Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thân Văn Lư, (1908- 1990), người dân tộc Tày, quê ở xóm Pác Cam, xã Bình Long (Hòa An), là Lão thành cách mạng, nguyên là Phó Giám đốc Sở Văn hóa Khu tự trị Việt Bắc dịch ra tiếng Tày - Nùng.

 

Cuốn Truyện Kiều tiếng Tày, Nùng


Tác phẩm được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh cho công bố và xuất bản năm 2006. Sách có khổ 19 cm x 13 cm, dày 228 trang, dịch đủ 3.254 câu, có các chú giải cả về từ ngữ, thành ngữ tiếng Tày - Nùng.


Nhà nghiên cứu Thân Văn Lư đã tiến hành dịch cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Tày- Nùng trong thời gian 20 năm (1956 - 1976). Khi dịch xong vào năm 1976, ông đã đem công trình trình lên Hội đồng Xuất bản tỉnh để in ấn phát hành, song do điều kiện, hoàn cảnh thời điểm đó chưa thể xuất bản nên cuốn sách trở thành tài sản của gia đình.


Bà Thân Thị Kim Liên, nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Việt Nam tại Thị xã, là con gái của nhà nghiên cứu Thân Văn Lư đã có công trong việc biên khảo và đưa tác phẩm đến các cơ quan chức năng cho in ấn phát hành cuốn sách của cha mình. Trao đổi với bà, chúng tôi được biết: Sinh thời cụ Thân Văn Lư là một nhà Nho học, lúc còn ấu thơ, cụ được học chữ nho và trường Pháp - Việt, tốt nghiệp thành trung, cụ đi dạy học, tham gia cách mạng. Việc nghiên cứu văn hóa lịch sử là sự say mê của cụ, công tác dịch thuật cũng là đam mê. Cụ đã dịch nhiều bài thơ Hán - Nôm của Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Nguyễn Trãi ra tiếng Tày - Nùng. Cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du được cụ dịch ra tiếng Tày - Nùng là cả một sự khổ công, nỗ lực của cụ với mong muốn Truyện Kiều được phổ biến, lưu truyền trong cộng đồng người Tày - Nùng, đồng thời, cũng là để giữ gìn kho báu về ngôn nữ Tày - Nùng cho mai sau.


Đọc tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Tày - Nùng của nhà nghiên cứu Thân Văn Lư, chúng tôi thấy rất thú vị và khâm phục vì ông đã sáng tạo từ thể thơ lục bát trong Truyện Kiểu của Nguyễn Du sang thể thơ bảy chữ (là thể thơ quen thuộc của người Tày - Nùng hay dùng khi làm phong slư hay hát lượn, then, đàn tính). Tác phẩm đều đảm bảo đúng số câu và số chữ trong Truyện Kiều.


Có thể nói, tác phẩm có giá trị nghệ thuật và văn hóa lớn mà nhà nghiên cứu Thân Văn Lư đã dành tâm huyết cả đời để gìn giữ và phát huy vốn ngôn ngữ Tày - Nùng của dân tộc.