Tam giáo đồng nguyên là nét đặc trưng điển hình trong tư tưởng Nguyễn Du. Trong đó, Nho giáo có những ảnh hưởng sâu sắc tới các tư tưởng chính trị, đạo đức và nhân sinh của ông. Tư tưởng đạo đức của Nguyễn Du mang hình thức ngôn từ Nho giáo nhưng thấm đượm nội dung Phật giao và dân gian, nên nó không khắc nghiệt như đạo đức Tống Nho. Giá trị đạo đức do Nguyễn Du tạo lập mang tính đa diện, gắn kết đa chiều: không gian - thời gian - con người - giá trị, nên nó mang đậm phong cách Việt. Tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Du chịu ảnh hưởng cùa vũ trụ quan Nho giáo nhưng có giá trị nhân văn cao cả. Với ông, đời người và xã hội vận động theo luật phản phục, bĩ cực thái lai; mỗi người có một số phận do mệnh trời quy định, nhưng nếu nỗ lực hành thiên thì số phân ấy có thể cải biến được. Với quan niệm này, ông đã cố gắng thoát ly khỏi ảnh hưởng Nho giáo để trở về với những giá trị nhân văn của dân tộc.


Nguyễn Du (1765-1820) là đại văn hào của Việt Nam. Những tác phẩm văn học ông để lại cho đời, như Truyền Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh... không chỉ là những áng văn chương tuyệt mỹ, mà còn bao chứa những nội dung tư tưởng phong phú và sâu sắc, có sức mạnh cảm hoá, chinh phục nhân tâm mọi thế hệ người Việt Nam, bởi chúng hàm chứa rất nhiều triết lý xã hội nhân vàn đặc sắc và tiêu biểu cho lốĩ tư duy của người Việt. Chúng ta thấy hiển hiện trong mọi lĩnh vực tư tưởng của ông tất cả các sắc thái của triết lý phương Đông, từ Nho giáo, đến Phật giáo và Lào giáo. Ông là một nhà tư tưởng điển hình với đặc trưng tam giáo đồng nguyên, lấy Phật giáo làm trụ cột, Nho giáo làm chuẩn mực và Lào giáo làm điểm tựa tinh thần trong những cơn bĩ cực. Người trí thức Việt Nam luôn dung hoà trong bản thân ba cốt cách, ba lối sống, ba cách thể hiện cuộc đời tinh thần và thực tiễn của mình, và Nguyễn Du là điển hình cho mẫu người đó. Bài viết này chỉ khảo cứu những khía cạnh ảnh hưởng của Nho giáo nhằm làm sáng tỏ vị trí của học thuyết này trong tư tưởng của ông.

Ảnh hưởng của Nho giáo trong tư tưởng chính trị - đạo đức của Nguyễn Du

Là một công tử thượng lưu phong kiến, ông được giáo dục và mặc nhiên thừa nhận các giá trị Nho giáo như là nhũng rường cột tạo lập và vận hành xã hội. Với Nguyễn Du, Nho giáo giống như một chiếc áo khoác quý giá bao trùm lên các hoạt động của mọi thành viên trong xã hội, khiến cho tất cả đi theo cùng một lối, trật tự và chuẩn mực. Lý tưởng xã hội của ông không ra ngoài lý tưởng xã hội Nho giáo với vua sáng, tôi hiền, tôn ti trật tự rõ ràng, công hầu khanh tướng rộn rịp, dân lành vui sống thảnh thơi, đất nước thanh bình với cảnh thái hoà.

Những lý tưởng đạo đức Nho giáo của Nguyễn Du như lòng trung, hiếu, đức trinh đã được ông chiêm nghiệm và khảo sát qua thực tiễn thời đại ông, được nhào trộn với các giá trị đạo đức Phật giáo và dân gian, và cuối cùng, được điển hình hoá và khái quát hoá. Đó là những phạm trù đạo đức mang hình thức ngôn từ Nho giáo nhưng thấm đượm tinh thần Phật giáo và dân gian đã khiến cho tư tưởng Nho giáo ở Nguyễn Du không còn sự cứng nhắc, sự khắc nghiệt, tính bảo thủ như trong Tống Nho, cũng không còn tính huyền bí như trong Hán Nho. Các giá trị đạo đức Nho giáo, trong cách triển khai của Nguyễn Du, là những phạm trù mở, luôn gắn kết với ngữ cảnh và con người cụ thể và được ông tạo lập một cách đa diện mang phong cách Việt: Không gian - thời gian - con người - giá trị. Ví dụ, trong bối cảnh gia biến, khi tình huống cấp bách cần một đối sách tức thời, với bản chất đa sầu đa cảm và luôn có trách nhiệm với gia đình, Kiều đã bán mình, thực hiện đạo hiếu. Đức hiếu của Kiều trong không - thời gian đó mang giá trị động, đã được nhân lên gấp bội phần so với chuẩn mực về hiếu thông thường trong Nho giáo với các quy định cứng nhấc như: con cái phải nghe lời cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già, thực hiện đúng các nghi lễ tang gia khi cha mẹ khuất núi... Nói cách khác, tính tòng quyền trong đánh giá đạo đức của Nguyễn Du đã thổi một luồng sinh khí mới, mang đặc trưng riêng của tư duy Việt Nam vào các chuẩn mực Nho giáo.

Tương tự như vậy, Nguyễn Du đã đánh giá đức trinh của người phụ nữ trong những không - thời gian - con người cụ thể để khẳng định nàng Kiều, một phụ nữ đã trải qua mười lăm năm lưu lạc với hai lần vào lầu xanh, hai lần lấy chồng, là một phụ nữ trinh tiết. Sự trinh tiết của nàng Kiều là sự trinh tiết về tinh thần. Qua biết bao ô nhục của cuộc đòi nhưng tình yêu đối với cái thiện, khát vọng, mong ước được sống trong sạch, được vươn tới điều thiện vẫn luôn là động lực sống của nàng. Và đó chính là phần tâm trinh tiết của Thuý Kiều mà không một cản trở nào cùa cuộc đời có thể động chạm vào, phá huỷ được. Đặt người phụ nữ có cuộc đời ba chìm bảy nổi, đa tài đa sắc phải chịu nhiều nỗi oan khiên nhưng vẫn son sắt các đức tính trung, hiếu, trinh và luôn hướng thiện làm hình tượng trung tâm, làm con người điển hình mà vây quanh nàng, những đấng trượng phu như Từ Hải cũng trở nên vô cùng mờ nhạt, Nguyễn Du đã kế thừa và quán triệt tới tận cội nguồn truyền thống coi trọng phụ nữ cùa người Việt Nam.

Hơn bất cứ tác giả nào trong văn học Việt Nam, trong toàn bộ di sản thơ mà Nguyễn Du để lại, hình tượng người phụ nữ luôn chiếm vị trí hàng đầu và luôn đẹp. Và, trong các tác phẩm của ông, chung ta khó tìm được một người quân tử nào tương xứng với hình tượng người phụ nữ mà ông đã xây dựng. Hơn nữa, người phụ nữ trong thơ của ông lạị chính là người ôm trọn những đức tính điển hình của người quân tử theo quan niệm Nho giáo. Sự chuyển đổi con người lý tưởng — người quân tử - từ nam sang nữ trong quan niệm của Nguyễn Du là một bước đột phổ lớn, chứng tỏ ảnh hưởng Nho giáo trong tư tưởng của ông chỉ giới hạn ở một phạm vi hạn hẹp, như là sự cung cấp bộ phạm trù, khái niệm đóng vai trò công cụ biểu đạt tư tưởng hơn là chính tư tưởng của ông. Hơn nữa, việc Nguyễn Du chủ động đưa người phụ nữ thay thế mẫu người quân tử lý tưởng trong Nho giáo là một bằng chứng hết sức hiển nhiên về bản chất tư tưởng Việt rất sâu sắc và quan trọng trong toàn bộ đời sống tinh thần của ông.

Nguyễn Du là một nhà Nho. Vì vậy, dù cuộc đời chìm nổi, xã hội loạn lạc, ông vẫn luôn khao khát được gánh vác việc đời

Trước các cuộc nổi dậy của người dân chống lại chính quyền, ông cho rằng người làm quan phải lấy lợi ích của người dân để giải quyết chứ không nên làm trầm trọng thêm sự việc hay trốn tránh trách nhiệm: “Dân đen không chịu nổi đói rét, lo bát cơm mà xem nhẹ tính mạng. Dân nổi lên làm loạn thì không khác gì trẻ con chơi đùa binh khí trong ao chuôm, có đáng kể gì, chỉ cần cứu tế một ít là dân yên ngay. Không nên nói: “Dân chết là tại trời làm mất mùa chứ không phải tại ta” để dối lòng và bưng bít nhà vua”.

Thi thoảng trong di cảo của mình, ông đưa ra quan niệm về người quân tử, người đại dũng “người đại dũng không cần dùng sức mạnh” mà vẫn chinh phục được kẻ thù, thu phục được người khác. Nguyễn Du cho rằng, việc giữ gìn bờ cõi phải giao cho bậc lão thành. Bậc lão thành “là người trong thì xem xét tình thế nước nhà, ngoài thì xem xét tình hình kẻ địch. Sở dĩ Liêm Pha ra trận là đánh thắng, chính vì biết quên thù riêng...".

Ảnh hưởng của vũ trụ quan Nho giáo trong tư tưởng về nhân sinh của Nguyễn Du

Vũ trụ quan Nho giáo ảnh hưởng nhiều trong quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời, về con người, đặc biệt là quan niệm về âm dương, vận hội thời thế. Ông cho ràng, mỗi người có một số phận riêng, mà số phận ấy là do mệnh trời quy định :

“Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao” .

Trời trong quan niệm của Nguyễn Du như một vị chúa có nhân cách, thường chỉ ban cho mỗi con người một ưu thế nhất định nào đó, nhưng khi ban cho rồi lại lấy đi của hộ một ưu thế khác, khiến cho con người không bao giờ được trọn vẹn những điều mong ước. Ông trời trong quan niệm của Nguyễn Du đặc biệt lại là người rất đố kỵ với người có tài:

“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

“Nghĩ đời mà chán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!".

Tuy nhiên, ông trời dường như có nhân cách đó của Nguyễn Du lại chính là tự nhiên bao chứa các quy luật vận động tuần hoàn theo lẽ biến dịch, phản phục, âm cực dương hồi, bĩ cực thái lai:

“Đời người đến thế thì thôi
Trong cơ âm cực dương hồi khôn thay”.

Nhưng cái quy luật phản phục mà Nguyễn Du gọi là cơ trời ấy (máy tạo hoá), cũng vẫn là do ông trời quyết định. Ông cho rằng, chính bộ máy tạo hoá, sự vận hành âm dương theo lẽ phản phục đã quyết định đến bước đường đời của mỗi con người. Cố nhân nỗ lực hoạt động nhưng thành hay bại là do cơ trời. Và, trong sân khấu cuộc đời, trên trường chính trị, chưa biết cá nhân thành hay bại như thế nào nhưng đã biết bao nhiêu con người, số phận phải chết oan uổng:

"Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan".

Trong cuộc đời, trong xã hội bị điều khiển bởi luật âm dương phản phục ấy, mỗi con người còn bị ràng buộc bởi những quan niệm hữu hạn về danh và lợi. Vì cái danh mà người ta phải đua chen với nhau. Nguyễn Du nhận thấy sự vô nghĩa của danh lợi, nhưng cũng không thể sống ngoài vòng danh lợi: “Cho hay đời người, uy quyền, danh lợi thực là vô vị, thế mà xưa nay nào ai phá được giấc mê ấy”. Tuy nhiên, ông luôn luôn coi danh lợi là phù du như đám mây nổi và chỉ mong cởi bỏ được cái áo phù hoa ấy để trở về với những giá trị đích thực của cuộc sống, với những thú vui giản dị, gần gũi thiên nhiên. Ông coi tình yêu với thiên nhiên, với quê hương đất nước là những giá trị chân thực nhất của cuộc đời: “Vinh hoa như áo gấm ban đêm, chỉ là ảo ảnh ở ngoài thân mà thôi. Danh lợi như đám mây buổi sáng thay đổi ngay trước mắt. Năm này qua năm khác, ruộng dưa lại chín. Hết khổ lại sướng, nhất định có ngày được về”.

Vị trí của Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Du

Qua một số ví dụ trên, chúng ta thấy Nho giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng Nguyễn Du. Hệ khái niệm được ông sử dụng là của Nho giáo. Những quan niệm về thế giới quan, đạo đức - nhân sinh của ông được phản ảnh bằng các khái niệm Nho giáo. Tuy nhiên, trong tư tưởng Nguyễn Du, Nho giáo đóng vai trò như cái vỏ ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng của ông mà những tư tưởng ấy không thể kết luận một cách giản đơn là thuần Nho. Những phân tích ở trên cũng đã phần nào cho ta thấy, bên dưới cái vỏ ngôn ngữ, khái niệm Nho giáo ấy chứa đựng rất nhiều lớp nội hàm phi Nho.

Đặc biệt, nếu như trong quan niệm chính trị của Nho giáo thường để cao đường lốì nhân nghĩa, lấy dạo đức làm đường lối trị nước thì trong quan niệm của Nguyễn Du, tư tưởng nhân chính ấy rất mờ nhạt. Sự mờ nhạt ấy, một mặt, phản ánh sự thật là Nguyễn Du thiên về xu hướng văn học hơn là chính trị; ông là một văn nhân hơn là một chính trị gia, dù ông đã làm quan, đi sứ...; mặt khác, cũng ngầm phản ảnh tư tưởng của Nguyễn Du không còn tin vào giá trị của đường lối đó nữa. Những biến động xã hội to lớn làm đảo lộn các giá trị tới tận gốc rễ, những cuộc thay họ đổi ngôi chớp nhoáng và sự đen bạc của lòng người khôn lường trong thời buổi loạn lạc đã khiến Nguyễn Du không còn đủ niềm tin vào những lý tưởng chính trị và đường lối chính trị mà ông đã được dạy dỗ như những niềm xác tín từ thuở nhỏ. Trong sự khủng hoảng chung của xã hội và cá nhân, Nguyễn Du đã chiêm nghiệm một lối đi riêng mang đậm ảnh hưởng Phật giáo. Tuy nhiên, đây là vấn đề ra ngoài phạm vi bài viết này.

Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo như mọi nhà tư tưởng Việt Nam điển hình thời phong kiến, nhưng tư tưởng của Nguyền Du vẫn có những nét đặc sắc riêng. Đó là sự thoát ly khỏi ràng buộc của các chuẩn mực đạo đức và chính trị Nho giáo, là sự nhận thức và xây dựng một tư tưởng tổng thể về nhân sinh dựa trên vũ trụ quan của Nho giáo kết hợp với Phật giáo. Chính những nét đặc sắc này đã góp phần tạo nên chiều sâu và tầm rộng trong tư duy nhân văn của Nguyễn Du; đồng thời, góp phần làm cho tư tưởng của ông trở nên gần gũi hơn với mọi tầng lớp và thế hệ người dân Việt Nam.