mặt nạ Kala, rắn thần Naga hoặc bò thần Nandin... Ðỉnh tháp là khối đá nhọn có bốn cạnh, phần dưới trang trí những cánh sen, tượng trưng cho ngọn núi thiêng Kailasa, nơi cư ngụ của thần Siva. Tại Mỹ Sơn, những đỉnh tháp thường được bọc bằng vàng hay bạc làm tăng thêm vẻ đẹp rực rỡ cho đền tháp Champa.
 
Có thể nói, những công trình đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng và tu bổ liên tục từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII, nghệ thuật kiến trúc ở đây biểu hiện rất rõ đặc điểm của những phong cách quan trọng trong quá trình chuyển hóa của nghệ thuật Champa. Các vương triều Champa sau khi lên ngôi thường xây dựng thêm hoặc tu bổ lại các đền thờ của các triều vua trước để tỏ lòng kính ngưỡng tiền nhân và chư thần hộ trì vương quốc. Thông thường, đền tháp chỉ được trùng tu phía tường bên ngoài, còn trong lòng tháp lại được giữ nguyên.
 
Qua những công trình kiến trúc, phù điêu, tượng thờ,… ở Mỹ Sơn còn lưu lại, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vẻ đẹp của Mỹ Sơn được bộc lộ qua những kiểu thức kiến trúc đa dạng, những kiểu cách hoa văn trang trí độc đáo, kỹ thuật xây dựng được cải tiến liên tục qua nhiều thế kỷ đã đi đến chổ hoàn thiện. Ở Mỹ Sơn, những kiến trúc thuộc thế kỷ thứ X và XI chiếm đa số, chúng cũng là những kiệt tác kiến trúc như các tháp A1, B3, B5, C1, D1.... Vẻ đẹp những đền tháp này được biểu hiện trên những cặp trụ áp tường thon thả, chạm trổ những chuỗi lá nho xinh xắn trong bố cục hình chữ S lượn sóng nối đều nhau. Những hình tượng chư thiên hộ trì đền tháp đứng giữa những vòm cuốn được cách điệu thành hình ngọn lửa với khuôn mặt thành kính, thanh tịnh.... Những đường gờ những trên mái tháp cách điệu thành những tòa sen. Kiểu thức hoa văn này xuất hiện rất phổ biến trong giai đoạn nghệ thuật thế kỷ thứ X - XI đã tạo cho đền tháp Champa những nét kiến trúc đặc sắc, mang lại vẻ đẹp nên thơ, giàu nhạc tính... Hai bên cửa chính của tháp trang trí những trụ cửa bằng sa thạch chạm trổ hình cánh sen cách điệu thành những kiểu thức đa dạng, hình dáng của những trụ cửa này là một cống hiến độc đáo của nền kiến trúc Champa vào nghệ thuật Ðông Nam Á đương thời.
 
Mỹ Sơn ngày nay chính là nơi còn lưu giữ khá nhiều những kiệt tác kiến trúc cũng như điêu khắc của cư dân Champa xưa. Thành tựu nổi bật của nền văn hóa Champa là kiến trúc đền tháp và điêu khắc trên đá. Nhà nghiên cứu B. Grosier cho rằng, cấu trúc đền tháp Champa đẹp hơn đền tháp Khmer vì người Chăm giữ được ý thức chất liệu và tôn trọng bản chất của nó. Nếu như người Khmer có xu hướng dựng lên một khối bằng bất cứ vật liệu gì rồi chạm khắc lên nó thì nghệ thuật Champa cân bằng có nhịp điệu và sáng sủa hơn, tạo ra cho tháp một vẻ đẹp tiềm tàng sâu lắng10. Những công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn đã thể hiện đôi bàn tay tài hoa, khối óc tinh tế của các nghệ sĩ Champa qua nhiều thế hệ. Bằng việc kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng hoàn hảo và nghệ thuật trang trí điêu luyện, họ đã khéo tạo cho đền tháp ở Mỹ Sơn một vẻ đẹp tráng lệ, trang nghiêm.
 
4. Bảo tồn Thánh địa Mỹ Sơn
 
Kể từ khi Mỹ Sơn được phát hiện sau hàng thế kỷ bị quên lãng thì những nhà nghiên cứu của EFEO đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn những công trình kiến trúc này. Năm 1937, EFEO bắt đầu trùng tu ngôi đền A1 và sáu ngôi tháp nhỏ từ A2 đến A7. Trong vòng bảy năm sau đó, các tháp B3, B5, B6, C1, C2, C3, D1, D4 được trùng tu hoặc gia cố. Đến năm 1939, họ xây dựng một con đập để chuyển dòng chảy của con suối đã phá sập tháp A9 vòng qua phía tây. Nhưng đến năm 1946, con đập này đã bị phá hủy trong một trận lũ.
 
Đến năm 1965, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt và lan tràn khắp những vùng quê Quảng Nam, dần dần Mỹ Sơn rơi vào tình trạng hoang tàn, đổ nát, rồi trở thành căn cứ hoạt động của quân du kích. Khoảng năm 1966 - 1968, Mỹ Sơn nằm trong vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng miền Nam và trở thành khu oanh kích tự do của chính quyền miền Nam Việt Nam. Từ đó, Mỹ Sơn đã thực sự trở thành chiến trường của hai phía. Tháng 8/1969, máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống khu di tích này và đã làm cho Mỹ Sơn hoàn toàn biến dạng, hầu hết những đền tháp quan trọng đều bị sụp đổ. Hai ngôi đền lớn của Mỹ Sơn là A1 (thế kỷ X) và E4 (thế kỷ XI) bị đánh sập, những ngôi đền khác đều bị hư hại nặng, nhiều tường tháp bị phá sập, nhiều bia ký, tác phẩm điêu khắc bị bắn vỡ,... Toàn bộ khu di tích biến thành một đống gạch vụn.
 
Sau chiến tranh, để phục vụ cho việc điều tra khoa học, toàn bộ khu di tích Mỹ Sơn được khai quang và tháo gỡ bom mìn. Ðến năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan, một đoàn chuyên gia của Ba Lan đã phối hợp với Trung tâm Phục hồi Di tích thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam (nay là Trung tâm Thiết kế và Tu bổ Di tích Trung ương) tiến hành khảo sát các di tích Champa tại miền Trung Việt Nam. Tiểu ban Phục hồi Di tích Champa được thành lập do cố kiến trúc sư người Ba Lan là Kazimier Kwiatkowski phụ trách. Các tháp thuộc nhóm A, B, C, D được chụp ảnh, đạc họa, dọn dẹp, gia cố hoặc trùng tu, tạo nên diện mạo mới cho Mỹ Sơn.
 
Do bị tàn phá nặng nề bởi thời gian và chiến tranh, những công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn chẳng còn cái nào nguyên vẹn. Tuy không nguyên vẹn, nhưng chúng vẫn biểu hiện đầy đủ đây là di tích duy nhất thể hiện vũ trụ quan và tín ngưỡng của cư dân Champa xưa. Đồng thời, Mỹ Sơn còn để lại một số lượng lớn những tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch rất đa dạng, bao gồm nhiều phong cách, trải qua nhiều thế kỷ và một hệ thống văn bia để dựng nên bộ khung chính của các vương triều Champa trong lịch sử. Ngày nay, Mỹ Sơn được xem là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.
 
Với vẻ đẹp độc đáo, cảnh quan nguyên vẹn và lịch sử phát triển lâu dài, nên khu di tích Mỹ Sơn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 54-VHQĐ ngày 24.4.1979 công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngày 2.12.1999, tại thành phố Marrakech, thủ đô Morocco, trong phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới (thuộc UNESCO), Thánh địa Mỹ Sơn được chọn là một trong các di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Mười thế kỷ nghệ thuật của Mỹ Sơn chính là cánh cửa hé mở cho chúng ta thấy được quá khứ rực rỡ của nền văn minh Champa từng một thời vang bóng trong lịch sử Ðông Nam Á. 
 
Theo Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng

Di sản văn hóa