Phần mộ Đại thi hào Nguyễn Du


Phần mộ Đại thi hào Nguyễn Du

Khu lưu niệm Nguyễn Du được lập quy hoạch và tiến hành tôn tạo phục dựng lần đầu tiên vào năm 1965; đến nay đang hiện diện một số công trình như: nhà trưng bày, tượng đài Nguyễn Du, nhà dịch vụ đón tiếp khách tham quan, nhà Tư văn, đền thờ Nguyễn Du, đàn tế, khu mộ Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Nghiễm, đền thờ Nguyễn Trọng, lăng Vạn sự… Tuy nhiên, khu di tích hoàn toàn chưa xứng tầm vóc của Đại thi hào, nó chỉ mang tính chất lưu giữ để giới thiệu với du khách về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và một số danh nhân trong dòng họ mặc dù đã là một địa chỉ văn hóa để tham quan và nghiên cứu khá nổi tiếng.

Có thể thấy rõ điều này qua một số thí dụ sau: Năm 2010 có số lượng khách tham quan cao nhất cũng chỉ đạt tới con số 27.000 lượt, mà rất nhiều trong đó là cán bộ nghiên cứu chuyên ngành về Nguyễn Du hoặc về xem văn học Việt Nam.


Sự chưa tương xứng giữa thiên tài của thi nhân và lượng người tới khu lưu niệm đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một phương thức mới, qua đó không chỉ bảo tồn mà còn phát triển được giá trị của Truyện Kiều và các tác phẩm của Nguyễn Du và các tác gia trong dòng họ, trong làng xã; Khu văn hóa - du lịch chính là phương thức mới cần có.


Ngày 21/6/2005, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 117/TB-VPCP trong đó có nội dung đồng ý chủ trương tổ chức kỷ niệm 240 năm ngày sinh Đại thi hào và lập quy hoạch xây dựng Dự án Khu văn hóa - Du lịch Nguyễn Du.

Về xây dựng các công trình mới.

Vật thể hóa và tạo hình hóa: Sử dụng các yếu tố kiến trúc và cảnh quan, tượng và nhóm tượng, phù điêu, tranh tường cùng nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật xếp đặt trong không gian lớn để cụ thể hóa các hình ảnh được đặc tả trong văn chương Nguyễn Du, làm cho di sản thơ văn Nguyễn Du vốn được biểu hiện bằng ngôn ngữ sẽ trở thành vật thể tạo hình có thể nhìn thấy, sờ và cảm thấy được. Bằng các hình ảnh kiến trúc - cảnh quan, bằng các tác phẩm điêu khắc và hội họa thể hiện các tác phẩm của Nguyễn Du, được xếp đặt, bày dựng trong không gian lớn, du khách sẽ hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn thời đại của Nguyễn Du, hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn tâm tư, tài năng của ông.


Sự nghiệp thi ca của Đại thi hào được tập trung trong 2 cụm tác phẩm: Truyện Kiều và thơ Hán, Nôm. Nếu được chắt lọc và trưng bày trong không gian, trên con đường nơi ta đi, nơi ta ngồi trong nhà, dưới hàng hiên bóng mát, hay trên một phiến đá bất chợt ta nhìn thấy thì chữ nghĩa và ý tứ trong di sản thi ca Nguyễn Du đến với ta tự nhiên hơn, ấn tượng hơn và sâu sắc hơn. Ví dụ: Xây dựng cảnh quan và nhóm tượng Thúy Kiều, Thúy vân đến thắp hương mộ Đạm Tiên để có thể cảm và hiểu hơn một cách thị giác, trực giác và xúc cảm tức thời “Tài mệnh tương đố”; hoặc nếu như trên đường đến mộ Nguyễn Du để thắp nén nhang thành kính, ta bắt gập câu thơ khắc trên phiến đá to được bày trên thảm cỏ lăn tăn ngọn gió: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như… Ta sẽ thấm hơn nỗi buồn vô hạn của thi sĩ, mùi hương đốm lửa như chiếc cầu đưa ta đến bái viếng và giao cảm với ông, gần ông hơn và giao cảm ông sâu sắc hơn và nhớ lâu hơn câu thơ bất hủ đó…

Ngôn ngữ tạo hình: Các công trình kiến trúc và cảnh quan là bối cảnh để tác phẩm điêu khắc, hội họa thể hiện nội dung, thể hiện lời thơ, ý văn. Kiến trúc có thể được xây dựng đầy đủ, hiện thực hoặc tượng trưng; các tác phẩm điêu khắc có thể là tả thực, có thể tượng trưng để miêu tả tâm trạng và quan niệm của Đại thi hào, của bản thân tác phẩm thi ca.


Các không gian được xây dựng trong khu văn hóa - du lịch là các công trình nghệ thuật ngay cả các chữ tiếng Việt, chữ Hán - Nôm được khắc trên đá không chỉ làm nhiệm vụ chuyển tải nội dung câu thơ mà tự nó là một tác phẩm thư pháp…