I/ Qui mô số lượng thành ngữ trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều

Đọc Truyện Kiều, điều dễ nhận thấy là trong tác phẩm xuất hiện rất nhiều ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật. Hệ thống ngôn ngữ này chiếm 45,7% (1486/3254), trong đó ngôn ngữ độc thoại là 276 câu, chiếm 8,5% tổng số câu thơ toàn tác phẩm. Truyện Kiều là một trong những tác phẩm có tỉ lệ số lượng câu là ngôn ngữ độc thoại của nhân vật lớn nhất trong hệ thống truyện Nôm.

Trong tác phẩm văn học thuộc loại hình tự sự, ngôn ngữ độc thoại giúp chúng ta phát hiện được “gương mặt đích thực” của nội tâm nhân vật. Truyện Kiều đã xây dựng nhiều hình tượng “con người cảm nghĩ”, đã viết về biết bao nhiêu tâm trạng. Thực ra, để biểu hiện nội tâm nhân vật, trong tác phẩm, Nguyễn Du đã xây dựng nhiều hệ thống ngôn ngữ. Trước hết là hệ thống ngôn ngữ đối thoại và độc thoại. Đây là phương tiện trực tiếp bộc lộ đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân vật. Nhưng nỗi niềm, tâm trạng nhân vật cũng được thể hiện qua ngôn ngữ tự sự, miêu tả của người kể chuyện. Một số trường hợp, cảm xúc, suy tư của nhân vật được truyền đạt bằng hệ thống ngôn ngữ tác giả mang giọng điệu nội tâm nhân vật. Hiện tượng đó được gọi là “ngôn ngữ nửa trực tiếp”. Trong nhiều chặng đường của số phận, nội tâm nhân vật còn được biểu hiện với hình thái ngôn ngữ “tả cảnh ngụ tình”. Khung cảnh thiên nhiên mang tâm trạng nhân vật, là hình tượng ẩn dụ của tiếng nói bên trong nhân vật.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nói tới hệ thống ngôn ngữ độc thoại của nhân vật trong tác phẩm. Ở Truyện Kiều, ngôn ngữ độc thoại của nhân vật được tái hiện bằng ngôn ngữ trực tiếp khi tác phẩm mô tả nhân vật “Mừng thầm”, “Nghĩ đi nghĩ lại một mình”, “Nghĩ đi nghĩ lại quanh co" “Xót mình”, “Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm", “Nghĩ mình”...

Trong nhiều truyện Nôm, ngôn ngữ độc thoại chủ yếu dành cho các nhân vật chính. Ở Truyện Kiều, nhiều nhân vật có ngôn ngữ độc thoại. Nội tâm của các loại hình nhân vật khác nhau (chính — phụ, chính diện — phản diện, trung tâm...) được chú ý ở nhiều mức độ khác nhau. Trên thực tế tác phẩm, những biểu hiện tâm lý, cảm xúc, ý nghĩ bên trong đã có một vai trò nhất định trong cấu trúc xây dựng hình tượng nhân vật. Ngoài Thuý Kiều, các nhân vật Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến đều có ngôn ngữ độc thoại. Chúng tôi có kết quả thống kê như sau:

Bảng số 1:

STT Nhân vật Số lượng câu Số lần Loại hình nhân vật
1 Thúy Kiều 181 21 Trung tâm
2 Kim Trọng 35 5 Chính
3 Thúc Sinh 10 3 Chính
4 Hoạn Thư 14 2 Phụ
5 Từ Hải 10 1 Chính
6 Mã Giám Sinh 22 1 Phụ
7 Hồ Tôn Hiến 4 1 Phụ

 

Nghiên cứu Truyện Kiều, các nhà phân tích đã nhận thấy tác phẩm của Nguyễn Du đã sử dụng một số lượng lớn thành ngữ. Theo tác giả Nguyễn Văn Hằng, trong văn bản gồm 3254 câu thơ, có sử dụng 415 thành ngữ (chiếm 12,7%). Khảo sát ngôn ngữ độc thoại nhân vật Truyện Kiều, chúng tôi thấy số lượng thành ngữ được sử dụng đạt tỉ lệ cao hơn (64 thành ngữ / 276 câu thơ = 23,2%), cụ thể như sau :

Bảng số 2:

STT Nhân vật Số câu đối thoại Số thành ngữ
1 Thúy Kiều 181 41
2 Kim Trọng 35 8
3 Thúc Sinh 10 3
4 Hoạn Thư 14 4
5 Từ Hải 10 3
6 Mã Giám Sinh 22 5
7 Hồ Tôn Hiến 4 0

 

Trong đời sống, thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời nói. Ở tác phẩm truyện Nôm, việc xây dựng ngôn ngữ trực tiếp của hệ thống nhiều nhân vật, nhiều tình huống giao tiếp, nội dung biểu đạt phong phú với nhiều sắc thái... đưa đến khả năng tiếp nhận và thể hiện ngôn ngữ đời sống dễ dàng hơn. Là một trong những đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, thường được sử dụng với mục đích tu từ, biểu cảm, thành ngữ trong Truyện Kiều có chức năng cụ thể hoá tâm tư nhân vật. Vì vậy, trong ngôn ngữ độc thoại của các nhân vật thành ngữ được sử dụng rộng rãi.

Kết quả trên cho thấy, thành ngữ có xuất hiện trong ngôn ngữ độc thoại của 6/7 nhân vật. Chỉ riêng ngôn ngữ độc thoại của Hồ Tôn Hiến không có cụm từ đặc biệt này. Một phần đây là quan Tổng đốc trọng thần, một phần nội dung ý nghĩ đã đủ phương tiện bộc lộ chân thực, trực tiếp; không cần thiết phải sử dụng đến thành ngữ. Có thể thấy ở đây thêm một lần sự tinh tế của Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

II/ Kiểu sử dụng thành ngữ trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều

Trong ngôn ngữ độc thoại các nhân vật chủ yếu sử dụng loại thành ngữ bốn yếu tố. Trước hết, đây là bộ phận quan trọng nhất, là loại đặc trưng nhất, chiếm hơn 80% tổng số vốn thành ngữ tiếng Việt. Mặt khác, thành ngữ bốn yếu tố có thể xuất hiện tự do ở câu lục hay câu bát vẫn phù hợp về tiết tấu của câu thơ.

Trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều, thành ngữ được sử dụng phong phú, đa dạng, về cơ bản có thể khái quát theo 5 mô hình :

1.Thành ngữ được sử dụng nguyên mẫu:

-Hoa trôi bèo dạt                       

-Mặt dạn mày dầy                       

-Chân trời góc bể                        

-Thăm ván bán thuyền

- Bướm chán ong chường

- Vào luồn ra cúi

- Da mồi tóc sương...

2.Thành ngữ bao gồm những từ gốc Hán Việt:

-Túc trái tiền oan           

-Ngộ biến tòng quyền

-Thệ hải minh sơn...

- Quốc sắc thiên hương

3.Những điển cố, điển tích trong kinh sách Trung Hoa được viết lại dưới dạng thành ngữ:

-Chiếc bách giữa dòng  

-Miệng hùm nọc rắn      

-Quạt nồng ấp lạnh

-Mưa Sở mây Tần...

-Bóng chim tăm cá

-Chín chữ cao sâu

4.Dựa vào khả năng cải biến của thành ngữ tạo nên những biến thể

-Nắng dãi mưa dầu  -> Nắng giữ mưa gìn

-Cánh bèo mặt nước-> Ngọn bèo chân sóng

-Góc bể bên trời      -> Bên trời góc bể

-Hoa tàn ngọc nát    -> Ngọc nát hoa tàn

-Cát dập sống vùi    -> Cát lấp sống vùi...

5.Sử dụng nội dung thành ngữ gốc viết thành câu trọn vẹn, phù hợp với vần và số từ của câu 6 hoặc câu 8. Nội dung vừa cụ thể hoá được suy tư vừa được “tâm trạng hoá”:

-Phận bạc như vôi         ->Phận sao bạc chẳng vừa thôi

-Sởn gai ốc                    ->Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời

-Ai khảo mà xưng         ->Nào ai cố khảo mà mình lại xưng

-Kiến bò miệng chén     ->Kiến trong miệng chén có bò đi đâu

-Phận bọt bèo               ->Phận bèo bao quản nước sa...

Như vậy, bên cạnh những trường hợp được sử dụng nguyên mẫu có rất nhiều thành ngữ mang tính chất biến thể, theo nhiều kiểu loại (như thay đổi trật tự từ, thay đổi bằng từ đồng nghĩa có cùng từ loại, tiếp nhận nội dung điển cố điển tích viết lại dưới cấu trúc thành ngữ, vay mượn từ gốc Hán...). Xây dựng ngôn ngữ độc thoại của nhân vật, Nguyễn Du đã rất linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng hệ thống thành ngữ của dân tộc.

III/ Chức năng của thành ngữ trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều

Trong ngôn ngữ độc thoại nhân vật Truyện Kiều, xuất hiện một số nhóm thành ngữ có cùng trường nghĩa, phù hợp nội dung suy tư, cảm xúc, gắn với số phận hoặc tính cách từng nhân vật.

Mười câu độc thoại của Từ Hải khi nghe Hồ Tôn Hiến dụ hàng, được nhà nghiên cứu Phan Ngọc gọi là “mười câu tâm trạng”. Người anh hùng họ Từ đã nghĩ về sự nghiệp của mình và âm thầm cân nhắc, so sánh cuộc sống “đội trời đạp đất” với cuộc sống “vào luồn ra cúi”. Từ Hải cảm nhận thấy sự lạc lõng, hèn kém, phụ thuộc của thân phận mình khi rời bỏ cuộc đời “Bể Sở sông Ngô tung hoành”. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật đã thể hiện một sự suy tính tỉnh táo trước bản chất công danh, tước lộc phong kiến; thể hiện bản lĩnh ngang tàng của một tâm hồn khát khao tự do. Bốn thành ngữ được sử dụng trong đoạn độc thoại này (Bể Sở sông Ngô, vào luồn ra cúi, chọc trời khuấy nước, dọc ngang trời đất) đã góp phần thể hiện sâu sắc, tập trung, hình tượng hoá lập trường không chịu quy hàng. Suy nghĩ của Từ Hải không chỉ dừng lại ở mức độ cảm tính mà đã vươn tới sự khái quát về những chân lý đời sống, xã hội, thể hiện chiều sâu của tư duy. Nhưng rồi nghe lời Kiều, Từ công đột ngột, hồ đồ trở ra thế hàng. Quyết định vội vàng, cảm tính này trái với khí phách anh hùng, trái với lý trí sáng suốt của Từ. Đầu hàng là hành động đột biến trong cuộc đời ngang dọc, tung hoành của con người mang lý tưởng tự do. Nhưng tính cách Từ Hải là vậy. Người anh hùng họ Từ luôn xiêu lòng, cả khi sống và cả khi chết, trước “tấm lòng nhi nữ” khác thường của Thuý Kiều.

Mã Giám Sinh, trong tác phẩm là một nhân vật ít lời thoại. Một tên buôn người xưng danh Giám sinh đi hỏi vợ. Nhân vật được Nguyễn Du giới thiệu một cách đầy đủ từ tên họ, tuổi tác đến diện mạo “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, từ hành động thô lỗ “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” đến ngôn ngữ đối thoại vừa cục cằn vừa hoa mĩ. Tính chất con buôn của Mã cũng đã được tác giả chỉ ra với cách mà cả “cò kè bớt một thêm hai” để có sính nghi giá rẻ. Nhưng con người thật của y chỉ được bộc lộ chân thực qua lần độc thoại duy nhất dài 22 câu tại cái đêm ở trú phường. Vốn là kẻ phong tình từng quá chơi chốn nguyệt hoa, nay có bậc “quốc sắc thiên hương” trong tay, Mã Giám Sinh đã âm thầm tính toán. Trong nội tâm nhân vật đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa khát vọng chiếm đoạt với mong muốn kiếm lời; giữa sự vui mừng có cơ may được chiếm đoạt với nỗi lo về sự nổi giận của mụ dầu Tú Bà. Nhưng rồi y cũng nhanh chóng tìm ra cách giải quyết, trong 22 câu độc thoại của nhân vật, có một hệ thống thành ngữ : “quốc sắc thiên hương ”, "cờ đã đến tay”, “nước trước bẻ hoa”, “nước vở lựu máu mào gà”, “đánh lận con đen". Như vậy, có 4/ 5 thành ngữ được dùng, không những đã cụ thể hoá mà còn hình tượng hoá mưu chước để Mã Giám sinh thực hiện hành vi đốn mạt. Vì thế, người đọc không những hiểu mà còn thấy ghê tởm bản chất bất lương, vô sỉ và ti tiện của tên lái buôn lưu manh này.

Gia đình Vương ông gặp cơn gia biến. Mã Giám Sinh là kẻ đầu tiên đánh lừa để kéo Thuý Kiều ra khỏi nhà, chà đạp lên danh tiết, nhân cách của Kiểu và đẩy nàng vào cuộc đời ô nhục. Là người trong cuộc, Kiều đã gọi Mã Giám Sinh là “giống hôi tanh”.

Nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du là điển hình của những con người cô đơn. Ở phạm trù giá trị, nàng đơn độc vì tài sắc bị tạo hoá đố kị. Ở phạm trù tinh thần, nàng cô đơn vì ít được sống với những người có đồng điệu một nhịp tâm hồn. Nhiều nhất, vì 15 năm lìa nhà, nàng trở thành nạn nhân lạc loài giữa xã hội đầy thế lực xấu xa, tàn bạo. Trong cuộc đời, Kiều hay phải ngồi một mình. Thuý Kiều là nhân vật có số lượng ngôn ngữ độc thoại nhiều nhất (181 câu thơ /21 lần) trong Truyện Kiều và cả trong hệ thống truyện Nôm. Có thể nói, Kiều là nhân vật luôn sống với nội tâm. Nguyễn Du rất có ý thức trong việc phản ánh phương diện “đời sống bên trong” (Đặng Thanh Lê) của nhân vật này. Ở mỗi chặng đường của số phận hay trước những sự kiện đặc biệt của cuộc đời, chúng ta đều bắt gặp những đoạn độc thoại của nhân vật, thể hiện những cung bậc của một “tâm hồn muôn điệu” (Lê Đình Kỵ). Mỗi đoạn độc thoại đều có giá trị đặc sắc không thể không nói đến.

Nếu chỉ nói về hành động “bán mình chuộc cha" người đọc có thể chỉ thấy Thuý Kiều là một trong những tấm gương về người con có hiếu. Nhưng nàng đã không hành động theo những mẫu hình đạo đức phong kiến chỉ bằng lí trí. Để đi đến quyết định, trong sâu thẳm tâm tư của Kiều đã diễn ra một cuộc đấu tranh, cân nhắc về tình cảm, trách nhiệm giữa hai mối quan hệ:

Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn.
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

Người con hiếu thảo đã tự nguyện hy sinh tình yêu tuổi trẻ của bản thân vì sự sống và hạnh phúc của gia đình. Trong thời điểm oan khốc ấy, Kiều lấy việc đó làm hạnh phúc của mình. Nhưng khát vọng cá nhân chưa chết trong con người này, vì vậy sau phút quyết định bán mình, nàng đã một mình dằn vặt, nuối tiếc cho hạnh phúc yêu đương của mối tình đầu. Đây là lần cuối cùng trong đời, nàng sống với mối tình riêng; càng khao khát, thiết tha, lại càng ân hận, xót xa và đau đớn vì gia biến mà tình yêu tan vỡ.

Trong 15 năm lưu lạc, trải nhiều thăng trầm của cuộc đời, Thuý Kiều luôn cảm nhận một cách sâu sắc số phận đau khổ lưu lạc chìm nổi của mình. Trong mỗi dòng suy tư, tâm trạng của nhân vật thường xuất hiện nhiều thành ngữ. Nội dung và loại hình thành ngữ rất phong phú. Trong những ý nghĩ liên quan đến phạm trù tình cảm, đạo đức thiêng liêng xuất hiện nhiều thành ngữ có từ gốc Hán hoặc thành ngữ tiếng Việt có nội dung rút ra từ kinh sách Trung Hoa. Thuý Kiều nghĩ đến cha mẹ với bổn phận theo chữ hiếu bằng những thành ngữ: “quạt nồng ấp lạnh”, “chín chữ cao sâu", nghĩ đến lời thề lứa đôi bằng những thành ngữ: “thệ hải minh sơn", “nguyện ước ba sinh”... Khi ở nhà Hoạn Thư, chịu đựng một cơn ghen lạ đời của tiểu thư con quan Bộ Lại, Thuý Kiều kinh hãi nhận thấy thân phận mình đã rơi vào chốn “miệng hùm nọc rắn" “giết người không dao”. Thiết tưởng, không có cách nói nào dễ hiểu hơn, đúng hơn, hay hơn và hình tượng hơn hai thành ngữ này về sự hiểm nguy khi phải ở trong tay người đàn bà độc ác. Cái bề ngoài “thơn thớt nói cười” cũng là một nét tính cách của Hoạn Thư. Nhưng con người thực của tiểu thư họ Hoạn chỉ bộc lộ đầy đủ qua đoạn độc thoại khi “lửa tâm càng dập càng nồng”. Quả thực, Thuý Kiều đã nhạy cảm nhìn đúng sự cực hiểm của lòng người rồi dám liều “chắp cánh cao bay” để thoát thân.

Nhưng nhiều nhất, tập trung nhất là hệ thống thành ngữ biểu hiện số phận bé nhỏ, chìm nổi, lạc loài, bơ vơ như “hoa trôi bèo dạt”, “bên trời góc bể", “phận bèo bao quản nước sa ”, "mặt nước cánh bèo ”, “chiếc bách giữa dòng”, “cát lấp sóng vùi".. và về thân phận bị giày xéo, chà đạp, nhơ nhuốc như “dày gió dạn sương ”, “bướm chán ong chường ”, “mặt dạn mày dày ”, “ngọc nát hoa tàn ”, “nát ngọc tan vàng”... Đó là sự nhận thức thấm thía của con người từng trải nghiệm và lịch lãm. Hệ thống những thành ngữ có nội dung này được lặp lại trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Kim Trọng.

Trong Truyện Kiều, Kim Trọng là nhân vật có số lượng ngôn ngữ độc thoại nhiều thứ hai nhưng chỉ gồm 35 câu thơ. Nhiều tâm trạng, nỗi niềm của chàng lại được thể hiện ở dạng “ngôn ngữ nửa trực tiếp”. Ngôn ngữ nội tâm của Kim Trọng cũng mang nhiều cung bậc: nỗi bàng hoàng trước cảnh hoang tàn nơi vườn Thuý; sự hẫng hụt, trống vắng vì không được gặp lại người yêu. Mặc dù đã yên bề gia thất với Thuý Vân, nhưng chàng Kim vẫn luồn là người tình gắn bó, thuỷ chung của Thuý Kiểu. Suốt 15 năm xa cách, thâm tâm chàng Kim luôn cháy bỏng một khao khát tìm gặp Kiều với quyết tâm “treo ấn từ quan ", “vào sinh ra tử hoạ là thấy nhau". Trong ngôn ngữ độc thoại của Kim Trọng xuất hiện hàng loạt những tính từ trực tiếp biểu hiện tình cảm xót thương (như : lạc loài, lưu li, xót thay, ngẩn ngơ, bơ vơ, xót thân) đồng thời với sự xuất hiện hệ thống thành ngữ khái quát mang tính hình tượng về thân phận con người lưu lạc như: “ngọn bèo chân sóng", “hoa trôi nước chảy”, “trời thẳm vực sâu", “bóng chim tăm cá Những thành ngữ này cho thấy sự hiểu biết rõ rệt về hiện thực cuộc sống, sự cảm nhận sâu sắc với cảnh ngộ Thuý Kiều của chàng Kim. Nhưng nhiều hơn hết là tình yêu thương, là sự đồng điệu vế tâm hồn của chàng với người tình trăm năm lý tưởng.

Ngôn ngữ độc thoại trong Truyện Kiều là phương tiện có hiệu quả để khám phá và thể hiện chiều sâu tâm tư ẩn dấu bên trong nhân vật. Với những đoạn độc thoại, những cảm xúc, ý nghĩ, khát vọng thậm chí những mưu mô, tính toán thầm kín của các nhân vật đã được thể hiện tự nhiên, chân thực. Thành ngữ đã xuất hiện với một số lượng lớn trong ngôn ngữ nội tâm nhân vật. Thành ngữ là những đơn vị có sẵn trong kho từ vựng tiếng Việt nhưng sự vận dụng thường linh hoạt, phụ thuộc sự lựa chọn của chủ thể ngôn ngữ. Sử dụng chính xác văn cảnh, nội dung thành ngữ, làm gia tăng tính hình tượng, giá trị biểu cảm và mầu sắc độc đáo cho ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học. Trong ngôn ngữ độc thọại của nhân vật Truyện Kiều, thành ngữ là tín hiệu thẩm mĩ quan trọng góp phần cá thể hoá tâm trạng nhân vật, là phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật hiệu quả xây dựng hình tượng “con người cảm nghĩ” trong tác phẩm.

Trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều, thành ngữ được sử dụng theo một số nhóm có cùng trường nghĩa, thường tập trung biểu hiện những phương diện liên quan đến cảnh ngộ, thân phận Thuý Kiều trong 15 năm lưu lạc. Có thể nói, trong ngôn ngữ độc thoại các nhân vật, thành ngữ là phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật có ý nghĩa biểu hiện, kết tinh một chủ đề tác phẩm — chủ đề số phận bi kịch của con người.

Thành ngữ trong ngôn ngữ độc thoại của nhân vật Truyện Kiều được sử dụng linh hoạt. Ở Truyện Kiều, nhiều khi không thể phân biệt được thành ngữ nào là từ dân gian vào tác phẩm, cụm từ nào từ tác phẩm đi ra cuộc đời với chức năng thành ngữ. Nhưng chắc chắn có thể nói rằng, Nguyễn Du đã có đóng góp rất nhiều làm phong phú thêm cho kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Việc sử dụng một cách linh hoạt, tinh tế và sáng tạo thành ngữ trong Truyện Kiều là một trong những biểu hiện thiên tài ngôn ngữ của thi hào Nguyễn Du.

Với việc đưa một số lượng lớn thành ngữ vào Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thực hiện sự cố định hoá “lời ăn tiếng nói hàng ngày” trên văn bản viết. Với thành phần ngôn ngữ trực tiếp của nhân vật — ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ dân gian có nhiều điều kiện in dấu ấn vào tác phẩm. Đó là biểu hiện sinh động mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết. Kết quả của hai chiều ảnh hưởng giữa hai bộ phận của nền văn học dân tộc là sự nâng cao trình độ nghệ thuật và sức biểu hiện của ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ dân tộc. Trong quá trình đó, Nguyễn Du - “nghệ sĩ ngôn từ” vĩ đại của dân tộc đã có những đóng góp tuyệt vời, thành quả kết tinh trong cuốn “tiểu thuyết bằng thơ" - Truyện Kiều.